Nhà vệ sinh trong bệnh viện: 'Chuyện nhỏ' mà không nhỏ

Mỗi lần 'ghé thăm' nhà vệ sinh trong bệnh viện, người bệnh, người nhà bệnh nhân không khỏi rùng mình. Hiện chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện dù đã có cải thiện song vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với mỗi bệnh nhân và người dân.

Bộ Y tế đánh giá nhà vệ sinh tại Bệnh viện E khá khang trang sạch sẽ.

“Chuyện nhỏ” cải thiện chậm trễ

Cách đây 2 năm, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và môi trường (SKNN&MT) đã công bố: Qua khảo sát nhanh của đơn vị này tại khu phòng khám của 13 bệnh viện tuyến trung ương cho thấy, chỉ 6/13 bệnh viện đáp ứng đủ số lượng nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân.

Tình hình càng tồi tệ hơn với các bệnh viện tuyến huyện khi qua khảo sát không có bệnh nào đáp ứng được đủ nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh của nhân viên và bệnh nhân. Đặc biệt, chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện hiện vẫn là nỗi ám ảnh với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mỗi khi phải nằm viện. Khảo sát của Viện SKNN&MT cho thấy, mùi hôi tại các nhà vệ sinh là vấn đề rất phổ biến, thậm chí ở các bệnh viện tuyến trung ương tỉ lệ nhà vệ sinh có mùi hôi chiếm tới 83%.

Ngoài ra, có tới 9/13 bệnh viện tuyến trung ương được khảo sát tồn tại các nhà vệ sinh bị ẩm ướt, đọng nước, trơn trượt. Ở khu vệ sinh của bệnh nhân vẫn xảy ra nhiều tình trạng đi vệ sinh không dội nước, vứt rác bừa bãi không cho vào sọt rác, tắc, hỏng cần gạt nước của hố tiêu, hệ thống thông gió, hút mùi không có, tường nhà vệ sinh ẩm mốc, tróc lở... khiến người bệnh rất e ngại.

Chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện nước ta hiện nay còn tồn tại rất nhiều bất cập. Sự xuống cấp của nhà vệ sinh bệnh viện không những gây khó chịu cho người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và hình ảnh chung của mỗi bệnh viện.

Nguyên nhân chính dẫn đến nỗi ám ảnh ở các nhà vệ sinh bệnh viện là tình trạng quá tải bệnh nhân trong khi nguồn lực của các bệnh viện có hạn, cùng đó là sự quản lý yếu kém trong công tác vệ sinh bệnh viện.

Đó là câu chuyện của 2 năm trước. Vừa qua, Bộ Y tế, tiếp tục công bố kết quả “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện”. Theo khảo sát của Bộ Y tế về sự hài lòng của người bệnh, vẫn còn có tới 21% người bệnh không hài lòng về chất lượng bệnh viện, trong đó chủ yếu là nhà vệ sinh “bốc mùi” và thời gian chờ khám. Hiện người bệnh kém hài lòng nhất về tiêu chí nhà vệ sinh bệnh viện, với điểm hài lòng chỉ đạt 3,58/5 điểm... Theo khảo sát các cơ sở y tế toàn quốc của Bộ Y tế năm 2017, gần 17% ở mức 1 - 2 (rất tệ).

Liên quan đến vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn chỉ rõ: Nhiều khi tôi đi kiểm tra các bệnh viện, vào các nhà vệ sinh của nhân viên, tôi cũng không thấy có xà phòng rửa tay. Chỗ rửa tay của nhân viên còn thế thì nói gì đến nhà vệ sinh của người bệnh/ người nhà bệnh nhân có xà phòng rửa tay. Do đó, từ nay đi kiểm tra bệnh viện nếu đi kiểm tra bệnh viện mà Trưởng khoa và giám đốc Bệnh viện để nhà vệ sinh bẩn, không có xà phòng rửa tay... thì khi chấm điểm kết luận là lãnh đạo bệnh viện “ở bẩn”.

Bên cạnh đó, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cũng có bệnh viện, kể cả tuyến tỉnh và huyện làm rất tốt công tác vệ sinh bệnh viện. Nhà vệ sinh có treo tranh, sạch sẽ, có người dọn rửa liên tục...

Bộ trưởng cũng đề nghị sắp tới khi chấm điểm đánh bệnh viện cần chấm điểm cao tiêu chí về nhà vệ sinh bệnh viện và thời gian chờ khám bệnh. Bệnh viện không thể đạt được điểm chất lượng cao, nếu để nhà vệ sinh bẩn.

