Nhà văn Kim Dung: Ba bà vợ và một mối tình

Toàn bộ tình sử của Kim Dung có thể gói gọn là 'Ba lần hôn nhân và một cuộc tình trong bóng tối'.

Kim Dung và Dã Phân, người vợ đầu tiên

Từ câu Kim Dung từng nói: “Nhân bất phong lưu uổng thiếu niên” (Ai không phong lưu thì uổng phí tuổi trẻ); người ta đi sâu tìm hiểu qua người thân, bạn bè của Kim Dung thì mới biết: thời trẻ nhà văn này là một “cao thủ tình trường”. Toàn bộ tình sử của Kim Dung có thể gói gọn là “Ba lần hôn nhân và một cuộc tình trong bóng tối”.

Tên tuổi Kim Dung thực sự nổi tiếng bởi là người đại diện kiệt xuất của dòng tiểu thuyết võ hiệp hiện đại, được gọi là tác gia “Thái Sơn Bắc Đẩu” của dòng tiểu thuyết này. 15 bộ tiểu thuyết của ông viết từ năm 1955 đến 1972 đã được dịch ra mấy chục thứ tiếng và hầu hết được dựng thành phim nhựa, phim truyền hình, được chiếu trên khắp thế giới; tiêu biểu là các phim “Anh hùng xạ điêu”, “Thần điêu đại hiệp”, “Lộc đỉnh ký”, “Tiếu ngạo giang hồ”… được biết đến rộng rãi ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam với nhiều bản phim được dựng trong nhiều thời kỳ, bởi nhiều đạo diễn nổi tiếng.

Năm 1959, Kim Dung sáng lập ra tờ Minh Báo ở Hongkong, năm 1989 tuyên bố từ chức Xã trưởng (Giám đốc), năm 1993 thôi giữ chức Chủ tịch và bán Tập đoàn Minh Báo cho Vu Phẩm Hải.

Năm 1972, sau khi tuyên bố “phong bút” (nghỉ viết tiểu thuyết), ông chuyển qua hoạt động chính trị. Năm 1973, ông nhận lời mời của chính phủ Đài Loan, sang thăm và gặp gỡ “Tổng thống” Tưởng Kinh Quốc.

Sau khi Trung Quốc Đại Lục kết thúc “Cách mạng Văn hóa” (1976), Kim Dung nhiều lần về Đại Lục thăm và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương.

Năm 1985, khi Hongkong thành lập Ủy ban soạn thảo Luật cơ bản Hongkong, Kim Dung được tiến cử là ủy viên và được giao phụ trách Tổ thể chế chính trị. Năm 1995 ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Đặc khu hành chính Hongkong; năm 2009 được suy tôn làm Phó chủ tịch danh dự Ủy ban toàn quốc Hội Nhà văn Trung Quốc khóa 7.

Trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung có rất nhiều câu chuyện tình được thêu dệt và cả những ân oán tình thù, thế nhưng ông rất “kỵ” khi nói về chuyện tình yêu và hôn nhân của bản thân. Chỉ một lần, khi trả lời phỏng vấn, ông buột miệng than thở: “Hôn nhân của tôi không lý tưởng! Tôi đã ly hôn khá nhiều lần!”. Đó có lẽ là điều không như ý nhất của bậc “võ lâm minh chủ”này.

Chuyện tình yêu và hôn nhân của Kim Dung chính vì luôn được “kiêng kỵ” nói tới nên càng trở nên thần bí. Từ những tiết lộ ít ỏi và rời rạc của Kim Dung khi đã về già, đặc biệt là câu nói của ông “Nhân bất phong lưu uổng thiếu niên” (Ai không phong lưu thì uổng phí tuổi trẻ); người ta đi sâu tìm hiểu qua người thân, bạn bè của Kim Dung thì mới biết: thời trẻ nhà văn này là một “cao thủ tình trường”. Toàn bộ tình sử của Kim Dung có thể gói gọn là “Ba lần hôn nhân và một cuộc tình trong bóng tối”; trong đó tình yêu vô vọng với minh tinh Hạ Mộng đã ám ảnh ông suốt cả cuộc đời.

