Nhà vệ sinh trường học - Ám ảnh không dễ giải toảBài 1: Nỗi khiếp sợ không của riêng ai

Những năm gần đây, nhà vệ sinh trong trường học tại TP Hà Nội đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít nơi nhà vệ sinh quá bẩn, mất an toàn khiến học sinh ngại sử dụng. Báo Tuổi trẻ Thủ đô bắt đầu khởi đăng loạt bài 'Nhà vệ sinh trường học- Ám ảnh không dễ giải tỏa' với mong muốn cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đa chiều về vấn đề này cũng như những giải pháp cải thiện.

Thiếu nước, giấy vệ sinh vứt tung tóe, chỗ rửa tay hỏng, cửa nhà vệ sinh có cũng như không… là thực trạng chung của nhiều nhà vệ sinh trường học tại Hà Nội.

Cả học sinh và phụ huynh đều kêu trời

Với nhiều học sinh khi đi đến trường, việc ám ảnh nhất là vào nhà vệ sinh. Theo khảo sát của chúng tôi ở một số trường học từ nội thành đến các huyện ngoại thành, quả thật nhà vệ sinh rất bẩn.

Tại trường Tiểu học Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Nội) phụ huynh kêu nhà vệ sinh quá bẩn khiến học sinh không dám sử dụng và phải nhịn tiểu. Theo phản ánh của một phụ huynh: “Khi đi đón con tôi thấy cháu buồn đi vệ sinh nhưng không chịu đi. Tôi đến xem thử, cách nhà vệ sinh chục mét đã ngửi thấy mùi khai nồng xộc lên mũi. Trong nhà vệ sinh, giấy vứt vương vãi khắp nơi, tường và các bệ ngồi đều vàng ố, cáu bẩn. Nhiều học sinh khổ sở, nhăn nhó vừa đi vệ sinh vừa bịt mũi, đến khi ra chạy ra khỏi đó thở hồng hộc vì phải nín thở lâu. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh lại ở sát khu nhà học của khối lớp 1, lớp 2 thế này, thì các cháu làm sao mà tập trung học tập được”.

Quả thật, dù đứng cách xa nhà vệ sinh này nhưng chúng tôi vẫn thấy mùi hôi nồng nặc. Khu vệ sinh không có cửa chung nhưng có ở cửa phòng riêng, chỉ có điều cửa nhà vệ sinh đó bị vỡ từ rất lâu, thậm chí cả cửa chớp phía sau phòng vệ sinh cũng bị vỡ tan hoang nhưng chưa được thay thế.

Tương tự tình cảnh trên, tại trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì), nhà vệ sinh cũng vừa bẩn, vừa thiếu nước lại còn mất cánh cửa từ lâu. Do phải múc nước dội mỗi lần sử dụng nên nhiều học sinh không đủ kiên nhẫn và bỏ qua việc này dẫn đến việc nhà vệ sinh luôn trong tình trạng bốc mùi khó chịu.

Nếu như ở các huyện ngoại thành, tình trạng nhà vệ sinh bị xuống cấp, bẩn, công trình tách biệt thì ở khu vực nội thành, nhiều trường cũng “khóc” vì nhà vệ sinh. Dù được trang bị điện đại hơn, có nhiều trường nhà vệ sinh đạt chuẩn nhưng vẫn là nơi học sinh muốn tránh xa.

Một điều dễ nhận ra là nhà vệ sinh của trường học trong nội thành hầu hết là quá tải. Chỉ tính đơn giản với những trường có 1 - 2 nghìn học sinh, mỗi lớp chỉ cần vài em sử dụng trong giờ ra chơi thì cũng đủ khiến nhà vệ sinh, nước vệ sinh và lao công phục vụ quá tải.

Tại trường THCS Đoàn Kết (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhà vệ sinh luôn trong tình trạng vừa bẩn, vừa tắc. Chỉ cần đứng phía ngoài thôi mà mùi khai xộc lên nhức óc. Học sinh trường này cho biết, mỗi giờ ra chơi, sàn nhà vệ sinh đều ướt bẩn do các bạn rửa tay và dội nước. Ngoài ra, dù đã có rỏ đựng rác nhưng các bạn lười nên vứt giấy tại chỗ khiến nhà vệ sinh càng nhếch nhác, bẩn thỉu hơn.

Nhà vệ sinh trường tiểu học Quảng Bị cửa vỡ nhưng vẫn chưa được chú ý sửa chữa và thay thế

Nhà vệ sinh trong trường học không chỉ ám ảnh với học sinh mà còn cả với phụ huynh. Anh Nguyễn Hữu Thành (ở Xuân La, Tây Hồ) kể lại: “Con trai tôi vào học trường THPT gần nhà nhưng cháu toàn nhịn đi vệ sinh. Cháu không dám đi ở trường vì quá bẩn. Có hôm không nhịn được, cháu đã gọi điện cho tôi đón cháu về nhà đi vệ sinh. Tôi đang đi làm nhưng vẫn phải về đón con rồi cho con quay lại trường học tiếp. Bây giờ, dù bận việc mà thấy điện thoại của con là tôi lại lo bỏ việc giữa chừng để về đón con”.

