Nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn: Tài năng không phụng sự Tổ quốc?

Nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn sinh ngày 11/12/1908 ở Kislovodsk. Ông mất ngày 4/10/2008 tại Moskva. Năm 2018 đã được chính phủ Nga coi là năm Solzhenitsyn với trọng điểm là lễ kỷ niệm vào tháng 12, nhằm ngày sinh của ông. Và việc này đang được xã hội Nga đánh giá theo những góc nhìn khác nhau.

Trong lịch sử văn học và xã hội Nga, Aleksandr Solzhenitsyn là một nhân vật lớn, nhưng cũng rất phức tạp. Những đoạn trường mà ông đã nếm trải cũng như những vinh quang mà ông đã có vừa mang tính khu biệt vừa mang những nét điển hình cho cả một thời đại ở đất nước bao la, hùng hậu nhưng luôn luôn bị chọn làm nam châm hấp thụ tất cả những mâu thuẫn lớn lao của nhân loại. Bi kịch trong số phận của Solzhenitsyn là ở chỗ, trong phần lớn cuộc đời mình, ông đã không hữu dụng cho tổ quốc mình và để cho những đối thủ của dân tộc Nga lợi dụng với những mục đích hiển nhiên không nhằm mang lại phúc lợi trước hết cho dân tộc Nga. Từng tham gia chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít, dưới thời Xôviết, có giai đoạn ông phải sang phương Tây sống lưu vong… Trong cách đánh giá của những người Nga theo khuynh hướng thiên tả, Solzhenitsyn thậm chí còn là một kẻ phản bội tổ quốc. Tuy nhiên, ông cũng lại là một trong số ít những nhà văn Nga được nhận giải Nobel văn học và sau khi Liên bang Xôviết tiến dần tới tan rã, đã trở lại Nga trong sự quan tâm đặc biệt của Điện Kremli… Từ năm 1989, các tác phẩm của Solzhenitsyn dần dần được in lại ở Nga. Năm 1990, ông được nhận lại quốc tịch Nga. Tháng 5/1994, Solzhenitsyn cùng gia đình trở lại quê hương. Điện Kremli đã trao cho ông cả giải thưởng nhà nước của LB Nga năm 2007…

Trước việc năm 2018 trở thành dịp tiến hành lễ trọng đối với Solzhenitsyn, nhiều nhân vật có tên tuổi ở Nga đã lên tiếng bày tỏ sự không đồng tình. Một trong những người phát biểu mạnh mẽ nhất là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học kiêm nhà chính luận Vladimir Bushin. Ông sinh năm 1924, cũng từng tham gia chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vào đảng cộng sản trong thời gian chiến tranh… Mới đây nhất, ngày 17-10, báo Nga Zhavtra (Ngày mai) đã đăng trên trang điện tử của mình bài trò chuyện giữa phóng viên Ekaterina Glushik với nhà văn Bushin về chủ đề này.

Một kẻ dối trá

PV: Vì đâu mà ông lại viết nhiều về Solzhenitsyn. Tại sao ông lại quan tâm tới ông ấy nhiều như vậy?

Vladimir Bushin: Vấn đề là ở chỗ, dù chúng ta có muốn điều đó hay không, nhưng ông ấy quả thực đã đóng một vai trò lớn trong đời sống của đất nước chúng ta, ông ấy nổi tiếng và quen thuộc trên khắp thế giới. Hiện nay có lẽ ít ai quan tâm tới ông ấy, nhưng trước đây, khi ông ấy xuất hiện với truyện ngắn “Một ngày của Ivan Denisovich”, tất cả đều đã chào mừng ông ấy- kể cả Shokokhov. Viết bài về ông ấy là những Simonov, Marshak, Grigori Baklanov, và tôi cũng có mặt trong nhóm này trên tạp chí Neva xuất bản ở Leningrad (St Peterburg). Về sau mới rõ là ông ấy đã dối trá rất nhiều khi kể về bản thân mình, về chiến tranh và về đất nước. Mặc dầu vậy người ta vẫn túm lấy ông ấy, sử dụng, thổi phồng. Tuyên truyền của chúng ta đã không tìm ra đủ lực và cơ hội để đáp trả một cách thuyết phục những trò viết lách của ông ấy. Và thế là ông ấy đã đóng một vai trò quan trọng trong những gì đã xảy ra với đất nước những năm 90, trong sự hủy hoại đất nước. Chương trình 100 năm ngày sinh của ông ấy trong tháng 12 tới - đó là một hoạt động kỷ niệm hết sức lạ lùng.

