Nhà vệ sinh bẩn và chờ khám lâu bị phàn nàn nhiều nhất ở bệnh viện công

Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn và thời gian chờ khám lâu là hai vấn đề bệnh nhân phàn nàn nhiều nhất khi đến bệnh viện công.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện công cần khắc phục các tồn tại, hướng đến sự hài lòng của người bệnh - Ảnh: ẢNH LIÊN CHÂU

Sáng 18.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì hội nghị về giảm thời gian chờ khám chữa bệnh và cải thiện tình trạng chất lượng nhà vệ sinh trong bệnh viện.

Theo Bộ trưởng Kim Tiến, qua kiểm tra các bệnh viện gần đây, đã có gần 80% ý kiến hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh, còn hơn 20% chưa hài lòng, chủ yếu tập trung vào vấn đề thời gian chờ khám lâu và nhà vệ sinh bệnh viện bẩn.

Nhà vệ sinh bệnh viện xanh, sạch tại Bệnh viện E (Hà Nội) - Ảnh: ẢNH THÚY ANH

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kết quả khảo sát thí điểm sự hài lòng của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện, thông qua phỏng vấn trên điện thoại vào tháng 4 - 7.2017, tại 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước, cho thấy chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98 điểm; tương ứng với mức độ hài lòng đạt gần 80% kỳ vọng.

Trong đó, người bệnh hài lòng nhất với phục vụ cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc; kém hài lòng nhất với nhà vệ sinh bệnh viện. Cụ thể, lĩnh vực nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58 điểm), tiếp theo là lĩnh vực chi phí khám, chữa bệnh và chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm (lần lượt là 3,88 và 3,9 điểm).

Xóa bỏ nhà vệ sinh bẩn trong bệnh viện công - Ảnh: ẢNH TƯ LIỆU BỘ Y TẾ

Ông Nguyễn Huy Nga, chuyên gia về y tế dự phòng, cho biết nhà vệ sinh trong bệnh viện không đảm bảo sẽ kéo theo những hệ lụy, góp phần làm lây lan bệnh tật (các nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân, các bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện có thể bị các bệnh lây nhiễm truyền qua đường phân, đặc biệt các dịch đường ruột như tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng); hạ thấp phẩm giá của người sử dụng dịch vụ y tế khi vào bệnh viện, do phải tiếp xúc với mùi hôi hám, đặc biệt là đối với người già, trẻ em và người khuyết tật.

Trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, nhà vệ sinh không đạt yêu cầu nếu: có nước đọng, rác bẩn, mùi khó chịu, hôi thối; Khoa lâm sàng, cận lâm sàng không có khu vệ sinh riêng.

Mức đạt trung bình được xét đối với mỗi khoa lâm sàng và cận lâm sàng có ít nhất 1 khu vệ sinh; có ít nhất 1 buồng vệ sinh cho 30 giường bệnh (tính riêng theo từng khoa); đạt yêu cầu cao nếu mỗi buồng bệnh có buồng vệ sinh riêng khép kín đủ giấy, xà phòng, nước sạch và bảo đảm tỉ lệ 6 giường bệnh có 1 buồng vệ sinh.

Liên Châu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/nha-ve-sinh-ban-va-cho-kham-lau-bi-phan-nan-nhieu-nhat-o-benh-vien-cong-963979.html