Cuộc hôn nhân đầu tiên với Đỗ Dã Phân – người đẹp nghiêng thành

Cuộc hôn nhân đầu tiên của Kim Dung là “Mùi hương hoang dã” họ Đỗ - một phụ nữ có sắc đẹp lay động lòng người, thường được gọi là “Đỗ tứ nương”. Việc hai người gặp gỡ, quen biết nhau là cả một câu chuyện lý thú, Năm 1947, Kim Dung làm ở “Đông Nam nhật báo” Hàng Châu, phụ trách phụ trang hài hước. Một lần, chuyên mục “Tiến sĩ Mắt Híp trả lời” đăng câu hỏi của bạn đọc: “Mua vịt như thế nào mới là ngon?”. Tiến sĩ Mắt Híp trả lời “Cổ cứng là vịt khỏe mạnh, lông nhiều và dày chắc chắn là vịt béo!”. Nào ngờ, Đỗ Dã Thu, một bạn đọc ở Hàng Châu xem xong viết thư trêu chọc: “Tiến sĩ Mắt Híp, ông nói vịt nhiều lông mới ngon, vậy sao vịt bán ở Nam Kinh không có sợi lông nào mà ăn rất ngon?”. Tiến sĩ Mắt Híp trả lời: “Các hạ nói rất đúng, chắc là người rất thú vị, mong có dịp hân hạnh diện kiến để đàm đạo cho thỏa”. Đỗ Dã Thu trả lời: “Ngày nào cũng rảnh, mong được tiếp chuyện”.

Một chiều cuối tuần, quả nhiên Kim Dung tìm đến Đỗ gia. Tại đây chàng nhà báo trẻ đã gặp được tiểu thư 17 xuân xanh nhà họ Đỗ - Dã Phân là em gái Dã Thu. Vẻ trẻ trung, xinh đẹp, thông minh, hóm hỉnh của Dã Phân đã “đốn ngã” trái tim Kim Dung. Hôm sau ông mua vé kịch mang tới mời cả nhà nàng đi xem. Sau hôm đó, Kim Dung trở thành khách thường xuyên của Đỗ gia và sa vào lưới tình cùng tiểu thư nhà này. Một năm sau, họ tổ chức lễ thành hôn.

Năm 1948, Kim Dung chuyển sang Hongkong sống và làm việc, Dã Phân đi theo. Cuộc sống ở một đô thị mới lạ lẫm khiến cô rất khó thích ứng, lại thêm Kim Dung bận bịu công việc tối ngày không có thời gian ở bên vợ nên tình cảm giữa hai người dần trở nên xa cách, cuối cùng họ làm thủ tục ly hôn, Dã Phân một mình quay về Đại Lục. Có tin đồn hai người chia tay nhau do Dã Phân ngoại tình. Về điều này, Kim Dung luôn im lặng; mãi đến năm 74 tuổi, ông mới nói thật với một phóng viên: “Bây giờ thì chẳng ngại phải nói thật: người vợ đầu tiên đã “Betrayed” (phản bội) tôi”.

Chu Mai, người vợ tính cách cương cường

Nhân vật Triệu Mẫn trong “Ỷ thiên đồ long ký” xinh đẹp tuyệt luân, thông minh lanh lợi, trí dũng song toàn. Kim Dung đã gửi gắm hình ảnh của người vợ thứ hai Chu Mai và tình cảm của ông với nàng vào nhân vật này.

