Nhạc sĩ Vĩnh Cát làm đêm nhạc riêng ở tuổi 85

Ở tuổi 85, nhạc sĩ Vĩnh Cát sẽ có đêm nhạc đầu tiên với tên gọi 'Ngôi sao Hà Nội' diễn ra vào tối 6-4-2019 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Xuất hiện tại cuộc gặp gỡ báo giới chiều 27-3 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám để chia sẻ về đêm nhạc của mình, nhạc sĩ Vĩnh Cát khiến mọi người ngạc nhiên bởi sự trẻ trung, hóm hỉnh và minh mẫn của ông. Tác giả của nhiều sáng tác thanh nhạc lẫn khí nhạc nổi tiếng tự nhận, đây là lần hiếm hoi ông diện bộ trang phục nom đã thấy phong trần lãng tử với quần âu, áo sơ mi có dây đai kèm theo chiếc mũ phớt đội trên đầu.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát giải thích, ban đầu ông cũng khá ngần ngại khi đạo diễn Phạm Hoàng Giang – người sẽ giúp ông dàn dựng đêm nhạc này – đề nghị ông mặc bộ trang phục trên. Lý do là bởi cả đời ông kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo trong ngành văn hóa, tự thấy mình “ăn mặc cũng bệ vệ ra phết”, thành ra bây giờ bảo mặc kiểu phong trần lãng tử, ông không quen. Thế nhưng khi nghe đạo diễn Phạm Hoàng Giang giải thích rằng “làm liveshow thì phải lãng tử, càng trẻ trung khán giả càng thích”, ông bị thuyết phục và vui vẻ đồng ý mặc.

Đêm nhạc lần này của nhạc sĩ Vĩnh Cát quy tụ nhiều giọng ca tên tuổi như: NSND Quang Thọ, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Lan Anh, Tùng Dương, Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo…Tuy nhiên buổi gặp gỡ giới thiệu chương trình lại vắng bóng các nghệ sĩ, cho tới gần cuối buổi thì ca sĩ Tùng Dương bất ngờ xuất hiện.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát thật thà chia sẻ, ông có gửi lời mời một số ca sĩ đến với mình trong buổi gặp gỡ lần này, song người thì vướng lịch biểu diễn ở nơi khác ngoài Hà Nội, người thì cáo lỗi vì có việc bận nên không tới được. Trong số các tên tuổi này thì ông nghĩ Tùng Dương là người “đắt show” nhất, nghĩ chắc anh cũng bận nên ông thôi không mời. Vị nhạc sĩ gạo cội nói vui, người mình dám nghĩ đến việc mời thì lại đến, có thể xem đó là cái duyên giữa ông và Tùng Dương.

Về phần mình, ca sĩ Tùng Dương tâm sự, anh đang đi trên đường và bận rộn khá nhiều công việc nhưng khi nhận được tin nhắn từ một người bạn và biết nhiều nghệ sĩ vì bận nên không thể có mặt trong cuộc gặp gỡ này với nhạc sĩ Vĩnh Cát, anh lập tức vòng xe lại để “phi” đến ngay.

Nam ca sĩ “Con cò” chia sẻ, với anh thì nhạc sĩ Vĩnh Cát thực sự là một trong những tượng đài âm nhạc của nền âm nhạc Việt Nam. Năm 2003, khi còn đang là sinh viên của trường Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), anh tham gia cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội” và giành giải cao nhất khi thể hiện 2 ca khúc “Ôi quê tôi” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn và “Sapa thành phố trong sương” của nhạc sĩ Vĩnh Cát. Sáng tác này của nhạc sĩ Vĩnh Cát cũng là một nhạc phẩm mà anh rất yêu thích và tới giờ vẫn hát mỗi khi có dịp.

Tới đây trong đêm nhạc của ông, Tùng Dương cũng ngỏ ý muốn hát lại ca khúc này như một sự nhắc lại, gợi nhớ kỷ niệm đã gắn bó với anh trong cuộc hành trình âm nhạc từ những ngày đầu tiên. Giọng ca được mệnh danh “divo” cho biết, anh xin hát không cát-sê trong chương trình mà không được vị nhạc sĩ tài ba đồng ý.

Đêm nhạc "Ngôi sao Hà Nội" của nhạc sĩ Vĩnh Cát có sự tham gia của dàn "sao" hùng hậu

Nói thêm về đêm nhạc “Ngôi sao Hà Nội” của nhạc sĩ Vĩnh Cát, đạo diễn Phạm Hoàng Giang bày tỏ, anh nhận được lời mời làm đạo diễn chương trình của ông từ cách đây 6 tháng. Thời điểm ấy, đạo diễn Phạm Hoàng Giang đang thực hiện một số dự án âm nhạc khác song anh vẫn trăn trở và xác định sẽ tập trung ưu tiên cho chương trình này.