Vì sao người ta lại tung hô nhân vật này, người mà như ông đã đánh giá rất đúng, là đã đóng một vai trò tiêu cực trong lịch sử đất nước chúng ta và đã thúc đẩy sự hủy hoại quốc gia?

- Bởi đó là những thế lực bài Xôviết, được đưa lên trên sự phủ nhận và phỉ báng tất cả những gì đã có trong thời Xôviết. Đang có những hành động vứt hết khỏi lịch sử của nhân dân ta giai đoạn 75 năm anh hùng của chế độ Xôviết. Và Solzhenitsyn trong việc này là một người rất tương thích. Tệ đến mức là bây giờ người ta còn đưa sách của ông ta vào học trong trường phổ thông. Tôi không rõ đích xác là dưới hình thức nào, nhưng ít nhất thì bà vợ góa của ông ấy đã rút ngắn “Quần đảo GULAG” xuống còn một phần tư và giới thiệu cho tầng lớp thanh thiếu niên đọc. Thì thế mà! Dường như đấy là câu chuyện về một người vô cớ bị tống giam và sau khi ra khỏi tù thì lên tiếng tố cáo cái chế độ đã đưa ông ta vào đó. Mặc dù chính Solzhenisyn tự thú nhận rằng ông ấy vào tù là theo đúng pháp luật. Khi ở ngoài chiến trường, ông ấy đã viết và gửi cho những người quen của mình những lá thư mà trong đó, ông ấy phỉ báng lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Hồng quân và cả Stalin.

Nhưng ông ấy là một sĩ quan, hẳn cũng biết rằng những lá thư có thể bị kiểm tra và sẽ có những biện pháp xử trí nào đó.

- Ông ấy không thể không biết điều đó, vì trên các phong bì đều đóng dấu “kiểm duyệt quân sự đọc”. Vì thế có đầy đủ căn cứ để cho rằng ông ấy đã hành động một cách có ý thức. Bởi vì ông ấy đã nảy ra một ý tưởng và đã viết cho bà vợ Reshetovskaya (vợ đầu của Solzhenitsyn) của mình rằng: rồi sẽ kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc và sẽ bắt đầu cuộc chiến tranh cách mạng. Tức là sau khi chấm dứt với chủ nghĩa phát xít thì sẽ bắt đầu cuộc chiến tranh chống lại nước Anh, nước Pháp và nước Mỹ. Và ông ấy cho rằng, đó sẽ là cuộc chiến tranh còn khủng khiếp hơn. Và tốt hơn cả là thoát được ra khỏi nó. Ông ấy đã bắt tay vào việc viết những lá thư về bản chất là rất khiêu khích. Và bắt buộc sẽ phải chịu trừng phạt vì việc này, điều đó là rất rõ ràng. Làm gì có ai chấp nhận việc một sĩ quan quân đội lại phỉ báng cấp chỉ huy của mình! Trong bất cứ quân đội nào ở bất cứ thời nào cũng đều coi đó là hành vi tiếp tay cho đối phương. Và cũng phải nói rằng ông ấy trong những mưu đồ láu lỉnh của mình đã không quá xa chân lý. Giờ thì chúng ta đã biết rằng Churchill đã ấp ủ một chiến dịch không thể tưởng tượng nổi chống lại Liên bang Xôviết. Và khi chúng ta chiếm được Berlin, dừng lại, thì Churchill đã lập kế hoạch cùng các lực lượng Mỹ với sự trợ giúp của các đơn vị phát xít Đức còn sót lại tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Hồng quân lúc đó đã bị mỏi mệt thậm cùng. Về điều này thì đã có nhiều tác giả viết, trong đó có cả cựu bí thư, trưởng ban đối ngoại BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô Valentin Falin. Tất cả những tài liệu này đều được biết rõ. Sở dĩ cuộc tấn công đó không diễn ra vì người Mỹ đã từ chối tham gia. Họ cần chúng ta giúp đỡ để chống lại Nhật Bản. Hình như Roosvelt đã có lần nói với Churchill rằng ông ấy ngày nào cũng nảy sinh nhiều ý tưởng vĩ đại mà trong đó có hai ba ý tưởng tốt. Nhưng ý tưởng tấn công Hồng quân không phải là tốt.

