Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn - Khúc hát con đường

Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn, gây cho tôi một tò mò không hề nhỏ...

Anh là “dân giao thông”, cả đời gắn với các con đường, bê tông, cát sỏi; nguyên là Tổng giám đốc 2 ban quản lý dự án giao thông chủ lực của ngành Giao thông vận tải. Thời gian dài nhất trong “sự nghiệp” cống hiến là Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh – con đường từ lâu đã trở thành huyền thoại.

Phạm Hồng Sơn cùng tuổi tôi, “canh cô mậu quả”. Nhiều lúc tôi nghĩ không biết có phải nhờ “cô đơn”, những trái tim “tội nghiệp” tuổi Canh Tý mới bật lên thành thơ, thành nhạc hay không? Tôi cứ nghĩ thơ hay âm nhạc phần lớn là nước mắt của trái tim.

Phạm Hồng Sơn sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Đàn. Cha anh quê ở Quảng Ngãi, mẹ Nghệ An. Cha mẹ anh gặp nhau ở mảnh đất Nghĩa Đàn khi cha anh ra tập kết. Tuổi thơ và thời trai trẻ của anh đã gắn liền với một vùng quê đầy nắng gió. Anh tâm sự: “Dù có ở đâu, đi đâu tôi vẫn luôn nhớ về Nghĩa Đàn. Nơi đây, tôi đã cất tiếng khóc chào đời trong lời ru của mẹ và tình thương của cha”.

Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn.

Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn.

Tuổi thơ của Phạm Hồng Sơn gắn với Nông trường 1/5 ở Nghĩa Đàn, với dốc Bò Lăn bị địch đánh phá rất ác liệt. Kể đến đây, dường như thấy tôi ngạc nhiên về cái tên Bò Lăn, anh giải thích: “Cái tên Bò Lăn cũng được ra đời từ sự ác liệt đó. Đó là dốc trọng điểm bị bắn phá, con người đi qua đó phải vừa bò, vừa lăn chứ không phải là con bò lăn như trong tiềm thức tuổi thơ của mình”.

Phạm Hồng Sơn kể, hồi ở Nông trường 1/5, một người anh họ từ Liên xô về có mang theo cây đàn guitar rất đẹp, thời đó được coi là hàng quí hiếm bậc nhất. Đêm đêm người anh ôm đàn hát cho bọn trẻ Nông trường nghe những bản dân ca Nga lúc êm đềm, lúc sôi nổi, hay vô cùng. Vốn có “máu văn nghệ” Phạm Hồng Sơn ngồi nghe say sưa từ đầu cho đến khi anh đi ngủ mới về nhà. Thấy vậy người anh khuyến khích: “Nếu em thi đậu Đại học thì anh sẽ tặng cho em cây đàn này luôn”. Đêm 15/10/1977, hôm đó là thứ 7, giấy báo Phạm Hồng Sơn đậu Đại học Giao thông Đường sắt – Đường bộ Hà Nội (nay là Đại học Giao thông vận tải) về đến nhà. Mừng vô kể, Phạm Hồng Sơn cầm ngay Giấy báo sang luôn nhà người anh họ: “Anh ơi, em đỗ đại học rồi này!”.

Thực hiện lời hứa của mình, người anh tặng Phạm Hồng Sơn cây đàn. Vác cây đàn Guitar lên vai, Phạm Hồng Sơn ra Hà Nội nhập học, dù chưa biết nốt nhạc nào. Rất may cho Phạm Hồng Sơn một bạn học biết chơi đàn, dạy cho anh gam Rê thứ (D) thứ đầu tiên. Tiếp đến Phạm Hồng Sơn đi tàu điện xuống Bờ Hồ tìm “thầy chính hiệu” để học Guitar, và nhạc sỹ Ngọc Thanh ở số 1 Hàng Trống đã nhận dạy anh. Tuy chỉ được học thầy Ngọc Thanh được có 8 buổi nhưng nhờ đó anh biết nhạc lý, biết cách sử dụng cây đàn và quan trọng hơn Phạm Hồng Sơn bắt đầu sáng tác.

