Nhà vệ sinh trường học: Công trình phụ nhưng không hề phụ

GD&TĐ - Theo quy định của Bộ Y tế, nhà vệ sinh trường học đúng chuẩn phải đầy đủ các vật dụng: Bồn rửa tay, vòi nước, cửa sổ, hệ thống ánh sáng, cấp thoát nước, dụng cụ chứa nước, nước tẩy rửa chuyên dụng.

Tuy nhiên, tình cảnh nhà vệ sinh bẩn thỉu, vàng ố, bốc mùi, thiếu đủ thứ và xuống cấp nghiêm trọng đang trở thành tình trạng chung ở nhiều địa phương trên cả nước.

Một vấn đề không hề nhỏ đặt ra đối với ngành GD nói chung và các cơ sở GD nói riêng, là khi nhà vệ sinh đã tốt, đạt chuẩn rồi thì công tác đảm bảo vệ sinh hằng ngày, hằng giờ ở các trường học được thực hiện như thế nào? Kinh phí cho việc này ở đâu? Ai sẽ là người kiểm tra, giám sát? Giải pháp duy trì và hạn chế việc xuống cấp nhanh các nhà vệ sinh sau khi đã được sửa chữa và cải tạo như thế nào?

Theo tôi, việc cần làm đầu tiên là công tác tuyên truyền, giúp mọi người nhận ra rằng khu vệ sinh là một công trình cần được chăm sóc, bảo quản đặc biệt trong trường. Nhà vệ sinh trong trường học cần phải đảm bảo tính thẩm mỹ, thuận lợi và sạch đẹp để thầy cô giáo và HS cảm thấy thoải mái khi sử dụng, qua đó đảm bảo sức khỏe cho thầy cô giáo và các em HS và môi trường văn hóa trong nhà trường. Công tác tuyên truyền cần thực hiện thường xuyên từ Ban Giám hiệu các nhà trường, giáo viên, nhân viên, các đội, đoàn viên HS.

Không chỉ dừng lại việc tuyên truyền, nhắc nhở, các Sở GD&ĐT cần hướng dẫn các đơn vị nhà trường xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng, phù hợp, thậm chí đưa vào tiêu chí thi đua, chấm điểm giáo viên và HS về việc sử dụng, giữ gìn, bảo quản nhà vệ sinh của giáo viên và HS để nó phát huy hiệu quả, luôn được đảm bảo sạch và an toàn cho sức khỏe của thầy và trò.

Đối với các trường mầm non, tiểu học, các em còn nhỏ tuổi, chưa thể lao động, quét dọn, dội nước, lau chùi sạch sẽ được thì nhà trường thuê, hợp đồng với bảo vệ hoặc đối tượng khác đảm nhiệm việc này, nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách Nhà nước. Đầu năm học, khi giao dự toán kinh phí cho các đơn vị, cấp trên cần tính thêm khoản chăm sóc, bảo dưỡng các nhà vệ sinh cho các cơ sở GD.

Tôi rất tán thành với việc cấm thu tiền vệ sinh của ngành GD&ĐT TPHCM. Kinh phí Nhà nước cấp cho ngành GD&ĐT đã có cả những hạng mục chi phí này, trong khi đó, đảm bảo sức khỏe học đường là một trong những nhiệm vụ của ngành GD, không nên đưa sang mục xã hội hóa, từ đó có thể gây ra tình trạng lạm thu, khiến phụ huynh, dư luận xã hội thêm bức xúc. Tuy vậy, cũng nên hướng việc GD các em HS ý thức giữ gìn vệ sinh chung, từ đó rèn luyện nhận thức cho các em về bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng sau này.

Đối với các HS lớn tuổi từ lớp 5 trở lên, Ban lao động của từng trường nên phân công, tổ chức trực nhật. Tôi cho rằng đây là việc rất nên làm vì vừa giúp giữ gìn nhà vệ sinh sạch đẹp, vừa giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của HS trong giữ gìn môi trường chung.

Song song với việc dọn vệ sinh của HS lớn tuổi, nhà trường cũng cần sắp xếp nhân sự trong trường hoặc hợp đồng với người khác để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các em, các lớp làm cho sạch, cho tốt đồng thời tự quét dọn lại trong trường hợp các em làm chưa sạch, chưa đảm bảo vệ sinh. Mặt khác, công tác kiểm tra của cấp trên về các công trình nhà vệ sinh cần được chú trọng hơn. Nhiều giải pháp được áp dụng kịp thời, hiệu quả, chắc chắn nhà vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh, khiếp sợ nữa đối với các em HS mỗi khi đến trường.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nha-ve-sinh-truong-hoc-cong-trinh-phu-nhung-khong-he-phu-2508565-b.html