Nhạc sĩ Lê Mây: Bình thản sống và viết

Ở tuổi xấp xỉ 80, trong khi nhiều người trí tuệ và sức khỏe đã không còn tinh anh, sung sức, thì nhạc sĩ Lê Mây lại cho rằng khả năng sáng tác, cường độ làm việc và sức sáng tạo vẫn dồi dào như xưa...

Người con phố Hiến, tác giả của những ca khúc được nhiều người yêu thích như: Hà Nội linh thiêng hào hoa, Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai, Bắc Ninh - Kinh Bắc... hiện nay đã về sinh sống ở phía Tây Hà Nội, nơi có "ngôi nhà không cao, không to" mà "đêm đêm tiếng đàn ngân lên gọi gió sông Hồng thổi tới, gọi gió sông Đà thổi tới". Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ghi nhận những đóng góp của ông với thành phố bằng danh hiệu cao quý "Công dân Thủ đô ưu tú".

Trước hết phải khẳng định, "Công dân Thủ đô ưu tú" là phần thưởng danh giá bởi để nhận được danh hiệu này nhạc sĩ Lê Mây phải vượt qua những tiêu chí hết sức ngặt nghèo, khắt khe: "Là những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong từng lĩnh vực cụ thể, là những tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo; gương mẫu trong xây dựng văn hóa tại đơn vị, gia đình và nơi cư trú".

Ông cũng chính là nhạc sĩ duy nhất được nhận lần này và là nhạc sĩ thứ 4 được nhận một danh hiệu cao quý của Thủ đô được trao thường niên trong suốt 10 năm qua, sau nhạc sĩ Phạm Tuyên (năm 2011), nhạc sĩ Hoàng Vân (năm 2012) và nhạc sĩ Phú Quang (năm 2014). Nó còn cao quý hơn nữa khi trong 4 nhạc sĩ được nhận ngoài nhạc sĩ Phạm Tuyên (gốc Hải Dương) thì các nhạc sĩ Hoàng Vân, Phú Quang đều là những người con Hà thành, trong khi nhạc sĩ Lê Mây lại sinh ra và lớn lên tại xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Nhạc sĩ Lê Mây trò chuyện với một khán giả trẻ.

Nhạc sĩ Lê Mây trò chuyện với một khán giả trẻ.

Vậy nhưng, ông lại khiêm tốn cho rằng: "Nói là sung sướng thì không phải đến mức ấy, bởi mình làm việc một cách bình thường và thành phố công nhận những đóng góp của mình một cách cũng hết sức bình thường. Ở đời việc gì đến thì sẽ đến, thuận lẽ tự nhiên, chứ đừng nên quá vồ vập, mong chờ. Chi bằng hãy cứ làm việc một cách nghiêm túc, say sưa nhưng âm thầm, lặng lẽ.

Tuy nhiên, nếu nói danh hiệu này mang lại niềm vui và phấn khởi thì đó là khi bài hát của mình cũng "lọt tai" nhiều người cũng như có cơ hội được tồn tại trong lòng người yêu nhạc".

Được biết, ngoài "Hà Nội linh thiêng hào hoa" thì các ca khúc "Nắng rơi" (thơ Nguyễn Lưu), "Cà phê chiều Yên Phụ" (thơ Đặng Hà My), "Phía Tây thành phố", "Những hàng cây trên đường Hà Nội" là căn cứ để UBND thành phố "nâng lên đặt xuống" trong đợt xét chọn lần này.

Tất nhiên mỗi bài hát đều có một số phận, một nỗi niềm riêng của tác giả nhưng hôm nay trong căn nhà ấm áp của mình, ông lại bâng khuâng những kỷ niệm với "Nắng rơi", ca khúc được ông phổ từ thơ của luật sư Nguyễn Lưu (Việt kiều Pháp, quê gốc Hưng Yên) từ năm 1990. Bài hát được biết đến chủ yếu trong cộng đồng người Việt tại Pháp và Canada. Nhạc sĩ Lê Mây kể, tác giả thơ sau nhiều năm bôn ba ở nước Pháp nhưng vẫn không thể nào quên được những cô gái Hà thành dịu dàng trong tà áo dài với chiếc nón nghiêng duyên dáng.

