Nhạc sĩ Phạm Tuyên – Sự kỳ diệu của âm nhạc

Các loại hình nghệ thuật, ngoài việc truyền cho công chúng năng lượng sống, tình yêu đời, còn giúp cho chính tác giả khám phá bản thân, khám phá sự bí ẩn vô tận của nghệ thuật. Hành trình trên con đường nghệ thuật không bao giờ đến đích giúp người nghệ sĩ luôn nuôi dưỡng trong tâm hồn mình sức lao động trẻ trung. Cuộc sống lao động nghệ thuật của nhạc sĩ Phạm Tuyên là minh chứng sinh động cho những nhận định trên.

Sinh thời, vợ ông, cố PGS - TS Nguyễn Ánh Tuyết (1936-2009) đã kể về người chồng của mình hết sức chi tiết. Nhạc sĩ Phạm Tuyên là một trong những người con thứ của vợ chồng học giả Phạm Quỳnh. Hồi nhỏ, Phạm Tuyên học trường tiểu học Paul Pert (Huế). Ông được một thầy giáo tên là Phán dạy Nhập môn âm nhạc bằng những bài cổ nhạc như Lưu thủy, Kim tiền, Xuân Phong… và làm quen với cây đàn nguyệt. Trong gia đình, cụ Thượng thư Phạm Quỳnh luôn tạo điều kiện cho những người con hoạt động âm nhạc và phát huy những thiên hướng của riêng từng người.

Khi vào trường Quốc học, Phạm Tuyên lại được học nhạc lý phương Tây với ông thầy người Pháp, tên là Martin. Trong phong trào Hướng đạo sinh, Phạm Tuyên bắt đầu chơi đàn Accordeon và Guitar. Năng khiếu sáng tác nhạc ở Phạm Tuyên bộc lộ rất sớm. Nghe những bài hát phổ biến lúc bấy giờ như “Bạch Đằng giang”, “Dòng sông hát” của Lưu Hữu Phước và “Les Flots du Danube” của Josef Ivanovici, Phạm Tuyên cũng sáng tác bài “Sóng sông Hương”. Năm 1945, ông Phạm Quỳnh gặp nạn, gia đình trở lại Hà Nội.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Phạm Tuyên theo gia đình tản cư về làng Vạn Lộc, một làng công giáo thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định. Chàng nhạc sĩ tương lai thường đến nhà thờ để học các cha cố chơi đàn harmonium, dịch lời các ca khúc… Năm 1947, Phạm Tuyên đi Ninh Bình, dự thi tốt nghiệp Trung học. Năm sau, anh quyết định ghi danh vào Trường Đại học Pháp lý. Nhưng vừa nhập học một thời gian, giặc Pháp tấn công Việt Bắc. Trường giải thể.

Ước mơ làm luật sư không thành, Phạm Tuyên cùng các bạn được cử đi học trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn. Tại đây, năng khiếu âm nhạc của chàng sĩ quan tương lai lại được dịp trỗi dậy. Anh sáng tác bài “Vào lục quân” với nét nhạc khỏe mạnh. Lời bài hát đầy tin yêu và hy vọng: “Góc trời rực lửa cháy hoang tàn/ Căm hờn giặc Pháp uất hận chứa chan/ Chàng thanh niên lòng căm uất/ Dứt bao tình thương quyết lên đường/ Vào Lục quân tìm thấy ánh sáng/ Vào lục quân tìm lấy chiến thắng”. Bài hát đó mãi âm vang trong lòng nhiều thế hệ sĩ quan.

Năm 1950, tốt nghiệp trường Lục quân, Phạm Tuyên không ra chiến trường như nhiều đồng đội mà được điều về Thái Nguyên, công tác tại trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Nhiều bài hát do Phạm Tuyên sáng tác khích lệ tinh thần tự lực, đoàn kết, yêu lao động của các em thiếu nhi xa nhà đã vang lên sau những giờ học tập, lao động. Năm sau, trường Thiếu sinh quân chuyển địa điểm sang Quế Lâm, Trung Quốc. Anh bộ đội Phạm Tuyên được cử đi cùng trường.

Tại đây, sau nhiều trắc trở, Phạm Tuyên đã gặp người bạn đời của mình, cô giáo Sư phạm Nguyễn Ánh Tuyết. Đám cưới được tổ chức giản dị trong khu học xá. Ơn nghĩa mảnh đất đã nảy sinh và nuôi dưỡng tình đầu, chú rể Phạm Tuyên đã sáng tác bài hát “Mùa xuân trên đất Trung Hoa”. Ngày đó, năm 1957, đất nước Trung Quốc đang phơi phới trong buổi bình minh của chủ nghĩa xã hội. Bài hát được anh cất lên ngay trong lễ cưới với giai điệu và lời ca thật đẹp: “Mùa Xuân đã tới trên đất Trung Hoa ngời sáng/ Trong muôn ngàn tiếng ca đàn chim cất cánh trong gió xuân sang/ Mùa xuân tươi thắm tô chiếc khăn quàng bay/ Trên đất Trung Hoa chứa chan tình yêu đẹp thay/ Ta yêu nhau trong đấu tranh thiết tha lý tưởng chung/ Ta bên nhau xây đắp mối tình ta thêm đẹp tựa ngàn bông hoa/ Ta yêu nhau trong tiếng đàn câu hát thiết tha tự do/ Ta đứng bên nhau đưa tay bảo vệ tình yêu…”.

