Nhà vệ sinh cổ được khai quật ở Jerusalem tiết lộ căn bệnh đáng sợ

Theo một phân tích về các mẫu phân từ các nhà vệ sinh có tuổi đời 2.500 năm tuổi, những người sử dụng hai nhà vệ sinh cổ đại ở Jerusalem không phải là một nhóm người khỏe mạnh.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết của ký sinh trùng gây bệnh kiết lị trong vật liệu được khai quật từ hố ga bên dưới hai nhà vệ sinh bằng đá từng thuộc về các hộ gia đình trung lưu trong thành phố. Hồi đó, Jerusalem là một trung tâm chính trị và tôn giáo sôi động của đế chế Assyria và là nơi sinh sống của khoảng 8.000 đến 25.000 người.

Đây là bằng chứng sớm nhất được biết đến về Giardia duodenalis - tên một căn bệnh nhiễm trùng gây tiêu chảy, đau quặn bụng và sụt cân trước đây đã được xác định ở Thổ Nhĩ Kỳ thời La Mã và ở Israel thời trung cổ.

“Bệnh kiết lỵ lây lan qua phân làm ô nhiễm nước uống hoặc thực phẩm, và chúng tôi nghi ngờ rằng nó có thể là một vấn đề lớn ở các thành phố sơ khai của vùng Cận Đông cổ đại do tình trạng quá đông đúc, nắng nóng và ruồi, đồng thời nguồn nước hạn chế vào mùa hè” - Tiến sĩ Piers Mitchell, tác giả chính của nghiên cứu được công bố hôm 25-5 trên tạp chí khoa học Ký sinh trùng và là thành viên danh dự tại Khoa Khảo cổ học của Đại học Cambridge cho biết trong một tuyên bố.

Hầu hết những người chết vì bệnh kiết lị do Giardia gây ra ngày nay là trẻ em và nhiễm bệnh mãn tính ở trẻ em có thể dẫn đến chậm lớn, suy giảm chức năng nhận thức và không phát triển.

Phân cổ đại là một nguồn thông tin phong phú cho các nhà khảo cổ học.

Nhà vệ sinh cổ đại được phát hiện ở Jerusalem

Nhà vệ sinh cổ đại được phát hiện ở Jerusalem

Chiếc bệ toilet khác được nghiên cứu, có thiết kế tương tự, được khai quật ở Thành phố Cổ Jerusalem tại một tòa nhà bảy phòng được gọi là Ngôi nhà của Ahiel, nơi từng là nơi ở của một gia đình thượng lưu vào thời điểm đó.

Trứng của bốn loại ký sinh trùng đường ruột — sán dây, giun kim, giun tròn và giun đũa — trước đây đã được xác định trong trầm tích của hố phân. Nhưng theo nghiên cứu mới, các vi sinh vật gây bệnh kiết lỵ cực kỳ khó phát hiện.

Để khắc phục vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật phân tử sinh học gọi là ELISA, trong đó các kháng thể liên kết với các protein được sản xuất độc nhất bởi các loài sinh vật đơn bào cụ thể.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra Entamoeba, Giardia và Cryptosporidium: ba loại vi sinh vật ký sinh nằm trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy ở người — và đứng đằng sau các đợt bùng phát bệnh kiết lỵ. Các xét nghiệm về Entamoeba và Cryptosporidium đều âm tính, nhưng xét nghiệm về Giardia lại cho kết quả dương tính.

Trung Đông là khu vực trên thế giới nơi con người lần đầu tiên tạo ra các khu định cư, học cách trồng trọt và thuần hóa động vật, đồng thời là nơi các thị trấn và thành phố lớn đầu tiên mọc lên. Theo nghiên cứu, các thành phố như Jerusalem có thể là điểm nóng bùng phát dịch bệnh và bệnh tật sẽ dễ dàng lây lan bởi các thương nhân và trong các cuộc thám hiểm quân sự.

Phân tích mẫu phân từ nhà vệ sinh cho thấy nhiều người đã mắc kiết lỵ

Nghiên cứu lưu ý: “Mặc dù họ đã có nhà vệ sinh có hố ga trên khắp khu vực vào Thời kỳ đồ sắt, nhưng chúng tương đối hiếm và thường chỉ được sản xuất cho giới thượng lưu. Các thị trấn không được quy hoạch và xây dựng với mạng lưới thoát nước, nhà vệ sinh xả nước vẫn chưa được phát minh và người dân không hiểu biết về sự tồn tại của vi sinh vật và cách chúng có thể lây lan”.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/chuyen-bon-phuong/nha-ve-sinh-co-duoc-khai-quat-o-jerusalem-tiet-lo-can-benh-dang-so_147616.html