Năm 1956, Kim Dung kết hôn với nữ ký giả Chu Mai kém ông 11 tuổi. Chu Mai trẻ trung xinh đẹp, thông minh giỏi giang, biết ngoại ngữ, là một nữ ký giả có tố chất văn hóa rất cao. Thời kỳ đầu mới lập ra tờ Minh Báo, Chu Mai giúp ông rất nhiều, họ thực sự là cặp vợ chồng “cùng chung hoạn nạn”. Kim Dung dành mọi tâm huyết vào cho công việc. Chu Mai ngoài việc chăm con, hầu như ngày nào cũng nấu nướng mang cơm tới đảo Hongkong cho chồng. Về sau Chu Mai còn làm biên tập chính của tòa soạn. Để giúp cho Minh Báo phát triển, bà đã bán cả đồ trang sức của bản thân. Nhưng sau này khi sự nghiệp của Kim Dung thành công thì cuộc hôn nhân giữa họ lại xảy ra vết nứt. Chu Mai giỏi giang nhưng cố chấp, hai người thường tranh cãi vì công việc của tòa báo; Kim Dung cảm thấy mình bị xúc phạm, chán chường quay ra tìm niềm vui bên người phụ nữ khác… Sau một thời gian không thể hàn gắn được, họ đã quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân “cùng chung hoạn nạn” đó.

Nhiều tài liệu nói cuộc hôn nhân của họ tan vỡ bởi sự xuất hiện của “người thứ ba” Lâm Di Lạc – sau này trở thành vợ thứ ba của Kim Dung. Năm 1976, Kim Dung phải lòng rồi ngoại tình với Lâm Di Lạc, một nữ nhân viên quán ăn, mua nhà riêng sống cùng nàng rồi chủ động đề nghị ly hôn với Chu Mai. Người con trai cả 19 tuổi Tra Truyền Hiệp khuyên can bố đừng ly hôn mẹ không được đã nhảy lầu tự vẫn, nhưng Kim Dung vẫn quyết chia tay Chu Mai để cưới Lâm Di Lạc kém ông 29 tuổi làm vợ.

Ngày 8/11/1998, Chu Mai qua đời vì bệnh lao phổi tại Hongkong ở tuổi 63. Làm thủ tục báo tử cho bà không phải Kim Dung – người chồng cũ, cũng chẳng phải một trong số 3 người con (1 trai, 2 gái) của hai người, mà là người của bệnh viện. Cảnh ngộ thê lương lúc cuối đời của bà khiến người ta thương cảm. So với Triệu Mẫn trong tiểu thuyết, số phận của Chu Mai thật đáng thương.

Có tài liệu viết, khi thấy Chu Mai cuối đời sống cô đơn khổ cực, Kim Dung muốn giúp đỡ, bảo con trai tới chăm sóc, nhưng bà kiên quyết khước từ. Sau khi Chu Mai qua đời, trả lời phỏng vấn của nhà báo, Kim Dung thổ lộ ông cảm thấy rất áy náy: “Tôi rất có lỗi với Chu Mai. Tôi là người chồng không thành công vì đã bỏ vợ; có một người trong lòng tôi luôn thấy rất có lỗi. Nay bà ấy đã qua đời, tôi rất buồn”.

Lâm Di Lạc – người vợ trẻ từ khoản tiền “bo” 10 dollar Hongkong

Bà vợ thứ ba Lâm Di Lạc là mối nhân duyên vong niên của Kim Dung. Người phụ nữ xuất thân tiếp viên nhà hàng kém ông 29 tuổi này cuốn hút và “trói buộc” trái tim Kim Dung bằng vẻ trẻ trung, xinh đẹp và sự thông tuệ. Hai người quen nhau từ “khoản tiền bo 10 HKD”. Chuyện kể rằng, một hôm Kim Dung đến nhà hàng dùng bữa, Lâm Di Lạc khi đó là tiếp viên của nhà hàng mới 16 tuổi nhưng ham đọc sách, nhận ra vị thực khách luống tuổi chính là Kim Dung, người cô rất hâm mộ, liền ngồi trò chuyện cùng ông mấy câu. Khi thanh toán, Kim Dung đã “bo” cho cô gái trẻ này 10 HKD, nào ngờ bị cô từ chối. Lâm Di Lạc nói, Kim Dung là văn nhân, dùng ngòi bút kiếm tiền rất vất vả, 10 HKD là một khoản tiền không nhỏ nên cô không dám nhận. Kim Dung không ngờ cô gái đẹp này còn trẻ mà đã biết nói ra những lời đó nên rất cảm động; hai người liền kết bạn với nhau rồi dần dà chuyển thành tình yêu dù tuổi tác rất chênh lệch.

