Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Malraux nghĩ gì?

Sau khi chứng kiến sự ngu xuẩn của chiến tranh, Malraux nhận thấy nền văn minh châu Âu đã đi đến chỗ bế tắc, thoái hóa. Ông đã hướng về nghệ thuật, phương diện để con người tồn tại và khẳng định tự do của mình trước phận người.

André Berger.

Trí nhớ của tôi thật vớ vẩn: có những việc quan trọng thì lãng quên, còn có những điều ít liên quan đến mình thì lại “nhớ dai” vô cùng. Ấy là với trường hợp nhà văn Pháp Malraux với cuốn tiểu thuyết Phận người (La condition humaine, 1933). Tôi nhớ khi còn là một cậu học sinh 15 tuổi (1933), đi xem phim ở rạp Pathé bờ hồ Hà Nội, ở mục thời sự, có giới thiệu trong mấy phút sự kiện, Malraux được giải thưởng Văn học Goncourt với tác phẩm Phận người. Thế rồi, hình ảnh ấy đã tồn tại trong trí nhớ của tôi cho đến bây giờ. Với cái tuổi mới bắt đầu vào học trường Bưởi, làm gì có đủ chữ nghĩa mà đọc sách ấy, nhất là thời thực dân Pháp, không phải ai cũng có tiền mà mua sách tiếng Pháp về đọc. Mãi mấy chục năm sau, đất nước độc lập, làm công tác văn hóa đối ngoại, tôi mới có dịp đọc Phận người.

Tác phẩm này cùng một nguồn cảm hứng với hai tiểu thuyết khác đã ra trước của Malraux, viết về vùng Viễn Đông: Những người chinh phục và Vương Đạo. Nó ghép thêm chủ đề “tình đoàn kết anh em” vào những chủ đề cũ: hành động, dũng cảm, cái chết, sự lo âu khắc khoải (cách mạng được đề cập đến, dưới góc độ thực hiện cái tiềm năng của cá nhân). Câu chuyện kể lại một sự kiện trong vài ngày (tháng 3/1927) của Cách mạng Trung Quốc, vào giai đoạn Quốc - Cộng liên minh để chiếm Thượng Hải, thành trì của bọn tướng quân phiệt miền Bắc, liên kết với những nước đế quốc. Trong thành phố, các lực lượng vô sản theo Đảng Cộng sản (trong đó có những nhóm vô chính phủ) nổi dậy làm cách mạng thành công, không đợi sự phối hợp của Tưởng Giới Thạch đương đem quân đến. Tưởng chiếm được Thượng Hải, lật lọng, đòi tước vũ khí lực lượng cộng sản. Những người cộng sản không chịu, không nghe cả lệnh của Quốc tế cộng sản (Quốc tế cộng sản vì sách lược, đồng ý với hành động của Tưởng). Tưởng ra lệnh bắt cộng sản và những người chỉ huy cộng sản, kể cả những người vô chính phủ. Họ bị hành hình, chết bi thảm. Điều bi đát nhất của những nhân vật là họ phải chơi một ván bài với “định mệnh”, mà chỉ có mục đích là quan trọng, không đếm xỉa gì đến vận mệnh của cá nhân con người. Họ biết Quốc tế cộng sản, chính là “định mệnh”, có lý; nhưng do ý thức về số phận cá nhân và số phận con người nói chung, họ nổi dậy chống lại số phận, theo bản năng chứ không phải theo lý tính. Họ đều muốn tỏ rõ “ý chí quyền lực”, kể cả Ferral, hiện thân của chủ nghĩa tư bản cường thịnh. Các nhân vật chìm đắm trong vũng bùn của phận người và đều tự giải thoát, con người vừa cao cả vừa hèn hạ, bản thân từng người phải cố vươn lên để vượt phận mình và khẳng định tự do của mình, mặc dù cuối cùng, không ai thoát được phận người.

Trước và sau Thế chiến II, Malraux đã nổi lên như một “người hùng” trong văn học và chính trị Pháp, đi tiên phong trong các phong trào cách mạng trong và ngoài nước, khi ông vừa là nhà văn, vừa là chính khách quốc tế. Ông thuộc loại nhà văn engagé, tức là một nhà văn dẫn thân, nhập cuộc. Bên cạnh việc viết văn, ông còn là nhà phê bình nghệ thuật.

Tên thật của ông là André Berger. Con một viên chức, học khảo cổ, tiếng Phạn và môn Trung Hoa học. Năm 1923-1925: Ông ở Lào và Campuchia (khảo cổ); năm 1925-1928: ở Trung Quốc (đi với phong trào cách mạng, tham gia nội chiến ở Thượng Hải và Quảng Đông); năm 1937: tham gia chiến tranh Tây Ban Nha (đứng về phía Dân chủ). Ông có cảm tình với cộng sản, nhưng đến năm 1939, ông đổi thái độ. Trong Thế chiến II, chiến đấu, bị quân Đức bắt, sau đó ông vượt ngục và tham gia kháng chiến. Vào phe De Gaulle: giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin (1945-1946) và từng là một Bộ trưởng Bộ Văn hóa rất xuất sắc (1958-1969). Malraux đề cao “hành động” chịu ảnh hưởng lý tưởng người hùng của Nietzsche: hành động phiêu lưu vô chính phủ để khẳng định cá nhân, quan điểm tự do cá nhân. Cuộc chiến đấu của những người dân chủ ở những tác phẩm đầu của ông đã đem vào tiểu thuyết Pháp lúc bấy giờ khái niệm “vô lý” (absurde), cuộc đời chỉ có cái chết là thực. Sau khi được chứng kiến sự ngu xuẩn và vô lý của chiến tranh 1914-1918, Malraux nhận thấy nền văn minh châu Âu đã đi đến chỗ bế tắc, thoái hóa. Ngay từ trước 1939, ông đã cho rằng, không có sự liên tục trong lịch sử nhân loại, các nền văn minh đều thăng trầm. Do đó, ông hướng về nghệ thuật, phương diện để con người tồn tại và khẳng định tự do của mình trước phận người.

Đông Á là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm thời kỳ đầu: Những người chinh phục (Les Conquérants,1928), về cuộc đấu tranh của những người quốc gia chủ nghĩa ở Trung Quốc chống đế quốc Anh ở Hương Cảng; Vương Đạo (La Voie royale, 1930), truyện kể về một vụ ăn cắp trong đoàn khảo cổ ở Campuchia, một nhân vật phiêu lưu để chống lại số mệnh. Thái độ chống phát-xít của Malraux được phản ánh trong những tiểu thuyết: Thời khinh miệt (Le Temps du mépris, 1935), về nước Đức phát-xít; Niềm hy vọng (L’Espoir, 1937), về Tây Ban Nha. Thời gian của Malraux tại nhà tù Đức và cuộc vượt ngục của ông đã được miêu tả trong Những cây dẻ ở An-tơn-bur (Les noyers de l’Altenburg, 1943). Sau 1945, ông bỏ thể loại tiểu thuyết và chuyển sang viết luận văn nghiên cứu nghệ thuật: Những tiếng nói của im lặng (Les voix du silence, 1951) và Phản hồi ký (Antimémoires, 1967).

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-malraux-nghi-gi-121509.html