NHÀ XE NGANG NHIÊN VI PHẠM (*): Biết hết nhưng... chịu thua!

Các chiêu lách luật của nhà xe, cơ quan chức năng thừa nhận biết hết nhưng việc xử lý lại là dấu chấm hỏi lớn

Trong hơn 100 điểm có hoạt động đón - trả khách sai quy định tại TP HCM mà Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thống kê, qua ghi nhận có thể điểm mặt hàng loạt "bến cóc" tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn đang ngang nhiên hoạt động.

Thống kê xong rồi... để đó

Nổi cộm trong số đó có thể nêu đích danh các địa chỉ số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) - nơi tập trung xe chạy các tuyến về khu vực miền Trung và Tây Nguyên như Bình Định, Buôn Ma Thuột... Kế đến là hàng loạt vị trí khác trên Quốc lộ 1 như trước Khu Du lịch Suối Tiên, cây xăng Tam Bình, Huệ Thiên... (quận Thủ Đức). Đặc biệt, khu vực nội đô còn dày đặc hơn, với hàng loạt khu vực, tuyến đường được các nhà xe "cát cứ" nhiều năm như Lê Hồng Phong (quận 5 và 10), Nguyễn Thái Bình (quận 1), Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Chí Thanh... (quận 5), Hồng Lạc (quận Tân Bình)...

Hàng loạt văn phòng của các nhà xe "đóng đô" tại đây và cùng với đó tạo thành những vị trí đón, trả khách ngang nhiên. Chưa kể, các tuyến đường cửa ngõ và xung quanh bến xe như Quốc lộ 1, Quốc 13 (quận Thủ Đức); đường Kinh Dương Vương, Quốc lộ 1 (quận Bình Tân)... cũng phổ biến tình trạng xe khách vãng lai tới đón, trả khách dọc đường.

Chuyện bi hài nhất có thể nhắc đến là hồi năm 2017, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong giao trách nhiệm trực tiếp cho chủ tịch UBND các quận, huyện trong công tác phối hợp với Sở GTVT, Công an TP cùng các đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo rà soát, giải quyết dứt điểm và không để tái diễn tình trạng "xe dù, bến cóc".

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhiều lực lượng chức năng cũng được thành lập để xử lý. Thế nhưng, chỉ đơn cử khu vực tại 2 bãi xe số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh vẫn đang như 2 bến xe thu nhỏ. Nhiều năm qua, không ít dịp lễ, Tết, phía Bến xe Miền Đông luôn "điểm mặt" và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý tình trạng đón, trả khách, mất trật tự an toàn giao thông tại 2 địa chỉ nêu trên. Hàng trăm bài viết của các cơ quan truyền thông cũng đề cập đến tình trạng bát nháo tại đây. Nhưng tất cả vẫn đâu vào đó, như thách thức!

Trả lời câu hỏi của phóng viên về 2 bãi xe này, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết tại đây có một đặc điểm là nhà xe đưa phương tiện vào trong và hành khách cũng tự động vào để lên xe.

Về thẩm quyền, phía Thanh tra Sở GTVT không thể vào kiểm tra, xử phạt mà chỉ có thể phối hợp với CSGT thực hiện phía ngoài. "Vì vậy, không lực lượng nào khác là chính quyền địa phương phải vào trong để kiểm tra các hoạt động kinh doanh có đúng như giấy phép đã đăng ký hay không" - ông Hưng nói.

Đổ lỗi cho bến xe

Một trong nhiều vấn đề mà Sở GTVT TP HCM cho rằng tình trạng "xe dù, bến cóc" vẫn khó trị là các bến xe liên tỉnh tại TP chưa có nhiều chính sách ưu đãi giá dịch vụ cho các đơn vị vận tải, dẫn đến doanh nghiệp không mặn mà vào bến. Nhưng thực tế có phải vậy?

Theo chủ một doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), phí dịch vụ cho xe khách xuất bến tại đây tính theo số ghế của xe, với mức 3.500 đồng/ghế, tức một xe 45 chỗ khi xuất bến chỉ phải đóng tiền dịch vụ là 157.500 đồng. "Mức giá này xây dựng từ khoảng năm 2011 nên so sánh với thời điểm hiện nay, nếu tính các chi phí trượt giá thì vẫn được xem là thấp. Thế nhưng, nhiều nhà xe vẫn không muốn vào bến, thậm chí doanh nghiệp trong bến cũng chuyển hướng hoạt động song song, tức vừa có tuyến ở bến và vừa tổ chức chạy hợp đồng bên ngoài" - chủ doanh nghiệp trên nói.

Ông N.L, quản lý của nhà xe Đ.H đang hoạt động tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), cũng cho rằng mức phí dịch vụ ở bến khá thấp, song nhiều nhà xe lại muốn hoạt động bên ngoài bởi có nhiều lợi nhuận hơn. Và chính bởi các hình thức hoạt động trá hình khiến việc cạnh tranh không lành mạnh, kéo khách rời bến và doanh nghiệp tại bến cũng rất bức xúc.

"Giữa việc ngồi tại chỗ, có xe tới đón hoặc đến một đại lý, phòng vé gần để mua thì chắc chắn khách sẽ lựa chọn bởi thuận tiện hơn việc phải di chuyển vào bến xe. Chính bởi nhu cầu đó của khách ngày càng lớn thì càng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng để hút khách đi. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà phải đáp ứng hoặc buông lỏng, bởi đáp ứng được nhu cầu một số hành khách nhưng lại phát sinh hàng loạt hệ lụy, gây rối loạn hoạt động vận tải, cạnh tranh không lành mạnh" - ông L. bức xúc.

