Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời: Tướng đã chính thức về hưu

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời vào ngày 20/3 tại nhà riêng sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 71 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Theo thông tin từ gia đình, ông mắc bệnh từ tháng 3/2010. Sức khỏe yếu khiến sinh hoạt của ông gặp khó khăn, phải dựa chủ yếu vào vợ con. Mặc dù vậy, ông vẫn không thôi đam mê và tâm huyết với văn chương, hội họa, vẫn thích vẽ và làm thơ mỗi khi khỏe mạnh.

Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một nỗi buồn, nỗi mất mát lớn với văn học Việt Nam. Nhà văn Trần Nhã Thụy buồn khi phải vĩnh biệt một nhà văn - một cây bút truyện ngắn đương đại xuất sắc.

"Vĩnh biệt ông, nhà văn - cây bút truyện ngắn tầm cỡ của văn học Việt Nam. Một cuộc đời trầm luân nhưng đáng giá. "Danh càng lớn họa càng cao", đó là câu của Nguyễn Huy Thiệp mà tôi xem như là công án tu tập cho đời mình", anh ngậm ngùi.

Nhà văn Trần Quang Thụy bên nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình di tản qua nhiều vùng nông thôn ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Năm 1960, gia đình chuyển về quê, định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ, huyện Thanh Trì (nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), Hà Nội.

Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 1970 và từng có thời gian dạy học tại Tây Bắc. Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1968, với một số truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ đề tài nông thôn.

Dù xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam nhưng cái tên Nguyễn Huy Thiệp đã nổi bật bởi những tác phẩm của mình. Những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu là về đề tài xã hội làng quê và người dân lao động.

Những tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn "Tướng về hưu" (1987), Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)...

Trong đó, "Tướng về hưu" là một trong những tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Huy Thiệp. Bằng lối viết rạch ròi, ông vẽ nên hình ảnh trần trụi về những bi kịch cá nhân của con người, sự tha hóa trong nếp sống thực dụng của con người trong nền kinh tế thị trường.

Tác phẩm khi ra mắt từng trở thành một hiện tượng văn học và được nhà xuất bản Trẻ tuyển chọn in trong tập truyện ngắn với tựa đề "Tướng về hưu". "Tướng về hưu" cũng từng được dựng thành phim điện ảnh cùng tên vào năm 1988.

Tác phẩm "Tướng về hưu" từng được dựng thành phim điện ảnh nổi tiếng

Nhà thơ Hồng Thanh Quang nhớ lại, trong một cuộc phỏng vấn của anh với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vào năm 2015, ông từng khẳng định viết văn là một trong những công việc quan trọng trong cuộc đời. Nghề viết văn đặc biệt vì là bát - nhã.

"Nó là cái gì đấy về sáng tạo và lý thú. Một khi anh đã sáng tạo thì anh đánh lừa được thần chết, thậm chí đánh lừa được thời gian. Tôi nghĩ là những tay làm thơ, viết văn, vẽ tranh, hay làm âm nhạc… trẻ lâu lắm. Nhìn chung, cuộc sống của họ phong phú và sinh động hơn nhiều nghề khác, kể cả nghề chính trị gia. Người nào mà có một chút văn chương thì cũng bay bổng hơn và khác hơn nhiều người khác".

Trong sự nghiệp của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, được xem là "hiện tượng hiếm" của văn đàn trong nước. Ông được nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008)...

Hiểu Đồng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nha-van-nguyen-huy-thiep-qua-doi-tuong-da-chinh-thuc-ve-huu-d499818.html