Nhạc sĩ của 'bài ca hy vọng'

Nhạc sĩ Văn Ký (Vũ Văn Ký), tác giả của nhiều bài hát được nhiều người yêu mến, được coi là những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam đã mãi mãi ra đi ở tuổi 92 sau những ngày chống chọi với căn bệnh ung thư. Dù nhạc sĩ đã ra đi, nhưng tình yêu âm nhạc, những đóng góp không mệt mỏi cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam của ông sẽ luôn còn mãi, lưu lại ấn tượng đẹp trong tâm trí của các thế hệ người yêu nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Văn Ký. Ảnh: Anh Tuấn

Nhạc sĩ Văn Ký. Ảnh: Anh Tuấn

Viết lên “bài ca hy vọng” cho dân tộc Việt Nam

Trước đây, hồi mới vào nghề báo, tôi từng có cơ duyên gặp gỡ nhạc sĩ Văn Ký. Ông rất nhẹ nhàng, thân thiện, nói chuyện vừa dí dỏm, vừa sâu sắc và vui vẻ trả lời bất cứ câu hỏi nào của tôi. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, khi có dịp tiếp xúc hoặc cộng tác với ông đều có chung cảm nhận như thế. Sự ra đi của nhạc sĩ Văn Ký đã để lại niềm tiếc nuối khôn nguôi với những người từng gặp ông.

Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sĩ Văn Ký có khoảng 400 tác phẩm, gồm các tác phẩm khí nhạc, nhạc kịch, nhạc phim và ca khúc. Trong số đó, có nhiều ca khúc được coi là những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt nam.

Trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Văn Ký, mảng ca khúc chiếm số lượng lớn, thể hiện ở các đề tài ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi những tấm gương lao động và chiến đấu, ca ngợi tình yêu đôi lứa... Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến “Bài ca hy vọng” - một tác phẩm bất hủ làm nên tên tuổi nhạc sĩ Văn Ký. Tác phẩm ra đời năm 1958, vào thời điểm cuộc đấu tranh thống nhất đất nước bước vào giai đoạn quyết liệt, thể hiện tâm tư, tình cảm từ đáy lòng của người nhạc sĩ, gửi niềm hy vọng vào ngày đất nước hòa bình.

Nhạc sĩ Văn Ký từng chia sẻ, ông sáng tác ca khúc này lúc ông 30 tuổi, ở nhà tù Côn Đảo. Lời ca khúc tự nhiên bật ra, nên ông sáng tác rất nhanh, trong thời gian ngắn. Thời điểm đó, ca khúc đã được những người tù chuyền tay nhau và giúp họ nuôi hy vọng vào một tương lai đất nước độc lập. Ông không nghĩ là ca khúc sẽ được nhiều người thích và cũng không nghĩ là ca khúc có sự lan tỏa lớn đến như thế.

“Bài ca hy vọng” với giai điệu đẹp, lời ca mượt mà, tha thiết, ca từ dung dị, sâu lắng đã lay động tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam. Viết về chiến tranh, cách mạng nhưng nhạc sĩ Văn Ký không hô hào khẩu hiệu mà chọn cách diễn đạt tâm tình, mềm mại. Lời ca bay lên từ mùa Xuân đất nước với cánh chim xao xuyến mang lời nhắn gửi thiết tha từ miền Bắc bay tới miền Nam, với: “ Ước mơ những mùa Xuân bóng dáng tương lai/Ðường ta đi lên xây đời trong hoa thơm/có mùa Xuân nào đẹp bằng"... Lời ca đã bay qua song sắt nhà tù, thắp lên niềm tin về tương lai, về chân trời mới, về ngày mai tươi đẹp hơn. Bài hát trở thành ca khúc tiêu biểu mang ước vọng của cả hai miền trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, song “Bài ca hy vọng” vẫn luôn được hát vang, truyền năng lượng và cảm hứng cho mỗi con người, cuộc đời.

