Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rời cõi tạm

Tác giả của 'Dư âm' sống cuộc đời khá khó khăn trong những năm tháng cuối đời vì bệnh tật và sự cô đơn, song ông không phải là người bi quan. Trong câu chuyện chia sẻ với phóng viên lúc sinh thời, ông chưa bao giờ kể về sự nghèo khó của bản thân. Ông luôn nói tới cái khổ của người nông dân, người chiến sĩ và anh em văn nghệ sĩ. Nguyễn Văn Tý là người như thế. Trái tim của ông, như chỉ biết dành tặng cho cuộc đời này, vừa ngừng đập.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý và bài hát "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh"

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý và bài hát "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh"

Giành chính quyền

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Phúc, em trai nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể: “Chúng tôi quê ở miền Bắc, những năm trước Cách mạng bố tôi vào Vinh làm công nhân, gia đình sống ở gần sông Lam. Anh Tý có năng khiếu âm nhạc và rất mê nhạc, khi còn đi học anh tôi đi hát và diễn khắp nơi trong thành phố rồi”.

Cả gia đình đều biết Nguyễn Văn Tý là một nghệ sĩ trẻ tuổi, đẹp trai và thích gặp gỡ anh em văn nghệ trong Nam, ngoài Bắc. Song không ai ngờ chàng trai ấy lại tham gia Cách mạng. Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930, Pháp lùng sục đàn áp Cách mạng rất gắt gao, bắt bớ cầm tù người yêu nước. Khi đó, Nguyễn Văn Tý là một ca sĩ, thường hát ở phòng trà của một người Hoa.

Ông Nguyễn Văn Phúc kể: “Những ngày sục sôi Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại thành phố Vinh, bỗng nhiên anh tôi mất tích. Cả nhà không biết anh tôi đi đâu, lo lắng vô cùng. Ai ngờ, đúng hôm Cách mạng nổ ra, anh tôi về nhà và mang theo một lá cờ. Anh tôi kêu gọi mọi người hãy đứng lên làm Cách mạng, giành lấy độc lập, tự do. Anh dẫn mọi người từ Trường Thi tiến vào trung tâm thành phố Vinh để cướp chính quyền. Đến lúc ấy, cả nhà mới biết anh tôi hoạt động Cách mạng!”.

Hồ kẻ gỗ, Công trình đại thủy nông Hà Tĩnh - Nơi nhạc sỹ viết ca khúc "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ"

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trước sau vẫn là một nghệ sĩ, sáng tác vẫn là đam mê duy nhất của cuộc đời ông. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Phúc nói: “Anh tôi tham gia Cách mạng sớm nhưng đời anh tôi chỉ thích sáng tác, không thích quyền chức. Cả đời anh tôi chỉ làm văn hóa nghệ thuật. Tôi theo chân anh tôi, học thanh nhạc khóa đầu tiên cùng với ca sĩ Trần Hiếu, nhưng tôi bị mất giọng, nên chuyển qua lĩnh vực sân khấu, điện ảnh. Con gái anh tôi theo nghiệp biểu diễn và dạy Piano…”.

Hai người vợ

Một nghệ sĩ, nhạc sĩ đẹp trai và tài hoa, nhưng con đường tình duyên của Nguyễn Văn Tý rất lận đận. Ông cưới người vợ đầu năm 1946 nhưng vợ ông bị bệnh tim qua đời khi con gái Nguyễn Thị Như Mỹ vừa tròn 3 tháng tuổi.

Chia sẻ với báo chí, ông kể rằng ca khúc “Dư âm” của ông viết về một mối tình lãng mạn năm 1950 nhưng bất thành. Tác phẩm có những câu: “Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió/ Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng”.

Mối tình sét đánh của Nguyễn Văn Tý với Bạch Lê, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từng tốn khá nhiều giấy mực. Theo người cháu của bà Bạch Lê: “Bà Bạch Lê là em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Lúc đó Bạch Lê ở Huế đã có gia đình, nhưng để lại sau lưng gia đình ra Bắc theo anh trai. Bạch Lê rất xinh đẹp, con nhà nề nếp. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý yêu Bạch Lê nên dứt khoát bằng mọi giá cưới Bạch Lê, từ đó họ nên duyên vợ chồng trên đất Bắc”.

Nguyễn Văn Tý cưới Bạch Lê trong đám cưới giản dị ở khu IV với sự chủ hôn của thi sĩ Lưu Trọng Lư. Nhạc sĩ vô cùng hạnh phúc khi Bạch Lê sinh cho ông cô con gái Thái Linh và ông đã viết nên bài hát “Mẹ yêu con” với lời ca: “Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi/ Ôm con ra mái hiên nhìn đàn chim rộn ràng hót”...

Nghệ sĩ, nhà giáo Thái Linh nhớ lại: “Bố tôi gửi tôi đi học nhạc từ lúc tôi còn rất bé. Khi đó, tôi còn ham chơi lắm, có lần tôi vặn đồng hồ chạy nhanh để được về nhà với bố sớm hơn. Bố tôi phát hiện ra và bảo rằng con phải kiên trì, phải chăm học vì học nhạc rất khó, muốn thành tài phải cố gắng. Khi tôi vào học nhạc viện, mỗi lần tôi đi thi bố chở tôi bằng xe đạp đến nhạc viện, chờ con gái thi xong rồi chở về nhà”.

