Nhạc sĩ Hà Hải: Người đi, trống vắng ở lại

Vậy là nhạc sĩ Hà Hải, tác giả của những ca khúc thiếu nhi rất được yêu thích như: 'Suối cá Bác Hồ', 'Cá vàng bơi', 'Hoa thơm dâng Bác'... đã theo 'ông vua nhạc thiếu nhi' Phong Nhã về cõi khác. Thế là từ đây, mảng ca khúc thiếu nhi vốn đã thiếu vắng lực lượng sáng tác, nay lại càng thiếu vắng hơn.

Hung tin ấy đến vào lúc 12 giờ, ngày 9 tháng 7 năm 2020, khiến cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng vô cùng xót xa, đau đớn. Theo con gái Hải Yến của nhạc sĩ thì ông ra đi thanh thản sau một giấc ngủ nhẹ nhàng, không bị đau đớn như những người bị bệnh ung thư khác. Đó âu cũng là một sự giải thoát cho người nhạc sĩ khi cuối đời không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.

Có lẽ tuổi thơ mỗi lứa tuổi 9X như tôi, không ai là không từng nghe những ca khúc của ông. Có thể nói những ca khúc của ông đã hướng chúng tôi đến tương lai phía trước với những gì tốt đẹp, mộng mơ và bay bổng nhất.

Trong cuộc đời ông đã có nhiều phóng viên tìm gặp viết bài nhưng có lẽ tôi là phóng viên cuối cùng may mắn được phỏng vấn ông trong một bài viết đầu tháng 6 vừa qua, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Thú thật khi có ý định đến gặp ông, tôi đã hơi ngần ngại, lo lắng bởi qua thông tin từ một số nhạc sĩ, tôi được biết ông đang bị bệnh nặng. Liệu ông có trò chuyện được không? Liệu ông có còn nhớ chuyện gì không? Những câu hỏi ấy cứ vẩn vơ trong đầu tôi, thế nhưng, bỗng một suy nghĩ khác lóe lên, biết đâu cuộc gặp và bài báo sau đó sẽ đem đến niềm vui để ông có thêm sức mạnh chiến thắng bệnh tật.

Nhạc sĩ Hà Hải hướng dẫn các em nhỏ tập hát.

Nhạc sĩ Hà Hải hướng dẫn các em nhỏ tập hát.

Và khi được gặp nhạc sĩ, tôi mới thấy sự lạc quan, yêu đời, kiên cường luôn thường trực trên khuôn mặt, ánh mắt và qua cách nói chuyện của ông, mặc dù lúc ấy ông đã phải nằm trên giường để trò chuyện cùng tôi, mặc dù giọng nói của ông cũng đã thều thào.

Khi ấy ông bảo: “Nhà mình có 2 cô con gái đều đã có công ăn việc làm ổn định, một cô làm ở Ngân hàng Vietcombank, người còn lại làm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội. Vì thế với mình lúc này cuộc đời đã mãn nguyện và nếu có ra đi cũng không còn gì là hối tiếc nữa”.

Và khi ông đang cố gắng kể lại câu chuyện, nhiều lúc tôi đã phải chen ngang với câu hỏi: “Bác có mệt không?”. Nhưng rồi ông lại kịp trấn an tôi, rằng: “Bác nằm thì không mệt mà có mệt thì cũng… mệt rồi”.

Có lẽ trong cuộc đời làm báo đây là cuộc phỏng vấn đặc biệt nhất của tôi, bởi nhân vật của tôi đang cố gắng gửi lại trần gian những câu chuyện của riêng mình. Ông cũng đã thì thào bên tai tôi rằng: “May là hôm nay cháu đến đây, chứ nếu ngày mai là bác đi xạ trị”. Vậy là chúng tôi gặp nhau cũng như một cái duyên.

Cũng trong cuộc trò chuyện, ông liên tục nhắc đến người anh, người thầy - nhạc sĩ Phong Nhã, người mới mất cuối tháng 3 năm nay, người đã luôn động viên, khuyến khích ông sáng tác ca khúc thiếu nhi. Và cũng chính “ông vua nhạc thiếu nhi” đã góp ý để ông sửa bài hát “Suối cá Bác Hồ”, bài hát đầu tay về mảng ca khúc thiếu nhi đã đưa tên tuổi của ông đến gần với công chúng.

Được biết đến là nhạc sĩ của trẻ thơ, thế nhưng Hà Hải đến với âm nhạc lại bắt đầu từ ca khúc người lớn. Sáng tác đầu tay của ông là “Hoàng hôn bên sông” để tặng cô bạn gái và sau này là vợ của mình, khi ông mới 21 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 3, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tuy nhiên, với công việc của một Tổng phụ trách Đội ở Trường THCS Mỹ Đình (Hà Nội), được tiếp xúc nhiều với em nhỏ đã tạo nguồn cảm hứng lớn để ông để chuyển sang viết ca khúc thiếu nhi.