Tôi có cảm giác rằng, bản thân việc Solzhenisyn viết những lá thư như thế trong thời chiến để cố tình lôi kéo sự chú ý tới bản thân mình mặc dù cũng nhìn thấy rõ hậu quả, đã bác bỏ những khẳng định cho rằng Liên bang Xôviết đã là một bộ máy đàn áp không thể tưởng tượng nổi, sẵn sàng vì bất cứ một câu lỡ lời nào cũng bỏ tù, thậm chí xử bắn ngay. Ông ấy, như chúng ta đã thấy, hiểu rất rõ rằng vì hoạt động phản quốc nối giáo cho giặc khi lên án ban lãnh đạo đất nước, ông ấy sẽ không hề bị xử bắn.

- Chính ông ấy thú nhận rằng ông ấy bị bỏ tù là đúng luật. Ông ấy đã thư đi thư lại với người bạn học thời phổ thông Nikolai Vitkevich, viết cho vợ và cho một số địa chỉ khác nữa. Thật ngây thơ và nực cười nếu nghĩ rằng ông ấy đã không ngờ tới những hậu quả.

Ông nói rằng ông ấy đã dối trá nhiều. Những thí dụ nói dối cụ thể?

- Nếu loại bỏ các yếu tố chính trị ra ngoài, chỉ đơn giản nhìn từ tính xác thực thì tất cả những gì mà ông ấy nói đều là những sự dối trá. Thí dụ, khi bài in đầu tay của ông ấy xuất hiện, ông ấy đã nói về mình như sau: tôi trong suốt cả chiến tranh, không rời tiền tiêu, đã chỉ huy khẩu đội. Trong câu văn này đã có mấy điều bịa tạc kỳ lạ. Thứ nhất, từ khẩu đội (trong tiếng Nga) là một từ có nhiều nghĩa. Nếu ta đặt năm cái chai nối liền nhau thì đó cũng là khẩu đội. Và khi chúng ta nghe thấy từ khẩu đội liên quan tới chiến tranh thì ta nghĩ ngay tới các khẩu pháo (cao xạ). Còn ông ấy ngoài mặt trận đã có một khẩu đội mà trong đó không có bất cứ khẩu pháo nào. Ông ấy phụ trách khẩu đội do thám âm thanh. Đó không phải là khẩu đội tác chiến đạn lửa. Khẩu đội do thám âm thanh được đặt ở cách chiến trường khá xa. Và làm gì có thứ tiền tiêu nào mà vợ ông ta lại có thể ra chiến trường thăm ông ta được. Chiến trường lúc đó ở Belorussia, Solzhenisyn từ Belorussia cử người lính cần vụ dưới quyền mình về Rostov trên sông Đông và anh cần vụ đã dùng giấy tờ giả đưa người vợ trẻ ra chiến trường gặp ông ấy. Chị vợ đã sống trong hầm cùng ông ấy. Họ cùng đọc tác phẩm của Maxim Gorky “Cuộc đời của Matvei Kozhemyakin”, chị vợ chép những trường ca và truyện ngắn của ông ấy, gửi chúng tới các địa chỉ ở Moskva, cho Borris Lavrenev, nhà nghiên cứu văn học Leonid Ivanovich Timofeyev mà tôi sau đó đã từng theo học ở Viện Văn học... “Tiền tiêu” là như thế đó. Và khi tiểu đội trưởng chán cảnh có người phụ nữ không trong biên chế lại có mặt ở trong đơn vị, ông ấy đã yêu cầu chị vợ phải rời đi. Còn về những truyện ngắn của Solzhenitsyn về những đau khổ và hành hạ trong các trại giam thì tất nhiên, trại giam không phải là trại an dưỡng, chả thể béo bở ngọt ngào... Nhưng những lời kể dường như các tù nhân bị kết án xử tử đã không bị mang đi bắn mà lại bị đưa cho thú hoang trong vườn thú ăn thịt thì là làm sao?! Mà ông ấy rất hay nói rằng, tôi mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu...

Ông ấy muốn dựa vào ai đó ư?