Xe khách từ 2 địa chỉ số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) đi ra luôn gây xung đột và kẹt xe đoạn trước Bến xe Miền Đông. Ảnh: XUÂN GIANG

Xe khách từ 2 địa chỉ số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) đi ra luôn gây xung đột và kẹt xe đoạn trước Bến xe Miền Đông. Ảnh: XUÂN GIANG

Đừng mãi xem thường dư luận!

"Không có hợp đồng nào với các điểm đầu, điểm cuối đón, trả khách lại trùng hợp nhiều năm, tần suất liên tục như vậy và bản chất đó là tuyến cố định nhưng đội lốt xe hợp đồng, du lịch. Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nay, cơ quan chức năng đều biết nhưng lại chịu thua một cách khó hiểu?" - ông H., chủ một doanh nghiệp đang hoạt động tại Bến xe Miền Tây, bức xúc.

Lãnh đạo Sở GTVT TP HCM thừa nhận tình trạng nhà xe tự bán vé, thu tiền hoặc xác lập đặt chỗ; đón, trả khách tại văn phòng hay các địa điểm trên hành trình xe chạy. Trong khi nếu những tuyến đường cấm dừng đỗ, nhà xe lách luật bằng cách đưa phương tiện vào khuôn viên văn phòng để đón - trả khách, gây khó cho lực lượng chức năng. Trước thực trạng này, Sở GTVT vừa giao các đơn vị trực thuộc nghiên cứu phân luồng, hạn chế xe trên 16 chỗ lưu thông và gắn biển báo cấm dừng, đỗ trên nhiều tuyến đường phức tạp về tình trạng "xe dù, bến cóc" ở quận 1, 5, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú... Việc này, Sở GTVT khẳng định sẽ hoàn thành trong quý I năm nay.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng giao thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra và phối hợp CSGT thành lập tổ liên ngành "chốt trực" tại các cửa ngõ để kiểm soát các điều kiện an toàn của xe khách không xuất phát tại bến, đặc biệt là trong cao điểm Tết nguyên đán 2020 đang bắt đầu. Ngoài ra, Sở GTVT đồng thời cũng cho biết sẽ đầu tư hệ thống camera để phục vụ việc phạt nguội loại hình này và đề nghị chính quyền các địa phương, Công an TP hỗ trợ xử lý tình trạng trên.

Trong khi đó, theo lãnh đạo một bến xe liên tỉnh trên địa bàn TP, việc xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc" không khó bởi hiện các quy định cũng đều đã rõ và có hướng dẫn cụ thể. Trong đó, một biện pháp đơn giản là hiện tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải đều được quy định phải gắn các thiết bị giám sát hành trình. Vì vậy, trường hợp những xe khách đăng ký loại hình chạy hợp đồng, nếu những điểm đầu, điểm cuối đón, trả khách trùng hợp và lặp đi lặp lại nhiều lần, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xác định được đó là những xe núp bóng xe hợp đồng để chạy tuyến cố định. Từ đó, hoàn toàn có thể kiểm tra, thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc áp dụng các biện pháp xử lý khác.

Theo Sở GTVT TP HCM, tính đến tháng 11-2019, TP có 60 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách hoạt động theo dạng tuyến cố định, 926 đơn vị kinh doanh theo hợp đồng, 59 đơn vị kinh doanh xe du lịch. Tất cả các đơn vị trên đều do Sở GTVT TP cấp phép kinh doanh.

Khoét vỉa hè, đường làm "bến", gây rối giao thông

Vỉa hè đường Mai Chí Thọ, đoạn gần giao lộ với đường Trần Não (quận 2, TP HCM), hiện là một trong những điểm được chấp thuận tổ chức đón - trả khách tuyến cố định cho xe khách từ Bến xe Miền Tây có hành trình chạy qua. Ngoài khu vực này, hồi cuối năm 2016, Sở GTVT cũng phê duyệt 9 vị trí đón, trả khách tuyến cố định khác, từ TP HCM đi các tỉnh miền Đông, chủ yếu nằm trên xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 13.

Vỉa hè đường Mai Chí Thọ, đoạn gần giao lộ với đường Trần Não, hiện là một trong những điểm được chấp thuận tổ chức đón, trả khách nhưng gây mất an toàn giao thông. Ảnh: XUÂN GIANG

Việc tổ chức như trên, theo Sở GTVT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở khu Đông TP dễ đón xe, không phải di chuyển ngược về bến để lên xe, rồi xe lại chạy vòng về khu vực gần nhà. Sở GTVT cũng cho rằng các vị trí được chọn đã có đánh giá và bảo đảm việc xe dừng, đậu sẽ không gây ùn ứ, mất trật tự an toàn giao thông.

Thế nhưng, thực tế tình trạng lộn xộn, xung đột giao thông, nguy cơ tai nạn đang thường xuyên xảy ra tại các địa điểm kể trên, nhất là địa điểm trên đường Mai Chí Thọ khiến người đi xe máy vô cùng bức xúc.

GIA MINH - XUÂN GIANG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nha-xe-ngang-nhien-vi-pham-biet-het-nhung-chiu-thua-2020011722350492.htm