Nhà xuất bản Giáo dục lập đường dây nóng, sách giáo khoa năm tới có nóng không?

Thực tế nhiều cuốn sách đã tăng trên con số 1.800 đồng như sự cho phép của các cơ quan chức năng và công bố trước đây của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì cuối cùng họ cũng đã được chấp thuận cho tăng giá sách giáo khoa kể từ năm học 2019-2020 tới đây.

Điều đáng lưu ý là ngay sau khi được tăng giá sách giáo khoa thì Nhà xuất bản Giáo dục đã công bố chi tiết giá sách giáo khoa như một sự minh bạch trước dư luận.

Nhưng, khi so sánh giá một số cuốn sách giáo khoa trước đây và giá sách mới, chúng tôi nhận thấy có nhiều cuốn sách được tăng giá khác với sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền cũng như những công bố của Nhà xuất bản Giáo dục.

Sách giáo khoa sẽ được điều chỉnh giá trong năm học 2019-2020 (Ảnh minh họa của Xuân Trung)

Trong Thông cáo báo chí về việc điều chỉnh giá sách giáo khoa từ năm học 2019-2020 vào ngày 29/3/2019 và được đăng tải trên website của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thể hiện rõ việc điều chỉnh giá sách giáo khoa mới.

Nội dung điều chỉnh giá có đoạn như sau: “Với phương án đã được phê duyệt, giá bán của các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớn 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1.000đ đến 1.800đ/cuốn.

Bảng giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 được tổ chức niêm yết công khai tại các cửa hàng sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, các công ty Sách - Thiết bị trường học cả nước và trên website của Nhà xuất bản Giáo dục”.

Ngày 10/5/2019, trên website của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có công bố đường dây nóng giải đáp nhu cầu mua sách giáo khoa. Đọc công bố này chúng tôi thấy cũng có một số điều đáng lưu ý.

Nhất là giá sách giáo khoa cho năm học 2019-2020 tới đây có nhiều cuốn sách được tăng giá lên tương đối cao so với sách giáo khoa hiện hành, không phải bình quân từ 1.000 đồng đến 1.800 đồng/cuốn như trong thông cáo báo chí ngày 29/3.

Chẳng hạn, cuốn Tiếng Việt lớp 1, tập 1 xuất bản năm 2014 có giá là 11.800 đồng, sách mới 15. 000 (tăng 3.200 đồng). Sách Toán lớp 1, tập 1 xuất bản năm 2015 có giá 10.800, sách mới có giá 15.000 đồng (tăng 4.200 đồng).

Sách Tiếng Việt lớp 3, tập 1 xuất bản năm 2013 giá 11.000, sách mới 15.000 (tăng 4.000 đồng). Sách giáo khoa Tiếng Việt 5, tập 1 xuất bản năm 2017 có giá là 13.000 nhưng sách mới có giá 15.000 đồng (tăng 2000 đồng).

Sách Ngữ văn 7, tập 1, xuất bản năm 2017 có giá là 7.800 đồng nhưng sách mới là 12.000 đồng (tăng 4.200 đồng)…

Trước khi được tăng giá sách giáo khoa, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã liên tục chia sẻ về những khó khăn với báo chí rằng sách giáo khoa phổ thông đã 8 năm “đứng yên” giá.

Vì thế, những cuốn sách chúng tôi có được để so sánh là xuất bản từ năm 2013 đến 2017 để đối chiếu với sách giáo khoa vừa được điều chỉnh giá và được công khai trên wesite của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hiểu như thế nào về cụm từ “chỉ điều chỉnh giá với sách in năm 2019…?

Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo trên website của mình trong ngày 10/5 vừa qua là: “chỉ điều chỉnh giá với các sách in năm 2019. Sách giáo khoa in từ năm 2018 trở về trước vẫn phát hành theo giá cũ”, theo chúng tôi thì đây đang là cách “chơi chữ” với dư luận.

Từ “chỉ” có nghĩa là những sách giáo khoa còn tồn đọng ở các năm trước sẽ giữ nguyên giá cũ, còn Nhà xuất bản “chỉ” tăng những sách xuất bản từ năm 2019 này. Thế nhưng, thực tế sách giáo khoa tồn đọng của các năm trước có còn nhiều không thì Nhà xuất bản đã quá rõ.