Ca khúc được cố NSND Lê Dung thu thanh trong băng cát-xét gồm 11 ca khúc tại Pa-ri. "Ban đầu Lê Dung chỉ thu 10 ca khúc với tiêu đề "Mùa xuân bên cửa sổ". Tuy nhiên, trong những hôm chưa thu thanh, Lê Dung tranh thủ đi hát thì kiều bào đề nghị được đưa bài này vào băng thu. Khi ấy, Lê Dung đã chia sẻ: Tôi cũng không thể tưởng tượng được bài hát được bổ sung lại ám ảnh người nghe đến thế và tôi thật sự hạnh phúc khi được thể hiện ca khúc này", nhạc sĩ Lê Mây kể lại.

Tuy nhiên, băng cát-xét lại không thể lưu trữ được lâu cho nên gần đây ông đã nhờ ca sĩ Hoàng Hà, giảng viên thanh nhạc Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội thu lại. Ông vẫn còn nhớ thời ấy, bài hát như một "hiện tượng" trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Thậm chí, người hâm hộ đã gửi rất nhiều thư đến Đài Tiếng nói Việt Nam với mong muốn được nhạc sĩ gửi đĩa sang để họ được thưởng thức ca khúc mà mình yêu thích.

Cũng có một câu chuyện thú vị liên quan đến bài hát "Nắng rơi", đó là một Việt kiều về nước sống ở Buôn Ma Thuột vì yêu mến tác giả đã bằng mọi cách tìm đến gặp nhạc sĩ và nói: "Tôi không thể tưởng tượng được mình lại được gặp tác giả của bài hát yêu thích". Thế rồi trong một lần khác, người đàn ông ấy đã tìm về tận quê nhà nhạc sĩ. Không gặp được "thần tượng", Việt kiều ấy đã viết thư cho nhạc sĩ: "Rất tiếc tôi đã không gặp anh ở quê, nhưng tôi đã được nhìn thấy ngôi nhà, mảnh vườn của anh qua giậu sắt và tôi nghĩ mình chết cũng được rồi".

Nhưng đó là bài hát đã cách đây đúng 30 năm, còn gần đây, trong cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhạc sĩ Lê Mây đã viết ca khúc "Phía Tây thành phố" đoạt giải B chung cuộc. Đây là bài hát ông viết ngay tại chính ngôi nhà mình đang sinh sống (thôn Cao Trung, xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) gửi gắm nỗi niềm của một "vị khách" phố Hiến với mảnh đất Kinh Kỳ ngàn năm văn hiến nhưng lại không đi theo lối mòn xưa cũ với những mái ngói thâm nâu, phố phường tấp nập. Bài hát không nói một chữ nào về Hà Nội nhưng khi giai điệu cất lên người nghe vẫn thấy hình ảnh một Hà Nội đang vươn mình mở rộng, phát triển về phía Tây.

Ở tuổi gần 80, nhạc sĩ Lê Mây vẫn hằng ngày say sưa trên phím đàn.

Trăn trở về số lượng ca khúc viết về phía Tây Hà Nội, nhạc sĩ Lê Mây mong muốn các nhạc sĩ hãy tiếp tục sáng tác về vùng đất này. "Hiện nay, mảng ca khúc về Hà Nội trong nội thành đã quá nhiều nhưng ở phía Tây thì còn là một khoảng trống lớn.

