Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Từ thi đến ca

Do mất sức sáng tạo nhất định của thơ khuôn khổ, dẫn đến nhiều bài thơ không hay, trở thành khô khan và xa rời quần chúng vốn rất yêu thơ vào thế kỷ trước. Dần dần, ca hát vốn chỉ được coi là nghệ thuật loại 2 đã chiếm vị trí số 1 thay cho thơ.

Tranh vẽ nhà văn hóa Hữu Ngọc. (nguồn: Nhân vật cung cấp)

Giáo sư Pháp P.Darriulat là chuyên gia đầu ngành môn vật lý tinh thể, nhưng ông lại có “máu văn chương”, thích "chơi" thơ và soạn riêng cho mình một tuyển tập thơ Pháp dày cộp. Ngày xuân, khoảng hai chục trí thức Việt Nam tuổi 70, 80, bác sĩ, kỹ sư, nhà kinh tế đều kháng chiến chống Pháp nhưng vẫn trân trọng văn hóa Pháp, đã tụ tập ở "khách thính chị Nhã" phố Hàng Chuối để nghe Darriulat thuyết trình về thơ Pháp hiện đại, một vấn đề bổ ích trong thời kỳ ta "hội nhập". Sau đây tôi tóm tắt những ý chính trong buổi thuyết trình:

Thơ Pháp thế kỷ XIX đã đạt được đến những đỉnh quá cao (V. Hugo, Baudelaire, Verlaine) nên các hậu duệ cảm thấy là muốn tiếp tục làm thơ thì phải tìm những con đường hoàn toàn mới. Rimbaud là người báo hiệu và kết tinh ý tưởng hiện đại thơ ấy.

Bước vào thế kỷ XX, thơ suy thoái vì loay hoay bắt chước cái cũ, nhưng thơ lại rất quần chúng hóa. Người ta thuộc thơ, làm thơ ngẫu hứng ở các cuộc hội họp, tiệc tùng, cưới xin (như ở Việt Nam). Rồi thơ thế kỷ XX ra sức tìm kiếm cái mới. Bỏ hết niêm luật, phá câu cú, nhưng do đó mất sức sáng tạo nhất định của thơ khuôn khổ, dẫn đến nhiều bài thơ không hay, khuynh hướng rời xa tình cảm, tìm cái khách quan và cái phổ biến, do đó, trở thành khô khan và xa rời quần chúng vốn rất yêu thơ vào thế kỷ trước. Dần dần, ca hát vốn chỉ được coi là nghệ thuật loại 2 đã chiếm vị trí số 1 thay cho thơ.

Nhưng những canh tân và tìm tòi cực đoan trong thơ không phải là vô ích, vì một số nhà thơ tỉnh táo, đứng ngoài các trường phái chủ yếu, vẫn nhờ đó mà sáng tạo được cái mới.

Một thành công lớn là chủ nghĩa siêu thực (1) có ảnh hưởng bất khả kháng với mọi loại hình văn nghệ phương Tây, bắt đầu từ nửa đầu thế kỷ XX, phát triển tột đỉnh vào thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Nó tập hợp các văn nghệ sĩ thuộc đủ khuynh hướng, nhiều khi trong thời gian ngắn, các văn nghệ sĩ theo chủ nghĩa này đã thay đổi nhiều lý tưởng chính trị khác nhau, kể cả chủ nghĩa cộng sản. Di sản của chủ nghĩa siêu thực để lại ở phương Tây tinh thần nổi loạn, hay đúng hơn là vô chính phủ, tính hài hước và tính chất thơ. Những yếu tố đó nhằm giải phóng trí óc khỏi quyết định luận (Determinisme) khô khan của cuộc sống hàng ngày, khẳng định tính độc lập suy cảm của cá nhân, quan tâm đến mơ mộng, ma thuật, sự điên dại.

