Nhà văn Hữu Ngọc: Học tiếng Tây để đánh Tây

Từ lúc người An Nam buộc phải học tiếng Tây đến khi trí thức được Tây đào tạo lại đánh Tây, cuộc hành trình đa dạng và đầy bi hài.

Gia đình giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng trong kháng chiến (1948). Ảnh: Tư liệu

Nhớ lại những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc, do căm thù thực dân, dân quân tự vệ nhất là ở nơi làng mạc xa xôi, phá hủy bất cứ cái gì liên quan đến Tây, tức là Pháp. Các Tự vị Larousse đều bị đốt. Vô phúc ai đi đường mang vác gì có màu xanh - trắng - đỏ, cờ Pháp! Có khi bị giam khi qua trạm kiểm soát.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã uốn nắn nhận định sai lầm đó, tuy rằng toàn dân, toàn quân ta kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng vẫn coi nhân dân Pháp là bè bạn, vẫn tôn trọng văn hóa Pháp. Do đó, kháng chiến là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, không biến thành chiến tranh hận thù chủng tộc như Algeria.

Từ lúc người An Nam buộc phải học tiếng Tây đến khi trí thức được Tây đào tạo lại đánh Tây, cuộc hành trình đa dạng và đầy bi hài.

Sau khi chiếm được toàn bộ nước ta, để củng cố chính quyền, thực dân Pháp tạo ra hệ thống giáo dục Franc - indigène (Pháp - bản xứ) để đào tạo nhân viên cao cấp của bộ máy cai trị và xóa bớt ảnh hưởng lâu dài của Trung Quốc. Năm 1904, Toàn quyền Paul Beau ký Nghị định thành lập Sở Học chính. Triều đình Huế, theo lệnh Pháp, đã có Dụ, quyết định bỏ thi cử chữ Nho truyền thống vào năm 1919.

Trong hệ thống học đường, chữ Quốc ngữ ở mấy lớp dưới, lên trên là tiếng Tây (Pháp) thay cho chữ Nho. Vì vậy có lời than:

Thôi có ra gì cái chữ Nho

Ông nghè ông cử cũng nằm co.

Thời buổi nhố nhăng, dù chỉ có nhà Nho biết vài chữ Tây, còn làm cả thơ Đường pha lẫn Tây - Tàu - ta.

Ông tôi đỗ tú tài có lẽ vào khoa cuối, hoàn toàn Nho. Bố tôi cũng học chữ Nho trước khi học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp để làm kế toán cho Sở Máy điện Hà Nội. Tôi cũng học chữ Nho thầy đồ ở phố Hàng Quạt - Hà Nội, rồi mới đi học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Vào những năm 1920, ảnh hưởng Nho học còn dai dẳng nên mới có sách Pháp tự diễn âm ca để học tiếng Pháp bằng thơ lục bát, theo kiểu Tam tự kinh học chữ Nho.

Chữ Nho như:

Thiên (天) trời địa (地) đất vân (雲) mây

Vũ (雨) mưa phong (风) gió trú (昼) ngày dạ (夜) đêm.

Tiếng Pháp thì:

Pe-rơ (perè) tiếng gọi là cha, me-re (merè) là mẹ, ông bà e-ơ (aïeux).

Trong Thế chiến I, năm 1916, in đến 25.000 cuốn sách này cho lính thợ An Nam (ONS) đưa sang Pháp phục vụ các nhà máy quân khí.

Lăng nhăng học dăm ba chữ Tây đi làm bồi bếp, thông ngôn nửa mùa thì khối chuyện cười ra nước mắt.

Có một anh bồi đi theo hầu một bà đầm vợ quan lớn. Buổi trưa hè, xe ô tô đỗ nghỉ ở bóng cây bên đường. Nóng như thiêu như đốt, anh ta lấy quạt quạt cho bà đầm và nói: “Madame, Vous êtes en chaleur”. Liền bị một cái tát trời giáng. Vì chaleur là sức nóng, anh ta định nói: “Quý bà nóng quá”. Ai ngờ en chaleur có nghĩa là động đực, thèm của ấy. Bà đầm tưởng anh bồi nói kháy.

