Nhạc sĩ PHẠM MINH TUẤN: Nỗi đau riêng chỉ là một phần trong nỗi đau chung của dân tộc

Nhớ những ngày đầu mới giải phóng, lần đầu tiên nghe bài hát Qua sông vang lên trong bộ phim Đường ra phía trước của đạo diễn Hồng Sến, tôi đã bị mê hoặc trong từng nét nhạc vừa trong trẻo vừa hào hùng ấy. Bởi vì hơn 20 năm sống ở miền Nam, mê nhạc Trịnh và những bản tình ca ướt đẫm nước mắt, Qua sông là bản nhạc cách mạng đầu tiên tôi được tiếp xúc để hình dung và thấu hiểu được một phần cuộc chiến giành độc lập của dân tộc… Và cũng lần đầu tiên tôi biết tên anh: nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.- Nhạc sĩ PHẠM MINH TUẤN: Gia đình tôi rất nghèo, từ đất Bắc đói quá trôi giạt đi tha phương cầu thực khắp nơi, người sang Lào, người sang Campuchia… Tôi được sinh ra và lớn lên ở một xóm nghèo Phnôm Pênh, nhà đã nghèo còn bị 3 lần cháy nhà, nên của cải tan theo tro bụi. Những năm đó, chính phủ Campuchia đang có chính sách mở rộng đường, nơi chính khu nhà tôi ở. Và muốn giải tỏa nhà dân mà khỏi đền bù thì chỉ có cách đốt nhà, coi như đó là thiên tai. Nhà tôi phải dạt đi chỗ khác và cùng ở chung một khu Việt kiều. Những năm đó, dưới thời Hoàng thân Sihanouk, cán bộ mình hoạt động trên đất Campuchia gần như công khai. Các anh lập đoàn Thanh niên Việt Nam, huấn luyện ca hát cho thiếu nhi. Từ năm 1958, tôi tự học đàn và được chơi trong đoàn Văn nghệ xóm nghèo Việt kiều. Vì cha tôi là liệt sĩ, các anh lại thấy có năng khiếu âm nhạc nên gợi ý tôi trở về miền Nam chiến đấu, giải phóng đất nước. Năm 1960 tôi mới 18 tuổi, đầy tâm huyết và lý tưởng cứu nước nên đồng ý ngay…

* PV: Thưa nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, được biết anh sinh ra và lớn lên ở Phnôm Pênh (Campuchia), lẽ ra cuộc sống của anh rất an bình trong một đất nước không có chiến tranh, vì sao anh lại băng mình trở về nước tham gia cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc?

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thời trẻ ở rừng Tây Ninh

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thời trẻ ở rừng Tây Ninh

* Nghĩa là để chuẩn bị cho Đồng khởi 1960, Đoàn Văn công Việt kiều đã được chuẩn bị sẵn trên đất Campuchia để hòa vào dòng chảy cách mạng của dân tộc…

- Đúng vậy, Đoàn Văn công của chúng tôi đã được thành lập đầy đủ các bộ môn Ca, Múa, Cải lương, Kịch nói. Trước khi về Nam tôi được huấn luyện đi bộ mỗi ngày 20km, và được học đờn ca cải lương mỗi tuần 3 đêm. Buổi lễ chào mừng Mặt trận Giải phóng ra đời, chúng tôi biểu diễn ở sân rộng giữa rừng, trên có treo 2 lá cờ, 1 là cờ Tổ quốc cờ đỏ sao vàng, 1 lá cờ đỏ trơn. Lúc ấy lá cờ xanh đỏ của Mặt trận Giải phóng chưa có nên tạm dùng cờ đỏ tượng trưng cho cách mạng. Đoàn Văn công Giải phóng lúc đó chưa được thành lập nên Đoàn Văn công Việt kiều gần như bao sân.

* Nghệ danh Phạm Minh Tuấn của anh chắc có từ một kỷ niệm khó quên trong đời? Anh tham gia cách mạng từ những ngày tháng đầu tiên chắc sẽ rất gian khổ; ở tuổi 18 còn non trẻ lúc ấy, có khi nào trong cơn sốt rét rừng với cái đói xanh da có phút nào anh thấy chạnh lòng cho sự lựa chọn của mình?

