Nhạc sĩ Văn Ký qua đời ở tuổi 92: Cuộc đời của cây đại thụ âm nhạc và những điều ít biết

Nhạc sĩ Văn Ký có nhiều tác phẩm kinh điển trong đó nổi bật là ca khúc Bài ca hy vọng. Ông vừa qua đời sáng 26/10 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi. Cuộc đời của cây đại thụ đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam...

Cậu bé nghèo yêu âm nhạc cháy bỏng

Vào hồi tháng 5/2020, chia sẻ trong chương trình truyền hình Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhạc sĩ Văn Ký cho biết: "Hàng ngày tôi vẫn sáng tác. Tôi vẫn yêu cuộc sống, vẫn muốn mọi người hát lên những âm điệu tươi trẻ". Theo đó, ông cho biết, ông vừa phổ nhạc bài thơ Covid phải lùi xa của tác giả Lê Chín. Bài hát có giai điệu vui tươi, nói về niềm tin dập tắt đại dịch, mong mọi người chiến thắng được bệnh Covid- 19. Bài hát này đã được ông chuyển cho NSƯT Minh Quang thể hiện.

Chia sẻ những kỷ niệm, hồi ức về nhạc sĩ Văn Ký, NSƯT Minh Quang cho hay: "Còn nhớ lần gặp ông cách đây không lâu, dù đã hơn 90 tuổi nhưng nhạc sĩ Văn Ký rất khỏe mạnh, lý do là ông thường tập thể thao, tập yoga, luyện võ nên ông rất minh mẫn. Vợ ông đã mất nhiều năm trước, ông sống một mình trong căn hộ gần nhà con trai, tự chăm lo cuộc sống hàng ngày và những ngày cuối đời, ông vẫn sáng tác âm nhạc, coi âm nhạc là người bạn của mình...".

Nhạc sĩ Văn Ký qua đời ở tuổi 92.

Nhạc sĩ Văn Ký qua đời ở tuổi 92.

Năm 2018, ông cùng nhà thơ Lê Chín, NSƯT Minh Quang đi công tác ở Đà Lạt. Khi làm thủ tục lên máy bay, nhân viên hàng không tỏ ý ái ngại nhạc sĩ cao tuổi, ông cười ha hả nói: "Tớ không có tuổi", "Tớ khỏe lắm, lúc nào cũng là thanh niên". Trong chuyến đi ấy, ông xúc động vì được gặp con gái cố ca sĩ Khánh Vân - người đầu tiên thể hiện Bài ca hy vọng của ông. Từ Đà Lạt, ông còn cùng bạn bè đi xe ô tô rong ruổi vào Sài Gòn, về miền Tây chơi.

Theo lời kể của tác giả Nguyễn Ngọc Phan, quê gốc của nhạc sĩ Văn Ký là ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sinh ra trong một gia đình có bốn anh em. Bố là thầy đồ dạy học ở làng, mẹ làm nghề nông. Gia đình nghèo nên khi mới lớn, bà nội đón Văn Ký vào Thanh Hóa nuôi, cho ăn học, chiều chiều đi chăn trâu cắt cỏ đỡ bà. Theo ông Phan, có lẽ chính vì tuổi thơ vất vả, thiếu thốn ấy đã hun đúc cho nhạc sĩ Văn Ký một tình yêu âm nhạc hiếm ai có.

Văn Ký say mê âm nhạc từ bé, khi học phổ thông đã rủ hai người bạn mua sách nhạc lý của "Tây" để cùng tự học. Năm 1946, lúc 18 tuổi đã sáng tác bài Trăng xưa - một tác phẩm âm nhạc đầu tay nói về mối tình lãng mạn tuổi học trò. Sau đó ông tham gia hoạt động Việt Minh và vừa chiến đấu, vừa sáng tác. Với tình yêu âm nhạc, ông được cấp trên cho đi học lớp bồi dưỡng văn hóa văn nghệ ở liên khu. Từ đó, con đường âm nhạc đã theo nhạc sĩ Văn Ký đến cuối đời.

