Nhà văn Lê Minh Khuê: 'Mình ra sách 100 người đọc là mừng'

Lê Minh Khuê thuộc thế hệ nhà văn kháng chiến chống Mỹ, tác phẩm của chị đều thấy được bút lực mạnh mẽ,

Nhà văn Lê Minh Khuê

Lê Minh Khuê thuộc thế hệ nhà văn kháng chiến chống Mỹ, mỗi tác phẩm của chị đều cho độc giả thấy được bút lực mạnh mẽ, con mắt tinh đời và tâm hồn rộng mở, tươi mới. Tập truyện ngắn Làn gió chảy qua của chị mới đây lại đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.

Ai yêu sách mình, tôi biết ơn lắm!

“Làn gió chảy qua” đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam có gây bất ngờ với chị không?

Tôi cũng bất ngờ! Nhà xuất bản Trẻ in cuốn sách này gửi tới Hội Nhà văn để tham gia giải thưởng, vì bận việc gia đình nên đã lâu tôi không đến Hội, khi cuốn sách vào chung khảo tôi mới biết.

Có thể nói, tập truyện ngắn Làn gió chảy qua là một vệt viết khác. Tôi viết theo kiểu mềm mại hơn, vẫn là những vấn đề thời sự của xã hội nhưng viết nhẹ nhàng.

Chị có coi văn chương là sự nghiệp?

Tôi gọi đó là công việc, chứ không phải sự nghiệp. Công việc có một chút thành công. Tôi không kỳ vọng gì ở văn chương. Mà thực ra văn chương cũng chưa bao giờ thay đổi được gì. Ngày xưa văn chương quan trọng, nhưng bây giờ thì không. Nhưng tôi vẫn thích viết, vì đó là ý thích. Đó là cách để mình nói những điều mình nghĩ.

Không kỳ vọng bởi ngày càng thưa vắng người đọc, thưa chị?

Tôi không kỳ vọng vào việc nhiều người đọc sách, vì bây giờ người ta nhiều việc, cũng ít đọc văn chương. Tôi nghĩ sách mình ra 100 người đọc là mừng rồi. Trong đấy, 100 người này là những người yêu văn chương thật sự, người thân, bạn bè của mình. Còn độc giả ai yêu sách của mình mà đọc thì mình biết ơn lắm!

Sự xa cách văn chương của độc giả có phải do đề tài văn học kém hấp dẫn, thưa chị?

Tôi nghĩ văn chương không lệ thuộc vào số tác phẩm. Quan trọng là mỗi khi viết ra, người viết nói được cái gì mới, không đơn thuần chỉ là giải trí. Viết giải trí cũng không dễ, tôi thấy mình không giỏi viết giải trí. Tôi thích văn chương có những ý tưởng nghiêm túc hơn, có thể ít bạn đọc nhưng đó là cái tạng của mình. Một nhà văn bạn tôi có đề cập, đó là sự phản biện của trí thức trước các vấn đề của cuộc sống.

Được mệnh danh là “bà trùm truyện ngắn”, vậy nghề viết có đem lại cho chị cuộc sống ổn định?

Đấy là cách bạn bè gọi vui thôi, vì tôi hầu như chỉ viết truyện ngắn. Còn về nhuận bút, rất ít người sống được chỉ bằng nhuận bút. Tôi quen nhiều nhà văn nước ngoài, họ cũng thế, thường đi dạy thêm, làm báo và nhiều việc khác để kiếm sống.

Thuộc thế hệ nhà văn kháng chiến chống Mỹ, nhưng chị không hề tỏ ra yếu sức, chùn bút trước những “lớp sóng trẻ”, cụ thể là mới đây chị rinh về giải thưởng lớn nhất của Hội Nhà văn với tập truyện ngắn “Làn gió chảy qua”?

Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất của nhà văn là nội lực. Có nội lực rồi thì viết không cần cố gắng gồng mình, chỉ cần cẩn thận để không bị tự lặp lại, không hời hợt. Không nên viết ra những điều vô nghĩa. Đó là lý do vì sao tôi viết không nhiều và cũng chỉ hài lòng với rất ít tập truyện ngắn mình đã in.

