Nhà vườn miền Tây thiệt hại nặng vì hạn, mặn

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài kể từ cuối năm 2019 đang gây thiệt hại nặng nề cho các nhà vườn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình này được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 4/2020 khiến các nhà vườn đều rơi vào tình cảnh như 'ngồi trên đống lửa'.

Người dân khoan giếng tìm nước ngọt trong mùa hạn, mặn. Ảnh: L.A.

Sốt ruột nhìn nước mặn bủa vây

Từ sau tết Nguyên đán đến nay, anh Lê Hùng Trí (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) phải cắt toàn bộ những trái bưởi còn lại trên cây để bỏ đi. Hơn 20 công đất (tương đương hơn 2 ha) bưởi da xanh chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là có thể thu hoạch, nhưng nay phải cắt bỏ hoàn toàn. Theo anh Trí, đây là cách duy nhất để dưỡng sức cho những cây bưởi trong tình trạng hạn, mặn đang bủa vây ngày một nghiêm trọng. Tuy nhiên, thiệt hại của hạn, mặn không chỉ nằm ở số lượng bưởi bị cắt bỏ đợt này. Theo đó, phải chờ đến khi có mưa để rửa mặn, cây bưởi mới có thể bắt đầu ra bông và phải đến Tết mới có thể cho thu hoạch. Như vậy, từ nay đến Tết nhà vườn sẽ hoàn toàn không có thu nhập, trong khi các chi phí để duy trì như phân, thuốc lại phải tăng lên để hỗ trợ, dưỡng sức cho cây.

Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm (huyện Giồng Trôm – Bến Tre) cũng chia sẻ, gần 90 thành viên trong hợp tác xã đều đang “ngồi trên đống lửa” khi 50 ha bưởi da xanh đang bị bủa vây bởi nước mặn. Đáng lo hơn là nhiều nhà vườn có diện tích nhỏ chưa thiết kế đê bao cục bộ cho vườn hoặc đê bao thấp nên nước mặn đã tràn vào mương vườn. Các nhà vườn phải chấp nhận ngừng tưới, ủ gốc vì hết nước ngọt trữ trong mương hoặc vì nước trong mương bị rò rỉ mặn. Đợt triều cường vừa qua, nước ngập tràn bờ khiến nhà vườn càng lo hơn… Hiện gần nửa diện tích bưởi da xanh của HTX đang đứng trước nguy cơ chết. Những cây bị chết, nhà vườn sẽ phải mua cây giống để trồng lại, sau đó phải mất ít nhất 3 năm mới bắt đầu cho thu hoạch.

Ông Bảy cho biết thêm, do nước máy cũng bị nhiễm mặn, nên để có nước sinh hoạt, người dân phải mua nước ngọt với giá lên tới 110.000 đồng/khối. Trong khi đó, ở huyện Bình Đại (Bến Tre), giá nước ngọt đã lên mức 150.000 đồng/khối. Ông Võ Văn A, đại diện HTX Nông nghiệp Long Hòa (huyện Bình Đại – Bến Tre) cho biết, khoảng 5 ha cây ăn trái mới trồng của các hộ trong hợp tác xã nhiều khả năng sẽ chết do hạn, mặn. Đối với những diện tích đã trồng được vài năm tuổi, sức chịu đựng có phần khá hơn, nhưng cây cũng bị suy yếu đi nhiều. Bên cạnh đó, cũng như những vườn bưởi da xanh khác, toàn bộ số bưởi chưa kịp thu hoạch sẽ bị mất trắng do phải cắt bỏ để dưỡng cây. Đối với cây nhãn, ông A cho biết, hiện chưa vào vụ nên không có thiệt hại. Nhưng hạn, mặn sẽ làm suy yếu cây và làm trễ vụ. Theo lời ông A, do ảnh hưởng hạn, mặn, mùa nhãn năm nay sẽ trễ đến khoảng tháng Chạp. Trong khi tháng 11 hàng năm là thời điểm xuất khẩu nhãn qua Trung Quốc, việc trễ vụ tới cận Tết có thể sẽ làm nguồn cung nhãn tăng cao, nguy cơ ùn ứ hàng là rất lớn.