Vĩnh biệt nhạc sĩ tài hoa

Chia sẻ với PV ĐS&PL, nhạc sĩ Doãn Nho cho hay: "Tôi vô cùng đau buồn khi nghe tin nhạc sĩ Văn Ký qua đời. Anh ấy thuộc thế hệ đầu đàn của làng nhạc Việt. Từ thời chống Pháp, anh ấy đã có những hoạt động sôi nổi. Đến thời chống Mỹ, anh ấy cũng có nhiều đóng góp về âm nhạc, thanh nhạc và khí nhạc cho nền nghệ thuật nước nhà. Nhiều bài hát hay của nhạc sĩ Văn Ký để lại cho đời và được nhiều thế hệ khán giả yêu thích như: Bài ca hy vọng, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh... Không những thế, nhạc sĩ còn trực tiếp tham gia chiến đấu ở nhiều trận chiến và có nhiều bài hát ra đời từ những giây phút hào hùng đó. Nhạc sĩ qua đời để lại cho nền âm nhạc những bài hát hay chứa đựng kho tàng ngôn ngữ phong phú, đa dạng. Anh ấy là người tài năng nhưng khiêm tốn, không bao giờ "lên mặt" với đàn em và luôn khích lệ, tôn trọng những người trẻ hơn mình. Anh Văn Ký được nhiều người trong nghề yêu quý...".

Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, nhạc sĩ Văn Ký là người rất khiêm tốn.

Nói đến người nhạc sĩ tài hoa này, không thể không nhắc đến ca khúc bất hủ gắn với tên ông, Bài ca hy vọng. Nhạc sĩ Văn Ký từng kể: "Mùa xuân năm 1958, từng ca từ của bài Bài ca hy vọng được bật ra trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước thời điểm đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngay mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. Thậm chí, tôi muốn bay lên cùng với đàn chim đi về tương lai mà tôi viết: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/ Đường ta đi xanh thắm mộng đời/Về tương lai! Đàn chim ơi! cùng ta cất cánh... Vài tháng sau tôi mang đến nhà xuất bản Âm nhạc để in, nhưng bị từ chối. Ban biên tập nói bài hát lạc quan quá, lãng mạn quá, không phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện thời. Rồi mãi về sau, bài hát mới được phổ biến và được nhiều người yêu mến".

Nhạc sĩ Thụy Kha thì chia sẻ, Bài ca hy vọng đã làm nên tên tuổi của Văn Ký và được nhân dân cả nước thuộc như một bản anh hùng ca của thời đại.

Sáng tác đến ngày cuối đời

Chia sẻ với PV ĐS&PL, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch hội Nhạc sĩ Việt Nam cho hay: "Bác Văn Ký là người mà tôi luôn nể trọng, vì bác chơi khá thân với bố tôi là nhạc sĩ Đỗ Nhuận, 2 gia đình vẫn có mối quan hệ thân thiết nên khi nghe tin bác ra đi, tôi bàng hoàng, buồn bã. Cách đây mấy tháng, khi gặp bác, bác vẫn con rất vui vẻ, minh mẫn. Tôi luôn nhớ về bác là một người nhạc sĩ chăm chỉ, thông minh. Bác dạy cho thế hệ chúng tôi cách yêu công việc, yêu âm nhạc và đam mê đến cháy bỏng. Ngày nhỏ, tôi thường cùng bố đến nhà bác ở Phố Huế để chơi, bác vẫn sáng tác hàng ngày. Bác luôn lạc quan trước mọi sự việc. Có lẽ, từ những hình ảnh ấy của bác, của bố đã đưa chúng tôi vào con đường âm nhạc như bây giờ".

Là một người chăm chỉ, vài tháng trước khi mất, nhạc sĩ Văn Ký đã phổ nhạc bài Covid phải lùi xa, cổ vũ tinh thần người dân Việt Nam giữa đại dịch. Ông ra đi để lại một khoảng trống không thể lấp đầy, một vì sao trên bầu trời âm nhạc Việt Nam đã tắt nhưng ánh sáng âm nhạc của ông tạo ra sẽ còn mãi với thời gian...

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (173)

Lạc Thành

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/tin-tuc-giai-tri/nhac-si-van-ky-qua-doi-o-tuoi-92-cuoc-doi-cua-cay-dai-thu-am-nhac-va-nhung-dieu-it-biet-a344479.html