- Tên thật của tôi là Phạm Văn Thành, việc tôi đổi tên là nguyên tắc khi tham gia cách mạng. Tên Tuấn là tên người bạn thân của tôi và người thêm cho tôi chữ lót Minh là anh Nguyễn Văn Hiếu. Đơn giản vậy thôi. Thời kỳ đầu thực sự rất gian khổ, chúng tôi ở chiến khu D muốn lấy gạo phải băng qua đường Trần Lệ Xuân. Vì thời kỳ đầu chưa làm rẫy được mà địch chặn đường tiếp tế của mình nên đói xanh mắt. Phải đào củ chụp, lấy măng rừng, rau rừng ăn. Chạnh lòng ư? Không đời nào. Lý tưởng hừng hực trong trái tim trẻ tuổi đi theo con đường cứu nước của Bác Hồ, tôi tin tưởng tuyệt đối, đói khổ một chút có là gì với sức lực thanh niên. Và hơn nữa bên cạnh tôi, những bậc tiền bối đã hai mùa kháng chiến như anh Trần Bạch Đằng, anh Tân Đức, vợ chồng chị Đỗ Duy Liên, anh Nguyễn Văn Hiếu… chính là tấm gương trước mắt cho tôi noi theo.

* Bài hát Qua sông được anh viết khi mới 21 tuổi, lúc đó anh đã được học thêm nhạc lý chưa hay vẫn còn mày mò tự học? Một người sống ở rừng Tây Ninh mà viết về sông nước réo rắt như là từ bé đã được tắm trong lòng dòng sông trong xanh, có phải là khá kỳ diệu không?

- Cuối năm 1962 tôi về Tân Biên bên dòng sông Vàm Cỏ Đông, ở đây chị em tải gạo bằng ghe. Nhìn các cô gái áo bà ba đen, khăn rằn chèo thuyền thoăn thoắt trên dòng sông xanh ngắt với nụ cười tươi như nắng, ai mà không thấy cảm xúc. Vậy là tôi viết một mạch với trái tim tràn trề niềm vui, trong xanh của tuổi 20. Bài Qua sông tôi viết năm 1963, cũng là năm cán bộ tập kết miền Nam về nhiều. Bên văn có anh Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng về năm 1962; bên nhạc có anh Vũ Thành (nhạc sĩ), Trí Thanh (hát), Trường Sơn (múa) từ quân đội về mở lớp bồi dưỡng nhạc lý cơ bản năm 1963. Đó là lớp nhạc đầu tiên tôi được học có thầy giảng dạy hẳn hoi. Năm 1966, anh Lưu Hữu Phước về; năm 1967, Tô Lan Phương, Trần Mùi và Hoàng Việt về. Tôi có may mắn ở cạnh anh Hoàng Việt nên có cơ hội học anh khá nhiều, cứ mỗi ngày trò chuyện và học anh một ít, góp nhặt từ từ. Mãi đến năm 1974, tôi ra Bắc trị bệnh và đi học chính quy ở nhạc viện. Tôi được học lớp Dự bị đại học và học với thầy Đàm Linh. Năm 1975, trở về miền Nam, tôi vào nhạc viện học hết đại học với các thầy Ca Lê Thuần, Quang Hải…

Từ trái sang: chị Hồng Cúc (vợ nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn), nhà thơ Bảo Định Giang và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tại rừng Tây Ninh

* Anh sáng tác Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn năm 1968, có nghĩa là anh có đi theo chiến dịch Mậu Thân. Bên điện ảnh, những người quay phim trực tiếp ra trận để có những thước phim máu lửa chiến trường, còn nhạc sĩ đi theo chiến dịch có thực sự là cần thiết không? Và người nữ tự vệ anh mô tả có phải là người thực việc thực không?

