NHẮC NHỚ 'TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN'

Phát biểu trong Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 tại Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) ngày 5-9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ ngành giáo dục cả nước: Dạy chữ phải đi đôi với dạy đạo làm người. Lời nhắn nhủ của người đứng đầu Chính phủ cũng chính là phương châm, quyết tâm hành động của ngành giáo dục nước nhà trong năm học mới, đề cao dạy đạo làm người cho học sinh.

 Ảnh minh họa. Nguồn: baothainguyen

Ảnh minh họa. Nguồn: baothainguyen

Về phương diện lý luận, đây là sự nhấn mạnh đường lối giáo dục-đào tạo của Đảng ta theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đào tạo những thế hệ con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa vừa có đức, vừa có tài; vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn đổi mới, hội nhập. Trên phương diện thực tiễn, sự vận động và phát triển đời sống xã hội, trong đó có môi trường học đường những năm qua, bên cạnh các thành tựu nổi bật đã bộc lộ những biểu hiện “lệch chuẩn” đạo đức, cần phải có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Có thể thấy một thực trạng hiện nay là không ít nhà trường, đơn vị giáo dục, nhất là những nơi có yếu tố nước ngoài thường chỉ tập trung dạy cho học sinh những kiến thức về ngoại ngữ, khoa học kỹ thuật, ít chú trọng giáo dục lịch sử truyền thống và hệ tư tưởng của dân tộc. Chính vì vậy, việc phát triển của một bộ phận thế hệ tương lai không tránh khỏi sự mất cân đối giữa kiến thức, năng lực chuyên môn với phẩm chất đạo đức. Về lâu dài, nó sẽ nảy sinh những hệ lụy xấu cho chế độ, đất nước, dân tộc. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Dạy đạo làm người chính là tập trung các hình thức, giải pháp nhằm chấn hưng đạo đức của người học, của môi trường giáo dục theo những chuẩn mực bản sắc văn hóa, đạo đức dân tộc trong thời đại mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thành tựu của nền giáo dục được quyết định bởi hai thành tố chính là dạy và học. Vận hành những thành tố ấy dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đòi hỏi phải có sự kết hợp thống nhất, chặt chẽ, bền vững từ gia đình, nhà trường và xã hội. Để việc dạy chữ, dạy kiến thức đi đôi với đề cao dạy đạo làm người có hiệu quả thì thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ, người lớn phải là tấm gương cho học sinh, con cháu và trẻ nhỏ noi theo. Học sinh được học từ thầy cô giáo trong nhà trường, từ ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình và môi trường giáo dục từ cộng đồng, xã hội. Người dạy không chỉ dạy cái mình có mà còn phải trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, học tập nâng cao trình độ, kiến thức từ chính cuộc sống và học ở nhân dân để dạy cái học sinh cần, xã hội cần.

Đặt vấn đề chú trọng dạy đạo làm người, chấn hưng đạo đức trong môi trường giáo dục hiện nay không phải là một phạm trù mới mẻ, càng không phải là sự đột phá do từ trước đến nay chúng ta không hoặc chưa chú trọng, mà đây là sự nhắc nhớ, nhấn mạnh yêu cầu về chất lượng, hiệu quả do chính thực tiễn đặt ra. Vì vậy, mỗi nhân tố trong môi trường giáo dục vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của quá trình dạy và học. Người dạy lấy đạo làm người làm đầu thì người học phải lấy “Tiên học lễ, hậu học văn” làm trọng. “Lễ” trong môi trường giáo dục hiện nay chính là sự thể hiện sinh động tinh thần yêu nước, lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tình yêu thương con người, đức nhân ái, vị tha, bao dung cùng những hành vi ứng xử văn hóa, văn minh trong cuộc sống hằng ngày.

Dạy-học là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Dạy cũng là một cách để tự học. Học cũng là cách tự răn dạy bản thân. Học sinh được học đã đành, mà người dạy cũng phải luôn luôn có ý thức tự học và chịu học.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/nhac-nho-tien-hoc-le-hau-hoc-van-590535