Nhà văn, nhà báo Đỗ Bích Thúy với chuyến hành trình của sự trở về

tuổi 43, trung tá, nhà văn, nhà báo Đỗ Bích Thúy (Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã sở hữu gần 20 cuốn sách gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, trong đó hầu hết là các sáng tác về đề tài miền núi, đặc biệt có những tiểu thuyết được chuyển thể thành những bộ phim 'ăn khách' của điện ảnh Việt.

Nối tiếp thành công ở chủ đề “ruột” này, mới đây chị đã cho ra mắt cuốn sách “Tôi đã trở về trên núi cao” như đánh dấu chặng đường 20 năm sinh sống và làm việc ở Thủ đô với mong muốn được sống chậm lại, nhìn vào chính mình nhận rõ “bản lai diện mục” con người mình để trải lòng với độc giả về chuyến hành trình của sự trở về.

1. Nói đến nhà văn Đỗ Bích Thúy, chắc hẳn những người yêu văn chương Việt đương đại vẫn còn nhớ “cơn chấn động” ở “căn nhà số 4 huyền thoại” - (số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội - trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội) vào năm 1999 khi cô gái trẻ người Hà Giang mới tốt nghiệp đại học đã đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí với chùm truyện ngắn gửi đến vào những phút cuối cùng nhưng đã đánh bật rất nhiều tên tuổi “cây đa, cây đề” của làng văn chương Việt lúc ấy. Cái tên Đỗ Bích Thúy được biết đến từ đấy. Sau này qua những cuốn sách của chị, nhiều người vẫn cứ ngỡ chị là người miền núi. Tuy nhiên, Đỗ Bích Thúy lại là người dân tộc Kinh, quê gốc ở Nam Định nhưng được sinh ra và lớn lên ở Hà Giang - “mảnh đất màu mỡ” để chị “canh tác” trên “cánh đồng văn chương”.

 Nhà văn Đỗ Bích Thúy trong buổi ra mắt cuốn sách “Tôi đã trở về trên núi cao”

Nhà văn Đỗ Bích Thúy trong buổi ra mắt cuốn sách “Tôi đã trở về trên núi cao”

Trước đây, chị đã có bốn năm làm báo ở Hà Giang - Đó là khoảng thời gian tuy không dài nhưng đã giúp chị được đi, trải nghiệm và đắm mình trong không gian văn hóa của các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Cũng bởi vậy mà đọc văn của chị, người đọc dễ lầm tưởng chị là nhà văn người dân tộc Mông hoặc Tày bởi đặc trưng văn hóa trong từng câu chuyện chị kể rất đặc sắc, tinh tế mà chỉ người con được rừng núi sinh ra mới viết được như thế. Đến bây giờ, Đỗ Bích Thúy vẫn cho rằng được đến làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội là điều may mắn đối với mình. Bởi nơi đây cùng với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Báo Văn nghệ là những môi trường sáng tác lý tưởng ở Hà Nội. Thế nhưng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng có những đặc thù riêng đòi hỏi mỗi người làm việc tại đây phải đảm nhận song song hai vai trò vừa là nhà báo với việc biên tập giỏi vừa là tác giả. Vì vậy mà ngoài công việc phụ trách 1 tháng 2 số báo của Tạp chí hầu như năm nào Đỗ Bích Thúy cũng cho ra một cuốn sách.

Khác với các nhà văn người dân tộc viết về chính họ, Đỗ Bích Thúy viết về vùng cao trong tâm thế của một người miền xuôi. Điều đó tưởng chừng là trở ngại nhưng không, bởi theo nhà thơ Trần Đăng Khoa thì: “Nhờ đắm mình trong đời sống, hiểu cặn kẽ mọi ngóc ngách từ cảnh sắc, phong tục, tập quán, đến đời sống tính cách, tâm hồn và văn hóa của người dân vùng cao, với con mắt của người dưới xuôi, chị phát hiện được nhiều vẻ đẹp mà có khi chính người vùng cao không nhìn ra được”.

Cuốn sách “Tôi đã trở về trên núi cao”

Dẫu vậy là một nhà văn trẻ để vượt qua “cái bóng” của các cây bút tên tuổi viết về chủ đề miền núi trước đó mà cũng là người miền xuôi như Tô Hoài, Ma Văn Kháng là điều không dễ. Và Đỗ Bích Thúy không còn cách nào khác ngoài tự mở con đường riêng cho chính mình bởi những phong tục, tập quán có thể chỉ chừng ấy, thậm chí bị mai một đi, thiên nhiên vạn vật, làng bản, dòng sông, con suối, ngọn núi cũng chỉ có chừng ấy nhưng con người thì có thể đổi khác. Chính cái suy nghĩ tâm thế của con người vùng cao hiện nay đã khác so với các nhân vật xưa trong văn của các “cây đại thụ” mà chị đã mạnh dạn tự mở con đường cho chính mình, đó là đi vào trọng tâm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con người vùng cao trong thời đại hôm nay.

