Nhà văn Đoàn Minh Tuấn - Người bắc một nhịp cầu từ quá khứ

Nhà văn, nhà báo Đoàn Minh Tuấn đã có hơn 60 năm cầm bút trải khắp ba miền đất nước, từng xông pha lửa đạn các chiến trường, xuất bản 15 tác phẩm, trong đó có những truyện ký được đưa vào sách giáo khoa. Mới đây, NXB Hội Nhà văn đã phát hành cuốn 'Tài hoa để lại' tuyển chọn những bài viết tiêu biểu trong sự nghiệp phong phú, bền bỉ của ông.

Về văn chương của nhà văn Đoàn Minh Tuấn, Giáo sư Hoàng Như Mai viết: “Đoàn Minh Tuấn đã bắc một nhịp cầu từ quá khứ sang hiện tại, trình bày được mối liên quan mang tính quy luật giữa truyền thống với cách mạng…”.

Về văn chương của nhà văn Đoàn Minh Tuấn, Giáo sư Hoàng Như Mai viết: “Đoàn Minh Tuấn đã bắc một nhịp cầu từ quá khứ sang hiện tại, trình bày được mối liên quan mang tính quy luật giữa truyền thống với cách mạng…”.

Tác phẩm “Tài hoa để lại” (NXB Hội Nhà văn 2019) do Đoàn Hy Minh sưu tầm, biên soạn, giới thiệu; gồm 320 trang tập hợp nhiều tư liệu, hình ảnh, bút tích và những bài viết về nhà văn Đoàn Minh Tuấn. Cuốn sách có sự góp mặt của nhiều cây bút các thế hệ và cả người bạn đời quá cố của ông là nhà báo Dương Thị Hoàng Anh.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn sinh năm 1931 ở Tịnh Khê, Quảng Ngãi, học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn từ năm 1950 ở Liên khu 5, tham gia 2 cuộc kháng chiến cứu nước. Khi tập kết ra Bắc, ông tốt nghiệp Văn khoa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên và Nam Trung bộ làm phóng viên chiến trường. Đất nước thống nhất ông làm biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam ở phía Nam, Đài Truyền hình TPHCM, Phó Tổng Biên tập báo Văn hóa…

Vừa làm báo vừa viết văn, ông đã có 15 tác phẩm được xuất bản. Các tác phẩm tiêu biểu của ông: “Thầy giáo vùng cao” (truyện - 1958), “Em đội viên mắt sáng” (truyện - 1959), “Núi sông hùng vĩ” (ký - 1972), “Trăm năm một thuở” (ký - 1995), “Những vì sao” (truyện - 1996), “Bác Hồ - cây đại thọ” (ký - 2001), “10 truyện ngắn” (2002), “Về lại Gò Công” (tập truyện ngắn 2016)… Ngoài một số truyện ký lịch sử, nhà văn Đoàn Minh Tuấn phần lớn viết cho thiếu nhi và được tái bản nhiều lần. Mỗi truyện ký của ông thường ngắn, sách có số trang cũng thường mỏng. Văn phong của Đoàn Minh Tuấn giản dị, mạch lạc, súc tích và dễ cảm.

Các tác phẩm của nhà văn Đoàn Minh Tuấn cho người đọc cảm nhận ở ông một sự nhiệt huyết, bền bỉ với văn chương. Nếu như truyện ký dành cho tuổi thơ vừa chân thực vừa giàu sức liên tưởng; thì truyện lịch sử của ông có nét duyên ngầm, vừa tựa vào sự kiện và nhân vật theo chính sử lại vừa thể hiện cách nhìn riêng tinh tế của một người từng trải, chiêm nghiệm và thể hiện những chi tiết sáng tạo bất ngờ. Đặc biệt, nhà văn Đoàn Minh Tuấn có tác phẩm “Bác Hồ - cây đại thọ” tái bản rất nhiều lần. Nhà thơ Bế Kiến Quốc từng cảm nhận về truyện ký này: “Nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã sử dụng một lối văn thuật chuyện giản dị, trung thực. Đồng thời, nhà văn đã chọn lọc những chi tiết sinh động, xác thực trong khi thuật chuyện. Chính nhờ vậy, có những chuyện ta đã nghe, đã biết nhưng khi đọc trong sách vẫn thấy cuốn hút. Và đặc biệt người ta biết thêm nhiều chi tiết mới về một số mẩu chuyện đã biết”.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn là người có cơ duyên gần gũi nhiều nhà văn nổi tiếng thế hệ trước hoặc cùng thế hệ và lưu giữ nhiều ký ức về họ, đặc biệt với nhà văn khó tính Nguyễn Tuân, ông đã viết tác phẩm thú vị “Với Bác Nguyễn” tái bản đến 5 lần.

TẤN HÙNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nha-van-doan-minh-tuan-nguoi-bac-mot-nhip-cau-tu-qua-khu-a117342.html