Một đời tận tụy, không ngừng sáng tác

Nhạc sĩ Văn Ký sinh ra tại Nam Định nhưng lại lớn lên tại Thanh Hóa. Văn Ký sớm được giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào Việt Minh. Năm 15 tuổi, Văn Ký bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thanh Hóa, bị giặc dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo tra tấn nhưng chàng thiếu niên vẫn nhất định không khai nửa lời. Năm 18 tuổi, Văn Ký được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, làm Huyện đội trưởng (nay là Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện) Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Cũng từ năm 18 tuổi, Văn Ký bắt đầu đam mê âm nhạc, tự mua sách nhạc lý về học và đã có sáng tác đầu tay “Trăng xưa”. Chàng thanh niên thích hoạt động văn nghệ, say sưa đàn hát khi có thời gian nghỉ giữa những cuộc hành quân. Văn Ký được cấp trên cử đi học lớp bồi dưỡng văn hóa, văn nghệ ở liên khu 4, chính điều đó đã thay đổi cuộc đời của ông. Từ đây, nền âm nhạc Việt Nam cũng xuất hiện một nhạc sĩ tài năng.

Là thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngay từ đầu thành lập, nhạc sĩ Văn Ký đã có vinh dự đồng hành cùng dân tộc Việt Nam từ những ngày đầu cuộc khởi nghĩa cho tới ngày toàn thắng và trong thời kỳ đất nước đổi mới.

Nhạc sĩ Văn Ký, tên đầy đủ là Vũ Văn Ký, sinh năm 1928, tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Văn Ký đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2011), cùng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng của các ngành, đoàn thể...

Trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký, bên cạnh những ca khúc cách mạng đầy khí thế, mạnh mẽ đấu tranh thì ông còn có nhiều sáng tác hay như: “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Trời Hà Nội xanh”, “Gửi anh người trai Hà Nội”, “Nha Trang mùa Thu lại về”...

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam từng nhận xét: “Nhạc sĩ Văn Ký là một nhạc sĩ rất tài năng khi vừa sáng tác ca khúc hay lại sáng tác khí nhạc xuất sắc, một người làm âm nhạc đích thực. Các ca khúc cách mạng của nhạc sĩ Văn Ký đến nay vẫn được mọi người yêu thích là bởi âm nhạc trong ca khúc vừa giàu tính chiến đấu, vừa rất trữ tình”.

Sau này khi đã tuổi cao nhưng nhạc sĩ Văn Ký vẫn sáng tác không ngừng nghỉ. Dấu ấn ở tuổi 78 của ông là bài hát “Bay lên Việt Nam” được coi như là bài hát nối tiếp tinh thần của “Bài ca hy vọng”. Nhạc sĩ Văn Ký cũng coi đây là “Bài ca hy vọng” của thế kỷ XXI. Đặc biệt, ở tuổi 92, dù phải điều trị nhiều căn bệnh tuổi già, nhạc sĩ Văn Ký vẫn hào hứng sáng tác âm nhạc. Tháng 5-2020, từ cuộc trò chuyện với tác giả Lê Chín qua điện thoại, ông đã phổ nhạc bài thơ “Covid phải lùi xa” của tác giả này. Bài hát với sự thể hiện của Nghệ sĩ Ưu tú Minh Quang đã đề cập đến khó khăn của những ngày giãn cách xã hội do tác động của dịch Covid-19.

Với những người đã từng tiếp xúc, hợp tác với nhạc sĩ Văn Ký, tinh thần làm việc của nhạc sĩ nay luôn khiến họ nể phục. Nhạc sĩ Văn Ký đã mãi mãi ra đi nhưng ông sẽ luôn là tấm gương về cách sống, về sự cống hiến cho âm nhạc, cho cuộc đời thế hệ hôm nay và mai sau.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhac-si-cua-bai-ca-hy-vong-post434866.html