Nhạc sĩ Y Vũ phản ứng việc nhầm lẫn ảnh với anh trai quá cố Y Vân

Nhạc sĩ Y Vũ tỏ ra rất bức xúc trước việc nhiều chương trình truyền hình, báo chí đang sử dụng nhầm lẫn hình ông và anh trai là cố nhạc sĩ Y Vân.

Nhạc sĩ Y Vũ - Ảnh: Tiểu Vũ

Sáng 28.11, nhạc sĩ Y Vũ đã có cuộc gặp gỡ phóng viên báo điện tử Một Thế Giới để chia sẻ về những bức xúc mà ông đang gặp.

“Thời gian gần đây tôi phát hiện ra một số trang báo, trang điện tử đã sử dụng một tấm hình của tôi và nói rằng đây là hình của anh Y Vân. Thật ra đây là hình của tôi chụp vào khoảng năm 1998 tại nhà hàng Arnold (nơi ông cộng tác chơi nhạc từ năm 1977 - P.V ) . Tôi không nhớ rõ ai chụp tấm ảnh này, có thể người chụp sẽ nhớ rõ hơn. (hình dưới).

Tấm ảnh của nhạc sĩ Y Vũ do một người bạn chụp vào khoảng năm 1998 tại một phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn đang bị rất nhiều phương tiện truyền thông sử dụng và chú thích là nhạc sĩ Y Vân - Ảnh: NVCC

"Hình này hiện đang bị sử dùng nhầm lẫn tràn lan trong nhiều chương trình sân khấu ca nhạc, trên các trang nghe nhạc trực tuyến lớn nhỏ. Thậm chí một số chương trình truyền hình phát sóng trên toàn quốc cũng đưa hình sai. Chương trình của tôi thì đưa hình của anh tôi là nhạc sĩ Y Vân”, nhạc sĩ Y Vũ bức xúc.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới nhạc sĩ Y Vũ khẩn thiết nói: “Tôi không thể liên lạc được với tất cả báo đài, trang điện tử... trong và ngoài nước để đề nghị đính chính sửa đổi. Thông qua báo điện tử Một Thế Giới, tôi đề nghị các đơn vị đã sử dụng nhầm lẫn ảnh của tôi và anh Y Vân nên cẩn thận rà soát lại. Nhầm lẫn đó sẽ làm vong linh của anh tôi đau lòng. Bản thân tôi cũng thấy tổn thương khi mình vẫn còn sống mà được gắn thành hình đại diện của người anh quá cố".

Di ảnh của nhạc sĩ Y Vân - Ảnh: NS Y Vũ cung cấp

Nhạc sĩ Y Vũ cũng cho hay có một sự khác biệt trong hình ảnh của ông và anh trai Y Vũ. Đó là cả hai anh em có ngoại hình khá giống nhau, và đều hút thuốc lá nhiều như nhau, tuy nhiên Y Vũ có thói quen hút thuốc dùng tẩu (đốt đầu lọc) để gắn thuốc vào hút, còn anh trai Y Vân thì không bao giờ dùng tẩu.

Vì vậy nếu thấy bất cứ hình ảnh nào trôi nổi trên mạng mà người hút thuốc dùng tẩu thì chắn chắn không phải hình của nhạc sĩ Y Vân.

Hai anh em nhạc sĩ Y Vân (trái) - Y Vũ thời trẻ - Ảnh: NVCC

Khi phóng viên hỏi ông có yêu cầu gì đó với các đơn vị đã sử dụng tấm ảnh của ông mà nói của là Y Vân, nhạc sĩ Y Vũ trả lời: “Tôi mong muốn tất cả những phương tiện truyền thông đã sử dụng hình ảnh nhầm lẫn giữa tôi và anh Y Vân trong thời gian tới nên cho gỡ tất cả những tấm đã sử dụng một cách nhầm lẫn. Sau một tháng, nếu không có biện pháp khắc phục tôi sẽ làm yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ”.

Để kiểm chứng những gì nhạc sĩ Y Vũ nói, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ thông qua trong tìm kiếm Google. Thực tế cho thấy rất nhiều trang báo, trang nghe nhạc trực tuyến... đã sử dụng hình của nhạc sĩ Y Vũ và cho rằng đây là hình của nhạc sĩ Y Vân, kể cả việc ghi thẳng lên tấm hình bằng dòng chữ “Nhạc sĩ Vân”.