Nghệ sĩ Thái Linh được cử đi học Piano ở Liên Xô trước Đặng Thái Sơn và Tôn Nữ Nguyệt Minh. Cô nhiều năm giảng dạy Piano tại Nhạc viện TPHCM: “Tôi luôn cám ơn bố tôi, nhờ bố tôi mà tôi được học nhạc bài bản, dạy nhiều khóa sinh viên. Khi tôi ra nước ngoài, tôi dễ dàng xin việc giảng dạy âm nhạc khi họ nhìn vào lý lịch học tập của tôi”.

Cuộc sống sum vầy đầm ấm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không được dài lâu như ông mong ước, người vợ yêu dấu Bạch Lê của ông, người đem lại cảm hứng cho nhiều sáng tác đã qua đời vào năm 2004. Nhiều người quen kể rằng ông đã chịu đựng một cuộc khủng hoảng về tâm lý rất lớn khi bà Bạch Lê qua đời. Chính những bạn bè và người hâm mộ đã giúp ông qua được giai đoạn khó khăn ấy.

Năm tháng cuối đời

Không biết có bao nhiêu bài báo nói về cuộc sống đơn độc cuối đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Theo nghệ sĩ Thái Linh chia sẻ, cô dành cho cha một phòng riêng đầy đủ tiện nghi, nhưng ông ở một thời gian rồi ra ngoài sống trong căn nhà nhỏ bé tồi tàn. Nghệ sĩ Thái Linh nói: “Chúng tôi rất quan tâm đến bố tôi, hoàn toàn không có chuyện bỏ rơi ông, nhưng bố tôi thích cuộc sống độc lập”.

Năm 2014, lần đầu tiên tôi tới gặp gỡ và viết bài về nhạc sĩ, ông đi lại khó khăn, nhưng trí nhớ rất tốt, chuyện xưa nay, ông kể không sót gì. Ông nói: “Các con gái tôi cũng về hưu cả rồi, chẳng nhẽ nó còn phải chăm bố nữa! Tôi muốn sống một mình để các con tôi có thời gian lo cho âm nhạc và cho cuộc sống của nó”.

Sau những câu chuyện về sáng tác, về cuộc đời, ông nói với tôi: “Sau khi vợ tôi mất, người ta thấy tôi sống với cô Thương, một người đàn bà có một lũ con. Nhiều người bóng gió về chuyện này, thật là oan và tội nghiệp cho cô ấy. Cô ấy chỉ là người giúp việc cho tôi, còn tôi thương mấy đứa nhỏ”.

Sau tai biến, đi lại và sinh hoạt của nhạc sĩ rất khó khăn, đều phải nhờ tay cô Thương. Phóng viên thấy cô Thương luôn gọi nhạc sĩ là “ông” và xưng là “con”. Cô Thương nói với tôi: “Ai cho tiền, ông đều giữ, bỏ trong túi áo ấy. Tôi không bao giờ cầm đồng tiền nào mà người hâm mộ tặng ông”.

Ngày 26/12/2019, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chia tay cõi trần về cùng những người bạn ông như Văn Cao, Lưu Trọng Lư, Phạm Duy… Đám tang của ông có rất nhiều nghệ sĩ và người hâm mộ tới viếng. Tôi nhìn thấy những người ông yêu quý như ca sĩ Trần Hiếu, nhà thơ Lưu Trọng Văn.

Trong rất đông người tới viếng nhạc sĩ tác giả của “Dáng đứng Bến Tre”, tôi cũng thấy có bóng dáng của cô Thương, người đã nhiều năm chăm sóc nhạc sĩ trong ngôi nhà nhỏ rêu phong, mái tóc của cô giờ cũng đã nhộm màu sương tuyết.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng đoạt các Giải nhì (không có giải nhất) của Hội văn nghệ Việt Nam cho bài Vượt trùng dương; Giải nhất Cuộc thi vận động sáng tác về đề tài phụ nữ với bài Tiễn anh lên đường (1964); Giải nhất sáng tác về đề tài nông nghiệp với ca khúc Bài ca năm tấn (1967). Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời hôm 26/12/2019 hưởng thọ 95 tuổi. Thi hài nhạc sỹ được quàn tại Nhà tang lễ TPHCM (Số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, TPHCM). Lễ viếng kéo dài trong ngày 27/12 và 28/12. Lễ di quan sẽ được tiến hành vào sáng 29/12/2019, an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương (Huyện Bến Cát- Tỉnh Bình Dương).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bên cây đàn tỳ bà được làm khi mới thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam (Ảnh chụp năm 2014) Ảnh: Trần Nguyên Anh

Người em trai Nguyễn Văn Phúc, cô con gái Thái Linh bên linh cữu nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý Ảnh: Trần Nguyên Anh

Trần Nguyên Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhac-si-nguyen-van-ty-roi-coi-tam-1503200.tpo