- “Tuổi em vừa tròn đôi mươi mười tám… Chân em phơi phới bay trên hè phố, hồn em căng gió (à ha)…”. Bài này tôi nhờ Lê Anh Xuân viết lời. Cả hai đều đi chiến dịch, nhưng anh ấy vào sâu hơn tôi. Chúng tôi xuống phục vụ cho bộ đội ở chiến trường, và tiếp xúc với bộ đội trong từng trận đánh… Đêm 30 Tết, chúng tôi ở ngay quê của tướng Dương Văn Minh, nửa đêm nghe tiếng súng nổ và cả tiếng xe hơi chạy trên quốc lộ 4, tôi bồi hồi hình dung ra Em, người nữ tự vệ Sài Gòn đang băng mình trong lửa đạn. Vậy là dòng nhạc tuôn trào… Sống trong bầu không khí ấy quá đủ để có những nốt nhạc hừng hực lửa chiến trường rồi, đâu nhất thiết phải ra chiến trường như bộ đội. Hình ảnh cô gái tự vệ Sài Gòn của Lê Anh Xuân đã làm dòng nhạc trong tôi trào sôi mãnh liệt…

* “Ngày mai em về hướng bom rơi/ Cho anh số hòm thơ thương nhớ/ Đưa anh cột bồng em lần nữa/ Gửi chiến trường chút hơi ấm bàn tay”. Năm 1972, nếu tôi nhớ không lầm là chiến trường lúc ấy vô cùng ác liệt, sao lại có một bài hát trữ tình, tha thiết dường này. Anh có cảm thấy mình khá lãng mạn khi thả dòng nhạc mình theo nhà thơ Diệp Minh Tuyền không?

- “Nơi em về là nơi anh từng qua/ Cơm nắm cầm hơi băng đồng nước nổi/ Khi chém vè dưới mương sình lầy lội/ Lúc chôn thầm đồng đội đêm mưa...”. Đó là một tình yêu nồng thắm trong chiến tranh của hai con người tràn đầy lý tưởng.

Họ đã trải qua biết bao gian khổ và tìm gặp nhau trong cùng một tâm hồn đồng điệu. Họ phải chia tay nhau và cô gái đi về phía chiến trường, cũng sẽ gian khổ như anh từng trải qua gian khổ. Tình yêu ấy nó lớn lao biết dường nào. Đọc bài thơ của Tuyền, tôi rất xúc động, đó không phải là tình yêu của chỉ hai người mà là của tất cả những đôi trai gái yêu nhau trong chiến tranh. Và tôi thấy có chính tình yêu của mình trong đó…

* Anh cưới vợ khi hãy còn rất trẻ, mới 21 tuổi, và đến 22 tuổi anh chị đã có cháu bé đầu lòng. Nhưng cháu đã mất để bảo vệ cho 18 cán bộ đi cùng chị. Bi kịch quá lớn của chính cuộc đời anh, sao trong nỗi đau xé lòng ấy, anh không thổ lộ nỗi đau qua sáng tác của mình?

- Vào năm 1964 con gái tôi được 6 tháng tuổi, tôi lúc ấy cùng Đoàn Văn công Giải phóng biểu diễn ở Bến Tre. Phụ nữ sống trong rừng thường mất sữa do ăn uống có gì đâu, rồi sốt rét, rồi bom đạn. Nuôi rất khó. Hôm đó tôi đi công tác, có bàn với vợ là tìm cách đưa con về quê nhờ bên ngoại nuôi giùm. Trên đường hành quân không ngờ cả đoàn lọt ổ phục kích! Trong đoàn có 18 cán bộ đi cùng 3 phụ nữ. Bị phục kích, khi súng nổ thì bé khóc. Vợ tôi phải ém nó bằng cách nằm rạp xuống và ấn vú cho con bú, để che mắt địch. Tiếng súng êm nhìn lại con thì nó bị ngộp thở và mất trong tay mẹ. 18 cán bộ thoát còn 3 phụ nữ bị bắt! Ngoài vợ tôi còn vợ nhà thơ Giang Nam từ Nha Trang vào chiến khu Tây Ninh thăm chồng, chưa thăm được thì bị bắt, và một cô xướng ngôn viên tiếng Hoa của Đài phát thanh Giải phóng.

