Nhà văn Ono Masatsugu: 'Viết không đau về nỗi đau'

Ono Masatsugu là PGS khoa Văn Trường Đại học Rikkyo (Nhật Bản), tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng. Ngày 31/10/2017, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản ở Hà Nội, ông đã có cuộc giao lưu với bạn đọc Việt Nam.

Nhà văn Ono Masatsugu: "Viết về nỗi đau cũng là một sự chia sẻ...". Ảnh: L.Q.V

Trong các tác phẩm của mình, như “Lời nguyện cầu chín năm trước”, “Trôi trên vịnh” và “Tiếng hát người cá” (đã được xuất bản tại Việt Nam), Ono Masatsugu đều luôn đề cập đến những số phận dân thường cùng những nỗi đau rất cá nhân, nhưng lại rất người của họ. Tất cả như những bức tranh buồn buồn, nhưng êm ả và nên thơ, như thể nỗi đau là một phần của cuộc sống. Điều này khiến người đọc hẳn không khỏi băn khoăn tự hỏi, vậy nên nhìn nhận, nói và viết thế nào về nỗi đau?

Những điều đó đã được chia sẻ trong buổi trò chuyện với nhà văn người Nhật Ono Masatsugu xoay quanh các tác phẩm của ông với chủ đề “Viết không đau về nỗi đau”, được Japan Foundation tại Việt Nam và Cty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp tổ chức ngày 31/10.

Tại buổi giao lưu, Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu chia sẻ cảm nhận của mình về các tác phẩm của nhà văn Ono Masatsugu. Ảnh: L.Q.V

Ono Masatsugu sinh năm 1970 tại tỉnh Oita nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản. Ông học ngành giáo dục tại Đại học Tokyo, học Ph.D tại Đại học Paris 8. Năm 2001, ông nhận giải thưởng tác giả trẻ lần thứ 12 của báo Asahi, năm 2002 nhận giải thưởng Mishima Yukio lần thứ 15. Vào năm 2015, ở tuổi 45, Masatsugu Ono đã vinh dự được nhận giải thưởng văn học danh giá Akutagawa, được xem như "Nobel văn học" của Nhật Bản lần thứ 152 với tác phẩm “Lời nguyện cầu chín năm trước”. Ngoài ra, ông còn có một số tác phẩm tiêu biểu như: Tại bìa rừng, Chiếc xe buýt mini…

Với tác phầm này, nhà văn Ono Masatsugu đã được giải thưởng danh giá, được coi như "Nobel Văn học" của Nhật Bản. Ảnh: L.Q.V

Bối cảnh trong “Lời nguyện cầu chín năm trước” diễn ra ở một làng chài, chỉ cách thủ đô Tokyo chưa đầy hai giờ máy bay, nhưng mảnh đất này dường như muốn cự tuyệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống nơi đây diễn ra đơn điệu với những mảnh đời tù túng. Một bà mẹ trẻ đơn thân với đứa con lai “ngoại quốc” mắc chứng tự kỷ. Một gã nát rượu bị vợ bỏ. Một phó giám đốc nhu nhược, sắp lên chức ông ngoại, nhưng vẫn sợ bị bố và các anh trai mắng. Một bà lão 80, ly dị chồng từ hồi trẻ, luôn bị ám ảnh bởi bà mẹ chồng vốn là pháp sư. Với bút pháp vô cùng khơi gợi, Ono Masatsugu đã vẽ nên thật sinh động một Nhật Bản thôn quê và xưa cũ - nơi lưu giữ những đặc tính con người Nhật vừa cực đoan, lại vừa đơn giản, cởi mở.

Theo nhà văn Ono Masatsugu, viết về nỗi đau cũng chính là một sự chia sẻ với cộng đồng, bởi trong xã hội hiện vẫn tồn tại những số phận khác nhau. Ông rất vui mừng vì các tác phẩm của ông khi được chuyển ngữ, đã được bạn đọc ở nhiều nơi trên thế giới đồng cảm.

Lê Quang Vinh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nha-van-ono-masatsugu-viet-khong-dau-ve-noi-dau-63257.html