Trong thế giới hiện đại, cuộc khủng hoảng của thơ cũng có dáng dấp tương tự như ở âm nhạc, hội họa, điêu khắc... Những cuộc tìm kiếm sôi nổi, nhiều khi kỳ cục của các nghệ sĩ tạo ra những hình thức nghệ thuật dành riêng cho một số người am hiểu, xa rời công chúng rộng rãi. Nhưng đồng thời, những tìm tòi ấy cũng có tác dụng: chúng tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của công chúng và của các nghệ sĩ, góp phần tạo ra một nghệ thuật ngày mai khác hẳn nghệ thuật ngày hôm qua.

***

Sau khi vẽ một bức tranh tổng quát về thơ Pháp thế kỷ XX, GS. Darriulat giới thiệu một số nhà thơ điển hình, mỗi vị kèm theo một hai bài thơ của bản thân họ.

Nhóm những nhà thơ nổi tiếng nhất: Appolinaire (báo hiệu siêu thực, có ý thức canh tân thơ, thơ vẽ hình), Aragon (nhà thơ cộng sản, hiện đại thơ mà vẫn giữ hình thức truyền thống), Cocteau (tài hoa và hiện đại trong thơ, văn, kịch, điện ảnh), Péguy (nhà thơ Công giáo, thơ có dáng dấp thánh ca), Prévert (thơ và ca dân gian, hài hước cay độc mà âu yếm, mơ mộng, phê phán xã hội tư bản), Queneau (thể nghiệm ngôn ngữ qua sáng tác, đòi hỏi thơ phải theo thi pháp chặt chẽ), Superville (thơ có tầm cỡ do thuần khiết và giản dị), Valéry (thơ trí tuệ mà không khô khan).

Nhóm thơ - ca sĩ (ảnh hưởng lớn nhất là C. Trenet): Barbara (bắt đầu nổi tiếng ở Bỉ và các quán rượu Paris), Brassens (vô chính phủ, chống các ước lệ, ca ngợi tình yêu và tình bạn), Brel (gốc Bỉ, giọng thơ bi đát), Ferré (chất thơ, tư tưởng tả khuynh), Lévesque (người Quebec - Canada, thơ ca, tiểu thuyết, kịch), Perret (hài hước, đượm màu sắc âu yếm, chơi chữ, tiếng lóng), B. Vian (nghệ sĩ hào hoa, chơi Jazz, nhạc sĩ, văn sĩ), Vigeneault (cùng Felix Leclerc sáng lập loại ca hiện đại Quebec-Canada).

Nhóm các nhà thơ ít nổi tiếng hơn, nhưng cũng đại diện cho thế kỷ XX: Beálu (bán sách và làm thơ hay), M. Fombevre (giáo sư, văn thơ tươi mát theo truyền thống Pháp), Paul Fort (tác giả 17 tập thơ giọng dân gian), Max Jacob (gốc Do Thái, chết vì bị hành hạ), Mari Noel (nhà thơ nữ bình dân), Jean Tardieu (con V.Tardieu, người sáng lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, dạng thơ phóng túng), Yourcenar (nhà văn nữ đầu tiên vào Hàn lâm viện Pháp, thơ gợi cái đẹp cổ Hy Lạp).

(1) Chủ nghĩa siêu thực (surreálism): bắt nguồn từ chủ nghĩa tượng trưng và phân tâm học. Nó đặt phi lý tính lên trên lý tính, nhằm giải phóng con người khỏi mọi xiềng xích xã hội. Nó thể hiện nội tâm và tư duy tự nhiên, không bị gò bó bởi lý trí, lôgic, luân lý, mỹ học, kinh tế, tôn giáo. Sáng tác ghi tất cả những trạng thái tâm lý luôn luôn biến chuyển trong ý thức và tiềm thức, không phân biệt thực và mộng, tỉnh và điên, đúng và sai. Tiếp tục trào lưu "đa đa", trào lưu siêu thực xuất hiện ở Pháp giữa những năm 1916-1924, người khai sinh là nhà thơ A. Breton.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-tu-thi-den-ca-106423.html