Vợ tôi đã trải qua giây phút đau xé lòng xé dạ khi phải để con tôi lại ở bờ mương. Đến tối du kích đưa bé đi chôn. Lính lôi 3 phụ nữ lên trực thăng về Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn tra khảo mấy tháng trời, không manh mối nên phải thả...

Vết thương này dù hơn 50 năm vẫn chưa bao giờ lành, vợ tôi không bao giờ muốn nhắc lại dù chỉ bằng lời, huống chi là nhạc. Nỗi đau riêng của gia đình tôi chỉ là một phần trong nỗi đau chung của dân tộc.

Từ trái sang: đạo diễn Bích Lâm, đạo diễn Ngô Y Linh, nhà thơ Bảo Định Giang và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn

* Nhưng anh đã nhắc trong bài hát mới nhất Tiếng gọi từ lòng đất, anh vừa sáng tác cho 50 năm nỗi đau Sơn Mỹ: “Đây những mồ hoang lạnh buốt/ Đây những hài nhi đòi khóc…”, đó có phải chính là nỗi đau mà anh muốn trải lòng về đứa con nhỏ mới 6 tháng tuổi không được khóc của mình?

- Đúng, ca từ nhói buốt ấy chính là giây phút tôi nhớ đến đứa con gái yểu mệnh của tôi, nhưng cũng dành cho biết bao trẻ con ở làng Sơn Mỹ không được khóc trước họng súng của lính Mỹ. Trên đất nước chúng ta, suốt 30 năm chiến tranh, có biết bao nhiêu đứa trẻ đã chết mà không biết vì sao mình chết: “Tiếng gọi từ lòng đất vang vọng chín tầng mây/ Trời cao có thấu đất dày có hay/ Những oan hồn bất tử/ Mẹ tôi, chị tôi, em tôi người dân quê tôi Tư cung Cỏ lư/ Tiếng gọi từ lòng đất vang vọng chín tầng mây…”.

* Dường như những bài hát đóng dấu tên tuổi của anh trong lòng công chúng như Dấu chân phía trước (thơ Hồ Thi Ca), Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên), Khát vọng (thơ Đặng Viết Lợi), Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh) đều phổ từ thơ. Anh cảm thấy mình không mạnh về ca từ chăng, nên để nhà thơ nói hộ suy tư mình…, chỉ riêng có Bài ca không quên...

- Bài ca không quên tôi không phổ thơ ai cả, bởi vì đó chính là hồi ký chiến tranh của tôi. Vào năm 1981, khi anh Nguyễn Văn Thông nhờ tôi viết nhạc cho phim anh, khi đọc kịch bản tôi bồi hồi nhớ lại quãng đời đã qua của mình, bao ký ức dồn về và tôi đã viết vừa cho chính mình, vừa cho những đồng đội của mình, cũng cho cả lớp trẻ chưa từng biết chiến tranh là gì. Giống như là một lời nhắn nhủ với quá khứ, hiện tại và tương lai… Chúng ta đã vượt qua biết bao gian khổ, mất mát để giành được độc lập dân tộc, thì phải sống xứng đáng, và không được quên giọt máu của đồng đội đã hy sinh. Bởi vì năm 1981 là giai đoạn vô cùng khó khăn, cả nước phải ăn bo bo…, tôi nhìn thấy không ít đồng chí mình cũng đã chao đảo…

Bài Đất nước tôi phổ từ thơ anh Tạ Hữu Yên đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng. Đọc xong tôi gọi cho anh Yên ngay, bởi nó như một lời tự tình, thủ thỉ về đất nước, về dân tộc mình. Đọc mà thấy như nó thấm dần vào trái tim mình vậy. Nhưng tất nhiên tôi cũng sửa vài lời mà anh Tạ Hữu Yên rất thích và coi như tôi là đồng tác giả ca từ với anh. Ví như câu đầu tôi sửa từ thong thả thành thon thả, và tiếng đàn bầu thành giọt đàn bầu. Hay câu “Các anh chưa về nhà mẹ ba gian” thành “Các anh không về mình mẹ lặng im”. Và câu kết tôi đưa thơ Hồ Chủ tịch vào thì anh Yên quá thích: “Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi/ Sáng ngời muôn thuở, khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ”.