Tất nhiên, không thể không kể đến nhiều đơn vị trường học đã bắt đầu quan tâm và đầu tư nghiêm túc để mang đến không gian học đường toàn diện với phòng học đạt chuẩn, hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ, khang trang, thoáng mát. Trường Tiểu học Gia Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) là một trong số ít trường học có nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn: Trong nhà vệ sinh luôn có khăn lau tay, xà phòng, giấy vệ sinh và nước tẩy rửa; bồn rửa tay được trang trí các bình hoa, gương; có nhạc và loa nhắc nhở học sinh thường xuyên giữ gìn vệ sinh; nền nhà khô ráo, đủ ánh sáng và thông thoáng.

Tuy nhiên, ở Hà Nội số lượng các trường học thực hiện chuẩn hóa khu vệ sinh vẫn còn cực kì hạn chế.

Nguy cơ mất an toàn

Có thể dễ dàng nhận thấy, đa phần nhà vệ sinh trong các trường học ở ngoại thành được xây dựng riêng biệt, nằm cách xa các dãy phòng học. Đáng lưu ý hơn, ở một số vùng nông thôn, khu vực vệ sinh chỉ được xây dựng tạm bợ phía sau nhà trường, khuất tầm nhìn. Điều này khiến phụ huynh không yên tâm về an toàn cho các con.

Thực tế, đã có trường hợp đáng tiếc xảy ra trong nhà vệ sinh được xây dựng kiểu tách biệt. Đó là vụ việc một bé gái lớp 3 tại trường Tiểu học Trần Phú A, xã Trần Phú (Chương Mỹ, Hà Nội) bị kẻ lạ mặt bịt khẩu trang vượt tường rào rồi xâm hại tình dục ngay trong nhà vệ sinh của trường vào ngày 7/12/2016.

Nhà vệ sinh xây ở khu biệt lập luôn là nỗi lo sợ không chỉ với nhà trường mà còn với cả phụ huynh, học sinh. Để ngăn chặn vụ việc tương tự xảy ra ở trường Tiểu học Trần Phú A, nhiều trường học đã gia cố lại tường bao, một số trường yêu cầu bảo vệ thường xuyên tuần tra, nhất là thời gian vào lớp và sau giờ tan học.

Ở khu vực nội thành thì nhà vệ sinh được xây ở cuối dãy lớp học. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh vẫn còn lo lắng về tình trạng thiếu an toàn trong nhà vệ sinh. Có thể đó là học sinh đánh nhau, bạo lực học đường, rồi việc xâm hại tình dục… xảy ra trong nhà vệ sinh người lớn khó biết được. Nhiều trường cũng đã lắp camera ở hành lang để quan sát người lạ ra vào nhà vệ sinh nhưng không phải nơi nào cũng có đủ kinh phí để đầu tư. Đã thế, tại nhiều trường, nhà vệ sinh bị hỏng cửa, có nơi, nhà vệ sinh còn mất cửa đã lâu nhưng không được thay thế và sửa chữa nên nỗi lo của phụ huynh luôn hiện hữu.

Là trường có phòng khám tư vấn tâm lý học đường sớm so với nhiều trường ở Hà Nội, tại trường THCS Ngô Sĩ Liên, học sinh đều đưa ra nhận xét có cảm giác bị mất an toàn ở nhà vệ sinh. Tuy chưa có trường hợp nào nghiêm trọng nhưng từ những tâm tư của học sinh, nhà trường đã đưa ra các giải pháp như sửa sang, thay cửa, thay đổi chỗ để xe (nhà xe gần nhà vệ sinh nên nhiều người qua lại), có biển báo, khóa cửa, tăng cường số lượt làm vệ sinh, tuyên truyền ý thức học sinh để nhà vệ sinh luôn được an toàn và sạch sẽ...

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, tình trạng mất an toàn ở nhà vệ sinh phổ biến ở các trường nông thôn hơn thành phố. Nhất là ở những trường có nhà vệ sinh ở địa điểm khuất, xập xệ. Tại các trường trong nội thành, thường các em phản ánh bị mất an toàn do cảm nhận các ánh mắt, cử chỉ, lời nói khiếm nhã. Để giải quyết vấn đề, một số trường học đã cử người gác phòng vệ sinh vào mỗi giờ ra chơi.

Công cuộc giải cứu nhà vệ sinh bẩn, nhà vệ sinh mất an toàn sẽ cần nhiều thời gian nhưng quan trọng hơn là sự nhìn nhận nghiêm túc và hành động thiết thực từ Ban giám hiệu cũng như Hội phụ huynh ở mỗi nhà trường.

(Còn nữa)

Mai Khôi

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-1-noi-khiep-so-khong-cua-rieng-ai-d2057687.html