“Công việc của một Tổng phụ trách Đội là luôn phải tổ chức những hoạt động cho các em học sinh, trong đó có biểu diễn các chương trình văn nghệ. Tuy nhiên, không thể năm này qua năm qua khác chỉ hát đi hát lại một ca khúc. Vậy việc sáng tác của khúc thiếu nhi với tôi ngoài cảm hứng còn là nhiệm vụ, là công việc, kể cả sau này về công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội”, nhạc sĩ Hà Hải giãi bày.

2 năm sau khi bài hát đầu tay về ca khúc thiếu nhi ra đời, Hà Hải đã cho ra đời ca khúc “Hoa thơm dâng Bác”. Đây là ca khúc được chọn là một trong 50 ca khúc thiếu nhi hay nhất của thế kỷ XX và cũng là bài hát được chọn là bài ca chính thức của Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ V (năm 2000), bài hát truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ông đã sáng tác nhiều bài hát cho lứa tuổi mẫu giáo nhi đồng như: “Cá vàng bơi”, “Vì sao chim hay hót”, “Tiếng chào theo em”, “Sao nhi đồng chăm ngoan”, Năm cánh sao vui (thơ Phong Thu); các ca khúc chủ đề thương binh như: “Em yêu chú thương binh”, “Quà tặng chú thương binh”, “Hoa thơm tặng chú thương binh”, “Áo lụa tặng bà”… ; và các bài hát về Bác Hồ như: Trung thu nhớ Bác, Em yêu vườn quả Bác trồng, Măng non Việt Nam xứng danh cháu ngoan Bác Hồ…

Nhạc sĩ Hà Hải phiêu du bên cây đàn ghita.

Dễ dàng nhận thấy trong các ca khúc thiếu nhi của Hà Hải luôn hiện lên hình ảnh Bác Hồ bởi theo lý giải của ông thì: “Sinh thời, Bác Hồ rất yêu quý thiếu nhi. Bác luôn quan tâm, động viên các cháu phải chăm ngoan, học hỏi, ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, thầy cô. Và đáp lại tình cảm của Người, các em nhỏ cũng rất yêu quý Bác, chẳng thế mà nhạc sĩ Phong Nhã đã viết ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” nằm lòng trong nhiều thế hệ trẻ thơ”.

Quan sát xung quanh giường nhạc sĩ nằm, tôi thấy không chỉ có thuốc mà còn có những tài liệu, là những tập bản thảo thơ, ca khúc và những giấy tờ mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gửi cho ông. Và tôi đã vô tình thấy số tiền mà ông được nhận trong quý 1-2020 là gần 12 triệu đồng.

Đây là số tiền không nhỏ với một công chức về hưu như ông và điều đó minh chứng một điều rằng, các ca khúc của ông hiện vẫn được sử dụng rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để có được sức sống và sự lan tỏa ấy thì bản thân ca khúc phải thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, ca từ đẹp, có tính giáo dục và phải mang đậm bản sắc hồn cốt của dân tộc. Đó là tâm sự của nhạc sĩ Hà Hải và cũng là mong mỏi, sự gửi gắm của người nhạc sĩ quê lụa với các nhạc sĩ đang có ý định sáng tác ca khúc thiếu nhi.

Khi nhạc sĩ Hà Hải qua đời đã có rất nhiều tờ báo đưa tin với sự kính trọng về một người nhạc sĩ tài hoa. Người đã thông tin cho báo chí là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, một người đồng nghiệp thân thiết thường cùng ông chấm thi trong các cuộc thi ca hát của Hà Nội.

Nhớ về người chú đáng kính này, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long kể: “Gần đây nhất, tôi gặp nhạc sĩ Hà Hải là vào giữa tháng 10 năm ngoái, khi cả hai cùng làm ban giám khảo cho cuộc thi Tiếng hát Chữ thập đỏ Hà Nội 2019 do Hội Chữ thập đỏ Hà Nội tổ chức. Lần gặp ấy mới biết nhạc sĩ vừa hồi sinh sau một trận ốm thập tử nhất sinh, vừa mới ra viện được vài hôm, vẫn còn đang rất yếu nhưng yêu nghề nên nhận lời đi chấm. Hà Hải nói là đi cho khỏe. Quả thực với dân âm nhạc thì rõ ràng chẳng thứ thuốc tinh thần nào quý hơn chính những giai điệu, tiếng đàn, lời ca và những giây phút được sống trong nghề nghiệp của mình”.

Khi tôi đang viết những dòng cuối này, gia đình đã lo xong hậu sự cho nhạc sĩ Hà Hải, vậy là ông đã rời xa chúng ta nhưng chắc chắn rằng những ca khúc của ông sẽ sống mãi với thời gian, sống mãi trong ký ức của thế hệ trẻ thơ nước nhà. Ông ra đi sau khi nhạc sĩ Phong Nhã mất không lâu đã để lại khoảng trống khó lấp đầy trong kho tàng âm nhạc thiếu nhi nước nhà.

Ngô Khiêm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhac-si-ha-hai-nguoi-di-trong-vang-o-lai-605016/