Nhà văn Haruki Murakami không phải người ẩn dật

Dù tránh xa mạng xã hội, nhà văn Haruki Murakami không sống khép kín. Ông chia sẻ nhiều câu chuyện riêng tư với bạn đọc.

“Có lẽ đã đến lúc ngừng gọi tiểu thuyết gia Nhật Bản Haruki Murakami là người ẩn dật”, tác giả Alison Flood viết trên Guardian.

Trong vài năm gần đây, ông trở thành người dẫn chương trình radio, người chú thích văn học. Mới nhất, một bộ sưu tập áo ra đời mang tên Haruki Murakami.

 Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Ali Smith.

Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Ali Smith.

Thôi ẩn dật nhưng vẫn tránh xa mạng xã hội

Với tình yêu và kiến thức âm nhạc, nhà văn trở thành người dẫn chương trình Murakami Radio. Nhà văn chia sẻ ông luôn nghe nhạc một mình ở nhà, nhưng đôi khi cảm thấy hơi cô đơn.

Trên radio, ông có thể bật bản nhạc mà mình yêu thích, chia sẻ với thính giả bất cứ điều gì nảy ra trong đầu khi âm nhạc cất lên lúc ấy. “Tôi nghĩ đó là cách tuyệt vời để tương tác”, Murakami nói.

Trước đó vài năm, Murakami bày tỏ “đã lâu lắm rồi, giờ tôi muốn trao đổi với độc giả”. Ông tạo một chuyên mục hỏi - đáp trên website của mình, nhận được 37.465 câu hỏi. Murakami đã trả lời được 3.716 câu, về những gì liên quan tác phẩm của mình.

Năm 2015, các câu hỏi được tập hợp, phát hành dưới dạng ebook, bản sách in chọn lọc 473 câu hỏi. Cũng như các tác phẩm mà Murakami viết ra, cuốn sách hỏi gì đáp nấy này cũng trở thành best-seller.

Mới nhất, ông đồng ý để một hãng thời trang ra mắt bộ sưu tập mang tên Haruki Murakami. Tám chiếc áo phông sẽ ra thị trường vào giữa tháng ba có in hình đồ họa những biểu tượng mà ông yêu thích: Mèo, chim, đĩa hát, những người đàn ông ngồi trong quán bar…

Bên cạnh đó, ông cũng có bài trả lời phỏng vấn dài trên tạp chí Lifewear về những lựa chọn thời trang của bản thân. Ông không chú ý đến hàng hiệu, thường chọn trang phục thoải mái.

“Tôi cố gắng mặc thường phục, càng đơn giản càng tốt. Quần jeans và áo phông, áo nỉ và áo len. Vì không cần đến văn phòng, tôi có thể mặc bất cứ thứ gì mình thích”, Murakami tiết lộ.

Murakami kể những câu chuyện riêng tư liên quan việc ăn mặc của mình. Một lần, ông mặc quần đùi tới nhà hàng và thói quen luôn mang theo chiếc quần dài trong túi phòng khi phải tiếp khách đã cứu ông thoát khỏi một “thảm họa thời trang”.

Murakami cũng nói về thói quen luôn dùng cà vạt khi sống ở Italy, nhưng không bao giờ đeo cà vạt khi trở về sống ở Nhật.

Từng nhận mình là người kín đáo, Haruki Murakami cho thấy ông đang cởi mở hơn. Trước đây, ông thấy thoải mái khi làm mọi việc một mình. Nhưng khi cao tuổi, có vị thế xã hội, ông thấy mình phải sống có trách nhiệm với vị thế ấy.

Bởi vậy, sau ngần ấy năm sống ở nước ngoài, có thể tự cho mình là người kín đáo, giờ đây, ông ngày càng muốn sống với bản sắc của mình.

Điều đó khiến ông và Đại học Waseda dự định thực hiện Thư viện Haruki Murakami năm 2021. Thư viện là nơi lưu trữ các cuốn sách, bản dịch tiếng Anh, bản thảo viết tay, bộ sưu tập đĩa nhạc của Murakami. Đây cũng là món quà nhà văn gửi tặng hậu thế vì ông không có con.

Tuy mở lòng với độc giả, tác giả Rừng Na Uy vẫn tránh xuất hiện trên tivi, bởi ông “không muốn nhiều người nhận ra mình khi đang đi dạo”.

Ông cũng giữ lập trường cự tuyệt với mạng xã hội, bởi “Gần như mọi điều viết trên ấy đều không hay. Đọc văn chương và nghe nhạc hay rất quan trọng đối với cuộc sống chúng ta. Nói cách khác, điều tốt nhất để làm với nhạc dở và văn dở là hoàn toàn bỏ qua chúng”.

Giết chỉ huy đội kỵ sĩ - sách mới nhất của Haruki Murakami được phát hành tiếng Việt. Ảnh: Midori.

Chỉ viết những thứ mình thích

Những câu chuyện đằng sau trang viết của Murakami cho thấy nhân sinh quan sâu sắc của nhà văn. Murakami nói ý tưởng cho một tiểu thuyết của ông không xuất hiện từ hư không. Mọi thứ đều ở trong lòng, và dâng dần lên, cho đến khi ý tưởng ấy lớn lên, ông đã hiểu khá rõ về những gì mình cần viết. Trong khi chờ ý tưởng lớn lên, ông có thể làm những việc tay trái, như viết một bài luận, dịch thuật.

Nhà văn cũng không đọc lại tác phẩm của mình sau khi nó được xuất bản, bởi “trong khi viết, tôi đã đọc đi đọc lại nó rất nhiều lần”.

Tuy nhiên, ông vẫn đọc lại tiểu thuyết khi nó được dịch sang tiếng Anh. Phải mất hai năm để các bản dịch tiếng Anh ra mắt, đủ lâu để đôi khi tác giả quên đi cốt truyện. Lúc ấy, ông cảm thấy vui khi chờ diễn biến tiếp theo của câu chuyện.

“Một lần, khi vừa lái xe vừa nghe đài, tôi thấy ai đó đang bình một bài đọc khá thú vị. Tôi chăm chú lắng nghe, cố tìm ai là tác giả bài viết, và nó là của tôi, từ bài luận Distant Drums”, Murakami nói.

Nhà văn thường không nhớ nhiều chi tiết trong tác phẩm mình viết ra. Ông kể khi 1Q84 ra mắt, nó được xuất bản thành ba tập. Độc giả đã yêu cầu nhà văn viết phần thứ tư, ông gần như đã làm điều đó, nhưng “không thể nhớ những gì đã xảy ra trong ba phần trước”.

Murakami xuất hiện với tư cách nhà văn ở tuổi 30. Ông không bao giờ viết theo bất cứ đơn đặt hàng nào. Cách của ông là chỉ bắt đầu viết khi thực sự muốn, khi đã hoàn thành thì gửi tác phẩm cho người biên tập; và ngược lại, ông sẽ ngừng viết nếu thấy không thích.

Hơn 20 năm trước, Murakami đã quyết định rằng nếu không thể viết được nữa, ông sẽ mở một câu lạc bộ jazz ở Aoyama. Nhưng đến nay, ông vẫn luôn có những ý tưởng mới, vì vậy vẫn tiếp tục viết.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-van-haruki-murakami-khong-phai-nguoi-an-dat-post1190524.html