Tôi gặp nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn nhiều lần. Và hầu như buổi trò chuyện, tôi vẫn chưa thể lý giải được vì sao một người đàn ông luôn mạo hiểm, dấn thân vào những công việc gian khổ kia lại là một người yêu văn nghệ đến say mê đến thế. Ba tuổi Phạm Hồng Sơn đã tham gia hoạt động văn nghệ tại địa phương. Những năm 80 anh đã có tác phẩm đầu tay. Mê hát, tự học đàn ghitar để thỏa ước nguyện sáng tác những gì mình yêu thích.

Dịp Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kỷ niệm 10 năm thành lập, năm 2010, anh tặng tôi một tập ca khúc lấy tên một tác phẩm anh đã sáng tác những ngày đầu vào Tây Nguyên để làm tựa đề: “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh” cùng một CD tuyển chọn một số sáng tác. Trong CD đó, có một số ca khúc anh tự trình bày. Những ca khúc gắn liền với những con đường, về quê hương và cuộc hành trình mà anh đã và đang trải qua. Anh tâm sự với tôi, những tác phẩm này làm hành trang trong cuộc đời anh.

Trong câu chuyện, nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn nhắc với tôi về những con số đã gắn với cuộc đời anh. Mới nghe thì có vẻ hơi mê tín nhưng nghe rối thì mới thấy nó là số phận. Con số đầu tiên gắn với cuộc đời anh là con số 9. Anh sinh năm 1960, nhưng tuổi âm lại là 1959, đó cũng là năm con đường chiến lược Trường Sơn (sau này mang tên Đường Hồ Chí Minh) bắt đầu khởi sự. Năm 1969 Bác Hồ mất. Năm 1979, khi là sinh viên năm thứ nhất, anh được phân công vào Nhà sàn của Bác để tu sửa con đường mà mỗi buổi sớm mai Bác Hồ vẫn đi. Năm 1989, anh sáng tác bài hát “Con đường của Bác, đường Hồ Chí Minh”. Năm 1999, đường Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị cho chủ trương xây dựng giai đoạn 1.

Nói chuyện với Phạm Hồng Sơn về con đường cũng như âm nhạc, tôi thấy ở anh lòng nhiệt huyết dường như không cạn. Mỗi bước đi trong cuộc hành trình đầy gian khó của anh là một thử thách để có thêm những kinh nghiệm quý báu. Anh kể, năm 1998, khi công trình đường Hồ Chí Minh gặp khó khăn chưa thực hiện được, đó là lúc anh hẫng hụt, bi quan và chán nản nhất. Nhưng có lẽ số phận đã như một sợi dây vô hình kéo anh trở lại. Còn rất nhiều gian khó ở phía trước để biến ước mơ của anh và của triệu triệu trái tim người Việt Nam trở thành hiện thực.

Nhạc sỹ, Tổng giám đốc Phạm Hồng Sơn cùng các đồng nghiệp của mình có một hạnh phúc lớn lao là quản lý thi công dự án mà tên con đường cũng là tên của con người huyền thoại Hồ Chí Minh trải dài từ Pắc Bó (Cao Bằng) tới tận Đất Mũi (Cà Mau) của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Pắc Bó, nơi khởi nguồn của cách mạng là “Km 0” con đường, Cà Mau nơi tận cùng và có “Tọa độ 0” của Tổ quốc.

Một bất ngờ thú vị đối với tôi là khi xem danh sách các tác phẩm âm nhạc của Phạm Hồng Sơn cùng với những giải thưởng cao quý Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng, tác phẩm âm nhạc của anh được cất lên qua nhiều giọng hát của các ca sĩ nổi tiếng như: NSND. Thu Hiền, NSƯT. Hồng Hạnh, NSND. Vy Hoa, các ca sĩ Trọng Tấn, Thúy Nội, Thanh Vinh...Tất nhiên, ca sĩ không chuyên Phạm Hồng Sơn đã từng biểu diễn các ca khúc của anh ở nhiều thời gian và địa điểm khác nhau.