Sau khi chuyện hai người mua nhà sống chung bị bại lộ, Kim Dung chia tay Chu Mai rồi kết hôn với Lâm Di Lạc. Lâm Di Lạc tính cách cởi mở, chăm sóc Kim Dung rất chu đáo. Khi được hỏi về cuộc hôn nhân này, ông thẳng thắn: “Bà ấy luôn nhường nhịn tôi. Khi bà ấy nổi nóng thì tôi cố nhịn không đáp lại. Mối quan hệ với bà ấy không rất thành công, nhưng cũng không quá thất bại, cũng giống như mọi cặp vợ chồng khác”.

Lâm Di Lạc trẻ đẹp và thông minh, rất nhiều người ngầm gọi bà là “Tiểu Long nữ”. Bà rất khéo chăm lo ông từ bữa ăn đến giấc ngủ, không cho phép ông đi ra ngoài ăn, ông cũng vui vẻ chấp nhận sự “kiềm tỏa” này của bà. Đặc biệt, bà còn chăm lo nuôi dạy chu đáo cả 3 người con riêng của chồng, coi họ như con đẻ; bà Chu Mai dù trong lòng rất hận Lâm Di Lạc nhưng cũng không thể chê trách bà được gì về điều này.

Hạ Mộng – “Người tình trong mộng” có duyên không phận

Kim Dung quen biết Hạ Mộng từ trước khi bước vào cuộc hôn nhân thứ hai cùng Chu Mai. Khi đó ông mới ngoài ba mươi, vẻ đẹp đầy cuốn hút của minh tinh màn bạc Hạ Mộng nhỏ hơn 9 tuổi, người được gọi là “Audrey Hepburn phương Đông” khiến trái tim ông xáo động dữ dội. Để được thường xuyên nhìn thấy nàng, ông đã xin vào làm biên kịch ở Công ty điện ảnh Trường Thành nơi Hạ Mộng đầu quân. Sau khi gia nhập Trường Thành, ông lấy bút danh là “Lâm Hoan”. Để chiếm được tình cảm của Hạ Mộng, ông rất chăm chỉ làm việc. Chỉ trong vòng 3 năm, ông đã lần lượt viết mấy kịch bản phim “Tuyệt đại giai nhân”, “Lan Hoa Hoa”… được coi là nhà biên kịch có sức viết phi thường.

Kim Dung khổ sở dụng tâm vì Hạ Mộng, nhưng tiếc thay, nàng khi đó lại là “hoa đã có chủ” chẳng hề đáp lại, ông chỉ đành thầm yêu trộm nhớ đơn phương. Ít lâu sau, thấy không chiếm được trái tim người đẹp, ông rời khỏi Trường Thành và hoàn thành tác phẩm võ hiệp “Thần Điêu hiệp lữ” (hay Thần Điêu đại hiệp) trong tâm trạng đau khổ. Những bạn đọc tinh ý có thể nhận thấy từng điệu cười, từng cái nhíu mày của Tiểu Long Nữ trong “Thần Điêu hiệp lữ” đều được ông “sao chép” từ Hạ Mộng.

Ba cuộc hôn nhân của Kim Dung đều khiến người ta cảm thấy ông sống trong tiểu thuyết; nhưng tin rằng cuộc tình thất vọng nhất của ông chính là mối tình thầm kín với Hạ Mộng. Sau khi Hạ Mộng qua đời, tình cảm đẹp đẽ mà ông giành cho bà vẫn sống mãi…

