Nhạc sĩ Trần Tiến: 'Người ta gọi tôi là Gán Tiền, tức là Tiến Gàn'

'Khánh Ly từng nói tôi ngông nghênh nhưng đáng yêu và có lẽ, chính sự đáng yêu đó khiến cái gàn của tôi không làm phiền người khác' - nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ.

Video: Nhạc sĩ Trần Tiến khẳng định "tôi hiện nay sức khỏe tốt"

Sáng 22/1, nhạc sĩ Trần Tiến có mặt tại Hà Nội trong sự kiện giới thiệu đêm nhạc Thanh Tùng - Trần Tiến. Ông thú nhận rất ngại gặp gỡ truyền thông vì quan niệm rằng, với người viết nhạc, gương mặt của họ là bài hát, còn cuộc đời thì nên giữ cho riêng mình. "Tại sao lại bán cuộc đời của mình đi? Làm người bình thường sướng hơn ngôi sao chứ?", ông nói.

Nhạc sĩ Trần Tiến.

Nhạc sĩ Trần Tiến.

Nhạc sĩ Trần Tiến kể lại kỷ niệm, trong một chương trình diễn ra ở TP.HCM, ông từng nói vui, không có chú hay bác nhạc sĩ, chỉ có chàng nhạc sĩ. "Người viết nhạc sống bằng giai điệu và lời ca chứ không phải bằng tuổi tác. Điều tuyệt vời nhất là giai điệu và lời ca mà họ viết ra còn sức trẻ chứ nếu nó già thì chán chết. Tôi rất muốn các bài hát của tôi có sức trẻ, sức mạnh. Còn tôi có thể sắp chết, có thể bệnh nặng thì tất cả đều ở sau bài hát.

Còn bây giờ, các bạn muốn biết tôi có khỏe không, hãy mời những chàng trai khỏe nhất đang chụp hình dưới kia lên đây đọ tay với tôi, mời các ca sĩ trẻ hát với tôi. Tôi cá với nhạc sĩ Dương Cầm, chúng ta cùng sáng tác bây giờ ngay một giai điệu, xem sức làm việc của ai khỏe hơn. Tôi khẳng định, sức khỏe của tôi hiện giờ rất tốt" - tác giả Mặt trời bé con hài hước nói.

Cũng trong cuộc trò chuyện này, nhạc sĩ Trần Tiến lần đầu tiên tiết lộ biệt danh Tiến Gàn của mình. Thời trẻ ông học rất giỏi, được tuyển thẳng vào đại học, thích đọc sách và làm bạn với sách vở. Chính vì thế, ông không đánh giá cao những nghệ sĩ không chịu học hành, trau dồi bản thân, còn những người này lại coi thường ông và gọi là Gán Tiền, tức Tiến Gàn.

"Ngày xưa tôi học giao hưởng, thầy giáo mất bao nhiêu công dạy dỗ nhưng sau khi tốt nghiệp, tôi bảo thầy là em không viết giao hưởng đâu, em sẽ viết ca khúc nhưng không quên công của thầy trong suốt những năm qua. Thầy giáo nghe xong cũng chỉ biết trả lời: 'Thôi, tùy cậu, làm gì cũng được nhưng đừng làm mất công tôi'. Thế rồi, tôi viết những ca khúc cho sinh viên, học sinh hát ngoài đường chứ không phải hát trên đài phát thanh.

Tính tôi gàn. Thời đó, tôi tự hỏi, sao không có ai viết về mẹ, về chị, về một tình yêu không có chiến tranh, không có mùi khói súng, bom đạn? Tôi nghĩ thế và viết những ca khúc mà bây giờ các bạn đã biết. Theo tôi, gàn mới được việc. Gàn không có nghĩa là xấu".

Nhạc sĩ Trần Tiến tự nhận, cho tới bây giờ, ông vẫn gàn nhưng không làm phiền ai cả: "Hôm trước tôi có xem chương trình gì đó trên TV, trong đó, cô Khánh Ly có chia sẻ đại ý: Ông Trần Tiến ngông nghênh lắm, nhưng mà đáng yêu. Có lẽ chính vì sự đáng yêu đó mà cái gàn của tôi không làm phiền ai cả".