“Ngày đầu tiên nhận ‘đề bài’ này, tôi thấy đây quả thực là một bài toán khó, nên dù từng làm không biết bao nhiêu chương trình rồi nhưng vẫn thấy bị run. Có điều tôi tự nhủ sẽ phải làm đêm nhạc này một cách cẩn thận, không vội vàng được. Vượt qua được áp lực đó, tôi cảm thấy mình đủ sức và tự tin bắt tay vào làm” – đạo diễn Phạm Hoàng Giang tâm sự.

Cũng theo đạo diễn Phạm Hoàng Giang, đêm nhạc tới đây của nhạc sĩ Vĩnh Cát là sự cộng hưởng của rất nhiều tài năng – từ nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đảm đương việc hòa âm phối khí, nhạc sĩ Trọng Đài biên tập âm nhạc, nhạc trưởng Doãn Nguyên đứng chân ở vai trò chỉ huy dàn nhạc… vì thế với tư cách người trẻ tuổi nhất trong êkip sản xuất, anh thấy mình gặp áp lực rất lớn. Tới khi anh trao đổi về phương án tổ chức cũng như sân khấu chương trình, nhạc sĩ Vĩnh Cát gật đầu tỏ vẻ hài lòng, anh cảm nhận được sự tin tưởng mà ông dành cho mình nên như được tiếp thêm động lực và dũng khí sáng tạo.

Với chủ đề “Ngôi sao Hà Nội”, đạo diễn Phạm Hoàng Giang cho biết, anh muốn tìm ra góc tiếp cận riêng với Hà Nội ngoài những hình ảnh quen thuộc đặc trưng như: cầu Long Biên, Khuê Văn Các… Vì thế anh chọn hình ảnh xuyên suốt chủ đạo là các song cửa sổ của các ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc thời Pháp cổ. Vị đạo diễn tiết lộ, mặc dù còn hơn 1 tuần nữa mới diễn ra chương trình song vé xem đã hết sạch.

Khi được hỏi về bí quyết “trẻ lâu” dù đã bước sang tuổi 85, nhạc sĩ Vĩnh Cát hài hước bảo, ông chẳng có bí quyết gì ngoài việc bao nhiêu năm qua cố gắng sống thanh thản, yên bình và không màng danh lợi.

Điều đó khiến ông tự thấy mình khỏe hơn dù trong người bây giờ đang mang rất nhiều bệnh, đến nỗi một năm phải vào viện cấp cứu mấy lần. Tuy nhiên, sau mỗi lần cấp cứu như thế, ông lại vui, lại làm việc. Vị nhạc sĩ già bộc bạch, giờ ông không làm việc được nhiều nữa vì ngồi một lúc đọc sách là mắt lại nhòe đi, ho sặc sụa và khó thở.

Vì thế, gần đây ông ít sáng tác ca khúc lẫn khí nhạc. Thỉnh thoảng vui vui, ông vẫn tự “phịa” ra lời và giai điệu một ca khúc nào đó để hát cho con cháu nghe, nếu ghi lại cũng có thể thành bài hát thiếu nhi nhưng với ông, đó không thể thành một tác phẩm âm nhạc được.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát là vậy, tính cách dễ gần, viết nên những ca khúc dễ nghe, dễ hát nhưng ông cũng lại khá kỹ tính trong âm nhạc. Và có lẽ chính bởi sự kỹ càng đó mà trong âm nhạc, ông vẫn luôn say đắm một cách đầy hứng khởi và hướng đến cái đẹp không chỉ đề nhìn, ngắm mà còn phải để đời.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934 nguyên quán làng Đào xá, Ân Thi, Hưng Yên. Sống ở Hà Nội từ nhỏ cùng gia đình. Ông là một trong số ít nhạc sĩ viết hay cả ca khúc và nhạc thính phòng giao hưởng.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934 nguyên quán làng Đào xá, Ân Thi, Hưng Yên. Sống ở Hà Nội từ nhỏ cùng gia đình. Ông là một trong số ít nhạc sĩ viết hay cả ca khúc và nhạc thính phòng giao hưởng.

Có thể nói, nhạc sĩ Vĩnh Cát là một trong số nhà soạn nhạc giao hưởng hàng đầu ở Việt Nam. Ông đã hoàn thành chương trình tu nghiệp sau đại học tại Liên Xô (cũ) và trở về Việt Nam làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, tiền thân của Học viện âm nhạc quốc gia hiện nay. Sau đó là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã được nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư năm 1991.

Ngoài việc nặng lòng cùng âm nhạc, ông còn là nhà sư phạm giáo dục từ thầy giáo tiểu học tới giáo sư đại học. Cũng không thể quên nhắc tới sự nghiệp Văn hóa, khoa học của ông khi tham gia biên soạn “Bách khoa thư Hà Nội”, là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn miếu - Quốc Tử Giám, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội…

Như Ý

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhac-si-vinh-cat-lam-dem-nhac-rieng-o-tuoi-85/804692.antd