Năm sau, gia đình trở về Việt Nam. Chị Tuyết dạy ở Hải Phòng, rồi được cử đi học Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Tâm lý - Giáo dục. Còn Phạm Tuyên làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban biên tập ca nhạc. Ngay từ những năm trước đó, Phạm Tuyên đã có những ca khúc dành cho thiếu niên vang khắp nơi như “Tiến lên đoàn viên” (1954), “Chiếc đèn ông sao” (1956). Những ca khúc đó trong tim nhiều thế hệ. Đến giờ, lớp thiếu nhi mới vẫn hát vang mỗi khi có dịp. Tưởng như khó có những ca khúc nào thay thế.

Trái tim đầy âm nhạc của ông không những đồng cảm với tuổi nhỏ mà còn chia sẻ với lớp người lớn tuổi những điều tâm nguyện ở những nơi sâu thẳm trong tâm hồn họ. Những ca khúc như “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” (phổ thơ. L. Aragon - 1959), “Đảng đã cho ta một mùa xuân” (1960), “Khi ta có mặt trời chân lý” (phổ thơ Tố Hữu - 1960)… là những lời tâm sự rất sâu sắc và trong sáng được nhạc sĩ sáng tác với những giai điệu đầy tình cảm thiết tha. Nền tảng của những lời ca đẹp và giai điệu da diết ấy chính là tình cảm chân thành của một người luôn mang trong mình trái tim trong sáng, tâm hồn yêu đời và một nghị lực cống hiến tài năng cho đất nước.

Chân dung nhạc sĩ Phạm Tuyên qua nét vẽ của nhạc sĩ Văn Cao.

Chân dung nhạc sĩ Phạm Tuyên qua nét vẽ của nhạc sĩ Văn Cao.

Tại nơi làm việc mới, ông được lãnh đạo Đài cử đi thực tế nhiều nơi. Đi đến đâu, trái tim mẫn cảm của ông đều nhanh chóng bắt đúng những nhịp điệu và hình ảnh trọng tâm của con người nơi đó một cách xác đáng nhất.

Năm 1964, ông được về thăm quê vợ ở Quảng Bình. Từ trước, ông đã bị cuốn hút bởi chất giọng ngọt như mía lùi của cô gái Quảng Bình Nguyễn Ánh Tuyết. Giờ về quê vợ, được sống giữa những âm thanh của gió, của nắng, của sóng, của biển Quảng Bình, được nghe những giai điệu dân ca xứ Quảng, tâm hồn Phạm Tuyên như say trong chất men mới. Lại được tận mắt thấy hình ảnh những con người dẻo dai như dây chão nơi đây ngày đêm ra khơi dưới tầm bom Mỹ, ông đã hòa nhịp cùng những người dân chài nơi đây, cùng họ cất lên lời ca “Bám biển quê hương”: “Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi / Thênh thang trên biển rộng, lòng ta như biển trời/ Buồm thẳng ra khơi quăng chài tay chung kéo lưới/ Vượt sóng trở về thuyền ta khoang cá đầy/Ra khơi lúc sóng gầm mặc gió điên cuồng/ Hoặc lướt sóng khi trời yên biển lành / Ra khơi trong bóng đêm hay lúc trời lửa nắng cháy/ Theo luồng cá đi ta góp sức xây đời vui”.

Có thể nói, đây là một trong những ca khúc mang đậm chất dân ca Quảng Bình, đặc biệt là điệu hò khoan. Và hiện nay, mỗi khi biển Đông nổi sóng trước sự xâm phạm lãnh hải của tàu nước ngoài, mỗi khi ca khúc này vang lên, tình yêu biển trời trong lòng mỗi người lại trỗi dậy.

Năm 1967, đi thực tế ở xã Hòa Xá, Ứng Hòa (Hà Tây cũ), xúc động trước cảnh lớp lớp thanh niên trong xã lên đường tòng quân, Phạm Tuyên nhớ lại hồi trai trẻ của mình. Tâm hồn ông như muốn bay đi cùng họ. Lại được thấy cảnh lạ, các cụ già, lớp cựu binh, chặt tre trong làng, tặng cho mỗi tân binh, một chiếc gậy tre để chống trong những ngày vượt núi trèo đèo, những đêm hành quân trong mưa gió, lòng đầy cảm hứng, ông đã dâng tặng những người con, người dân nơi đây ca khúc nổi tiếng “Chiếc gậy Trường Sơn”. Ngay lập tức, bài hát truyền qua làn sóng điện, vang lên, dâng trào khắp miền Bắc: “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn/ Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi/ Luyện cho tinh thần mà chỉ tiến không lui/ Gậy trong tay mồ hôi đã bóng/ Màu gỗ quê hương mang cả mối tình dân/ Như nhắn nhủ những ai lên đường mà lời hứa với bao người thân…”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và bút tích của ông.