Trần Tiến là một trong những nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Có người còn xếp ông vào "tứ trụ của nhạc Việt". Ông cũng là một thành viên trong "Bộ tứ Sông Hồng" cùng với Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Cường. Tuy vậy, nhạc sĩ khiêm tốn thú nhận, trong sự nổi tiếng hiện nay, ông chỉ đóng góp được 20% thôi, nhờ sức học tập và làm việc khủng khiếp và những trải nghiệm ở tận đáy cuộc đời; 80% còn lại là trời cho ông.

"Trời cho tôi hai lần suýt chết để viết hai bài là 'Sắc màu' và 'Không gục ngã'. Trời cho tôi vào chiến trường và gặp biết bao nhiêu chuyện. Trời cho tôi những ngày bị người ta xua đuổi, coi mình như thằng Gán Tiền. Trời cho tôi những ngày bị đuổi việc vì mặc quần loe, để râu; và đúng lúc đó thì được ông Võ Văn Kiệt mời vào Sài Gòn. Vào đó, tôi tiếp cận được với âm nhạc trẻ trung của Mỹ. Tôi gần như là người đầu tiên đưa nhạc Việt vào tất cả các thể loại pop, rock... Tất cả mọi thứ đều do trời sắp xếp".

Mặc dù đã bước sang tuổi 74 nhưng nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, ông vẫn luôn nghĩ có một ngày nào đó sẽ sáng tác được một bài hát hay hơn những gì đã viết. "Người nhạc sĩ đích thực khi viết một tác phẩm luôn thả hết hồn mình vào đó nhưng sau này nhìn lại sẽ chẳng bao giờ hài lòng cả. Nhưng với công chúng thì khác. Có khi chính những bài mà nhạc sĩ viết khi mới 16, 17 tuổi, không biết nốt nhạc nào lại là bài hay nhất.

Có những người anh, những người dạy tôi viết nhạc từng nói: 'Tiến có nhiều bài hát hay, nổi tiếng rồi nhưng em chưa viết bài nào hay bằng Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, cái bài mà em viết khi một nốt nhạc bẻ đôi còn chưa biết".

Nhạc sĩ Trần Tiến từng trải qua hai lần thập tử nhất sinh và 2 ca khúc ra đời sau đó, gần đây nhất là Không gục ngã. Ông tâm sự: "Tôi viết 'Không gục ngã' vào những ngày nằm trên giường bệnh, không thể bước chân xuống đất và nghĩ mình sắp chết.

Lúc ấy, tôi hát trên laptop và cứ tự hát, tự phối. Giai điệu và lời ca cứ vang lên một cách rất tự nhiên: 'Đứng dậy, đứng dậy thôi. Bao nhiêu năm qua ta không gục ngã. Đứng dậy, hãy vượt qua. Bao nhiêu năm qua ta không sống không đớn hèn. Bao nhiêu năm qua giữa khói bom rơi, ta xông pha, cái chết bên ta tựa lông hồng...'. Nhờ có bài hát này mà tôi đứng dậy, tập đi, tập chạy trở lại. Ba tháng nay mỗi ngày tôi chạy được 3 vòng, mỗi vòng 600m.

Tôi tập các môn khí công khác để có thể vẫn hát, vẫn đọ tay với các chàng trai trẻ, vẫn đủ thông minh, tỉnh táo để nói chuyện với các bạn, những câu chuyện tử tế trong cuộc đời".

Nhạc sĩ Trần Tiến còn nói vui, ca khúc Không gục ngã của ông có thể gọi là bài Bệnh nhân ca.

Và vào ngày 8/3 tới, nhạc sĩ Trần Tiến sẽ ôm đàn guitar, hát ca khúc Không gục ngã trong đêm nhạc Chuyện tình diễn ra trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Đêm nhạc có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Bằng Kiều, Hồng Nhung, Trần Thu Hà và Quang Dũng.

Ngoài các sáng tác của Trần Tiến, các ca sĩ còn thể hiện những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Tùng.

Thu Giang

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhac-si-tran-tien-nguoi-ta-goi-toi-la-gan-tien-tuc-la-tien-gan-ar591983.html