Nhạc phim 'Mắt biếc' có lạm dụng Phan Mạnh Quỳnh quá không?

Không thể phủ nhận đóng góp của 'Có chàng trai viết lên cây' trong thành công của 'Mắt biếc'. Song, bộ phim nhiều lúc như lạm dụng nhạc phẩm của Phan Mạnh Quỳnh.

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung bộ phim Mắt biếc

Âm thanh và hình ảnh là hai yếu tố không thể tách rời của một bộ phim. Nếu hình ảnh và lời thoại phản ánh cách đạo diễn kể cho khán giả câu chuyện của mình, thì âm nhạc, một cách kín đáo hơn, chính là dòng chảy cảm xúc bên trong câu chuyện ấy.

Do tính chất dễ phổ biến, những bài hát chủ đề thường được khán giả biết tới nhiều hơn. Còn những bản nhạc nền, tuy có thể không nổi trội bằng, nhưng sẽ mang đến tính hiệu quả trong vai trò chất xúc tác giúp người xem đắm chìm vào những gì diễn ra trên màn ảnh.

Nhạc Phan Mạnh Quỳnh - dù hay dù thấm, nhiều quá cũng nhàm

Ngay từ khi ra mắt, Có chàng trai viết lên cây của Phan Mạnh Quỳnh đã trở thành một bản hit. Bài hát với những câu từ giản dị nhưng đau đáu xót xa về mối tình ấu thơ chưa hé nở đã sớm chịu nỗi đau chia xa được khán giả yêu mến, dù là qua giọng hát Phan Mạnh Quỳnh trong Sing My Song 2016, hay bởi giọng ca Hà Anh Tuấn trong Romance Concert năm 2018.

Tình cờ thay, câu chuyện trong bài ca của Phan Mạnh Quỳnh lại vô cùng đồng điệu với chuyện đời, chuyện tình của chàng trai tên Ngạn trong Mắt biếc.

Có chàng trai viết lên cây được nhiều khán giả tìm nghe sau khi theo dõi xong Mắt biếc.

Có chàng trai viết lên cây được nhiều khán giả tìm nghe sau khi theo dõi xong Mắt biếc.

Sẽ không oan nếu nói Mắt biếc đã hâm nóng lại Có chàng trai viết lên cây và tên tuổi Phan Mạnh Quỳnh. Nhưng ở chiều ngược lại, lời bài hát của Phan Mạnh Quỳnh cũng chi phối ngược nội dung của bộ phim. Lời bài hát viết “có chàng trai viết lên cây”, và người xem thấy cậu nhóc Ngạn khắc dòng chữ “mắt biếc” lên cây.

Dòng chữ khắc trên cây ấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt chiều dài bộ phim, như một ký ức của tuổi thơ ngây, nhưng cũng vô tình giống như hình ảnh biểu tượng đầy cưỡng ép.

Phan Mạnh Quỳnh đồng thời là tác giả của cả bốn bài hát có lời trong phim, gồm Chàng trai viết lên cây, Từ đó, Tôi chỉ muốn nóiHà Lan. Trong đó, Hà LanTừ đó là hai nhạc phẩm mới được anh và đạo diễn Victor Vũ tinh chỉnh nhiều lần sao cho phù hợp với nội dung phim.

Nếu Từ đó đại diện cho phần tươi sáng trong tâm hồn Ngạn khi hướng về Hà Lan, thì Hà Lan thuộc về phần ngược lại, thấm đẫm nỗi buồn của anh khi người thương đã “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Tuy khán giả săn đón nhiệt tình những ca khúc kể trên sau khi theo dõi bộ phim, nhưng bản thân chúng ít can thiệp vào việc tạo dựng, đưa đẩy cảm xúc của nhân vật. Trái lại, việc sử dụng nhóm ca khúc với mật độ dày đặc, cùng lối lạm dụng những cảnh quay chậm (slow-motion) của Victor Vũ, lại khiến nhiều phân đoạn trong Mắt biếc mất đi tính điện ảnh, đôi lúc na ná như MV ca nhạc.

Dù bài hát chủ đề có hay, có thấm đến mấy, điều quan trọng hơn cả trong một bộ phim vẫn là hình ảnh. Ngôn ngữ ấy phải được tạo ra bằng tư duy điện ảnh của đạo diễn, chứ không phải từ việc cắt nhỏ một bài hát rồi đem lồng vào những cảnh hồi tưởng, hay đặc tả, hay nhân vật ôm đàn nghêu ngao hát, để rồi trông chờ khán giả, bằng việc lắng nghe lời bài hát, sẽ tự luận ra tâm lý nhân vật.

Những ngày ở Huế - âm nhạc đa dạng, tình tiết rời rạc

Trường đoạn rực rỡ nhất trong âm nhạc của Mắt biếc thực tế nằm ở những ngày Hà Lan và Ngạn ở Huế. Để tái hiện bầu không khí “dập dìu” của thập niên 1970, nhà soạn nhạc Christopher Wong đã sử dụng bản thu của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như Thanh Mai, Elvis Phương hay Lệ Thu. Khán giả có cơ hội nghe lại Tóc mai sợi vắn sợi dài, Đêm huyền diệu, Tôi muốn qua giai điệu soul rock rộn rã…

Âm nhạc trong phim khi các nhân vật lên Huế trở nên đa dạng hơn.

Đây cũng là trường đoạn mà nhạc phim đã rất thành công khi đảm nhận thay đạo diễn công việc kể chuyện. Người cô của Hà Lan, sống độc thân và ưa thích hội hè, được giới thiệu trên nền nhạc Mộng chiều xuân, cảnh Dũng đưa Hà Lan đi chơi được lồng nhạc nền bài Sống cho qua hôm nay - giúp dự báo một tương lai không vững bền.

