Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 6)

Văn học Italy chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của châu Âu. Thời kỳ này có một số tên tuổi nổi tiếng như: Dante Alighieri, Deledda Grazia

Dante Alighieri là nhà thơ Italy, nhà đại văn hào thế giới, người sáng lập văn học Italy.

Dante Alighieri là nhà thơ Italy, nhà đại văn hào thế giới, người sáng lập văn học Italy.

Dante Alighieri (1265-1321) là nhà thơ Italy, nhà đại văn hào thế giới, người sáng lập văn học Italy. Ông có nhiều tác phẩm như Đời mới (khoảng 1292), tập thơ xonetô; Thần khúc (1307-1320), hùng ca; Bữa tiệc (1307); Bàn về hùng biện bằng tiếng dân gian (1305); Bàn về chính thể quân chủ (sau 1310). Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu tới bạn đọc tác phẩm Thần khúc.

Thần khúc là thiên hùng ca kiệt tác của Dante. Sáng tác của Dante phản ánh đầy đủ nhất và nghệ thuật nhất thế giới thời Trung cổ châu Âu, nhưng đồng thời báo hiệu chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng. Tình yêu, một nguồn cảm hứng lớn của Dante, có tính chất lý tưởng, thần bí, vượt ra ngoài xác thịt, nâng tâm hồn lên toàn thiện hoàn mĩ.

Năm lên chín tuổi, Dante nhìn thấy Beatrice; năm 18 tuổi, Dante gặp lại nàng. Dante lấy vợ năm 20 tuổi, nhưng vẫn tha thiết yêu Beatrice suốt đời (nàng chết khi Dante 25 tuổi). Dante ca ngợi nàng trong tập Đời mới, một tác phẩm chuẩn bị cho Thần khúc. Dante chủ trương tạo ra một ngôn ngữ văn học chung cho cả nước Italy bằng cách nhào trộn tất cả các thổ ngữ, thay tiếng Latinh bác học bằng ngôn ngữ dân gian.

Thần khúc (gồm ba phần, 100 đoạn ca) bắt nguồn từ tình yêu Beatrice (lên Thiên đàng sau khi chết), một mối tình trung gian giữa Người và Thượng đế, tượng trưng cho đức tin. Tác phẩm miêu tả con đường của nhân loại đi tìm hạnh phúc và sự cứu vớt linh hồn ở thế giới bên kia. Vào năm 1300, nhà thơ tưởng tượng rằng mình ở trong Rừng lầm lẫn.

Ông được linh hồn của nhà thơ cổ La Mã Vergilius (biểu tượng Lý trí và Tri thức loài người) dẫn đi một cuộc hành trình lên Thiên đàng.

Ông đi qua chín vòng của Âm phủ (Inferno) để được gột khỏi sự quyến rũ của tội lỗi (chứng kiến cái Ác kinh khủng, những kẻ thù của Dante bị hành tội). Sáng ngày lễ Phục Sinh, ông trèo lên Núi Ăn năn (Purgatorio) để trí tuệ được thanh khiết, không còn khả năng lầm lỗi nữa. Dante đã có dịp trò chuyện hoặc thấy lại bạn bè và kẻ thù cũ ở dưới Âm phủ.

Tới đỉnh núi (là Thiên đàng trần thế), Dante gặp lại Beatrice, nàng sẽ dẫn ông lên Thiên đàng (Paradiso) thượng giới và đi tới Chúa. Beatrice. là biểu tượng Ân chúa.

Thần khúc, với nhiều thể văn phong (trữ tình, biểu tượng, kịch tích, thần bí) phản ánh tình trạng xã hội Italy đương thời vô cùng hỗn loạn, tổng hợp chủ nghĩa nhân văn Thiên Chúa giáo và cổ điển, xen lẫn nhân vật thần thoại và nhân vật lịch sử. Thi phẩm này có ảnh hưởng lớn đến văn nghệ châu Âu.

***

Deledda Grazia (1871-1936) là nhà viết tiểu thuyết nữ. Hai giai đoạn sáng tác: chuyển từ chủ nghĩa duy thực sang thơ mộng pha hiện thực. Tác phẩm chính: Elias Portolu (1903), Lau sậy trong gió (1913), Bí mật của con người cô đơn và Annalena Bilsini (1927).

Elias Portolu là tiểu thuyết giúp nữ nhà văn giành Giải thưởng Nobel năm 1928. Câu chuyện điển hình cho đảo Sardegna với những người nông dân có tâm lý thô sơ, bản năng mãnh liệt, tôn giáo thần bí và ngột ngạt. Chuyện kể về gã chăn chiên Elias bị mấy năm tù oan.

Về nhà, năm 23 tuổi, Elias trở thành một thanh niên luôn day dứt, do dự, dễ xúc cảm, muốn đi tu, nhưng lại yêu Maddalena, vợ chưa cưới của người anh. Elias không mạnh dạn bộc lộ tình yêu để ngăn cuộc hôn nhân. Maddalena vốn cũng yêu Elias, nên khi cưới rồi, không ưa gì chồng là một người luôn rượu chè và hay gây gổ.

Bị giằng xé giữa tình yêu và tội lỗi, Elias đi lại với Maddalena và sinh được một đứa con. Elias đi tu vì cho là làm linh mục thì đỡ bị cám dỗ. Người anh chết, Maddalena chưa học xong trường dòng. Vẫn có thể lấy Maddalena được, nhưng Elias không làm thế, tuy rất yêu đứa con.

Khi Maddalena lấy một người khác biết chăm nom đứa trẻ thì Elias lại ghen tức vì muốn độc quyền trong tình cảm bố con. Đứa trẻ ốm chết. Lúc đó, linh mục Elias mới cảm thấy sự bình thản trong đau khổ.

Tác phẩm chịu ảnh hưởng chủ nghĩa duy thực và tiêu biểu cho sáng tác của Deledda: những cảnh hồn nhiên, hành động nhanh gọn, tâm hồn tương ứng từng lúc với thiên nhiên, con người bị sức ép của định mệnh.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-mot-thoang-van-hoc-italy-ky-6-141082.html