Nhà văn Kim Lân nhập vai… Kim Lân

Sinh thời, tôi gọi nhà văn Kim Lân bằng bác xưng cháu rất thân mật. Nay nhà văn mất rồi, tôi gọi là cụ cho hợp lẽ. Tôi với cụ là người cùng làng, gần gũi thân thiết hàng chục năm nên đầy ắp những kỷ niệm.

Tác giả bài viết (bìa trái) cùng nhà văn Kim Lân

Tác giả bài viết (bìa trái) cùng nhà văn Kim Lân

Đã nhiều lần tôi định viết về cụ, về nhà văn Kim Lân kính mến. Nhưng cứ lý do này nọ... nên chưa thực hiện được. Lần này, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cụ (1/8/1920 - 1/8/ 2020), tôi quyết tâm viết đôi dòng nhớ tới cụ.

Bắt đầu thế nào đây? Bắt đầu ngay từ cái tên và bút danh của cụ. Cụ là Nguyễn Văn Tài, nhưng Tài “rom” hay Tài “rôm” thì chỉ có người Phù Lưu quê tôi mới biết. Chả là thời niên thiếu, cụ nhỏ thó, đen đủi, nhanh nhẹn, linh hoạt, thoải mái cùng bạn bè. Trưa hè thường đánh chiếc quần cộc, cởi trần không mũ nón chơi đùa hò hét khắp cả làng dưới trời nắng chang chang nên người lúc nào cũng đầy rôm sẩy đỏ au, mồ hôi bóng nhẫy. Thế là bạn bè đồng lứa gọi là Tài “rôm”, có khi còn gọi là Tài “rom”.

Những năm cuối đời, khi về làng, bạn bè cùng trang gặp nhau vẫn có người réo Tài “rom”giữa sân đình thật vui vẻ. Còn về bút danh Kim Lân thì cụ với cụ Nguyễn Đăng Bảy (Bảy “Hổ”) nhà quay phim – NSND (cũng là anh trai vợ nhà văn Kim Lân) rất yêu tuồng. Các buổi tập hoặc diễn tuồng cụ đều có mặt nhất là tấn tuồng có Đổng Kim Lân, cụ thuộc nhiều và rất thích nhân vật Đổng Kim Lân về tính cách, tư tưởng. Nhiều lúc cụ nhập vai, múa may, hò hét rất say sưa. Đổng Kim Lân đối với cụ như bọn trẻ ngày nay gọi là “thần tượng”. Vì thế sau này viết văn cụ mới lấy bút danh là “Kim Lân”.

Cụ Kim Lân đã mất hơn mười năm rồi! Thế mà tôi cứ nghĩ: “Độ này cụ bận việc gì ở Hà Nội nên chưa về quê được đấy thôi, chứ đâu phải cụ đã mất”. Nhưng cụ đã mất thực rồi! Vì vậy tôi càng nhớ cụ, nhớ những ngày đầu gặp cụ. Nhất là cái buổi cụ về làng, đến nhà tôi. Cụ có vẻ nghiêm trọng, có phần lúng túng rồi đặt vấn đề rất nghiêm túc với tôi rằng: cụ rất muốn về làng nhưng người họ hàng gần gũi thì không còn nhiều nên khi về cụ đến nhà tôi có được không? Tôi rất xúc động và trân trọng mời cụ và nói rằng đây còn là điều vinh dự cho gia đình.

Thế là từ đấy, lần nào về làng cụ cũng về thẳng nhà tôi trước, lần thì để cái túi, lần thì để cái áo khoác ngoài... sau đó cụ mới đi đâu thì đi. Trước khi đi, tôi đều mời cụ về xơi cơm. Nhưng cụ nói, anh chị không phải lo cơm nước cho tôi. Và cũng từ đấy, gia đình tôi với cụ đã gần gũi lại càng thân mật hơn, càng có nhiều kỷ niệm với cụ đáng nhớ hơn. Nhất là dịp hội làng năm Canh Thìn - 2000. Hội làng tôi mở từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch. Năm ấy, tôi mời cụ, nhà văn Hòa Vang và bạn tôi, dịch giả Mạnh Tùng. Mọi người về từ sáng mồng 8 đến chiều mồng 9 mới đi. Đó là thời gian chúng tôi chia sẻ bao nhiêu chuyện trên trời, dưới đất, đông tây kim cổ, văn hóa nghệ thuật, văn chương, chữ nghĩa… Hai ngày hội nhà tôi thật đông vui, ấn tượng nhất là màn cụ diễn tuồng, khi cụ vào vai nhân vật Đổng Kim Lân trong tích Sơn Hậu.