* Đài truyền hình HTV 9 vừa mới làm chương trình “Khát vọng mùa xuân” cho nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, điều đó có nghĩa là nhạc cách mạng không hề bị bỏ quên như nhiều người vẫn bi quan. Hiện nay anh vẫn sáng tác đều chứ?

- Hình như cũng lâu lắm mới có một chương trình khá hoành tráng về nhạc cách mạng trên sóng HTV. Diệp Bửu Chi, Phó giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, con gái Diệp Minh Tuyền, gọi cho tôi: “Con làm một chương trình riêng cho chú nghe”. Thì cô cũng thấy rồi đó, đã bật đèn xanh cho xã hội hóa thì những hệ lụy của nó mình phải chấp nhận thôi. Những chương trình game show đầy tràn trên các sóng truyền hình cả nước hiện nay là gì? Là bởi các nhà tài trợ chỉ quan tâm và chi tiền cho những chương trình đó thôi. Nhà đài kiếm tiền từ những chương trình đó và lâu lâu làm một chương trình như “Khát vọng mùa xuân” cho các nhạc sĩ già như tôi. Nhưng khi dàn dựng chương trình, tôi mới thấy rõ các em ca sĩ trẻ rất nhiệt tình dù tiền thù lao rất ít. Các em thật sự hát bằng cả tình yêu của mình, hào hứng tham gia, bỏ nhiều công sức tập luyện và tự mua sắm quần áo cho mình vì chương trình đâu có tài trợ. Điều đó chứng tỏ nhạc cách mạng vẫn sống rất sâu trong lòng giới trẻ, nhưng do từ lâu mình không hề biết khơi dậy thôi. Nhà nước đã thả nổi nền văn hóa nghệ thuật cho đồng tiền. Ở lãnh vực nào cũng vậy, chỗ nào cũng xã hội hóa, miễn có tiền là xong hết. Nên dù hiện nay tôi cũng sáng tác đều, nhưng biết đưa ở đâu? Tôi chỉ biết giới thiệu nó qua YouTube thôi… Và cũng an ủi là cũng có nhiều bạn trẻ vào nghe và bình luận tốt… Vậy cũng vui rồi…

* Sau chương trình “Khát vọng mùa xuân” trên HTV hình như đang có Mạnh thường quân sẵn sàng tài trợ cho anh để làm chương trình riêng cho nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trên VTV?

- Cô Hà Thu Nga - chồng là giám đốc công ty dược ECO - trước nay vẫn là MC và là nhà tài trợ chính cho chương trình “Giai điệu tự hào” có nói với tôi điều đó, nhưng tôi hơi ngần ngại vì thấy tốn tiền quá, phải tốn ít nhất 2 tỉ, thật tình tôi rất cảm động, nhưng vẫn thấy xót tiền… Bởi HTV làm chương trình bằng tiền của Đài, tôi thấy thoải mái hơn. Cô Thu Nga rất tâm huyết với nhạc cách mạng… Bây giờ tìm được những người như Thu Nga là hiếm lắm.

* Anh có thể tâm sự một chút về Giải thưởng Hồ Chí Minh vừa qua…

- Chuyện qua rồi, nhắc làm gì. Nhưng tất nhiên là tôi có chút buồn khi được thông báo trong cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng cơ sở có 11 người thì tôi mất 2 phiếu từ 2 người đại diện phía Nam!!

* Rất đáng buồn chứ không phải một chút buồn như anh nói… Nhưng anh hãy tin, giải thưởng đó có trao cho anh hay không thì anh vẫn ở trong lòng công chúng. Và những tác phẩm của anh vẫn sẽ mãi mãi sống với thời gian…

NGÔ NGỌC NGŨ LONG thực hiện

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhac-si-pham-minh-tuan-noi-dau-rieng-chi-la-mot-phan-trong-noi-dau-chung-cua-dan-toc-65380