Tôi nghĩ lúc nào cũng có thể dừng viết văn

Vậy còn tập “Làn gió chảy qua”, chị có hài lòng về tập truyện ngắn này của mình?

Nói không hài lòng thì mang tiếng khiêm tốn, giả vờ. Nhưng như nhiều tập sách khác, tôi nghĩ nếu được “gia cố” thêm thì tốt.

Nếu được thay đổi để tập truyện ngắn này hoàn chỉnh hơn trong mắt chị thì chị sẽ thay đổi điều gì?

Có thể tôi sẽ không nhẹ nhàng và ẩn ý như nhiều truyện ở đây. Có lẽ tiếp cận vấn đề sao cho có tính “phóng sự” hơn một chút. Ví dụ, như truyện Thằng Tomy về chơi - có rất nhiều đất để triển khai, nhưng tôi cố gò mình vào chừng ấy. Vấn đề chiến tranh - chia cắt - thất vọng… rất lớn. Một truyện ngắn không thể bao hết.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng được gọi là “ông vua truyện ngắn”, thế rồi cũng phải dừng vào một ngày. Chị nghĩ, ngày chị dừng viết sẽ là ngày như thế nào?

Tôi nghĩ lúc nào cũng có thể dừng. Dừng là chuyện tất nhiên và không thể tránh. Còn sức khỏe, còn sự say mê nữa, những cái đó đâu có dồi dào?

Điều gì giúp chị dẻo dai được trong các câu văn, mạch suy nghĩ, ý tưởng để tiếp tục cầm bút và viết miệt mài, khi mà ngoài kia người trẻ mải mê Facebook, Twitter, Zalo, điện thoại thay vì đọc sách?

Việc ai nấy làm mà. Người trẻ hạnh phúc vì họ có thế giới giải trí của họ. Mình không thể ước ao được như họ đâu. Vậy thì viết được gì là may rồi, dù không được nhiều người đọc. Nghĩ thế nên tôi cũng sống trong thế giới của mình, có lẽ nhờ thu mình như vậy mà “mài giũa” được kĩ thuật và độc lập được suy nghĩ.

Cảm ơn chị!

Làn gió chảy qua là tập sách thứ 16 của nhà văn Lê Minh Khuê gồm 14 truyện ngắn hàm chứa nội dung về sự bao dung, đồng cảm, chở che và yêu. Nhà văn Hồ Anh Thái chia sẻ: “Có lần nhà văn Úc Christos Tsiolkas nói với tôi rằng, anh chỉ viết tiểu thuyết và hầu như không viết được truyện ngắn, vì “truyện ngắn đòi hỏi những phẩm chất nghệ thuật cao”. Nghe vậy, tôi lập tức nghĩ đến Lê Minh Khuê.

Ngoài đời là một người đàn bà thùy mị, dịu dàng, chỉ nghĩ tốt về người khác, không dùng máy tính, không điện thoại thông minh, đến bây giờ vẫn dùng bút viết văn. Trong tác phẩm của chị có đủ những dữ dội khốc liệt, rất nhiều bi kịch cá nhân trên nền lịch sử đầy biến động, vậy Lê Minh Khuê thực sự là ai? Có lẽ là cả hai con người đó”.

Nhà văn Lê Minh Khuê từng nhận những giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1987 cho tác phẩm Một chiều xa thành phố; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 cho tác phẩm Trong làn gió heo may; Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012. Năm 2008, Lê Minh Khuê đã nhận được Giải thưởng Văn học quốc tế mang tên Byeong Ju Lee (nhà văn lớn Hàn Quốc, 1921-1992) cho tập truyện ngắn Những ngôi sao, trái đất, dòng sông.

Phạm Lý (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nha-van-le-minh-khue-minh-ra-sach-100-nguoi-doc-la-mung-d188653.html