Nhạc sĩ Lam Phương qua đời

Nhạc sĩ Lam Phương, tác giả của hàng loạt bản tình ca: Thành phố buồn, Tình bơ vơ, Đèn khuya, Bài tango cho em… đã qua đời vào 18 giờ 7 phút ngày 22-12 (giờ địa phương) tại Mỹ.

Nhạc sĩ Lam Phương, một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam đã qua đời vào 18 giờ 7 phút ngày 22-12 (giờ địa phương) tại TP. Fountain Valley, California (Mỹ) sau những ngày nhập viện cấp cứu do bệnh tim có sẵn và tai biến mạch máu não trở nặng. Ông hưởng thọ 83 tuổi.

Nhạc sĩ Lam Phương ngày còn trẻ. Ảnh: TL

Nhạc sĩ Lam Phương ngày còn trẻ. Ảnh: TL

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng. Ông sinh ra tại Rạch Giá, và là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam hiếm hoi có gia tài sáng tác đồ sộ.

Ông có hơn 200 tác phẩm với đa dạng thể loại tình ca, nhạc quê hương trải dài qua các mảng đề tài từ con người đến vận nước. Ca khúc đầu tay ông viết từ năm 15 tuổi – Chiều thu ấy, và nhạc của ông bắt đầu được nhiều người yêu mến với sáng tác Kiếp nghèo. Ông viết Kiếp nghèo ở tuổi 17

Ca sĩ Họa Mi hát ca khúc "Em đi rồi", một sáng tác nhạc sĩ Lam Phương viết từ chuyện tình của ca sĩ Họa Mi và nghệ sĩ Lê Tấn Quốc. Clip: THVL

Hàng loạt tác phẩm của ông được nhiều ca sĩ, nghệ sĩ chọn hát, phát hành: Hương Lan, Giao Linh, Bạch Yến, Họa Mi, Thanh Hà, Ý Lan, Lệ Quyên, Phạm Quỳnh Anh, Bằng Kiều…

Nhạc Lam Phương được lan tỏa ở nhiều tầng lớp khán giả bởi nhạc ông có thể kết hợp nhiều loại nhạc cụ làm nên những bản thu mới mẻ hoặc mang màu cổ điển. Hàng loạt sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương được khán giả quen thuộc: : Thành phố buồn, Tình bơ vơ, Đèn khuya, Bài tango cho em, Phút cuối, Kiếp nghèo, Tình chết theo mùa Đông, Khúc ca ngày mùa, Một mình, Biển tình, Trăm nhớ ngàn thương...

Nhạc sĩ Lam Phương tại buổi gặp gỡ báo chí trực tuyến Mỹ - Việt Nam năm 2018. Ảnh: Q.T

Vào năm 2018, trong một buổi gặp gỡ báo chí trực tuyến, PLO đã có trò chuyện với nhạc sĩ Lam Phương về nghệ danh và việc trở về Việt Nam của ông. Nhạc sĩ Lam Phương cho biết, ông luôn mong ngày về Việt Nam nhưng sức khỏe không cho phép nên rất mong khán giả thông cảm.

Riêng với câu hỏi, “nghệ danh Lam Phương của ông từ tên thật Lâm Đình Phùng; Lam Phương là Lâm và Phùng với ý nghĩa hướng về phương trời màu xanh hy vọng. Trong hơn 80 năm qua và nhất là 19 năm bị tai biến, có bao giờ ông mất hy vọng?”, nhạc sĩ Lam Phương đã trả lời: “Tôi luôn giữ niềm hy vọng cho đời sống của mình. Dù bệnh nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng sự trở về Việt Nam gặp khán giả yêu mến âm nhạc Lam Phương”.

Nghệ danh Lam Phương của ông từ tên thật Lâm Đình Phùng; Lam Phương là Lâm và Phùng với ý nghĩa hướng về phương trời màu xanh hy vọng. Ảnh: TL

Hôm nay khán giả, người yêu nhạc vĩnh biệt ông, và sự trở về, ước mong trở về Việt Nam của nhạc sĩ Lam Phương đã tạm khép lại rồi...

QUỲNH TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/nhac-si-lam-phuong-qua-doi-957491.html