Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 4)

Văn học Italy chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của châu Âu. Thời kỳ này có một số tên tuổi nổi tiếng thế giới như: Bacchelli Riccardo, Basile Giambattista, Collodi Carlo

Bacchelli Riccardo (1891 - 1985) là nhà viết tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm chính: Nhà xay trên sông Pô (1935-1940).

Nhà xay trên sông Pô là bộ tiểu thuyết lịch sử ba tập (khoảng 1.500 trang), phác họa số phận của nhân dân Italy qua bốn thế hệ của một gia đình thợ xay bột (từ 1812-1918, nghĩa là từ cuộc chiến tranh Napoléon I, đến hết Chiến tranh Thế giới thứ nhất). Gia đình này cắm rễ sâu vào sinh hoạt tỉnh lẻ, cuộc sống bị xáo trộn bởi những sự kiện xảy ra, khiến cho một số người mất hết ý thức về những giá trị truyền thống. Họ sẽ bị trừng phạt bởi lịch sử (chết trong chiến tranh) hay tự nhiên (nạn lụt). Những người còn lại cùng nhau xây dựng lại gia đình. Cuộc đời trôi theo nhịp điệu của dòng sông Pô, vừa mang sự phồn thịnh, vừa mang tai họa đến cho họ.

Tập I kể chuyện bác thợ xay Lazare ở trong quân đội của Hoàng đế Napoléon I đi đánh nước Nga bị thua rút về. Tình cờ, bác cứu được một sĩ quan quý tộc và do đó, có được ít của, xây dựng một nhà xay trên sông Pô. Bác lấy con gái một tiểu chủ vỡ nợ. Sinh một đứa con trai là Giuseppe. Mặc dù vất vả, gia đình làm ăn được. Hai bác Lazare cứu được một cô gái là Cécile và nuôi cô.

Tập II đưa thêm nhiều nhân vật và sự việc (cách mạng nông thôn, chiếm đất, dịch tả, nạn đói…). Giuseppe ép Cécile lấy mình, sinh được bảy con, bốn trai, ba gái. Giuseppe là một tay xoay sở giỏi, trở thành địa chủ phản động. Con trai lớn của Giuseppe theo cách mạng và bị giết. Giuseppe phát điên và chết. Tập III tập trung vào Cécile và các con. Thuế đánh quá nặng, Cécile phải chèo chống lao đao, đi vay, trốn thuế, đốt nhà trai để phi tang, rồi sau xây lại. Con cái mỗi người một số phận, trong bối cảnh nông dân nổi loạn rồi bị dẹp.

Bacchelli là một nhà văn cổ điển, trung thành với truyền thống, bút pháp hiện thực.

Basile Giambattista (1566 - 1632) là nhà văn, nhà thơ. Tác phẩm chính: Truyện của những truyện (in năm 1634 và 1636).

Truyện của những truyện là tập truyện Italy viết bằng thổ ngữ Napoli dựa vào những chuyện phương Đông kiểu Nghìn lẻ một đêm. Truyện còn có tên là Pentameron, vì trong năm ngày, mỗi ngày kể 10 chuyện.

Câu chuyện chính kể về công chúa Zoza lúc nào cũng buồn rười rượi, không sao nhếch mép cười nổi. Một hôm, nàng từ cửa sổ nhìn xuống, theo dõi một cuộc cãi lộn giữa một mụ già và một tên lưu manh. Bỗng mụ làm một cử chỉ tục tĩu và lố lăng khiến nàng bật cười. Mụ nguyền rủa nàng: chừng nào nàng chưa lấy được Hoàng tử Caporotondo thì tâm hồn còn day dứt khổ sở.

Công chúa ra đi với ba vật linh thiêng và tìm đến mộ của Hoàng tử Caporotondo: chàng nằm mê man trong mộ, muốn làm cho chàng tỉnh phải khóc cho nước mắt đầy một chiếc bình đặt trên mộ. Công chúa bắt đầu khóc nhưng chợp mắt ngủ quên. Tên thị nữ của công chúa thừa cơ khóc đầy bình nước mắt. Hoàng tử tỉnh dậy và lấy thị.

Công chúa lấy một báu vật khác ra làm phép cho tên thị nữ đòi nghe kể chuyện liên tục. Hoàng tử phải gọi cho nhiều bà kể chuyện thuê đến, công chúa trá hình vào cung kể ngay chuyện mình và vạch mặt thị nữ. Nàng lấy Hoàng tử.

Tác phẩm của Basile có ảnh hưởng đến Perrault (Pháp).

Collodi Carlo (1826 - 1890) là nhà văn và nhà báo Italy. Ông nổi tiếng nhờ Những truyện phiêu lưu của Pi-nô-ki-ô (1883).

Những truyện phiêu lưu của Pi-nô-ki-ô là tác phẩm truyện thiếu nhi về một con rối nhẹ dạ là Pinocchio gặp nhiều nỗi gian truân trước khi biến thành một em bé. Cứ mỗi lần sai lầm, cậu lại học thêm được cách phân biệt đúng sai. Mũi Pinocchio phình to lên mỗi khi Pinocchio nói dối và trở lại bình thường mỗi khi nói thật. Luân lý câu chuyện đơn giản: các em bé tốt bụng, dù có lăng nhăng, rồi cũng sẽ khá. Cuốn sách đã được phát hành 2 triệu bản ở Italy trong khoảng bốn chục năm. Pinocchio nổi tiếng thế giới, đặc biệt do nhà điện ảnh Mỹ Walt Disney quay thành phim hoạt hình dài (1943).

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-mot-thoang-van-hoc-italy-ky-4-139760.html