2. Ngay từ nhan đề cuốn sách mới nhất của Đỗ Bích Thúy - “Tôi đã trở về trên núi cao” - đã chứa đựng một triết lý: Ra đi, đi mãi rồi cũng phải trở về, và trở về nói cách khác chính là đích cuối cùng của chuyến đi. Hành trình “trở về” của Đỗ Bích Thúy có thể là một chuyến đi rất thật nhưng cũng có thể chỉ là những chuyến đi trong tâm hồn chị, tâm hồn của một người đàn bà ở tuổi 40 với nhiều rung động, với nhiều “dư chấn” mang một mã số “riêng”. “Trở về” sau quãng thời gian chị rời vùng núi cao Hà Giang để về sống trong lòng Hà Nội. Những câu chuyện trong “Tôi đã trở về trên núi cao” là những ghi chép đã qua, dưới con mắt chọn lọc, nhạy cảm của một ngòi bút tinh tế được kể với giọng điệu dung dị, gần gũi như tự truyện, không chỉ gợi lại hồi ức, kỉ niệm của nhà văn Đỗ Bích Thúy mà còn mang đến sự đồng cảm về một miền ký ức thấp thoáng trong độc giả.

Tuy nhiên, ở cuốn sách này, người đọc còn dễ dàng bắt gặp những trang tản văn về Hà Nội với cái nhìn rất riêng, độc đáo, những quan sát tinh tế, giàu trực cảm của nhà văn Đỗ Bích Thúy: “Hà Nội, vẫn còn đâu đó những cũ xưa phảng phất. Không phải ở những gì to lớn, vạm vỡ, mà là ở những góc nhỏ, lặng yên như thế”. Ngoài những trang sách dịch chuyển thể hiện tình yêu quê hương giản dị, chân thật, cuốn sách còn là những trang viết đẹp, mang đậm triết lý. “Chúng chạm tới hết thảy những tha thiết trong ta về một tình yêu rộng lớn, dịu ngọt và mãnh liệt với con người, cuộc sống” để “Người có thể yêu người mà không nhất thiết phải nói gì với nhau”

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ về cuốn sách “Tôi đã trở về trên núi cao” của Đỗ Bích Thúy

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng mỗi một câu chuyện nhỏ trong “Tôi đã trở về trên núi cao” đều hiện rõ sự nhận thức lại đời sống, nhiều quan niệm từ sau nhiều chiêm nghiệm, để cuối cũng bao giờ nhận thức ra điều nào đó, cảm giác nào đó chốt lại cho rõ cái cõi lòng sâu thẳm giữa con người với con người, con người với vật, con người ta với quê hương, bản quán hay mảnh đất mình đang sống. Nhà văn cũng nhìn nhận trong tập sách là một cô Thúy “đã trở về trên núi cao” - nơi cao nhất và cũng là nơi sâu nhất sau bao thăng trầm thay đổi để như một sự giác ngộ, có thể nhìn vào chính tâm hồn cô trong hơn 200 trang sách.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Hưng lại có một cách nhìn khá hình tượng về cuốn sách khi ví nó như một phim tài liệu kiệm lời, rất kiệm lời, hoặc không lời, chỉ hình ảnh, cụ thể, sinh động, xem đến đâu thì lại thấm và nhớ, cảm thấy nhoi nhói. “Có thể nghĩ đến một kết cấu chương hồi, hết câu chuyện này móc vào câu chuyện tiếp, để thấy nhiều hơn theo mạch kể, câu chuyện này có chút bóng dáng câu chuyện kia, để càng đọc càng mở, càng kéo đi.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy trong chuyến về quê nhà

Có thể coi là một tản văn tự truyện. Cũng có thể, không cần liên tưởng đến tác giả, để thấy đây là câu chuyện của mỗi ai đó được tái tạo, được sáng tạo. Có thể nghĩ thêm từ những trang viết ngắn hợp nên tập sách Tôi đã trở về trên núi cao của Đỗ Bích Thúy…”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho biết thêm.

Cuốn sách ra đời như càng khẳng định “thương hiệu” của Đỗ Bích Thúy về đề tài miền núi - một đề tài không mới nhưng cũng không dễ để viết hay. Với việc ở độ tuổi còn khá trẻ, tin rằng văn chương của Đỗ Bích Thúy sẽ càng nảy mầm, nở rộ và sinh sôi đầy sức sống khi bám chặt rễ vào vùng văn hóa trù phú Hà Giang./.

An Kim

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/guong-mat-nha-bao/nha-van-nha-bao-do-bich-thuy-voi-chuyen-hanh-trinh-cua-su-tro-ve-45621