Nhà văn Trần Thị Hảo với nhịp cầu văn hóa Việt - Pháp

Về nước để tổ chức buổi tọa đàm văn học đầu tiên, Nhà văn Trần Thị Hảo chia sẻ với TG&VN về tình yêu dành cho hai ngôn ngữ Việt - Pháp, cũng như những công việc góp phần thúc đẩy nhịp cầu văn hóa và hữu nghị giữa hai nước.

Nhà văn Trần Thị Hảo (giữa) chụp ảnh cùng những người bạn.

Thưa nhà văn Trần Thị Hảo, công việc của một cán bộ nghiên cứu văn học tại Đại học Sorbonne Paris IV và giảng dạy văn học Việt Nam cận hiện đại tại Pháp có gì khác biệt so với hồi bà còn giảng dạy tiếng Pháp và văn học Pháp tại Đại học Hà Nội?

Từ ngày còn học phổ thông cũng như vào đại học, tôi đã thích đọc và yêu văn học nói chung và văn học Việt Nam, Pháp nói riêng. Khi học cao học và làm luận án tiến sĩ tại trường Đại học Sorbonne Paris IV - cái nôi đào tạo văn học Pháp, tôi đã để tâm đến những khía cạnh của nền văn học Việt Nam dưới tác động của nền văn học Pháp. Dù làm việc ở Việt Nam hay Pháp, tôi vẫn thực hiện tâm nguyện chung là thông qua giảng dạy và giao lưu văn học - một trong những kênh hữu hiệu nhất - để tăng cường giao lưu giữa hai nền văn học và phát triển quan hệ giữa hai dân tộc.

Việc sáng tác và giảng dạy đồng thời bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Pháp có khi nào làm khó bà không?

Khi viết những tác phẩm bằng tiếng Việt, tôi tư duy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, còn khi viết những tác phẩm bằng tiếng Pháp, tôi cố gắng tư duy bằng ngôn ngữ của họ.

Điều may mắn là quan hệ Việt - Pháp đã đi sâu vào tiềm thức của người dân hai nước do lịch sử để lại. Quá trình lịch sử đó đã tác động thuận lợi đến nền văn hóa, văn học Việt Nam thông qua giao lưu văn hóa và quá trình phát triển quan hệ hai nước. Đặc biệt, ảnh hưởng của kho tàng văn học Pháp trong hơn 100 năm trước đây, cũng như các mối giao lưu văn hóa ngày nay giữa hai nước ngày càng mở rộng. Từ đó, chúng ta thấy một số khía cạnh trong cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam cũng có những nét tương đồng, gần gũi và ảnh hưởng tích cực từ văn hóa Pháp.

Nhà văn có nhiều cuốn sách tham khảo hữu ích như “Những kiến thức sơ đẳng về Việt Nam” hay cuốn từ vựng như “Thành ngữ, tục ngữ thông dụng Pháp - Việt”... Hẳn đây là những tác phẩm kỳ công của bà?

Hai tác phẩm này đã ngốn của tôi khá nhiều thời gian. Với cuốn sách “Những kiến thức sơ đẳng về Việt Nam”, tôi đã viết theo nhu cầu của sinh viên và những bạn Pháp yêu quý Việt Nam. Tôi đã thảo một cuốn sách tổng hợp, tóm tắt những khía cạnh về đất nước, con người Việt Nam, từ lịch sử, địa lý đến cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam thông qua hệ thống hành chính, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, ngôn ngữ… Quyển sách được coi là cuốn sổ tay “Hướng dẫn văn hóa”, được một số người Pháp hay người biết tiếng Pháp quan tâm và thích thú.

Còn cuốn sách thứ hai “Tục ngữ, thành ngữ thông dụng Pháp - Việt” là cả một quá trình tích lũy kiến thức trong công tác biên soạn giáo trình, giảng dạy sinh viên Việt Nam trước đây và sinh viên Pháp sau này.

Năm 2018, bà được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật. Với những đóng góp nhất định tại Pháp, bà có tâm nguyện gì trong việc kết nối văn hóa hai nước trong thời gian tới?

Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật là một sự ghi nhận của Chính phủ Pháp đối với những gì tôi đã làm được, dù chỉ là đóng góp nhỏ nhoi nhưng tôi rất trân trọng. Hiện nay cũng như trong tương lai, tôi vẫn muốn tiếp tục giới thiệu và quảng bá văn hóa nghệ thuật của cả hai đất nước đến với người dân của từng nước. Vì vậy, ngoài công việc chính tại trường học, tôi giúp đỡ một số hội đoàn từ thiện của người Pháp, người Việt tại Pháp và viết bài quảng bá cho một số tờ báo hay tạp chí của họ như Hội hữu nghị Pháp - Việt, Hội người Việt Nam tại Pháp, Hội Cote d’Armor - Vietnam, Hội Fleurs des Rizieres, Hội hữu nghị Choisy-le-Roi - Việt Nam...

Được biết nhà văn còn đang tham gia viết cuốn sách 100 năm Hội người Việt Nam tại Pháp?

Tôi là một trong các thành viên của Ban Chủ biên cuốn sách này. Ngoài viết, đọc và sửa bài, tôi đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn những người Pháp hay người Pháp gốc Việt có những đóng góp cho đất nước Việt Nam nói chung và cho Hội nói riêng. Với ý thức của một người có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Pháp, lại gắn bó với phong trào Hội người Việt Nam tại Pháp, tôi cố gắng đến mức tối đa cùng anh chị em trong Ban Chủ biên, hoàn thành cuốn sách đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm Hội người Việt Nam tại Pháp.

Bà hy vọng gì sau buổi tọa đàm lần đầu với độc giả tối 25/4 tại Hà Nội?

Tôi muốn cảm ơn Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) và Ban Chủ nhiệm Khoa Pháp - Đại học Hà Nội đã chủ động tổ chức cuộc giao lưu cởi mở này. Buổi trò chuyện là dịp hiếm hoi để tôi gặp gỡ anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp và các sinh viên quý mến của tôi. Đồng thời, tôi muốn là một nhịp cầu nhỏ trong việc kết nối văn hóa và nền văn học hai nước, qua đó thúc đẩy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Pháp.

Xin cảm ơn bà!

Nhà văn Trần Thị Hảo là tác giả của tập truyện ngắn Ảo vọng du học đang được Trường THPT Hùng Vương, TP Quy Nhơn (Bình Định) đưa vào chương trình giảng dạy Bộ môn Văn học Việt Nam (cùng với Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Ba người khác của Tô Hoài, Bắt đền hoa sứ của Nguyễn Nhật Ánh...) và tiểu thuyết Bông mai vàng trước gió.

Bà đã có 6 cuốn sách và tiểu thuyết bằng tiếng Pháp, được xuất bản tại Pháp và được độc giả Pháp, người Pháp gốc Việt và người Việt biết tiếng Pháp đón nhận rộng rãi như tiểu thuyết đầu tay Cô gái và chiến tranh (La jeune fille et la guerre) được dùng trong chương trình dạy ngữ pháp tiếng Pháp trên mạng cho sinh viên từ lớp 12 đến hết đại học tại Pháp và các nước Pháp ngữ, tiểu thuyết Bà Hoàng cuối cùng của nước Annam (La dernìere Impératrice d’Annam) - một trong 10 tác phẩm cuối cùng được chọn cho Giải Văn học châu Á năm 2015.... Ngoài ra, bà còn viết nhiều bài báo, phóng sự hay tùy bút cho một số báo trong nước và ở Pháp, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.

Phạm Thuận

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-tran-thi-hao-voi-nhip-cau-van-hoa-viet-phap-92766.html