Nỗ lực chống mặn

Tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay có diễn biến phức tạp, nặng nề hơn rất nhiều so với cao điểm năm 2016. TheoTổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do trên lưu vực sông Mê Kông năm 2019-2020 ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình hàng năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 - năm xuất hiện hạn, mặn kỷ lục. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020. Mặc dù các nhà vườn liên tục theo dõi, cập nhật các thông tin về hạn mặn; được trang bị kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc cây trồng mùa hạn mặn, đồng thời có ý thức chuẩn bị dự trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất, sinh hoạt bằng nhiều mô hình, như: Xây hồ, mua bồn chứa, khạp chứa nước, sử dụng túi trữ nước trong mương… Song, do thời gian hạn, mặn kéo dài và gay gắt nên lượng nước ngọt dự trữ của nhiều gia đình đã cạn kiệt.

Tính đến giữa tháng 2/2020, đã có 12/13 tỉnh, thành tại ĐBSCL bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến giữa tháng 3/2020, ĐBSCL sẽ phải hứng chịu thêm một đợt hạn hán và xâm nhập mặn dữ dội hơn, đồng thời, hạn mặn có thể sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 4/2020.

Tình hình hạn mặn gay gắt và kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất của DN. Theo thống kê của tỉnh Bến Tre, có khoảng 57.000 hộ dân (205.000 người) sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển; trên các cù lao, cồn trên sông Hàm Luông, Sông Tiền, Cổ Chiên, cặp theo các trục kênh rạch sâu trong ruộng vườn sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh do hết nguồn nước dự trữ. Nếu mặn tiếp tục kéo dài và không có nước ngọt để cung cấp có thể dẫn đến một số DN sử dụng nguồn nước ngọt lớn sẽ phải ngừng sản xuất, các ngành khác như dịch vụ, du lịch cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Tỉnh Cà Mau cũng ghi nhận khoảng 16.500 ha lúa - tôm bị thiệt hại, hơn 14.000 ha lúa mùa và hơn 10.000 ha lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng do thiếu nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cũng dự báo tình hình hạn, mặn có khả năng ảnh hưởng đến 9.361 ha đất sản xuất nông nghiệp tại các huyện như: Tri Tôn, Tịnh Biên, Phú Tân, Châu Đốc, Tân Châu.

Trước tình hình hạn, mặn được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết tháng 4/2020 với diễn biến gay gắt và phức tạp, để giảm thiểu thiệt hại, hiện các địa phương đã cho đắp những đập tạm trên các con sông lớn để ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Tỉnh Kiên Giang đã cho thi công 2 con đập trên sông ông Hiển và sông Chưng Bầu, vừa bảo vệ sản xuất vừa bảo vệ nguồn nước ngọt cho hai nhà máy nước trên địa bàn. Tỉnh Tiền Giang cũng đã hoàn thành đập tạm trên kênh Nguyễn Tấn Thành, góp phần giữ nước sinh hoạt cho một phần vùng phía Tây thành phố Mỹ Tho và vùng phía Đông của tỉnh với hơn 800.000 dân.

Lãnh đạo sở nông nghiệp các tỉnh cũng khuyến cáo các nhà vườn cần bình tĩnh, tiếp tục ủ gốc, hạn chế bón phân hóa học, phun thuốc, không tưới thêm nước mặn trên 1 phần ngàn. Đồng thời nên tỉa hoa, trái non, bón phân hữu cơ, chờ đến khi mưa xuống, có nước ngọt lại thì xả mặn.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nha-vuon-mien-tay-thiet-hai-nang-vi-han-man-121140-121140.html