Hà Nội những năm 1930 đã “sính Tây” lắm. Các cửa hàng đều có biển tiếng Tây, bạn bè gọi nhau là tu (anh) với moi (tôi), nói tiếng Việt phải điểm vài chữ Tây thì mới thời thượng. Nam Xương viết hài kịch Ông Tây An Nam để giễu một anh đi học Tây về nói chuyện với bố bằng tiếng Pháp, phải có thông ngôn dịch. Chuyện này trên thực tế có thực. Trường Bưởi có ông giáo Sáu dạy toán bị học trò đặt biệt hiệu là “sáu lọ” (lọ là lố lăng), chỉ thích xì xồ tiếng Pháp. Khi đi làm đốc học, không nói tiếng Việt, đi đâu cũng có thông ngôn đi kèm. Phản ứng lại sự mất gốc ấy, học trò lập ra những nhóm chỉ nói tiếng Việt thuần túy, rất ghét cậu nào xì xồ theo giọng Pháp...

Có một tầng lớp trí thức Tây học, có khi du học ở Pháp về, có ý thức dân tộc cao... Họ rất ghét, thậm chí căm thù thực dân Pháp nhưng biết phân biệt thực dân Pháp và văn hóa Pháp.

Trường hợp ông Phạm Duy Khiêm khá đặc biệt. Ông thuộc loại đại trí thức tốt nghiệp Đại học Paris, cùng khóa với Tổng thống Pháp Georges Pompidou, Tổng thống Senegal Léopold Sédar Senghor. Có chịu ảnh hưởng của nhà xã hội học Pháp Lévy-Bruhl, ông cho tiếng Việt còn ở trình độ sơ khai (sauvage), tiền logic. Ông viết Tập truyện huyền thoại của các miền thanh bình (một số truyện cổ Việt Nam, Trung Quốc) là một tác phẩm tiếng Pháp hay và cộng tác viết về văn phạm tiếng Việt.

Coi thường tiếng dân tộc thì không nên. Nhưng nếu sử dụng tiếng nước ngoài mà thuận lợi để nói lên tư duy tình cảm của mình và dân tộc mình là điều bình thường. Các cụ ta làm thơ văn chữ Hán khi chống Trung Quốc, thế hệ hiện đại dùng chữ Pháp chống Pháp cũng vậy. Có cả một nền văn học Việt Nam bằng tiếng Pháp vẫn đang tiếp tục ở Pháp.

Nguyễn Ái Quốc viết tiếng Tây, cuốn sách lên án thực dân Pháp, Hồ Chí Minh viết thơ chữ Hán những ngày trong tù. Kỹ sư cầu đường Đăng Phúc Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông, năm 1947, kẹt ở Hà Nội khi Pháp chiếm đóng. Pháp cho hai nhân vật cao cấp đến thăm dò ý kiến, ông tiếp họ rồi viết báo cáo bằng tiếng Pháp gửi lên chiến khu Việt Bắc.

Trong kháng chiến chống Pháp, GS. Hồ Đắc Di, người Hoàng tộc, khi khánh thành Đại học Y ở Chiêm Hóa, đọc một bài diễn văn hùng hồn bằng tiếng Pháp, kêu gọi sinh viên hết lòng vì nước. Trong núi rừng chiến khu, bác sĩ Tôn Thất Tùng nhớ thủ đô Hà Nội làm một bài thơ tiếng Pháp đầy tình cảm, ca ngợi anh bộ đội đi chân đất:

Khu rừng đầy ánh nắng, sau đêm giá lạnh

Nói với anh về giang sơn Việt Nam muốn sống

Anh cất tiếng ca và lòng rạo rực

Bay theo hai tiếng thần kì: Tổ quốc và Tự do (1948)

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-huu-ngoc-hoc-tieng-tay-de-danh-tay-102489.html