Nhà xuất bản cũng thua, không phân biệt nổi sách thật - sách lậu

Hoạt động in lậu sách ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn. 'Một vốn bốn lời' nên đã có cả cán bộ nhà xuất bản móc ngoặc với chủ mưu in lậu, hoặc nhân viên nhà xuất bản hùn vốn, góp sức để hưởng lợi.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ TT&TT) tại Hội thảo Chống xuất bản phẩm lậu diễn ra ở Hà Nội ngày 20/6.

Toàn cảnh hội thảo sáng 20/6 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo sáng 20/6 tại Hà Nội.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Trong số những phương thức in lậu sách phổ biến, đáng chú ý là sự móc ngoặc của kẻ chủ mưu với cơ sở in. Nếu số sách in lậu bị tịch thu, đối tượng in lậu chỉ trả cho cơ sở in tiền mực in, giấy in, cơ sở in chỉ mất một phần tiền giấy in và mất công in.

Các lực lượng chức năng thu hàng tấn sách lậu nhưng rất khó phát hiện ra nơi in lậu sách bởi có sự móc ngoặc chặt chẽ và tinh vi giữa chủ mưu với cơ sở in.

“Không quản lý phí, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút..., “một vốn bốn lời” là mức lãi quá lớn của in lậu sách, đủ sức kéo bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên của nhà xuất bản hùn vốn hoặc góp sức ở một công đoạn nào đó để hưởng lợi nhuận”, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống in lậu, Bộ TT&TT đã kiến nghị tăng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động in, đặc biệt là in không có quyết định xuất bản, in vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, in vượt quá số lượng...; Bổ sung một số hành vi để có chế tài xử lý.

Theo đại diện Bộ TT&TT, đã có không ít trường hợp kẻ chủ mưu thực hiện hoặc móc nối với cán bộ của nhà xuất bản tiến hành các vụ in và phát hành sách lậu: Quyết định xuất bản ghi số lượng ít nhưng in số lượng nhiều; in lại toàn bộ hình thức, nội dung sách thật nhưng không xin phép; in những cuốn sách vi phạm bản quyền; in lại những cuốn sách đã xuất bản...

Có những cuốn sách mà ruột là những trang photocopy, chỉ có bìa sách được in offset. Có khi ruột sách được in một nơi, bìa sách in một nơi và gia công hoàn thiện lại ở một nơi khác.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, các đối tượng in và phát hành sách lậu dùng nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Đáng chú ý là sử dụng mã số, mã vạch giả dán trên sách để đánh lừa bạn đọc.

“Trước đây, sách lậu thường được nhận diện qua mã số, mã vạch và tem chống giả, nhưng hiện nay, biện pháp này không mấy hiệu quả, bởi mã số, mã vạch và tem chống giả cũng bị các đối tượng in lậu tìm biện pháp làm giả”, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành băn khoăn bày tỏ.

Một thủ đoạn tinh vi khác nữa là dùng mạng Internet làm nơi kinh doanh sách lậu, hình thức quảng cáo công khai kèm cơ chế phục vụ hấp dẫn, giao hàng tận nơi để tránh phải bày bán, tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý thị trường.

Ngoài ra, còn có phương thức bày bán sách lậu với sách thật; hạ giá bán so với giá ghi trên bìa (thường ghi giá rất cao rồi giảm giá, khuyến mãi 30-40%, thậm chí có khi tới 50-60%) để người mua lầm tưởng là sách rẻ.

Việc chuyên chở và giao nhận sách lậu được thực hiện bởi đội ngũ đông đảo có mặt ở khắp nơi, phổ biến là các nhà sách, cửa hàng sách, quầy sách, chiếu sách trên vỉa hè... Khi lực lượng chuyên chở sách lậu bị phát hiện, bắt giữ, họ chỉ nhận là người chở thuê và thực hiện ba không: Không biết, không nhớ, không rõ.

Sách giả được in ấn và phát hành với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Khó phòng chống in lậu

Hoạt động in lậu sách ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn cho các tác giả, nhà xuất bản và thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Mặc dù công tác phòng, chống in lậu đã được triển khai nhưng còn gặp nhiều khó khăn như lực lượng mỏng, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa đồng bộ và hiệu quả...

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward: “Các nhà xuất bản đang phải đối mặt với xuất bản phẩm in lậu tại Việt Nam. Cần nâng cao nhận thức phòng, chống in lậu xuất bản phẩm cho tất cả người dân Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu”.

Đặc biệt, “việc xác định sách thật, sách in lậu, làm giả ngay tại thời điểm kiểm tra rất khó khăn, vì các thông tin của nhà xuất bản, đối tác liên kết không thống nhất. Nhiều vụ việc bị phát hiện, cơ quan chức năng đề nghị chính nhà xuất bản có sách in lậu xác minh đâu là thật - giả nhưng cũng không thể khẳng định được một cách chuẩn xác, vì vậy, quy trình xử lý rất khó khăn và chưa đạt hiệu quả như mong muốn”, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ.

Ngoài ra, trong xu hướng ứng dụng CNTT để đổi mới quy trình xuất bản, phát hành điện tử, thì việc kiểm soát không gian mạng rất phức tạp, nguồn lực của cơ quan quản lý và các nhà xuất bản chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống in lậu, Bộ TT&TT đã kiến nghị tăng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động in, đặc biệt là in không có quyết định xuất bản, in vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, in vượt quá số lượng...; Bổ sung một số hành vi để có chế tài xử lý...

Bình Minh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nha-xuat-ban-cung-thua-khong-phan-biet-noi-sach-that-sach-lau-post303344.info