Năm 1971, ông được Bộ Nội vụ (Bộ Công an) mời đi thực tế tại đồn Biên phòng Cha Lo ở miền Tây Quảng Bình. Đó là một điểm nằm trên Biên giới Việt Lào, nối đường bộ miền Bắc với đường mòn Hồ Chí Minh. Dạo đó, đi thực tế là “ba cùng” với người bản địa (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) trong thời gian dài. Một hôm, trên đường, Phạm Tuyên gặp một người phụ nữ đang đạp xe dưới làn bom Mỹ. Hỏi thăm, ông được biết, chị đi thăm chồng trên đồn biên giới.

Được chứng kiến những chàng trai mình đồng da sắt, kiên gan dưới bom đạn quân thù và, sau lưng họ, là tình yêu vô bờ của những người hậu phương, ngay tại đồn, những cảm xúc mãnh liệt của nhạc sỹ đã hóa thành bản nhạc tuyệt vời “Đêm trên Cha Lo”: “Em thân yêu ở nơi xa nghe chăng tiếng vọng miền Tây?/ Em có thấy góc trời biên giới như rực ánh hồng chân mây/ Biên giới cũng như quê hương, đồn là nhà lòng dân mến thương…”. Ca khúc này không chỉ dành riêng cho những chiến sĩ biên phòng. Cái tên “Cha Lo” đã hóa thành hàng trăm ngàn đồn lũy kiên gan trên hàng ngàn cây số đường biên, trên hàng ngàn hải lý đường biêncủa Tổ quốc.

Người nghệ sĩ trong những năm đất nước có chiến tranh đều tự nhủ mình: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” (Xuân Diệu). Nhạc sĩ Phạm Tuyên đồng hành cùng lớp người cần lao, những người làm nên lịch sử. Và tại những thời điểm lịch sử quan trọng, những ca khúc của ông đều xuất hiện một cách xác đáng nhất. Tháng 12 năm 1972, Hà Nội kiên cường dưới tầm bom rải thảm B.52 của Mỹ. Phạm Tuyên cùng bao người không ngủ. Đòn thù nham hiểm phút cuối cùng của cuộc chiến càng làm cho những người của chính nghĩa, của lẽ phải mạnh mẽ hơn, vươn cao hơn. Thức suốt đêm, Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc hào hùng “Hà Nội - Điện Biên Phủ”. Đó là câu trả lời đanh thép của người Việt Nam trước sự dã man của đối phương.

Và ngày 17-2-1979, khi nghe tin Biên giới phía Bắc bị kẻ thù xâm phạm, ông đã sáng tác ngay bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” ngay trong đêm. Bài hát như hiệu lệnh chạm đến hàng triệu trái tim, tiếp nối cha ông, ra trận đánh trận đánh của bốn ngàn năm văn hiến. Đặc biệt, bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, như nhiều người công nhận, “phi Phạm Tuyên không ai làm được”. Bởi trong từng hơi thở của ông đều thấm đẫm nhịp điệu của sông núi thiêng liêng, của ý chí thống nhất giang sơn của triệu người dân cùng bao linh hồn bất tử.

Những ca khúc của Phạm Tuyên như cuốn biên niên sử của cách mạng. Cuộc đời ông gắn liền với những nhịp điệu thăng trầm của đất nước. Mỗi bài hát của ông đều gắn với một vài câu chuyện cụ thể. Nhiều bài còn quấn quyện những giai thoại không ngờ. Ông có thể làm bất cứ việc gì để giữ yên khu vườn âm nhạc được yên tĩnh trong tâm hồn.

Ông không màng danh lợi, tiền bạc. Những cái đó là vật ngoại thân. Hạnh phúc của ông là được làm công việc mình yêu thích. Ông đi như một dòng sông, bỏ qua những thác ghềnh, những vật cản trên đường. Ông hiểu và khoan dung tất cả. Cuộc đời ông bôn ba, tự lập từ khi còn nhỏ. Tư tưởng ông ít khi bị kiềm chế dù tâm trí nhiều khổ cực. Ông là người rất khảng khái, tính trầm lặng nhưng thành thật và giàu tình thương. Tất cả những điều trên do nghệ thuật âm nhạc mang lại cho ông. Và qua âm nhạc, ông tặng cho đời những niềm vui và nghị lực sống.

Đoàn Tuấn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nhac-si-pham-tuyen-su-ky-dieu-cua-am-nhac-632428/