Nhà văn - Nhà báo: Làm 'Nhà' nào khó hơn?

'Nhà báo phải xông pha trực tiếp vào những điểm nóng, chuyện xảy ra, để gợt hơi nóng sự thật, lát cắt nổi cộm cuộc sống thường nhật. Tạo ra cách nhìn, cách đánh giá thú vị, đúng và khả dĩ. Vậy nên các nhà báo thường nhìn chính xác và khách tâm về sự việc cần phản ánh…

Viết văn là sự trải nghiệm và chiêm nghiệm. Từ những nguyên mẫu, nhà văn sẽ cấu tứ lên tác phẩm. Nhà văn sáng tác bằng trải nghiệm và phản ánh sự dự báo. Nên có độ lùi, trễ nhưng ẩn sâu tính thời sự bên trong tác phẩm."

Đó là những quan niệm viết văn và làm báo mà Nhà văn - Nhà báo Phan Đình Minh chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc trong dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2018).

Nhà văn

Từng có dịp được cộng tác bài vở với nhà văn, ông có thể cho biết ông đến với văn chương trong hoàn cảnh nào?

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi làm nghĩa vụ quốc tế tại Vương quốc Campuchia. Đêm dài, nằm dưới những cánh rừng xa hút ở các tỉnh biên giới Situngtreng, Nanatakiri nước bạn, buồn đẽo người. Nghe trên đài đọc truyện đêm khuya, đột nhiên tôi nghĩ: Lúc nào đó, mình viết được một cái truyện, đài mà đọc, cha mình ở quê nghe thấy thì sướng phải biết. Rồi nhờ phép lạ gì không biết, vài năm sau tôi làm được việc này. Từ đó, câu chuyện “viết” bén vào tôi. Đến nay đã mấy chục năm có lẻ...

Suy cho cùng, văn chương cho tôi nhiều và cũng lấy đi kha khá. Nhưng quan trọng, tính toán trong cái sự thiệt hơn này, phần “lỗ” ít.

Với thâm niên sáng tác mấy chục năm có lẻ đó, tác phẩm nào ông tâm đắc nhất?

Quê tôi là vùng chiêm chũng. Cách thị trấn Cẩm Giàng, nơi có ấp Tự lực Văn đoàn cách mỗi cánh đồng gọi là cánh đồng Ngặt Kéo. Làng tôi nhỏ tí teo, nằm giữa năm bẩy cái đầm toàn sen. Sen nở, cả vùng cứ ngan ngát. Xưa, lính Pháp đi tầu hỏa qua là thò hết cả đầu ra ngoài cửa sổ khoang tầu ngắm cảnh. Đang đi càn, chúng còn dựng trại không về bốt Đầu Bo ở thị trấn Cẩm Giàng, ngả rượu thịt ra ngồi trên bờ đầm ăn uống, vừa ngắm cảnh, vừa chia những thứ cướp được ở tổng Bùi, tổng Chữ Na... du kích làng tôi, có cả mẹ tôi cứ từ ao sen vác mã tấu trồi lên...

Người lớn kể, quê tôi ruộng đồng thuận lợi, khá giả, nhưng một dạo, có ông quan đỗ đạt, xẻ đôi làng thông ngòi thành sông để chở đá qua đập Cầu Bát về xây dinh, từ đấy đất quê long mạch, dân làng nghèo khó, chiêm khê, mùa thối, trằn lưng trên những trản ruộng miếng làm, miếng bỏ suốt năm mà vẫn đói. 6 tuổi tôi đã kham đủ việc, 9 tuổi đã biết ra đồng chìm nổi tát chuôm, tát đồng kiếm cá cua mang ra chợ Giằng, chợ Ghẽ bán đưa mẹ đong gạo. Có phiên chợ, mẹ bán lá sen ở đầu, tôi bán cua, tép dầu cuối chợ... quê nhà nhuộm tuổi thơ tôi thành càng rạm, búp đa, hoa gạo vừa rơi vừa nở. Chỉ cần viết về cái làng nghèo khó của tôi mà suốt nhiều năm qua chưa hết chuyện- như một nhà văn nào đó nói “Về làng xắn một miếng đất, ra một tiểu thuyết”...

Lớn lên, học ngành kỹ thuật rèn tôi tính cẩn thận trong công việc. Rồi được đi đây đi đó nhiều. Các huyện ở nước mình, nước bạn Campuchia tôi đã đi khắp. Nhiều phong tục, vùng miền tôi biết và cũng nhờ đi nhiều nên chỉ cần kể những thứ nằm lòng, mắt thấy, tai nghe là thành văn rồi. Tôi hay chọn nguyên mẫu ở đời sống để neo vào. Tất cả đều là con người thật, cảnh thực, nên độc giả đọc tôi thường thấy mình, thấy chuyện đâu đấy. Tính đến nay, tác phẩm kể đến trong văn chương của tôi chủ yếu là truyện ngắn. Những cái truyện đã công bố và nhiều cái chưa công bố. Thôi, chỉ tính trong những cái đã công bố. Tôi tâm đắc nhất truyện Nênh nổi chiếu tuồng. Truyện ngắn tôi viết về sự vơi vạt văn hóa trong một làng quê Bắc bộ - mà cụ thể là quê tôi. Gắn với sự chìm nổi làm nghề của chiếu quê văn hóa. Là đời sống thường nhật thương khó những con người bình dị trong đó gồm các nghệ sỹ dân gian, mà mối tình đầy kết oán ân, tay ba giữa các kép đào chân lấm tay bùn. Truyện kết thúc mở, mang hơi hướng dã sử nhưng cũng hiện diện đậm nét một đời sống làng xã trải dài in đầm những dấu buồn thương khó…