Bần cùng mới dám vào nhà vệ sinh bệnh viện

Những kết quả khảo sát trên đã phản ánh đúng thực tế hiện nay tại các bệnh viện. Ngay cả ở Hà Nội, không phải nhà vệ sinh bệnh viện nào cũng đạt chuẩn.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng chị Trần Hồng Vân, ở huyện Hải Hậu, Nam Định vẫn chưa hết rùng mình kể: Người nhà bị ốm nên chị lên trông vài hôm. Nhà vệ sinh không có biển chỉ dẫn rõ ràng cho nam hay nữ. Liều mình xông vào rồi thì sàn nhà ướt lép nhép nước bẩn, chỗ đi vệ sinh không được quét dọn thường xuyên, gây “ùn tắc”, mùi bốc lên nồng nặc... Có lần vào một nhà vệ sinh bồn cầu ứ đọng bốc mùi khủng khiếp, các sọt rác đầy giấy. Những do cần giải quyết nên cứ phải nhắm mắt, nhắm mũi cho xong mà không có sự lựa chọn nào khác.

Một tình trạng chung ở nhiều nhà vệ sinh bệnh viện ở nhiều bệnh viện hiện nay: Cả dãy nội trú chỉ có phòng vệ sinh chung của cả người bệnh và người nuôi bệnh nên mọi người phải xếp hàng chờ nhau. Bệnh nhân dùng thuốc, trong người đã nóng, những ngày thời tiết còn nóng nực nên ăn ít, lại hay bị táo bón, đi vệ sinh rất lâu. Nhiều bệnh nhân chờ lâu không đủ sức nên phải đi vệ sinh vào bô ngay ở dưới giường bệnh, “tra tấn” cả phòng. Nhà vệ sinh bốc mùi hôi cả ngày, quện với mùi thức ăn thừa ôi thiu cũng đổ đống hết vào đây, nhân viên dọn vệ sinh dọn không xuể.

Theo một bác sĩ công tác tại BV Bạch Mai, Hà Nội: Để nhà vệ sinh bệnh viện bẩn đến từ nhiều phía. Bản thân bác sĩ đã chứng kiến nhiều lần cảnh tượng: Người nhà bệnh nhân và bệnh nhân kém ý thức. Họ đi vệ sinh rồi không dội nước hoặc dội nước qua loa. Có nhiều người nhà bệnh nhân còn sử dụng nước dội cầu để tắm giặt. Điều này chẳng những làm ảnh hưởng sức khỏe một cá nhân mà còn cho cả tập thể. Với lượng bệnh nhân đến khám, điều trị nội – ngoại trú hàng ngàn lượt mỗi ngày, nhà vệ sinh hoạt động hết công suất, nhân lực dọn dẹp có hạn nếu ý thức mỗi người không được đề cao khó lòng có được nhà vệ sinh theo đúng chuẩn.

“Ngay cả những người lao công vì kinh hãi quá nên bực, không thèm dọn dẹp. Cũng tội cho những người lao công, họ đã quá quen thuộc và cảm thấy uổng công dọn dẹp hàng ngày, đôi lúc đành buông xuôi. Bởi sức lực của họ cũng chỉ có giới hạn. Cần bỏ ngay suy nghĩ “cha chung không ai khóc”. Bệnh viện cần đặt nhiều bảng tuyên truyền về ý thức giữ gìn vệ sinh ở ngay nhà vệ sinh bệnh viện để người nhà bệnh nhân và bệnh nhân cảm thấy xấu hổ mà tự bỏ thói quen xấu”, bác sĩ này nói.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho rằng: Những vấn đề gây bức xúc của nhà vệ sinh trong bệnh viện hiện nay là mùi hôi thối, nhà vệ sinh bị tắc nên chất thải không thoát được, tràn ra ngoài, nền nhà ướt nước, bẩn thỉu, giấy vệ sinh thiếu hoặc vứt lung tung, không có nước dội, không có xà phòng rửa tay, cửa nhà vệ sinh bị gãy, mục nát, tường bị bôi bẩn, ruồi nhặng nhiều... Nguyên nhân của tình trạng trên là thiếu về số lượng do quá tải bệnh nhân so với thiết kế ban đầu; Kém về chất lượng do xây dựng, kiểu nhà vệ sinh không phù hợp với điều kiện, phong tục địa phương, do chất lượng sản phẩm vệ sinh; Bị hư hỏng do người sử dụng chưa có ý thức hoặc cố tình phá hoại; Không có người dọn vệ sinh hoặc dọn không sạch, không chuyên nghiệp; Xây nhà vệ sinh tự hoại nhưng không cấp đủ nước dội; Ý thức người sử dụng...

Về mặt văn bản tiêu chuẩn và văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về chất lượng nhà vệ sinh trong bệnh viện về cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các tiêu chí và quy định của Bộ Y tế ở nhiều bệnh viện chưa đạt yêu cầu. Điều này gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ y tế và dư luận không tốt về chất lượng bệnh viện. Để xây dựng một bệnh viện Xanh - Sạch - Đẹp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cần có một chiến lược bao gồm các biện pháp ngắn hạn và dài hạn.

hà lê

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nha-ve-sinh-trong-benh-vien-chuyen-nho-ma-khong-nho-613148.ldo