- Đúng, ông ấy muốn nói rằng, người ta kể vậy, cớ gì mà không tin. Quả thực, tại sao một kẻ chống chế độ Xôviết lại không tin vào những gì mà y thích nghe? Và ông ta đưa ra vô số những nguồn tin: một người Uzbekistan, hai cô sinh viên, ba anh lính Hồng quân... Không kèm tên họ, ngày tháng, sự việc cụ thể... Không thể nào tin vào những điều như thế. Nhưng chúng đã gây được ấn tượng đối với nhiều người. Của đáng tội, đôi khi cũng có những con số. Ông ấy cũng là một người khá thông minh và biết đôi khi tâm sự dối trá của mình bằng những sự việc có thực. Thí dụ như là đã có việc nhiều nhà hoạt động chính trị nổi tiếng bị thanh trừng, ông ấy đã kể về việc này, nhắc tới họ. Vợ ông ấy đã thu gọn “Quần đảo GULAG” lại còn một phần tư chủ yếu là loại bớt những sự ngớ ngẩn ở trong đó. Bà ấy hiểu rằng đó là sự dối trá không thể nào có thật được. Thí dụ, làm sao lại có thể có việc một trăm linh sáu triệu người bị thanh trừng? Nếu thực thế thì khi ấy lấy ai cầm súng chiến đấu, lấy ai bảo vệ tổ quốc?

Nối giáo cho giặc

Có thể sẽ là quá làm sang cho nhân vật này nếu nói rằng ông ta đã là một trong những vũ khí mà người ta sử dụng để công phá Liên bang Xôviết. Họ đã nói rằng, họ nhằm vào chủ nghĩa cộng sản nhưng đã bắn trúng nước Nga. Nhưng thực ra họ đã nhằm vào nước Nga trước tiên. Và Solzhenitsyn đã là vũ khí của bộ máy phương Tây, hoạt động nhằm vào nước Nga. Vậy thì tại sao bây giờ thứ vũ khí đó, thứ vũ khí của kẻ thù trực tiếp đối với đất nước chúng ta, lại không bị quên lãng đi cho bụi phủ mà lại được tuyên truyền rất náo nhiệt? Chính Tổng thống Putin đã nói rằng việc tan rã Liên bang Xôviết là một sự kiện bi thảm, ông công nhận như thế cơ mà (cá nhân tôi cho rằng đó không chỉ là sự tan rã, đó là sự hủy diệt Liên bang Xôviết). Thế mà nhân vật đã từng tiếp tay cho sự hành hạ đất nước chúng ta lại đang được quan tâm tới như vậy! Xã hội đang bị áp đặt thái độ đó.

- Tôi nghĩ rằng điều đó đơn giản là rất ngốc nghếch... Solzhenitsyn là công dân Mỹ, là kẻ phản bội tổ quốc, vậy mà chúng ta lại tôn vinh ông ta! Tất nhiên, không phải tôi với bạn tôn vinh ông ta mà là bọn họ sẽ tôn vinh ông ta.

Nhưng đó là những người có chức vụ chính quyền, họ sẽ nhân danh chính quyền mà tôn vinh ông ta.

- Tất nhiên rồi. Họ đã lập ra một ủy ban kỷ niệm, nhưng trong đó không có một nhà văn nào cả. Hơn có mời nhà văn Yuri Polyakov nhưng ông ấy từ chối, không tham gia, việc này làm thơm danh cho chính ông ấy...

Yuri Plyakov khi từ chối đã lập luận rằng còn nhiều nhà văn và nhà hoạt động rất xứng đáng nhưng vẫn chưa được dựng tượng, dù họ được tôn vinh từ trước và đóng góp của họ cho đất nước vô cùng to lớn.

Có cảm giác rằng từng kẻ phản bội tổ quốc một cách tuyệt đối, kẻ thù của đất nước, được dựng tượng, hay được đặt tên phố, được xây dựng những trung tâm. Tại sao người ta lại tôn vinh sự phản bội?

- Đó không phải là vì có trí tuệ. Zhores Alferov (đảng viên Đảng Cộng sản LB Nga, giải Nobel vật lý năm 2000) đã viết cuốn sách “Quyền lực không có não”. Không còn cách gì khác ngoài việc ủng hộ cho đồng chí Alferov...