Hay cảnh phim Ngạn lần đầu đặt chân tới Huế thì mở ra trên giai điệu rộn rã của Tôi muốn, như ngầm giới thiệu một lối sống phóng khoáng và hào nhoáng, trái ngược với toàn bộ những điều anh từng biết ở Đo Đo.

Sau khi thỏa sức đóng vai “thám tử âm nhạc”, người xem sẽ ngơ ngác nhận ra cuộc tình tay ba Ngạn - Hà Lan - Dũng đã “tan tành” mà không để lại chút ấn tượng nào sau một trường đoạn lồng ghép cảnh vượt cạn của Hà Lan với đám cưới của Dũng và vài giọt nước mắt của Ngạn.

Dù chỉ là cái cớ đưa đẩy, Dũng vẫn xứng đáng nhận được nhiều hơn là một chuỗi nối tiếp cảnh quay theo trình tự: thoại, cảnh chơi bời được lồng nhạc, lặp lại. Tuy đã nhìn nhận nhân vật bằng con mắt bao dung hơn, nhưng đạo diễn Victor Vũ chưa thực sự mang lại cho Dũng một màn xuất hiện đáng nhớ trên màn ảnh.

Nhạc nền bị lép vế, và vẫn quá “Phan Mạnh Quỳnh”

Trong Mắt biếc, Christopher Wong trực tiếp sáng tác 10 trong tổng số 20 bản nhạc nền. Con số chỉ bằng một nửa số lượng nhạc nền được ông biên soạn cho một bộ phim khác của Victor Vũ là Người bất tử.

Nhưng sự đầu tư công phu của Wong dành cho bộ phim nằm ở việc ông và Victor Vũ đã mời cả dàn nhạc giao hưởng Bulgaria thu âm phần nhạc nền. Quả đúng như mong đợi, phần nhạc phim Mắt biếc đã thành hình với tất cả sự da diết, hoài niệm và cả hạnh phúc - tập hợp cảm xúc được dán nhãn “ký ức tuổi thơ”.

Mắt biếc tuy không phải phim ca vũ nhạc, nhưng số lượng bài hát có lời được sử dụng vẫn nhiều đáng kể: 4 bài do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác và 6 bài dùng lại. Liệu đây có thể coi là sự lạm dụng hay không, khi bản thân mỗi lời bài hát đã ít nhiều kể lại một câu chuyện?

Có cảm giác nhiều trường đoạn trong Mắt biếc đã lạm dụng giai điệu của Có chàng trai viết lên cây.

Khi cả Từ đó, Hà LanTôi chỉ muốn nói cùng vang lên, khán giả như phải nghe đi nghe lại, thông qua lời bài hát, cùng một câu chuyện, rằng Ngạn yêu Hà Lan từ thuở thơ bé, nhưng Hà Lan lại chỉ ham thích phố thị xa hoa, đến bốn lần. Ba lần là qua lời bài hát, còn một lần thông qua chính nội dung phim.

Các bản nhạc nền của Mắt biếc, tuy êm dịu và dễ nghe, nhưng không thực sự đa dạng. Có chàng trai viết lên cây tuy chỉ thực sự cất lên trọn vẹn ở kết phim, nhưng các trích đoạn của ca khúc được sử dụng liên tục bằng cách lồng ghép vào các bản nhạc nền. Điều đó dẫn tới hậu quả nhiều bản nhạc đọng lại trong khán giả đều chỉ qua một ấn tượng như nhau.

Sự phổ biến của bài hát gốc, từ chỗ khiến khán giả chú ý tới bộ phim từ những ngày đầu, bỗng trở thành điểm yếu chí mạng của Mắt biếc. Bởi khán giả sẽ luôn bị phân tâm và tự động “điền lời” cho các bản nhạc khi phần giai điệu của Có chàng trai viết lên cây cất lên.

Việc nhạc phim bám quá sát vào bản hit của Phan Mạnh Quỳnh cũng khiến Mắt biếc thiếu nhạc nền phù hợp trong nhiều phân cảnh. Ví như lúc Ngạn đội mưa đi xin gạo về nấu cho mẹ con Hà Lan. Hiệu ứng slow-motion cảnh Ngạn lao vào màn mưa tựa tử sĩ ra trận được cộng hưởng bởi nhạc nền bi tráng chỉ tạo ra cảm giác kỳ quặc. Liệu ai cần một cảnh quay chậm nhân vật lao vào màn mưa khi quãng đường chỉ dài hơn hai bước chân?

Cảnh cuối phim, khi Hà Lan đuổi theo Ngạn trên nền nhạc Có chàng trai viết lên cây, cũng gây gián đoạn mạch cảm xúc. Đây là cao trào của Mắt biếc, là kết thúc bi thương dành cho mối tình của Ngạn và Hà Lan, chứ không phải kết cục của câu chuyện một cậu thiếu niên khắc tên người thương lên cây trong bài hát. Trường đoạn xứng đáng có một bản nhạc nền khác dành riêng, không có dấu vết bản hit của Phan Mạnh Quỳnh.

Không thể phủ nhận những đóng góp và tài năng của Phan Mạnh Quỳnh trong thành công và sức lan tỏa của Mắt biếc tới đông đảo khán giả. Nhưng như cổ nhân đã nói rằng “Người khôn nói lắm dẫu hay cùng nhàm”, sự xuất hiện ồ ạt những sáng tác của anh, cùng một vài lựa chọn chưa thực sự tối ưu của Victor Vũ, đôi lúc đã tước mất của các nhân vật, và chính bộ phim, quyền được kể câu chuyện của chính bản thân.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhac-phim-mat-biec-co-lam-dung-phan-manh-quynh-qua-khong-post1029482.html