Rượu rồi, cả nhà đông vui hàng chục người quây quanh cụ, chuyện trò rôm rả. Mọi người bảo cụ còn nhớ bài tuồng nào không. Tưởng hỏi cho vui, ai ngờ cụ đứng dậy nhập vai Kim Lân. Mặt cụ biến chuyển sắc thái khác nhau, linh hoạt múa may, rồi cụ hát, cụ hét buồn cười quá! Nhất là cảnh cụ vén quần, vén áo, lộ ra cẳng tay, cẳng chân ống đồng, gối củ lạc, gầy gò làm không ai nhịn được cười. Mọi người hưởng ứng hoan hô, cụ càng say sưa. Được một lúc, chắc cũng mệt, cụ cười cúi chào trong tiếng vỗ tay ran ran.

Tối hôm ấy, chúng tôi ở chung một phòng, chẳng ai nghĩ đến chuyện ra xem chèo ngoài sân đình. Tôi chuẩn bị đầy đủ thức nhắm, đồ uống mặc dù vừa bữa tối xong. Tôi đưa ra bộ ấm chén cổ rởm ra vẻ thanh cảnh, nhưng khi dùng cụ lệnh cho tôi bỏ cái đồ dùng “cảnh vẻ” ấy đi, đưa bộ chén vại hay cốc cũng được ra đây. Phải công nhận rằng, cánh văn nghệ sỹ uống rượu khỏe thật! Tôi không uống được mấy nhưng có nhiều loại rượu và loại nào cũng ngon. Các vị đã được trải nghiệm rồi nên chốt lại là loại rượu nếp vàng Đình Bảng.

Mặt cụ biến chuyển sắc thái khác nhau, linh hoạt múa may, rồi cụ hát, cụ hét buồn cười quá! Nhất là cảnh cụ vén quần, vén áo, lộ ra cẳng tay, cẳng chân ống đồng, gối củ lạc, gầy gò làm không ai nhịn được cười. Mọi người hưởng ứng hoan hô, cụ càng say sưa.

Cả đêm hôm ấy, rượu vào, nhời ra, chuyện trò thật đã. Tôi ấn tượng câu chuyện cụ kể và phân tích việc “đựng rượu vào be và chai”: các cụ ta thường đựng rượu vào be, be nậm củ hành hoặc củ tỏi bằng sứ. Ta bây giờ đựng rượu vào chai thủy tinh hay nhựa trong nên uống đến đâu biết đến đấy. Nhà có khách, sai con đi mua được chai rượu. Đến bữa, chủ khách vui vẻ, chai rượu chẳng mấy chốc cứ cạn vèo vèo, ai cũng thấy gần đáy chai rồi mà ông khách vẫn say sưa chưa có biểu hiện gì ngừng. Chủ cứ bối rối liếc chai rượu, liếc khách...

Ông khách cũng biết rượu sắp hết rồi nhưng cố làm ra vẻ vô tư nghĩ cách dừng hợp lý để ông chủ khỏi lăn tăn chứ uống thế đối với ông đã thấm gì. Đấy! Rượu đựng chai có lúc mất vui như thế! Nhưng rượu đựng be thì không! Rượu đựng be khi uống chẳng ai biết rượu còn đến đâu, chủ khách cứ vô tư vui vẻ. Đến lúc hết, dốc ngược được vài giọt, chủ khách cười khà khà thoải mái. Hai nữa là cái be nậm củ hành củ tỏi,có đổ kềnh ra rượu cũng không chảy ra được. Be chỉ lăn lóc hoặc quay tròn thôi. Nếu có uống say, chân tay quờ quạng có làm đổ be rượu thì cũng không sao. Đấy! Ngày xưa các cụ nghĩ có ghê không? Có sâu sắc, thâm thúy không? Mọi người nghe cứ gật gù.

Hồi ấy, tôi có làm được mấy chục bài thơ. Tôi đem khoe với cụ và nhờ cụ góp ý cho. Cụ đọc nghiêm túc rồi nhận xét: Thơ của anh, một số bài được, vài bài hay, còn lại là thơ phong trào, có bài dưới cả thơ phong trào. Cụ chê nhiều, khen ít, nhưng được cụ xem và có ý kiến cho là tôi sung sướng lắm rồi. Tôi có nói chuyện in ấn thế nào, hồi ấy in sách khó lắm. Anh Hòa Vang bảo tôi đưa cho anh ấy ba triệu, anh ấy lo cho, có ý là “in chui”, “đi cửa sau” đấy. Cụ nghiêm mặt lại: “Không được! Đã in là phải gửi nhà xuất bản, được hay không cũng phải đàng hoàng”. Cụ nói như thế đủ thấy cụ rất nghiêm túc, trung thực với văn học nghệ thuật, với cả chúng tôi.

