Nhạc sĩ Lam Phương - 'cha đẻ' của những khúc tình ca bất hủ qua đời

Vị nhạc sĩ tài hoa ra đi ở tuổi 83, sau một thời gian nằm điều trị ở một bệnh viện tại Mỹ.

Thông tin về sự qua đời của nhạc sĩ Lam Phương được bạn bè, đồng nghiệp thân thiết và các nghệ sĩ “hậu bối” chính thức xác nhận. Cụ thể, ông vừa trút hơi thở cuối cùng vào tối ngày 22-12 tại thành phố Fountain Valley, California. Trước đó, nhạc sĩ Lam Phương phải nhập viện điều trị vào trung tuần tháng 12 do căn bệnh tim và tai biến mạch máu não bất ngờ trở nặng.

Nhạc sĩ Lam Phương được xem là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với gia tài các ca khúc “để đời” như: Phút cuối, Tình bơ vơ, Bài Tango cho em, Thành phố buồn

Cách đây 20 năm, ông không may bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người, kể từ đó phải di chuyển nhờ vào chiếc xe lăn, việc nói năng đi lại trở nên khó khăn hơn. Sau lần “chết đi sống lại” đó, sức khỏe của nhạc sĩ Lam Phương tuy không còn được như trước song trí nhớ của ông vẫn rất minh mẫn, tinh thần vẫn lạc quan. Mỗi khi có khách đến chơi, ông đều kể lại rành rọt nhiều kỷ niệm, câu chuyện gắn với những ca khúc mà mình sáng tác, thậm chí còn pha trò hóm hỉnh khiến mọi người bật cười vui vẻ. Vị nhạc sĩ thổ lộ, “ông Trời” cho mình tâm hồn trẻ trung như vậy.

Khi còn sống, nhạc sĩ Lam Phương từng chia sẻ, dù bệnh tật nhưng ông chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng ngày nào đó có đủ sức khỏe để trở về quê hương, gặp gỡ khán giả yêu mến âm nhạc của mình. Nhiều chục năm kể từ khi sống và định cư ở nước ngoài, tâm hồn nhạc sĩ Lam Phương vẫn luôn hướng về quê hương và mong ngóng đến ngày có dịp về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn, thắp nén nhang lên mộ của mẹ mình. Khi mẹ mất, ông không thể có mặt bên bà. Ca khúc “Khóc mẹ” được ông viết trong nỗi đau khi nghe tin mẹ qua đời.

Cách đây vài năm, một đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật trong nước làm đêm nhạc riêng để tôn vinh sự nghiệp âm nhạc của ông và ngỏ ý muốn mời ông về nước. Nhạc sĩ Lam Phương tâm sự, khi ấy ông rất muốn về, chỉ tiếc không có đủ sức khỏe đi di chuyển quãng đường xa tới nửa vòng trái đất.

Có điều cho tới cuối đời, nhạc sĩ Lam Phương vẫn lẻ bóng. Tác giả của hơn 200 nhạc phẩm viết về tình yêu, người được mệnh danh “cha đẻ” của những sáng tác thất tình, đi qua không ít những thăng trầm trong đời sống riêng nhưng những năm tháng cuối cùng của cuộc đời chỉ còn lại một mình. Những năm tháng tuổi trẻ, nhạc sĩ Lam Phương từng say đắm nhìn nhiều “bóng hồng” đi qua cuộc đời mình và rồi ngậm ngùi nhìn những “bóng hồng ấy” bỏ mình ra đi. Ông từng ví cuộc đời mình như ngọn đèn khuya, thi thoảng lóe lên rồi vụt tắt, để lại màn đêm mịt mùng vô tận. Những câu chuyện tình của ông, phần lớn đều có cái kết buồn.

Bao năm qua, nhạc sĩ Lam Phương vẫn giữ thói quen nghe nhạc say sưa, nhất là nghe các ca sĩ hát nhạc của mình, hát những ca khúc mà ông giúp họ tuyển chọn và biên tập. Ông bảo, ông luôn trân quý cảm xúc khi nghe các ca sĩ hát ca khúc mà mình sáng tác. Nhiều lúc, ông có thể để máy hát ở đầu giường và mải miết nghe nhạc cả ngày. Lâu nay, sức khỏe yếu và theo lời khuyên của bác sĩ nên ông cũng không còn sáng tác. Một số ca khúc được ông viết và cất đi trước khi bị tai biến, có thời gian ông lãng quên, sau này chợt nhớ ra và tìm lại. Đó cũng chính là những nhạc phẩm Lam Phương chưa từng được công bố hay ấn hành rộng rãi.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20-3-1937 ở làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa "hướng về phương trời màu xanh hy vọng".

Như Ý

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhac-si-lam-phuong-cha-de-cua-nhung-khuc-tinh-ca-bat-hu-qua-doi-post453695.antd