Rất nhiều phương tiện trên mạng đã sử dụng tấm hình nhạc sĩ Y Vũ cầm tẩu và cho rằng đây là nhạc sĩ Y Vân - Ảnh chụp màn hình

Nhạc sĩ Y Vũ tên thật là Trần Gia Hội, sinh năm 1942 tại Hà Nội trong một gia đình không có truyền thống về âm nhạc. Rất may mắn cho Y Vũ khi ông có người anh trai là nhạc sĩ nổi tiếng Y Vân. Chính nhạc sĩ Y Vân đã gieo tình yêu âm nhạc cho Y Vũ khi tuổi ấu thơ, trong những ngày sống với gia đình ở Hà Nội. Nhạc sĩ Y Vân đã truyền tất cả những ngón nghề âm nhạc cho người em trai. Năm 1954 gia đình Y Vũ di cư vào Nam, ông trở thành một nhạc công lão luyện và chơi nhạc cho các quán bar vũ trường ở Sài Gòn và Vũng Tàu.

Người yêu âm nhạc biết đến ông qua những bài hát như Kim, Ngày cưới em, Chuyện loài hoa dang dở, Chuyện tình đầu, Tiếng hát về đêm… Mỗi tác phẩm của Y Vũ đều mang đậm dấu ấn của kỷ niệm và nỗi niềm của riêng ông. Nói đến Y Vũ người ta còn nhắc đến bài hát Tôi đưa em sang sông, nhưng nhạc phẩm này cũng mang cho đến cho Y Vũ những phiền muộn day dứt không nguôi về quyền tác giả.

Sau năm 1975, cuộc sống của nhạc sĩ Y Vũ bị xáo trộn và lâm vào cũng thiếu thốn nghèo khổ. Do mưu sinh ông phải đi làm kinh tế mới ở Bù Đăng, Bù Đốp, Bình Phước. Đầu năm 1977 ông về làm công nhân tại công trường Tân Quy Đông, Q.7, TP.HCM. Từ một nhạc sĩ chuyển sang làm công nhân phải lao động chân tay rất nặng nhọc khiến cho ông gần đi đến bế tắc nên có ý định đoạn tuyệt hẳn với âm nhạc.

Năm 1978 ông chuyển qua nghề buôn bán ve chai để kiếm sống.

Vào thập niên 1990 ông được hai nhạc sĩ Vinh Sử, Doãn Bình mời sáng tác các ca khúc cho chương trình Mưa bụi, sau đó ông cộng tác với một số trung tâm ca nhạc ở TP.HCM như Kim Lợi Audio, Vafaco, Bến Thành Audio, Trung tâm ca nhạc Rạng Đông. Ngoài ra, ông còn chơi nhạc cho một số phòng trà ở TP.HCM, nhờ đó cuộc sống dần khá lên. Thời gian gần đây Y Vũ xuất hiện trong một số chương trình truyền hình

Hiện tại ông đang sống cùng vợ tại Q.12 TP.HCM.

NHẠC SĨ Y VÂN

Nhạc sĩ Y Vân (anh trai của nhạc sĩ Y Vũ) là một nhạc sĩ tiêu biểu của âm nhạc miền Nam trước năm 1975. Nhắc đến Y Vân, người yêu nhạc không thể không biết các ca khúc để đời của ông như Lòng mẹ, Sài Gòn, 60 năm cuộc đời, Những bước chân âm thầm, Ảo ảnh, Ngăn cách

Các sáng tác của ông đã trở thành bất hủ, nhiều thế hệ người yêu nhạc hầu hết đều thuộc nằm lòng ca khúc của ông, từ giai điệu da diết ‘Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…’ cho đến những lời ca tươi tắn yêu đời ‘Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…’ hoặc ‘anh về thủ đô chúng tôi chờ mong, với vạn niềm tin với muôn tình thương…’

Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933, mất năm 1992, quê gốc Thanh Hóa. Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với giáo sư, nhạc sĩ Tạ Phước và cũng đã tập tành sáng tác từ rất sớm.

Nhà nghèo, mồ côi cha, cả nhà nhạc sĩ sống nương tựa vào nhau trong một túp lều xiêu vẹo. Chính vì thế, ông rất thương mẹ và các em, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình

Năm 1952, gia đình nhạc sĩ Y Vân vào Nam, tiếp tục sáng tác, chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc, ông còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Y Vân là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu chachacha, disco, twist như: Sài Gòn, Ảo ảnh, Thôi, Anh về thủ đô

Sau năm 1975, Y Vân làm việc cật lực bất kể ngày đêm để tạo cuộc sống tương đối cho gia đình. Ông tham gia đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, ngoài ra còn tham gia viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu.

Tác giả 60 năm cuộc đời có 2 đời vợ và 8 người con. Ông mất năm 1992, hưởng thọ 60 tuổi, đúng như bài hát do chính mình sáng tác: ‘Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời…’

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/nhac-si-y-vu-phan-ung-viec-nham-lan-anh-voi-anh-trai-qua-co-y-van-101960.html