Ông từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Và Solzhenitsyn cũng từng tham gia chiến tranh. Giữa ông và ông ấy có gì chung không, có tình đồng đội chiến trường không?

- Tôi có biết ông ấy ở ngoài đời. Tôi cũng đã chào mừng ông ấy khi xuất hiện truyện ngắn đầu tiên của ông ấy. Trong truyện ngắn đó có nói tới chuyện có những người vô tội phải vào trại giam. Quả thực là đã từng có chuyện như thế và tôi cùng các nhà văn khác chào đón việc những chuyện như thế bắt đầu được nói tới. Tôi đã có trao đổi thư từ với ông ấy. Rồi chúng tôi đã gặp nhau một số lần. Thậm chí đã có một lần tôi tình cờ đụng ông ấy trên đường phố Moskva, ở khu quảng trường Mayakovsky. Thế nhưng làm sao có thể nói tới một tình đồng đội nào được? Ông ấy là kẻ phản bội theo đúng nghĩa của từ này, người ta gọi ông ấy là một “ngụy nhân văn học”, gọi thế là xác đáng. Trong chuyện này không thể có ý kiến gì khác được.

Té nước theo mưa

Theo ông nghĩ, tại sao ông ấy lại trở về nước Nga? Ông ấy nhớ tổ quốc ư?

- Ông ấy là một con người rất tính toán và nhìn từ góc độ của những gì mà ông ấy đã làm cho bản thân mình, thì đó là một con người có tài năng phi thường. Về sự khôn khéo, láu cá, ranh mãnh, luồn lách thì ông ấy là bậc đại tài. Thử để ý mà xem: tại sao ông ấy không trở về ngay mà còn ngóng xem cuộc đảo chính (của Boris Yeltsin) có chắc chắn không? Hình như ông ấy đã ngóng ba năm rồi mới trở về. Và đã tổ chức cuộc trở về rất hoành tráng: đi qua vùng Vladivostok, ở đó đón ông ta là bà Svetlana Goryatseva, rồi chính bà này đã trả lời những bài phỏng vấn đầy nhã ý. Lẽ ra ngay từ khi ấy đã phải yêu cầu bà ta tôn trọng trật tự chứ không phải muộn màng sau này.

Ông ấy trở về, đi qua các tỉnh, người ta tổ chức các cuộc gặp cho ông ấy. Tại Omsk cũng có một cuộc mít tinh. Ở đó có tờ “Thời báo Omsk” mà tổng biên tập là chị Galina Ivanovskaya Kuskova, tôi từng có những bài đăng trên báo này. Đúng vào dịp ông ấy đi ngang qua đó, báo đăng bài của tôi có nhan đề “Bí ẩn vụ bắt giữ Solzhenitsyn”. Vì rằng ông ấy đã kể những câu chuyện khác nhau về việc ông ấy bị bắt giữ. Ông ấy kể một đàng, cần vụ của ông ấy kể một nẻo. Và tôi đã đăng bài báo vạch trần sự dối trá của ông ấy. Trong cuộc mít tinh có người bảo với ông ấy: thế nhưng ông Bushin lại viết về ông khác cơ! Ông ấy kêu: À à à, Bushin! Đó là con rắn, con rắn, tôi biết ông ta! Thế mà ông ấy đã viết bao nhiêu lời ca ngợi tôi, khi tôi còn trao đổi thư từ với ông ấy.

Ông đã công bố những lá thư đó?

- Tôi đã công bố chúng. Mới đây tôi đã cho ra cuốn sách thứ năm về Solzhenitsyn. Của đáng tội, sách được phát hành không chuẩn lắm nếu nhìn từ góc độ ảnh kèm theo. Người ta đã đưa vào đấy một số bức ảnh đầy cảm xúc như thể đó là sách trong loạt tác phẩm về những người nổi tiếng tử tế và tài năng, xứng đáng quan tâm và yêu kính. Tôi đã đưa ra yêu cầu loại bỏ những bức ảnh đó trong lần tái bản sắp tới.

Theo ông thì Solzhenitsyn trở về do những tính toán?