Chúng ta chưa thể nào quên vào thời điểm trước năm học 2018-2019 thì thị trường sách giáo khoa đã “cháy hàng”. Nhiều phụ huynh không thể tìm mua được sách giáo khoa cho con em mình học.

Sau sự việc “cháy” sách giáo khoa thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới vội vàng xuất bản thêm một số sách nữa để “chữa cháy” cho thị trường sách giáo khoa năm 2018.

Điều này có nghĩa là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tính toán rất kỹ lưỡng để xuất bản sách theo số lượng học sinh. Họ còn tính toán để không để dư thừa sách hàng năm nên mới có hiện tượng “cháy hàng”.

Bởi, số lượng học sinh thì hàng năm Nhà xuất bản đã quá rõ rồi. Việc in thiếu là có một chủ đích rõ ràng.

Vì vậy, bây giờ dùng từ cụm từ: “chỉ điều chỉnh giá với các sách in năm 2019. Sách giáo khoa in từ năm 2018 trở về trước vẫn phát hành theo giá cũ” thì cũng là cách đánh lừa thị giác phụ huynh mà thôi.

Bởi, thực tế sách cũ có còn tồn đọng lại đâu mà tăng giá, nếu có tồn đọng lại sách cũ thì số lượng cũng cực nhỏ so với số sách nằm trong kế hoạch xuất bản năm 2019 là 108 triệu bản của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Nhưng, từ “chỉ” cũng sẽ khiến cho nhiều phụ huynh “mát lòng mát dạ” bởi nó mang rất nhiều ý nghĩa…

Những con số lỗ và lãi

Theo Thông cáo báo chí ngày 29/3/2019 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ở phần cuối có dòng chữ chú thích như sau:

Theo báo cáo tài chính được kiểm toán, hoạt động kinh doanh sách giáo khoa năm 2014 lỗ 53,7 tỷ đồng, 2015 lỗ 43,8 tỷ đồng, 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 38 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 50 tỷ đồng”.

Nhưng từ năm học 2019-2020 tới đây, sách giáo khoa sẽ được phép tăng giá bình quân mỗi cuốn sách là từ 1.000-1.800 đồng. Trong khi, kế hoạch xuất bản năm 2019 này là 108 triệu bản sách giáo khoa thì số tiền chênh lệch chỉ cần tính nôm na cũng đã có trên 100 tỉ đồng.

Nhưng thực tế nhiều cuốn sách đã tăng trên con số 1.800 đồng như sự cho phép của các cơ quan chức năng và công bố trước đây của Nhà xuất bản Giáo dục.

Thậm chí có những cuốn tăng đến 4.200 đồng như chúng tôi đã dẫn chứng ở phần phía trên thì số tiền chênh lệch trước và sau khi tăng giá sẽ còn được đẩy lên nhiều hơn nữa.

Chỉ còn mấy tháng nữa là năm học 2019-2020 sẽ đến, phụ huynh lại phải bỏ ra những khoản tiền rất lớn để đầu tư những bộ sách giáo khoa cho con em mình.

Phụ huynh không chỉ phải mua những cuốn sách giáo khoa thông thường mà nó có cả sách mẹ, sách con, sách bổ trợ, nâng cao…được nhà trường liệt kê ra.

Một số sách giáo khoa và đa phần sách bài tập “dùng một lần” đều là sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn, phát hành thì việc đơn vị này vừa lập “đường dây nóng để giải đáp nhu cầu mua sách giáo khoa” có lẽ cũng chẳng có ích lợi gì cho phụ huynh cả!

Tài liệu tham khảo:

//www.nxbgd.vn/bai-viet/tin-tuc-va-su-kien/duong-day-nong-giai-dap-nhu-cau-mua-sach-giao-khoa-8637.htm

//www.nxbgd.vn/bai-viet/tin-tuc-va-su-kien/thong-cao-bao-chi-ve-viec-dieu-chinh-gia-sach-giao-khoa-tu-nam-hoc-20192020-8624.htm

NGUYỄN NGUYÊN

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-xuat-ban-giao-duc-lap-duong-day-nong-sach-giao-khoa-nam-toi-co-nong-khong-post198284.gd