Các ca khúc của nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn chủ yếu là “nhạc đỏ”, truyền thống. Điều này rất dễ lý giải bởi cuộc sống, sự nghiệp của anh gắn liền với con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh, gắn liền với quan hệ hữu nghị giữa kỹ sư, công nhân người Việt Nam và Cu ba trên tuyến được của tự hào và khát vọng này.

Gặp Phạm Hồng Sơn lần nào, tôi cũng có cảm giác phải loay hoay tìm ra cho mình một lời giải đáp cho thắc mắc: Nguồn cơn nào mà từ một kỹ sư công trình cho đến một Tổng giám đốc của ngành Giao thông vận tải lại có thể trở thành một nghệ sỹ được đồng nghiệp và công chúng mến mộ, từng đoạt các giải thưởng cao quý, từng cho ra mắt nhiều đĩa CD âm nhạc cá nhân, từng có nhiều tác phẩm âm nhạc được các nhà xuất bản tin dùng và tái bản nhiều lần? Có lúc người nhạc sĩ tài hoa này đã từng tự nhận những ca khúc của mình là những ca khúc bình dị, hát như là sống. Có lẽ hát như sống và cống hiến là câu trả lời cho chính thắc mắc của tôi.

Cho đến nay, “gia tài” âm nhạc “tay ngang” của Phạm Hồng Sơn cũng không hề nhẹ. Về in chung, anh đã có “Con đường của Bác đường Hồ Chí Minh”, NXB Thanh niên, năm 2001, đã tái bản lần thứ 3; “Con đường của Bác đường Hồ Chí Minh”, NXB Âm nhạc Dihavina, năm 2009. Những ca khúc trong các CD này đã được sản xuất thành Album đĩa hát (CD) cùng tên (Album Phạm Hồng Sơn 1, Phạm Hồng Sơn 2 mang tên “Con đường của Bác đường Hồ Chí Minh”.

Về in chung, anh có “Hát mãi với Trường Sơn”, NXB Thanh niên, năm 2001, đã tái bản lần thứ 2; “Con đường mở hướng tương lai”, NXB Giao thông vận tải, năm 2003; “Hồ Chí Minh – Người sống mãi với non sông”, NXB Thanh niên và Bảo tàng Hồ Chí Minh, năm 2005; “Đường Hồ Chí Minh, những tháng năm”, NXB Hội Nhà văn, năm 2005.

Phạm Hồng Sơn đa tài hơn tôi tưởng, ngoài các ca khúc, anh còn là chủ biên cuốn sách “Đường Hồ Chí Minh – Rạng ngời sức sống Việt Nam”, NXB Văn học, năm 2015. Cuốn sách này đã được Đài truyền hình Việt Nam giới thiệu trong chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách” sau khi xuất bản.

Bia sách Bắt đầu từ Huyền thoại.

Phạm Hồng Sơn không chỉ những bài hát gắn với công cuộc đổi mới của đất nước, với những vùng đất mà anh đến, mà còn sáng tác những bài hát tình yêu lứa đôi. Với Phạm Hồng Sơn, hát và sáng tác là sự tự nhiên, thấm thía và dào dạt của người trong cuộc. Có da diết dân ca. Có khỏe khoắn của hành khúc. Có nồng hậu của núi rừng. Có vời vợi của những con đường, bất tận. Và đặc biệt là có một trái tim chan chứa yêu người, yêu đời…

Tháng 10/2019, tôi cùng với mấy anh em nhà văn, nhạc sỹ được Phạm Hồng Sơn trở lại Pắc Bó, trong chuyến đi đầy ký ức. Cuộc đi giúp tôi được tắm mình trong khởi nguồn của dòng chảy lịch sử, của con đường lý tưởng và con đường đất nước. Tôi cũng được gặp lại nhiều bạn bè thời sinh viên của Phạm Hồng Sơn, những tri kỷ. Tôi ngộ ra, người nào sống thủy chung, trái tim họ đã chất chứa những giai điệu đẹp. Có thêm tài năng, âm nhạc sẽ bay lên./.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nhac-sy-pham-hong-son--khuc-hat-con-duong-d117857.html