Trong cả một chặng đường thời gian dài sáng tác ông đã từng gặp phải khó khăn nào chưa?

Là người viết văn nhiều năm, nếu nói công việc sáng tác là dễ thì thật là sai. Đối với tôi chuyện viết lách không dễ dàng gì. Nhiều khi cảm thấy khó khăn lắm, như để viết được thì phải nghĩ xem sẽ lựa chọn đề tài, rồi tiếp cận ra sao. Và phải nẫu, cảm hứng đến mới “đi bút” cho nó thuận. Viết, thường khi có lúc nhanh, lúc chậm thôi...

Ông có nghĩ rằng việc sinh sống bằng nghề viết văn từ trước tới nay là dễ dàng không?

Theo cá nhân tôi được biết, chưa có nhà văn nào sinh sống được bằng nghề văn. Mà chỉ có thể nói sinh sống bằng nghề viết mà thôi. Ngày bé tôi có hai ước ao: Làm người đánh xe bò và làm nghề chiếu bóng lưu động. Làm người đánh xe bò, được nằm dài trên xe suốt ngày để thỏa thuê đọc truyện, đọc sách. 12-13 tuổi tôi đã ngốn vô khối các truyện dã sử của Trung Quốc, Chinh đông, chinh tây, Hán Sở tranh hùng, Tam Quốc diễn nghĩa... trong tủ sách ông ngoại tôi. Sau, là các bộ truyện đồ sộ như Chiến tranh và hòa bình, Sông đông êm đềm, Thằng gù nhà thờ Đức bà, Những ngôi sao thành Eghe... Còn làm anh chớp bóng lưu động là sẽ được xem nhiều phim. Sau lớn lên vào nghề kỹ thuật, tôi rất mê công việc này, tôi nghĩ sẽ suốt đời tay kìm, tay búa, bán dẫn, trangsito... nhưng giờ lại viết văn, làm báo. Cũng chẳng biết nữa. Có lẽ mai sau tôi sẽ làm một công việc chân tay nào đó như trồng cây, hoặc nghề gốm…

Nhà văn Phan Đình Minh (bên trái) và nhà văn Nguyễn Hiệp (ảnh Nguyễn Hiệp)

Nhà báo

Ông vừa nhắc tới từ “làm báo”. Từng giữ cương vị một Tổng Biên tập một tờ báo, xin cho tôi hỏi, với ông, là nghề báo chọn ông hay ông chọn nghề báo?

Sau khi tốt nghiệp cử nhân kỹ thuật, tôi chuyên trách công việc trong một đơn vị đo lường chất lượng của Bộ Công an. Tôi vẫn nói vui với mọi người “mình là Công an gia công”. Thực ra, tôi rất yêu công việc kỹ thuật mình đang làm. Ở đó tôi có các đồng nghiệp làm khoa học kỹ thuật “toàn tòng”. Chúng tôi ở rất nhiều nơi, nhiều ngành nghề tụ họp làm việc trong nhiều lĩnh vực từ sinh học đến cơ khí, từ in ấn đến viễn thông… đến đầu những năm 2000, đơn vị Khoa học công nghệ chúng tôi được Lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông cho thành lập một tờ Tạp chí mang tính chuyên ngành về Khoa học công nghệ đầu tiên của Bộ Công an với tiêu chí: “Làm một cẩm nang nhỏ” cho các cán bộ làm công tác khoa học trong Bộ Công an nghiên cứu, phổ cập kiến thức Khoa học công nghệ. Ở đấy sẽ tìm thấy những sáng tạo được ghi, viết ra, công trình khoa học mới, đề tài, luận văn, luận án… để nâng cao nhận thức cho cán bộ chiến sỹ trong lực lượng. Tạp chí Khoa học công nghệ và môi trường Công an ra đời, và cũng chính thức bắt đầu công việc chuyên trách làm báo của cá nhân tôi. Tức là nghề báo chọn tôi, và thực tình viết báo tôi đã viết nhiều năm. Cám ơn chị. Câu hỏi thật thú vị.

Vậy ra thời gian làm báo của ông cũng tương đương thời gian viết văn nhỉ, tôi xin hỏi lại câu hỏi, trong suốt thời gian làm báo, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất và những bài báo nào ông thấy mình phải đầu tư nhiều công sức nhất?