- Phải, ông ấy đã suy tính tất cả trước rồi. Và sau đó đã tự kể ra điều này! Chuyện ông ấy đi tới buổi họp của ban thư ký Hội Nhà văn và đã trù liệu trước việc sẽ chào hỏi những ai theo thứ tự nào, sẽ bắt tay ai, còn ai chỉ gật đầu chào, sẽ đi qua không chào ai, coi như không nhìn thấy… Ông ấy đã trù liệu mọi sự! Và trong buổi họp đó, ông ấy ngồi và ghi tốc ký lại mọi điều. Mẹ ông ấy từng là người ghi tốc ký, đã dạy ông ấy nghề này. Và ông ấy đã ghi tốc ký lại tất cả những gì có thể. Nhiều tác phẩm được công bố của ông ấy là từ những ghi chép lại như thế. Thí dụ như khi Tvardovsky nói với ông ấy: “Ông chẳng coi điều gì là thiêng liêng cả, ngay cả khi người ta nhổ nước bọt vào mặt ông thì ông cũng coi như đó là giọt sương của thánh! - câu này cũng được ông ấy ghi lại. Và một nét điển hình của ông ấy mà hiện nay đang tiếp tục được thịnh hành trong xã hội là: ông ấy không chỉ làm những việc ghê tởm mà còn khoe khoang về những việc đó nữa.

Có một trường hợp như sau. Tvardovsky viết lá thư bảo vệ Solzhenitsyn gửi Konstantin Fedin, khi đó đang đứng đầu Hội Nhà văn. Ông gửi lá thư đó đi và ba ngày sau nó xuất hiện trên BBC. Tvardovsky nói với Solzhenitsyn: “Làm sao lại có thể xảy ra chuyện này? Tôi đã cố tình gửi thư đi mà không cho ai xem ngoài anh, anh đã được đọc nó nhưng anh không thể nào chép lại nó được.” Và Solzhenitsyn kể lại rằng ông ấy đã chép lại nội dung lá thư của Tvardovsky: phải, tôi không chép lại được hết nhưng những ý chính thì tôi cũng đã kịp chép lại được. Tức là ông ấy chép lại và chuyển qua những kênh thích hợp tới BBC.

Và ông ấy còn thích thú với sự ghê tởm của mình. Hiện tượng này giờ đang rất phổ biến. Ngay từ thời trước Andrei Voznesensky đã viết: “Chúng ta đã bị cắt sự xấu hổ như khúc ruột thừa”. Quả thực, sự xấu hổ đã bị cắt mất.

Ông từng viết về việc ngày lễ kỷ niệm Gorky thì người ta tổ chức thành một sự kiện mang tính khu vực, chuyển tới Nizhni Novgorod, còn ngày lễ kỷ niệm Solzhenitsyn thì họ đang chuẩn bị tổ chức ở khắp cả nước, họ định dựng tượng cho ông ấy, nâng tầm lên quy mô quốc gia.

Và một nhân vật lạ lùng nữa là bà vợ góa của ông ấy! Tại sao khi tổ chức khánh thành tượng đài Thánh Vladimir thì cũng thấy bà ấy ở đó, bên cạnh lãnh đạo quốc gia. Thánh Vladimir ở đâu, còn Solzhenitsyn ở đâu! Tại sao người đàn bà góa ấy lại có ảnh hưởng được như thế ở nước ta?

- Khi người ta nói việc gì phải tổ chức lễ kỷ niệm ông ấy, trong khi đã có lễ kỷ niệm Turgeniev, Gorky. Không thể so sánh như thế được. Những lễ kỷ niệm như thế không còn quan hệ gì với lễ kỷ niệm Sozhenitsyn. Turgeniev, Gorky… là những nhà văn, còn Solzhenitsyn là kẻ thù của nhân dân. Bà vợ góa của ông ta cũng là một nhân vật tháo vát, linh hoạt, thạo việc và khéo léo. Thấy có lễ khánh thành tượng đài Tvardovsky, bà ta liền đến ngay. Bà ta tới gần những người con gái của Tvardovsky và định nói chuyện với họ. Nhưng cô Valentina Tvardovskaya đã tuyên bố luôn: thưa bà, chúng tôi không có chuyện gì để nói với bà cả. Nhưng bà vợ góa này thì chả hề thấy thế là xấu hổ...

Phan Hằng Anh (lược thuật)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-van-nga-aleksandr-solzhenitsyn-tai-nang-khong-phung-su-to-quoc-tintuc422591