Nhà vườn miền Tây kiệt sức chống chọi hạn, mặn

Ở 'vương quốc' cây ăn trái, hoa kiểng thuộc hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, những tỷ phú, triệu phú sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh… đang đối mặt với nguy cơ trắng tay trong vụ mùa năm nay.

Để cứu vườn sầu riêng xen cam (5000m2), ông Nguyễn Trung Hiệp, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) vét ao, thuê ghe ngược lên thượng nguồn sông Hàm Luông, chở nước ngọt về trữ để tưới cây - Ảnh: T.PHÚC

Để cứu vườn sầu riêng xen cam (5000m2), ông Nguyễn Trung Hiệp, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) vét ao, thuê ghe ngược lên thượng nguồn sông Hàm Luông, chở nước ngọt về trữ để tưới cây - Ảnh: T.PHÚC

Để hạn chế tình trạng xâm nhập mặn, hầu hết các kênh rạch nội đồng trong toàn vùng đều đã được khép kín. Vì vậy nhiều nơi nguồn nước tưới tiêu cạn kiệt, phèn nổi lên vàng cháy, khiến cho những vườn cây ăn trái rũ lá, trơ cành.

Dù tích cực bao đê, nhưng nước mặn vẫn len lỏi tràn vào. Nhiều chủ vườn cắn răng dùng nguồn nước nhiễm mặn tưới cầm chừng, khiến vườn cây đang ra hoa, mang trái bị nứt và rụng hàng loạt.

Vùng trồng cây ăn trái chủ lực của tỉnh Bến Tre thuộc các xã cánh tây huyện Châu Thành, bà con nông dân tìm đủ mọi cách cứu cây trồng, tốn kém nhưng không đạt kết quả như mong muốn, trước tình hình hạn mặn được dự báo sẽ kéo dài đến giữa năm.

Các chủ vườn ươm bơ giống ở ấp Khánh Hội Tây, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành (Bến Tre) lo lắng khi dùng nguồn nước nhiễm mặn tưới cây dẫn đến có hiện tượng nổ lá, suy kiệt - Ảnh: T.PHÚC

Anh Võ Thanh Sơn, ở ấp Tân Tây, xã Tân Phú (Châu Thành, Bến Tre), cho biết để khoan một giếng nước ngầm, cứu cây người dân trong vùng phải bỏ ra 4 - 5 triệu đồng. Nhưng số hộ dân khoan giếng xong đều thất vọng, do các giếng khoan tầng nong đều bị nhiễm mặn, phèn cao… Mất tiền mà không thể sử dụng được, nên mọi người rất đắn đo.

Vườn sầu riêng của Sơn thu nhập mỗi năm từ 500 - 700 triệu đồng, gặp nước mặn anh quyết định cắt bỏ hàng loạt trái non, chấp nhận thất thu vụ này để cứu cây.

Tương tự chị Cương, ở ấp Tân Đông (cùng xã), quyết định không khoan giếng. Bởi theo chị, một chủ vườn cạnh bên khoan cùng lúc ba cây giếng lấy nước trong vườn, đều bị nhiễm mặn và phèn, không tưới cây được.

Chị Cương đang nghĩ tới chuyện sẽ sắm một ghe tải ngược lên thượng nguồn chở nước ngọt về tưới cho vườn cây. Nhưng thời điểm hiện nay muốn sắm một ghe dung tích cở 20 m3 không dưới 70 - 80 triệu đồng.

Các hộ dân khác, tương tự như ông Nguyễn Trung Hiệp, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), chọn giải pháp vét ao lót bạt nhựa, thuê ghe ngược lên thượng nguồn sông Hàm Luông, chở nước ngọt về để dành tưới cây. Mỗi tháng ông Hiệp bỏ ra chi phí mua nước ngọt “chữa cháy” cho 5.000 m2 sầu riêng xen cam… trên 5 triệu đồng. Lượng nước này cũng chỉ cầm chừng cho cây sống chờ mưa.

Một con đập tạm ngăn nước mặn, giữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt ở tỉnh Bến Tre - Ảnh: T.PHÚC

Tại xã cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), nơi có diện tích đất trồng sầu riêng cao nhất ĐBSCL, nước mặn đã vây bủa. Các ấp của xã Ngũ Hiệp và những địa phương khác của Tiền Giang, Bến Tre, nằm ở phía thượng nguồn sông Tiền, nông dân cho biết hơn chục năm qua nước mặn chưa từng len tới, giờ đã không còn là vùng đất quanh năm nước ngọt ăm ắp nữa.

Vùng chuyên canh cây giống, hoa kiểng Chợ Lách, Châu Thành (Bến Tre) nắng hạn, nước mặn đã tàn phá hàng loạt vườn ươm và cây trồng như: bơ, sầu riêng, chôm chôm… Hàng chục triệu cây cam giống bị nổ lá lốm đốm vì bị nhiễm mặn… cây kiểng chết khô, không ai biết phải cứu chữa ra sao?

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT: hạn mặn năm nay là tình huống thiên tai nghiêm trọng. Nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống nhân dân của 9/13 tỉnh, thành phố trong khu vực gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng…

TÂM PHÚC

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/xa-hoi/nha-vuon-mien-tay-kiet-suc-chong-choi-han-man-625385.html