Kỷ niệm sâu sắc và đáng kể nhất trong những năm làm báo của tôi là hơn một tháng trời lặn lội cùng các chiến sĩ phòng chống ma túy Công an tỉnh Nghệ An. Cùng với các anh những người tôi luôn kính trọng để viết Bút ký “Nơi ấy… ngày chưa yên ả” - tác phẩm được vào chung khảo cuộc thi truyện ngắn và bút ký dự thi giải Cây bút vàng lần 3 của Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức. Theo chân các chiến sỹ trinh sát trẻ, gan dạ tôi đã tới được những chuyên án ma túy lớn xảy ra ở các huyện như Hưng Nguyên, Kỳ Sơn, Tương Đương… đã đến tận các con đường mòn vào đỉnh Phù Nghiêng, nơi trú ẩn của tội phạm truy nã. Đến bản “Không chồng” - Xốp Mạt. Nơi tiệt không còn bóng dáng một người đàn ông nào. Chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em. Tất cả đàn ông trong bản đều đã bị lĩnh án tù, có người lĩnh án tử hình hoặc nhiều năm tù tội vì dính dáng đến vận chuyển, buôn bán cái chết trắng… những ngày lẽo đẽo theo các chiến sỹ phòng chống ma túy đã bào mòn sức khỏe chưa được rèn luyện đến đầu đến đũa khiến tôi suýt bỏ mạng vì những cơn sốt rừng. Đổi lại, tôi đã viết được một Bút ký kỹ càng, chất lượng, bõ công hơn tháng trời rong ruổi.

Vâng, ma túy luôn là một vấn đề nhức nhối trong xã hội và đòi hỏi chúng ta phải tập trung nhiều nguồn lực để giải quyết những hậu quả nó gây ra. Nhưng đó là chuyện khác, trở lại chủ đề đang trao đổi, nếu phải làm phép so sánh giữa một nhà văn với một nhà báo, ông thấy làm nhà nào khó hơn? Nguy hiểm hơn? Và thú vị hơn?

Câu hỏi thật thú vị. Mỗi một nghề đều có cái khó riêng, nguy hiểm riêng và thú vị nữa.

Nhà báo phải xông pha trực tiếp vào những điểm nóng, chuyện xảy ra, để gợt hơi nóng sự thật, lát cắt nổi cộm cuộc sống thường nhật. Tạo ra cách nhìn, cách đánh giá thú vị, đúng và khả dĩ. Vậy nên các nhà báo thường nhìn chính xác và khách tâm về sự việc cần phản ánh…

Còn viết văn là sự trải nghiệm và chiêm nghiệm. Từ những nguyên mẫu, nhà văn sẽ cấu tứ lên tác phẩm. Nhà văn sáng tác bằng trải nghiệm và phản ánh sự dự báo. Nên có độ lùi, trễ nhưng ẩn sâu tính thời sự bên trong tác phẩm.

Có vẻ nhờ làm báo mà ông có thêm nhiều ‘tư liệu’ để sáng tác, không những thế, gần đây tôi được biết ông liên tục được vinh danh tại các cuộc thi văn chương do các tổ chức uy tín trao tặng, những vinh quang đó có ý nghĩa như thế nào với việc “cầm bút” của ông?

Cám ơn chị đã nhắc lại những thành tích văn học tại mấy cuộc thi văn chương tôi được giải. Thực ra, đến lúc này tôi vẫn nghĩ là có sự may mắn gì đó. Cuộc đời của một nhà văn thường trải nhiều cuộc thi văn chương, dẫu vô tình hay có ý định tham gia và thường không được giải là nhiều. Có khi cứ viết, cứ tham gia rồi giải sẽ đến với mình. Có lúc lại đến khi mình không đặt hết kỳ vọng. Giải thưởng không làm nên nhà văn. Giải thưởng là những dấu mốc văn chương mang dấu ấn cá nhân. Các nhà văn chúng tôi thường nói vui với nhau: Nếu như vào thời điểm khác, chủ đề khác, một ban giám khảo khác… có khi người được giải lại là người chúc mừng những người không đoạt giải ở những cuộc thì văn học vừa rồi.

Vâng, nói thì nói vậy tôi rất cảm ơn các đơn vị, tờ báo văn chương đã tổ chức ra các cuộc thi văn học thú vị thời gian vừa rồi. Ở đó, tôi đã trải nghiệm, may mắn. May mắn gặp được những ý tưởng, gặp các nguyên mẫu và gặp được những phút lóe sáng sáng tạo, để đạt được các thành tích chị vừa nhắc.

* Trân trọng cảm ơn ông. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, xin chúc Nhà văn - Nhà báo Phan Đình Minh sức khỏe và luôn chắc tay bút để độc giả sẽ được đọc thật nhiều tác phẩm hay của ông.

Khánh Vân (thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/nha-van-nha-bao-lam-nha-nao-kho-hon-345436.html