Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ kỷ niệm về sân ga và những chuyến tàu

Là nhà báo, tôi thường xuyên đọc những bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Văn Thọ mà ở đó tôi thấy ông có tri thức uyên bác, vốn sống dày dặn, đặc biệt khi nói về trách nhiệm của nhà văn với dân tộc. Thế nhưng, trong chương trình 'Quán thanh xuân' số đầu tiên của năm mới 2021 'Sân ga và những chuyến tàu', tôi mới thấy ông còn cuốn hút người khác bằng cách trò chuyện dí dỏm, hài hước…

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nhiều “bí mật” đã được tác giả “Quyên” “tiết lộ” trong chương trình Quán thanh xuân, đó là gần đây ông bắt đầu đến với hội họa mà lại là vẽ chân dung – thể loại mà nhiều người cho là khó nhất trong hội họa. Bắt đầu từ 17/5/2020 ông vẽ và đó cũng là lần đầu tiên sau 60 năm ông chưa bao giờ vẽ. Ông từng học trường mỹ thuật tiểu khu nhưng với ông hồi ấy thì nghĩ họa sĩ là thứ vớ vẩn nhất vì chiếm nhiều thời gian, trong khi họa sĩ lại rất nghèo. 72 xuân ông nhận ra người ta có thể qua những cơn hạn họa ghê gớm, có thể không thành kẻ giết người, nếu biết lặng yên ở trong hội họa. Ông cũng gửi lời cảm ơn đến văn học đã cho ông làm người lương thiện và cảm ơn nghệ thuật hội họa cho ông vẫn lương thiện.

Cùng với đó bằng cách kể chuyện dí dỏm, hài hước, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã đem đến cho khán giả một bầu không khí vui tươi và đôi lúc có phần kịch tính khi kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ với cô gái xinh đẹp người Nghệ An là bác sĩ tại Bệnh viện Hưng Nguyên ra Hà Nội lấy bằng. Đầu tiên ông khoe bức ảnh chụp năm 19 tuổi, chụp ở hiệu Phương Đông và tự nhận ngày ấy mình rất đẹp trai, chứ không hom hem như thế này. Năm 1971 sau khi tham gia chiến dịch đánh Lam Sơn 719 ác liệt thì ngay sáng hôm sau ông nhận được lá thư của mẹ đang ở Hà Nội gọi về. Ngay lập tức ông xin anh nuôi khẩu phần ăn nửa tháng gồm một bao gạo, nửa lạng mỳ chính, một hộp thịt nửa cân.

Từ Quảng Trị, ông xin đi nhờ các loại xe, lúc thì đi bộ, lúc thì đi xe chạy đến Vinh thì trời tối. Sáng hôm sau, ông lững thững ra ga thì thấy hành khách đến rất đông, trong đó có một cô rất xinh cứ chăm chú nhìn ông. Khi biết cùng nhau ra Hà Nội thì họ đã lập tức thân nhau. Tuy nhiên, trớ trêu thay là hôm ấy tàu chở hàng là chủ yếu, chỉ có 2 toa chở khách và đương nhiên chỉ mình ông có giấy của quân đội mới được đi. Thương xót cô gái trẻ nếu ở lại đây đêm nay thì rất lạnh lẽo, cô đơn, đó là chưa kể bom Mỹ có thể thả xuống bất cứ lúc nào nên ông đã dẫn cô gái ấy trốn lên một toa tàu hải sản, bởi toa này rất tanh ít người đến kiểm tra.

Toa chuyển bánh từ Vinh ra Hà Nội mất 3 ngày 2 đêm. Tòa đi rất chậm rồi nghỉ ở các ga cũng rất lâu mà trong người ông không có đồng nào để ăn. Định bụng sẽ mở hộp thịt ra ăn thì cô gái ngăn lại (vì đó là quà cho mẹ) và xuống mua thức ăn cho hai người. Lúc ấy ông rất cảm động bởi nghĩ mình đang ở chiến trường gian khổ quá tự nhiên gặp cô xinh đẹp lại ăn uống từ đầu đến cuối suốt 3 ngày 2 đêm, đó còn chưa kể nhiều lúc buồn ngủ cô ấy ngả vào lòng ông để ngủ.

Những lúc tàu đi qua đường hầm xung quanh tối om lên rồi đi đến những cánh đồng hai bên vun vút khiến trong lòng người lính trẻ 19 tuổi đầu còn đầy mơ mộng và từng làm những bài thơ ái tình ngun ngút mà chưa bao giờ biết đến một nụ hôn dâng lên nỗi niềm cảm xúc. Thật lòng ông muốn vuốt ve lên mái hay đặt một nụ hôn nồng cháy lên bờ môi của nàng nhưng vì quá nhút nhát nên mong muốn mới chỉ dừng lại trong suy nghĩ. Thế rồi khi ra đến Hà Nội, cô gái đã chủ động ôm choàng lấy ông và đặt một nụ hôn lên đôi má gầy guộc của người lính.

Được chứng kiến toàn bộ câu chuyện này, nhiều khán giả đã bình luận trong Hội Quán thanh xuân “Chuyện của anh Thọ toàn liên quan trai xinh, gái đẹp, thật là hấp dẫn ạ”. Ông đọc được và cười bảo: “Ngày xưa trẻ, khi người ta thanh xuân. Giờ mõm như trái khô rồi, nên đã có thơ rằng:Ta biết bao nhiêu con sông nhỏ/ Chảy mãi lênh đênh một câu thề/ Em hỡi, vườn xuân ai hát đó/ Ta trái khôn ròn em xanh mơ”…

Ngô Khiêm

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/nha-van-nguyen-van-tho-chia-se-ky-niem-ve-san-ga-va-nhung-chuyen-tau-n23132.html