Nhà văn Deaver được truyền cảm hứng từ điệp viên 007

Nhà văn trinh thám 65 tuổi người Mỹ Jeffery Deaver đã có nhiều chia sẻ với tờ 'The Guardian' về sự nghiệp viết lách và các tác phẩm truyền cảm hứng cho ông.

Jeffery Deaver là một tác giả trinh thám ăn khách của Mỹ. Độc giả Việt biết tới ông qua nhiều tác phẩm như: Cái ghế trống, Trăng lạnh hay Búp bê đang ngủ. Ảnh: Pacific Press Media Production Corp.

Trong suốt hành trình trở thành một nhà văn nổi tiếng như hiện nay, Jeffery Deaver đã đọc được một cuốn sách thay đổi cả cuộc đời ông. Deaver chia sẻ: “Khi tôi đọc cuốn From Russia, With Love của Ian Fleming lúc còn trẻ, tôi quyết định rằng mình muốn trở thành một nhà văn viết tiểu thuyết về các vụ án kịch tính. Tôi đã nghĩ, với sự kiêu ngạo của tuổi trẻ rằng tôi có thể làm được điều đó".

Có thể, tác phẩm của tác giả điệp viên 007 không giúp Deaver viết được ngay, nhưng cuốn sách đã giúp nhà văn tương lai hai điều: Cảm hứng để viết và một khuôn mẫu để kể một câu chuyện tiết tấu nhanh như Orient Express, với một cách viết thẳng thắn, có phần hài hước và mạnh mẽ. Đó cũng là cách viết mà Deaver ghi nhớ mỗi khi ngồi vào bàn phím.

 Nhà văn Jeffery Deaver. Ảnh: Pacific Press Media Production Corp.

Nhà văn Jeffery Deaver. Ảnh: Pacific Press Media Production Corp.

Jeffery Deaver cũng bày tỏ mong muốn viết được một tác phẩm như Giết con chim nhại của Harper Lee. Theo ông, cuốn sách này là hóa thân hoàn hảo của một số chủ đề quan trọng nhất trong văn học: Gia đình, lòng dũng cảm, sự trung thực, sự chia rẽ trong xã hội, chính trị và, một điều không thể tránh khỏi ở Mỹ, vấn đề chủng tộc.

Deaver cho rằng tác giả đã đưa những điều trừu tượng đó đến gần độc giả và treo chúng một cách tinh tế trong khung của một tác phẩm kinh dị hình sự cảm động, có nhịp độ nhanh.

Một cảnh trong bộ phim From Russia, With Love năm 1963. Ảnh: SNAP/Rex Features.

Deaver cũng tiết lộ về cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách viết của ông, đó là cuốn The Adventures of Augie March của Saul Bellow (tác giả đoạt Nobel Văn học năm 1976). Tác phẩm này kể về câu chuyện của nhân vật chính Augie March trên con đường từ tuổi trẻ đầy khó khăn đến giai đoạn trưởng thành, nơi Augie đạt được sự ổn định và bình yên, mặc dù không hoàn hảo.

Từ tác phẩm của Saul Bellow, Deaver đã học hỏi được cách kể chuyện hấp dẫn, mạnh mẽ bằng văn xuôi một cách ngoạn mục. “Ông ấy dạy tôi đối xử với âm thanh của từ ngữ một cách tôn trọng như ý nghĩa mà chúng truyền đạt”, Deaver nói.

Một cảnh trong bộ phim chuyển thể từ Giết con chim nhại năm 1962. Ảnh: Allstar/Universal.

Một tác phẩm khác cũng góp phần thay đổi suy nghĩ của Deaver khi sáng tạo tác phẩm đó là A Perfect Spy của John le Carré. Khi đọc cuốn sách này, “tôi thấy mình hoàn toàn gắn kết với những nhân vật mà ông ấy đã tạo ra, không phụ thuộc vào các âm mưu của câu chuyện”, Deaver cho biết.

Từ đó, ông đi đến quyết định không bỏ bê sứ mệnh mang đến cho độc giả những âm mưu xoay chuyển nhanh, ông sẽ tập trung hơn vào việc tạo ra những nhân vật sống động và gắn kết.

Là một bậc thầy trong dòng văn học trinh thám nhưng Deaver cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với Tolkien, tác giả tiểu thuyết kỳ ảo đình đám nhất thế giới. Deaver cho biết tác phẩm khiến ông thấy thoải mái khi đọc là Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) của Tolkien.

“Tôi biết mình luôn có thể tìm thấy sự khuây khỏa ở vùng đất Trung Địa và trong trí tưởng tượng siêu nhiên của Tolkien. Sự kết hợp giữa cách ông ấy sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh… và việc ông ấy tạo ra một hệ ngôn ngữ hoàn hảo là điều hoàn toàn bất ngờ đối với tôi”, Deaver nói.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-van-deaver-duoc-truyen-cam-hung-tu-diep-vien-007-post1145940.html