Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân ra đi ở tuổi 57

Sáng 8-11, giới văn chương trong nước không khỏi bàng hoàng khi hay tin nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân từ trần. Anh ra đi vào tối 7-11 tại nhà riêng, hưởng dương 57 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1964 tại TPHCM. Vào tháng 3-1984 anh thi hành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1987, anh xuất ngũ về làm bảo vệ tại sân vận động Thống Nhất. Tiếp đó, anh đi học ĐH Luật và tốt nghiệp năm 1994. Tuy nhiên, vào năm 2005, khi đang làm ở Văn phòng Liên đoàn Bóng đá TPHCM, anh nghỉ việc, bắt đầu tập trung vào sáng tác và dịch thuật.

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân trong một lần gặp gỡ với phóng viên Báo SGGP vào năm 2019

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân trong một lần gặp gỡ với phóng viên Báo SGGP vào năm 2019

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân sáng tác đa dạng ở nhiều thể loại, với nhiều tác phẩm như: Bán trâu, Lục bình, Xa vắng... (truyện ngắn), hai tập thơ Lá cỏ, Vũ điệu buồn của chữ (tiểu luận). Đặc biệt, ở tiểu thuyết Mùa xa nhà, được xem như là đỉnh cao sáng tác của anh. Tác phẩm là dòng hồi ức về những năm tháng trên chiến trường Campuchia. Vào năm 2012, anh trở thành hội viên của Hội Nhà văn TPHCM.

Ngoài sáng tác, Nguyễn Thành Nhân còn là dịch giả của hơn 30 đầu sách. Gần đây, anh vừa giới thiệu hai dịch phẩm Trở lại cố hương (Thomas Hardy) và Căn phòng của Jacob (Virginia Woolf) đều do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành.

Đặc biệt, trong gia tài dịch thuật của nhà văn Nguyễn Thành Nhân, tác phẩm của nữ nhà văn Anh Virginia Woolf giữ khá nhiều với 5 đầu sách. Ngoài Căn phòng của Jacob còn có Tới ngọn hải đăng, Orlando, Ba đồng ghi-nêBà Dalloway.

Một số tác phẩm và dịch phẩm tiêu biểu của nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân

Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng vào năm ngoái (2019, nhà văn Nguyễn Thành Nhân cho biết, anh rất ngưỡng mộ tác giả này và giống như có một sự đồng cảm vậy. “Với những tác phẩm của Virginia Woolf, ngay từ khi đọc tôi đã cảm thấy rung động. Dĩ nhiên, không phải tác phẩm nào của bà cũng khiến mình rung động nhưng đa số là vậy. Đặc biệt, cuốn Tới ngọn hải đăng được viết rất mượt mà, với lối xử lý kỹ thuật dòng ý thức hoàn chỉnh. Còn tác phẩm vừa ra mắt Căn phòng của Jacob là một bước đột phá từ văn chương truyền thống của Anh nhưng theo tôi không phải là cuốn thành công lắm”, nhà văn Nguyễn Thành Nhân từng chia sẻ.

Cũng trong cuộc trò chuyện đó, nhà văn Nguyễn Thành Nhân có tiết lộ rằng, tác phẩm đỉnh nhất của Virginia Woolf là cuốn chưa từng được dịch ở Việt Nam. Tác phẩm có tên là Những lớp sóng (The Waves), gồm khoảng 9 chương. Thời điểm đó, anh chỉ mới dịch được 3 chương.

“Nó giống như thơ vậy và bản thân tác giả cũng gọi nó là kịch thơ (play-poem). Tôi cũng muốn dịch hết tác phẩm của bà Virginia Woolf, số lượng này tương đối nhiều. Ngoài tiểu thuyết và hai tiểu luận đã được dịch ở Việt Nam, Virginia Woolf còn nhiều thư từ, nhật ký, đọc cũng rất thú vị. Tuy nhiên, với tác giả này tôi chỉ mong sớm hoàn thành và giới thiệu đến độc giả cuốn Những lớp sóng.

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân nói về tác phẩm của Virginia Woolf một cách đầy say mê. Anh khởi dịch vào ngày 21-9-2017 và đã hoàn thiện công đoạn chỉnh sửa lần cuối vào ngày 22-10-2019. Chỉ tiếc rằng, giờ đây anh đã không còn nữa để chứng kiến sự ra đời của tác phẩm Những lớp sóng.

Lễ viếng nhà văn Nguyễn Thành Nhân bắt đầu từ chiều 8-11 tại nhà riêng (phường 7, quận Bình Thạnh, TPHCM), lễ nhập quan lúc 13 giờ cùng ngày. Lễ động quan diễn ra lúc 7 giờ ngày 10-11; sau đó sẽ di quan đến Bình Hưng Hòa (TPHCM) hỏa táng.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nha-van-dich-gia-nguyen-thanh-nhan-ra-di-o-tuoi-57-696430.html