Hạ Mộng đóng phim từ khi 17 tuổi, cả đời bà đóng cả thảy hơn 40 phim. Hạ Mộng là nghệ danh mà bà tự đặt cho mình theo tên vở kịch “A Midsummer Night’s Dream” (Giấc mộng đêm Hè) của đại văn hào người Anh William Shakespeare. Là minh tinh hàng đầu của Công ty điện ảnh Trường Thành, các tác phẩm do Hạ Mộng thủ vai chính đã nổi tiếng ở cả hai bên bờ eo biển Đài Loan lẫn Hongkong, Macao. Đầu những năm 1960, ở Thượng Hải từng lan truyền câu “Tam thiên tam dạ cầu nhất dạ” với ý, người ta sẵn sàng xếp hàng 3 ngày 3 đêm để mua bằng được chiếc vé xem bộ phim “Tân hôn đệ nhất dạ” (Đêm đầu tiên sau hôn nhân) do Hạ Mộng sắm vai chính. Hạ Mộng cùng với Thạch Huệ, Trần Tư Tư được coi là “Trường Thành tam công chúa”. Rất nhiều phim do Hạ Mộng thủ vai đều trở thành phim ăn khách nhất một thời như “Cấm hôn nhân”, “Ngọt ngào”, “Mộng ban ngày”…

Khác với nhiều minh tinh, cuộc đời Hạ Mộng rất ít scandale, chuyện “dật sự” duy nhất của bà được lan truyền rộng rãi là tin đồn về việc Kim Dung yêu đơn phương bà. Để theo đuổi, cố chiếm được trái tim người đẹp, Kim Dung đã viết kịch bản phim “Tuyệt đại giai nhân” cho Hạ Mộng theo kiểu “đo ni đóng giày”. Ông còn ví Hạ Mộng với Tây Thi khi nói: “Tây Thi đẹp thế nào chẳng ai nhìn thấy, tôi nghĩ nàng phải đẹp như Hạ Mộng thì mới danh bất hư truyền”. Thậm chí, ông còn lấy Hạ Mộng làm nguyên mẫu để tạo ra các mỹ nhân thần tiên như Tiểu Long Nữ, Vương Ngữ Yên. Theo người trong giới giải trí đương thời, các nhân vật nổi tiếng trong làng điện ảnh thời đó như Hàn Phi, Sầm Phạm… đều từng theo đuổi Hạ Mộng, nhưng nàng đã kết hôn với thương gia Lâm Bảo Thành khi mới 21 tuổi và thủy chung đến cùng, hai người hạnh phúc bên nhau suốt hơn nửa thế kỷ.

Hạ Mộng không thể nào không biết sự ngưỡng mộ, si mê mà Kim Dung giành cho mình, nhưng thái độ của bà là: không chấp nhận, không cự tuyệt, giữ sự ấm áp, không bày tỏ thái độ rõ ràng. Bà cũng biết mình và Kim Dung có rất nhiều điểm không hợp. Ví dụ Kim Dung thiếu khí chất anh hùng mã thượng, (điều mà bà đã tìm thấy ở Lâm Bảo Thành), lại có tư tưởng nam quyền, không chấp nhận vợ mạnh hơn mình (điển hình là trong quan hệ với Chu Mai); trong khi Lâm Bảo Thành thì cả đời lặng lẽ tin tưởng, đứng sau hỗ trợ vợ. Mặt khác, tài hoa của Kim Dung rất hữu ích với bà, giúp bà bay bổng trong sự nghiệp; vì vậy bà không hề muốn làm ông tổn thương.

Lúc đã về già, khi được hỏi có biết mình là người trong mộng mà Kim Dung thầm yêu trộm nhớ cả đời không? Hạ Mộng trả lời: “Tôi rất ít liên hệ với Kim Dung, đừng nói đến chuyện ghê gớm như vậy chứ”. Hỏi: bà có biết mình là nguyên mẫu của Tiểu Long Nữ, Vương Ngữ Yên không? Hạ Mộng đáp, tôi chưa từng hỏi ông ấy về điều này!

Thật kỳ lạ, Hạ Mộng qua đời ngày 30/10/2016 còn Kim Dung từ trần cùng ngày cùng tháng sau 2 năm – một sự trùng hợp kỳ thú!.

Nhà văn, nhà báo, chính trị gia Kim Dung

Kim Dung và Hạ Mộng

Kim Dung và Lâm Di Lạc, người vợ thứ ba

Hạ Mộng thời trẻ

Kim Dung và con gái do bà Chu Mai sinh hạ

Thu Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nha-van-kim-dung-ba-ba-vo-va-mot-moi-tinh-1341732.tpo