Nhà văn Sỹ Hồng và niềm say mê khôn cùng khi viết về mỏ

Có vốn sống phong phú, Sỹ Hồng là một trong những nhà văn sung sức một thời của Quảng Ninh. Điều đó có được là nhờ những năm tháng ông đã sống và làm việc cùng đội ngũ những người thợ mỏ chân chính. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Di ảnh nhà văn Sỹ Hồng.

Di ảnh nhà văn Sỹ Hồng.

Nhà văn Sỹ Hồng (1938-2000), tên thật là Đặng Văn Tự, quê ở thôn Quỳnh Lâu, xã Cộng Hòa, huyện Yên Hưng (nay là phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên). Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật mỏ, Sỹ Hồng về làm đội trưởng khai thác than mỏ Hà Tu. Sau đó, ông chuyển lên Công ty Than Hồng Gai làm công tác thi đua tuyên truyền. Trong thời kì làm thi đua tuyên truyền, Sỹ Hồng đã có nhiều truyện ngắn đặc sắc, tiêu biểu là “Đêm thức” và “Đảo nhỏ”. Chỉ thời gian ngắn, các trang văn của ông đã gây sự chú ý đặc biệt của giới văn nghệ sĩ Trung ương về ba cùng với công nhân mỏ.

Sau đó, vào năm 1969, ông được điều về Ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh và làm việc ở hội này cho đến lúc tạ thế. Nhiều năm nhà văn Sỹ Hồng được tín nhiệm bầu là Trưởng ban Văn. Năm 1983, ông đã trở thành một trong số những người được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam sớm nhất ở Quảng Ninh.

Hơn 40 năm cầm bút, Sỹ Hồng đã có một gia tài văn chương khá ấn tượng: 16 tập tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn... Tác phẩm tiêu biểu của ông là các bộ tiểu thuyết: “Người yêu của Lệ”, “Ngang trái”, “Thành phố thời mở cửa”, “Ảo ảnh”, “Miền thương nhớ”. Tiểu thuyết “Thành phố thời mở cửa” của Sỹ Hồng đã đạt giải thưởng chính thức của cuộc thi tiểu thuyết do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 1997-1998. Nhà văn Sỹ Hồng cũng đã 4 lần được trao giải thưởng Văn nghệ Hạ Long. Ông là một trong những nhà văn có số lượng trang in nhiều nhất ở Quảng Ninh. Điều đó nói lên phần nào năng lực sáng tạo nghệ thuật và phong cách làm việc cần mẫn, đáng nể phục của nhà văn quá cố.

Nhà văn Sỹ Hồng đã miêu tả bức tranh cuộc sống công nghiệp ở Vùng mỏ trong sắc vẻ khẩn trương và hào hùng. Đó là những con người chắc tay búa tay súng, khẩn trương thi đua, một người làm việc bằng hai trong các truyện ngắn: “Bốn bề gió thổi", “Những ngày bình thường”, “Mùa hè”. Nhà văn đã thể hiện niềm say mê gắn bó với Vùng mỏ bằng sự hiểu biết kỹ thuật và am tường thực tế mỏ. Ông quan niệm “viết văn là để cải tạo suy nghĩ của con người”. Trang văn của ông đã đi sâu vào cái cốt lõi của hiện thực, vừa có tính thời sự lại vừa có giá trị lâu dài. Chính bởi vậy mà nhiều truyện ngắn của ông đã vượt qua thử thách của thời gian để có thể hiện diện trên văn đàn Quảng Ninh đến ngày hôm nay.

Nhà văn Sỹ Hồng và nhà văn Lý Biên Cương. Ảnh tư liệu của gia đình nhà văn.

Truyện ngắn của nhà văn Sỹ Hồng không đẩy nhân vật đến tận cùng cái xấu, cái ác mà luôn luôn hướng về bản chất lương thiện của con người. Ông viết văn điềm tĩnh, không cực đoan, không ồn ào mà vẫn hướng đến những nhân vật giàu nhân phẩm, nhất là đối với phụ nữ. Đó là Huyền trong Người đàn bà đi xe xích lô tìm cách đáp nghĩa cho người yêu đầu đời, là Hương trong truyện ngắn “Sài Gòn đêm mưa bão thủy chung” với một chàng trai đã có vợ con; là Khanh trong truyện ngắn “Cái chết của con tắc kè” độ lượng với người chồng sa ngã, v.v.. Phải có trái tim đôn hậu, nhà văn Sỹ Hồng mới viết được những trang văn giàu tính nhân bản như vậy.

Tác phẩm của ông đề cập nhiều lĩnh vực của đời sống thợ mỏ ở nhiều ngành nghề khác nhau, thể hiện một vốn sống phong phú. Ông viết về thợ mỏ bằng tinh thần nhiệt tình, chu đáo, có trách nhiệm. Nhân vật trung tâm của nhà văn là các cán bộ quản lý mỏ, là những kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, đảm đương các nhiệm vụ từ đội trưởng sản xuất đến quản đốc, giám đốc một mỏ than. Với tấm lòng nhân ái và trân trọng, Sỹ Hồng đặc biệt nâng niu những vẻ đẹp trong đời sống tâm hồn con người lao động. Đáng tiếc là ít khi ông đẩy nhân vật của mình đi đến tận cùng của mọi tâm trạng. Truyện của ông thường đơn tuyến, chỉ chú trọng kể mà ít tả, câu văn dung dị, giản đơn, chân phương, không mấy lấp lánh và xao động. Tuy vậy, toàn bộ tác phẩm của ông là nỗi niềm thiết tha đối với cuộc sống, đối với con người, phản ánh chiều sâu, chiều rộng với lớp lớp tầng vỉa ở vùng Than. Có thể nói, Sỹ Hồng một nhà văn chung thủy, bền bỉ viết về thợ mỏ và có nhiều tác phẩm về người thợ mỏ gây ấn tượng trong cả nước.

Đóng góp lớn nhất của nhà văn Sỹ Hồng là đã khắc họa thành công chân dung đội ngũ trí thức, cán bộ Vùng mỏ. Nhà văn đòi hỏi lớp người này phải thể hiện đầy đủ phẩm chất công nhân, cao hơn nữa là phẩm chất con người thời đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201912/nha-van-sy-hong-va-niem-say-me-khon-cung-khi-viet-ve-mo-2464275/