Còn chuyện nữa, tôi có phỏng vấn cụ: “Truyện ‘Làng’ của cụ viết về làng ta, cảnh dân quân du kích đào hào, đắp ụ trên đường đá thì đúng là làng mình rồi. Nhưng liệu có phải người làng mình tham gia dân quân tập tành chống Pháp trên đất làng mình hay người làng khác đến làng mình? Cụ im lặng. Sau đó anh Hòa Vang bảo tôi chứng minh cho cụ nghe. Tôi nói, làng Phù Lưu - chợ Giàu nổi tiếng có lễ nghĩa, cái lễ nghĩa ấy nó thể hiện qua ngôn ngữ, lời nói, cử chỉ khi giao tiếp. Nói với người trên bao giờ cũng phải có tiếng ”ạ” kéo dài sau cùng và hơi cúi người như “Chào ông ạ!”, “Ông bà khỏe không ạ?”. Đấy là đặc trưng, đặc thù của người Phù Lưu - chợ Giàu.

Nhà văn Kim Lân ở làng

Để ý trong truyện “Làng” có đoạn anh huấn luyện du kích mỗi lần hô động tác lại phải đệm tiếng “ạ...” dài thườn thượt đằng sau: “Nghiêm ạ...”, “Nghỉ ạ...”, “Vác súng lên vai ạ”. Vì trong hàng ngũ dân quân có cả các cụ râu tóc bạc phơ. Như vậy đây đích thị là người Phù Lưu - chợ Giàu rồi. Tôi giải thích xong, anh Hòa Vang hỏi cụ thấy thế nào. Cụ nhìn tôi vui vẻ và vỗ vai tôi mấy cái tỏ ý đồng tình. Lúc đó tôi mới nghĩ, khi hỏi, cụ im lặng có lẽ cụ không muốn nói nhiều về tác phẩm của chính mình. Chi tiết này, ít người để ý đến, kể cả các thầy giáo khi giảng bài, thậm chí các nhà nghiên cứu cũng vậy. Mọi người thường bỏ qua hoặc để ý thì chỉ thắc mắc không có lời giải. Tại sao khẩu lệnh quân sự lại dài dòng như vậy? Phải gọn, nghiêm túc, dứt khoát chứ! Ít ai giải thích được. Những lần thầy trò các nơi về thăm quê hương tác giả “Vợ nhặt”, truyện “”Làng”... mời tôi giới thiệu, tôi có phân tích, giải thích chi tiết này, họ mới vỡ lẽ và thấy thú vị.

Đêm hôm đó, coi như trắng đêm. Sáng hôm sau, cụ bảo phải ra đình lễ Thánh và xem hội một tý ... Sang chiều, cụ và hai anh xin phép ra Hà Nội. Nhà tôi đã chuẩn bị quà quê cho “đoàn” và không quên can rượu nếp vàng 5 lít. Cụ cười hóm hỉnh và giơ tay chào: “Đến hẹn lại lên!”.

Cụ Nguyễn Văn Tài, nhà văn Kim Lân về với tổ tiên đến nay đã hơn 12 năm. Mộ của cụ và cụ bà ở giữa nghĩa trang làng Phù Lưu - chợ Giàu quê hương cụ, cạnh phần mộ cụ Nguyễn Đăng Bảy. Trên tí là phần mộ của vợ chồng nhà văn Nguyễn Địch Dũng, là mộ chí sĩ yêu nước tiến sỹ Hoàng Văn Hòe, tác giả tập thơ chữ hán Hạc Nhân tùng ngôn. Bên trong một chút là mộ của họa sỹ Hoàng Tích Chù, giải thưởng Hồ Chí Minh, mộ nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà báo Hoàng Tích Chu...

Năm 2016, địa phương và gia đình xây dựng “nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân” tại Văn chỉ - Hương hiền từ. Ngôi nhà hoàn thành theo kiểu kiến trúc Á Đông xinh xắn hài hòa với không gian văn hóa tâm linh đình, chùa, Văn chỉ - hương Hiền từ, nhà Truyền thống. Nhà lưu niệm trưng bày đầy ắp những tranh ảnh, kỷ vật, những tác phẩm của cụ cùng với hoành phi, câu đối mộc mạc, gần gũi mà và trang nghiêm. Khi hoàn thành, gia đình bàn giao cho địa phương quản lý. Tôi đã được phân công phụ trách cả khu Văn chỉ - hương Hiền từ, nhà Truyền thống và nhà Lưu niệm nhà văn Kim Lân trong khuôn viên hơn 500m2. Khu vực này trở thành địa chỉ du lịch của làng. Tôi là người đón tiếp, giới thiệu mỗi khi có đoàn tới thăm, tôi lại được vinh dự giới thiệu với khách về nhà văn Kim Lân với tấm lòng yêu mến và trân trọng và tôi có cảm giác như đang được gặp lại, trò chuyện với cụ, nhà văn Kim Lân, như những ngày nào.

Tôi viết những dòng này vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 13 năm ngày mất (20/7/2007-20/7/2020) của cụ. Cũng là nén tâm nhang thành kính gửi tới cụ Nguyễn Văn Tài, nhà văn Kim Lân thân thiết, gần gũi của chúng ta.

Hè - Canh Tý 2020

Trọng Thiện

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nha-van-kim-lan-nhap-vai-kim-lan-1679612.tpo