Nhà văn Trần Thùy Mai: 'Thuần Việt' để thu hút bạn đọc trẻ

Nhà văn Trần Thùy Mai vừa ra mắt bộ tiểu thuyết lịch sử 'Từ Dụ thái hậu' sau một thời gian dài im tiếng. Điều thú vị, cuốn sách đề cập đến lịch sử nhưng được tác giả viết bằng văn phong thuần Việt, với ngôn ngữ nhuần nhị để thu hút độc giả trẻ.

Nhà văn Trần Thùy Mai tặng chữ ký cho độc giả.

Nhà văn Trần Thùy Mai tặng chữ ký cho độc giả.

“Chạm ngõ” làng tiểu thuyết

Với những truyện ngắn đã đi vào tác phẩm điện ảnh như “Thương nhớ Hoàng Lan”, “Trăng nơi đáy giếng”… Trần Thùy Mai đã tạo cho mình một giọng văn riêng, rất Huế. Giọng văn ấy vừa như lời thì thầm, vừa như có một ma lực dễ bám vào tâm trí người đọc.

Viết văn khi mới 22 tuổi, đến nay đã gần 40 năm cầm bút, nhưng chưa khi nào, Trần Thùy Mai coi văn chương là một cuộc chơi. Với chị, văn chương là một công việc nghiêm túc, vất vả thậm chí cực nhọc nhưng không mệt mỏi, vì đó là niềm yêu thích. Văn chương đã cho chị được là chính mình, được có thêm nhiều bạn, nhất là những người bạn gái. Họ đến và kể cho chị nghe những tâm tình.

Với bộ tiểu thuyết đầu tay “Từ Dụ thái hậu” vừa ra mắt cũng vậy. Nhà văn Trần Thùy Mai đã viết cật lực trong 2 năm trời.

Câu chuyện của tác phẩm trải dài trong 30 năm, qua 3 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Từ lúc cô thiếu nữ 13 tuổi Phạm Thị Hằng theo cha từ vùng đất phương Nam trù phú về kinh đô, chịu bao thăng trầm dâu bể rồi trở thành người đứng đầu hậu cung nhà Nguyễn. Cô tiểu thư họ Phạm thông minh, nhân hậu đã chứng kiến rất nhiều phận trong cung cấm, những bi kịch cung đình. Những mưu mô thủ đoạn tàn độc đầy rẫy ở hậu cung đôi lúc làm khuynh đảo cả triều chính, gây ra những cái chết tức tưởi, những án oan dậy trời tiếng nhơ khó rửa, đến mức hậu thế phải tốn nhiều bút mực tranh luận.

Theo nhà văn, có 3 nguyên liệu chính để chị viết cuốn tiểu thuyết này là tư liệu lịch sử, truyện dã sử và trí tưởng tượng. Chị cũng bày tỏ sự khó khăn trong việc tìm tư liệu lịch sử: “Chính sử của mình về những nhân vật hậu cung thường ngắn gọn và ít tư liệu. Vì thế, việc tiếp cận lịch sử bị hạn chế. Nhưng nó cũng là thuận lợi cho tôi, vì mình có nhiều khoảng trống để tưởng tượng”.

Nhà sử học Lê Văn Lan đánh giá, bộ tiểu thuyết có rất nhiều điều thú vị tràn ngập hơn 900 trang sách, 69 chương. “Ở tác phẩm này có sự thực, có khách quan lịch sử đích thực. Nhưng ở đây cũng có quan niệm, tài năng, bút pháp của người viết tiểu thuyết lịch sử. Đọc tác phẩm của Trần Thùy Mai, chúng ta vỡ ra được nhiều điều của lịch sử thông qua những quan niệm chủ quan của nhà văn”, ông Lê Văn Lan nhận xét.

Để giới trẻ hứng thú với lịch sử

Vì sao đang viết truyện ngắn Trần Thùy Mai lại chuyển qua thử sức với tiểu thuyết lịch sử? Đem thắc mắc ấy hỏi nhà văn, chị bảo có nhiều lý do thôi thúc viết bộ tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” này. Trong đó, có lý do con gái chị dạy học về kể, cả lớp 35 sinh viên nhưng hỏi chim Lạc (loài chim thủy tổ của người Việt) là gì thì không ai biết.

“Cho nên tôi muốn viết tiểu thuyết lịch sử để góp một tay làm cho môn Sử trở nên hứng thú hơn, nhất là với độc giả trẻ” - nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ.

Để xảy ra tình trạng người Việt ít hiểu về lịch sử dân tộc, đặc biệt nhiều học sinh ngại sử, có trách nhiệm của các nhà văn hóa.

“Các nhà văn, nhà làm phim cần phải góp tay vào việc đó, nếu không thì khó mà trách tại sao nhiều thanh thiếu niên của mình thuộc làu làu những chuyện về Đường Cao Tổ, Võ Tắc Thiên, mà biết rất lờ mờ về Hai Bà Trưng hay Quang Trung - Nguyễn Huệ” - nhà văn Trần Thùy Mai trăn trở bày tỏ.

Chia sẻ về lần đầu viết tiểu thuyết, nhà văn Trần Thùy Mai tiết lộ: “Trong truyện ngắn, tôi chọn viết về những gì tôi đã biết, đã cảm xúc và nếm trải. Mỗi truyện là một lát cắt của cuộc sống, tác giả có thể dễ dàng lướt qua những gì mình không biết, không thích.

Trái lại trong tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết lịch sử, cái gì mình không biết thì phải tìm hiểu cho đến khi biết thật tường tận. Ví dụ những giai thoại về bà Hồ Thị Hoa (Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu, mẹ vua Thiệu Trị) thường được người dân quanh vùng mộ táng của bà truyền tụng (lăng Hiếu Đông, Huế).

Tương tự, những chuyện về Phạm Đăng Hưng (Thân phụ của Từ Dụ thái hậu) thường được nghe kể quanh vùng lăng Hoàng Gia (Gò Công)”.

Dưới góc độ độc giả, nhà văn Trang Hạ nhận xét: “Tôi vô cùng thích thứ tiếng Việt thuần Việt mà chị Mai dùng trong bộ sách này. Ngày nay, các bạn trẻ có xu hướng Hán hóa trong sử dụng tiếng Việt hiện đại, điều đó khiến những người theo đuổi thứ tiếng Việt thuần Việt như tôi “không chịu nổi”. Nhưng trong cuốn này, tôi tìm thấy rất nhiều bài học tiếng Việt được xử lý vô cùng tinh tế”.

Chia sẻ về nhận xét này, nhà văn Trần Thùy Mai thừa nhận, chị rất muốn hướng tác phẩm của mình đến các bạn đọc trẻ. “Khi viết, tôi đã cố tránh những từ ngữ cổ, những từ Hán Việt (tất nhiên có cân nhắc giữ lại một số từ cần thiết, để phù hợp với cung cách ăn nói của người xưa).

Tôi muốn đây là một câu chuyện xưa nhưng viết cho người đọc đời nay, bằng ngôn ngữ mà bạn đọc trẻ có thể hiểu và cảm nhận được một cách dễ dàng”, nhà văn chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nha-van-tran-thuy-mai-thuan-viet-de-thu-hut-ban-doc-tre-4005301-b.html