Tại sao không hưởng ứng cuộc vận động giãn dân ra phía Tây. Tôi đã mua đất ở đây từ năm 1997, năm 2009 xây căn nhà kiên cố, năm 2010 tôi đã nghe ca khúc "Hà Nội linh thiêng hào hoa" lần đầu tiên được phát trên sóng truyền hình chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, thế thì tại sao không coi đây là quê hương của mình. Cách đây vài cây số hỏi Lê Mây, người dân đều biết đến, tôi dường như đã là công dân của Hoài Đức", nhạc sĩ Lê Mây khẳng định.

Gác lại những giải thưởng, danh hiệu, nhạc sĩ Lê Mây cởi mở chia sẻ về những bản nhạc mới, những bài hát mới được thu âm và cả những dự định sáng tác. Hào hứng với ca khúc mới nhất được thu âm "Đôi mắt Thủy Nguyên", nhạc sĩ cho biết đây là tác phẩm được phổ từ thơ của nữ tác giả gốc Thủy Nguyên (Hải Phòng) Đỗ Mai Hòa. Buổi chiều ngắm cảnh trên sông quê khi hoàng hôn xuống, vầng trăng bắt đầu mọc lên, tác giả nhìn thấy những vạt sú vẹt khi nước rút đi thấy dấu chân chim, dấu chân người và trong đó có dấu chân mình.

Cứ thế ký ức tuổi ấu thơ hiện về khắc khoải, miên man trong lòng tác giả thơ. Trong bài hát, ông đã sử dụng một ý rất "đắt" của tác giả, đó là núi mắc cạn biển rồi cứ thế giai điệu tăng dần lên: "Con cá mắc cạn lạch/ Con thuyền mắc cạn sông/ Trái núi mắc cạn biển/ Ai mắc cạn trong đôi mắt/ Lúng liếng lúng liếng đôi mắt Thủy Nguyên/ Đôi mắt Thủy Nguyên ối a". Rồi nhạc sĩ khẳng định, ta đến đây gặp nhau cũng vì mắc cạn nhau, không nợ nần gì nhưng cứ phải đến đây, không đến không được.

Ở tuổi xấp xỉ 80, trong khi nhiều người trí tuệ và sức khỏe đã không còn tinh anh, sung sức, thì nhạc sĩ Lê Mây lại cho rằng khả năng sáng tác, cường độ làm việc và sức sáng tạo vẫn dồi dào như xưa. Hỏi ông "bí quyết" để nuôi dưỡng niềm đam mê, thì lại nhận được câu trả lời của nhạc sĩ: "Thực ra mình không có việc gì làm thì làm âm nhạc, thậm chí làm âm nhạc để sống. Tất cả cuộc sống mình hiện nay đều phụ thuộc vào ngòi bút của mình. Mình có điều chắc chắn là mình đã vật lộn và học hành một cách rất nghiêm chỉnh, không chỉ học trong sách vở mà còn không ngừng học tập từ đời sống, từ đồng nghiệp và kể cả từ những người trẻ để lối viết không bị cũ đi".

Bởi ông cho rằng, lứa tuổi mình dễ sa vào lối xưa nên phải viết thế nào để hòa nhập vào cuộc sống mới, trong đó tiết tấu, nhịp điệu vừa có hồn dân tộc nhưng lại có nhịp điệu trẻ của cuộc sống thì tác phẩm mới "sống được". "Thật ra cho đến bây giờ mình vẫn viết một cách vô tư nhưng khi anh em nói nhóm nhạc sĩ này nhóm nhạc sĩ kia mà tôi thấy ông chẳng trong nhóm nào cả. Tôi thấy ông là người độc đạo trên con đường của mình", nhạc sĩ Lê Mây nhấn mạnh.

Bình thản sống và viết trong căn nhà bình dị giữa làng quê thanh bình với nhiều cây xanh rợp bóng mát, nhạc sĩ Lê Mây vẫn cần mẫn "cày cuốc" trên "cánh đồng âm nhạc" để rồi "việc gì đến rồi sẽ đến".

Ngô Khiêm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhac-si-le-may-binh-than-song-va-viet-585339/