Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 16)

Ungaretti Giuseppe (1888-1970) là nhà thơ, tác phẩm chính: Vui sướng, Bến cảng bị vùi, Cảm xúc thời gian; Verga Giovanni (1840 - 1922) là nhà văn dẫn đầu trào lưu duy thực.

Ungaretti Giuseppe (1888-1970) là nhà thơ (ảnh hưởng phái Tượng trưng và phái Vị lai trước khi khởi xướng thơ “khép kín” kiểu Quasimodo). Tác phẩm chính: Vui sướng (1916-1919), Bến cảng bị vùi (1916), Cảm xúc thời gian (1919-1933).

Vui sướng là tập thơ cùng với tập Bến cảng bị vùi đánh dấu giai đoạn đầu sáng tác của Ungaretti, là nỗi cô đơn của bản thân và của con người đau buồn bị lưu đày trong sa mạc thế giới.

Trong tập Vui sướng, nhận thức ấy giới hạn ở bình diện tự truyện (xúc cảm mãnh liệt do Thế chiến I gây ra). Nỗi cô đơn còn phải xuất phát từ cảm nhận thấy cái mong manh của thời gian cá nhân, những căng thẳng nội tâm (giữa sống - chết, sa mạc - ốc đảo, hồi ức - tiêu tan). Tác giả làm thơ không vần, không chấm phẩy, không ngắt câu.

Bến cảng bị vùi nói lên cố gắng ra khỏi nỗi cô đơn bằng cách đoàn kết với nhân loại và đi sâu vào bản thân. “Bến cảng” nghĩa đen chỉ thành phố Alexandria ở Ai Cập bị vùi trong cát (tác giả sinh ra ở Ai Cập) - còn nghĩa bóng là hình tượng chỉ “cái thầm kín nhất và không thể lĩnh hội được trong ta”.

Trí tuệ và ngôn ngữ xã hội thường dùng bất lực trong việc khám phá cái tôi sâu lắng ấy. Nhà thơ phải sử dụng những so sánh, những cái tương tự để làm sáng bừng lên đám mây “bụi của ký ức”.

Cảm xúc thời gian là tập thơ đánh dấu giai đoạn sáng tác sau của Ungaretti. Trong giai đoạn này, ông phần nào rời khuynh hướng “khép kín”, nhích gần đến thơ truyền thống Italy của Petrarca và Leopardi.

Suy ngẫm về tai họa Thế chiến I, nhà thơ lấy ngay tâm trạng của mình làm mô hình cho phận người: cái mong manh của thời gian cá nhân biến thành cái mong manh của thời gian lịch sử. Sự căng thẳng có tính chất “hiện sinh”, khoảnh khắc trở thành cái căng thẳng siêu hình vĩnh cửu giữa cái thuộc về nhân tính và cái thuộc tính thần minh, giữa cái thoáng qua và cái vĩnh hằng.

Tác phẩm chia thành nhiều chương, mỗi chương là một khúc ca toàn vẹn, có đối thoại, kịch, đồng ca, mẫu thuẫn. Thơ gợi lên vài nét về phong cảnh và giờ phút đã qua (ngày, đêm, bốn mùa, kỷ niệm thời thơ ấu ở Ai Cập), những mối tình đầu, gia đình, bạn bè, rung cảm trước cái chết, đêm tối, cái già. Tác giả phát hiện Italy khi ở châu Phi về, tình cảm tôn giáo, những mối tình, và vượt lên trên là sự hài hòa của thiên nhiên và những gì đứng ngoài cảm xúc thời gian.

***

Verga Giovanni (1840 - 1922) là nhà văn dẫn đầu trào lưu duy thực.

Verga Giovanni (1840 - 1922) là nhà văn dẫn đầu trào lưu duy thực.

Verga Giovanni (1840 - 1922) là nhà văn dẫn đầu trào lưu duy thực (verismo), một hình thái của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Italy vào khoảng năm 1880-1890. Chủ nghĩa này đưa tinh thần nghiên cứu khoa học vào văn học, nhưng khác chủ nghĩa tự nhiên Pháp ở chỗ, nhà văn vẫn để cho tình cảm rung động và tỏ lòng thương cảm đối với những người yếu kém, xấu số (phần nhiều viết về người miền Nam Italy).

Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là Gia đình Malavoglia (1881).

Gia đình Malavoglia miêu tả một gia đình dân chài và đảo Sicilia. Người và đất hình như đều bị số mệnh nguyền rủa. Một miền hoang dã hình như bất dịch từ nghìn xưa, ánh nắng gay gắt, sốt rét hoành hành, biển khơi đe dọa; con người thô thiển, ngột ngạt dưới phong tục gia trưởng, bị lôi cuốn bởi những cuồng vọng hoang dại, dẫn đến những bất hòa, chết chóc, tiêu diệt lẫn nhau để trả thù.

Câu chuyện xoay quanh chiếc thuyền đánh cá của gia đình cụ Ntoni, cả nhà lương thiện, chịu thương chịu khó, nhưng phải chịu hết nạn nọ đến nạn kia, mặc dù chiếc thuyền mang cái tên mỉa mai là “Thiên hựu”. Cháu đích tôn bị gọi đi lính. Thiếu lao động, cụ vay tiền, bảo con trai đi buôn một chuyến. Không ngờ thuyền đắm, con chết, hàng mất, thêm nợ tiền. Đứa cháu trai út vào hải quân và chết trong một trận thủy chiến.

Cô con dâu can đảm và chịu đựng âm thầm bị dịch tả hại chết. Căn nhà cổ, thành trì của các thế hệ nối tiếp, bị đem cầm cố. Cụ Ntoni cố ghép những mảnh ván của chiếc thuyền Thiên hựu lại để làm thuyền, nhưng rồi thuyền lại bị đắm, cụ không còn khả năng lao động nữa. Đứa cháu trai nhỏ làm bậy phải tù, đứa cháu gái út làm đĩ.

Chủ đề của tác phẩm gần với định mệnh trong kịch cổ Hy Lạp. Nhưng ở đây, những yếu tố của định mệnh nằm ngay trong xã hội, con người và địa lý.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-mot-thoang-van-hoc-italy-ky-16-148729.html