Nhà văn, cựu chiến binh 20 năm miệt mài tìm kỷ vật đồng đội

'Tôi may mắn vì đã được trở về sống giữa thời bình nhưng luôn cảm thấy 'mắc nợ' với những thân nhân gia đình liệt sĩ, món nợ những ân tình' - Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chia sẻ.

Năm 2005, 2 tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. 15 năm sau, thêm cả ngàn trang nhật ký được giới thiệu tới công chúng trong tác phẩm đồ sộ “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Những trang viết chân thực, xúc động là kết quả trong một cuộc hành trình không mệt mỏi suốt 20 năm qua của Nhà văn, nhà báo, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng.

Căn phòng lưu giữ kỷ vật thời chiến...

Căn phòng lưu giữ kỷ vật thời chiến...

Căn phòng lưu giữ hơn 1000 cuốn nhật ký, lá thư, kỷ vật thời chiến, đây cũng là kho báu vô giá mà nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng cất công tìm kiếm và lưu giữ suốt hàng chục năm qua.

Căn phòng lưu giữ những kỷ vật thời chiến của Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng

Từng là chiến sĩ trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, bén duyên với văn chương khi còn rất trẻ, Đại tá Đặng Vương Hưng từng có nhiều năm phục vụ trong Quân đội và làm báo trong lực lượng vũ trang.

Ông còn được biết đến là tác giả của nhiều ý tưởng, dự án văn hóa, người miệt mài săn tìm những kỷ vật của một thời hoa lửa từ các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Ông là người có duyên khơi nguồn cho sự ra đời của hàng trăm cuốn sách, tư liệu vô giá, trong đó có nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” và nhiều cuốn sách tư liệu chiến tranh có giá trị độc đáo khác. Người ta còn biết đến ông là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà sưu tầm tư liệu chiến tranh…

2 trong số những cuốn sách xuất bản là “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã trở thành hiện tượng xuất bản do chính nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng chủ biên. Đằng sau đó là câu chuyện hành trình trở về đầy xúc động của người lính ở bên kia chiến tuyến.

Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ, sau nhiều năm, những người trẻ còn biết rất ít về chiến tranh. Thế nên, ông đã bắt tay vào làm công việc này vì sự đồng cảm của người lính và tự nguyện làm “cầu nối” giữa các thế hệ.

“Tôi có may mắn làm báo trong lực lượng vũ trang rất nhiều năm và có cơ hội tiếp cận rất nhiều những kỷ vật, những lá thư thời chiến… và tôi “ngộ” ra một điều rằng, đôi khi chính những trang thư, nhật ký, ghi chép… tưởng chừng rất đỗi riêng tư lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu, chúng có thể gợi mở biết bao nhiêu điều về đời sống tinh thần của xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử” – nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ.

Những ngày tháng 7, hồi ức chiến tranh lại trở về

Những ngày tháng 7 luôn là những ngày đặc biệt đối với những người cựu chiến binh như Đại tá Đặng Vương Hưng.

Ông bồi hồi kể lại: “Những năm 1984-1987, chúng tôi chiến đấu ở mặt trận Lạng Sơn, hứng trọn 10 năm chiến đấu dai dẳng, gian khổ, mưa bom bão đạn. Đó là thời bao cấp, thiếu thốn, đói ăn, thiếu mặc. Mùa đông rét cắt da, mùa hè đến cả nửa tháng không được tắm. Dưới cơn mưa những trận pháo kích, thám báo, mìn, trong 3 năm sư đoàn tôi hi sinh tới 500 người. Nó ám ảnh chúng tôi ghê gớm. Nhưng tinh thần đồng đội đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả”.

Ông nói rằng, bản thân cảm thấy mình may mắn hơn so với rất nhiều đồng đội, may mắn vì đã được trở về sống giữa thời bình. “Nhưng tôi luôn cảm thấy “mắc nợ” với những thân nhân gia đình liệt sỹ, món nợ những ân tình. Họ đã ngã xuống trong chiến tranh hoặc mất sau khi chiến tranh kết thúc khi vẫn còn quá nhiều điều chưa trọn vẹn trong cuộc sống”.

Chính từ những thôi thúc đó, ông đã dành hàng chục năm để tiếp tục cùng những đồng đội, những người đồng hành trong hành trình không mệt mỏi để tìm kiếm những bức thư, những kỷ vật, những cuốn nhật ký thời chiến.

Hành trình không mệt mỏi của người cựu chiến binh giữa thời bình

Trong hành trình gần 20 năm đi tìm lại những kỷ vật thời chiến, có những chuyến đi khiến Nhà văn Đặng Vương Hưng không thể nào quên. Những chuyến đi tới mọi miền Tổ quốc, mang theo về những cuốn nhật ký thời hoa lửa, những lá thư gửi gia đình, người yêu của các chiến sĩ.

Ông kể, đó là những hành trình ông và các cộng sự tìm tới một gia đình, nơi đang lưu giữ một bức thư của người lính vô danh. Lá thư được tìm thấy trong túi áo của người lính đã hi sinh. Dù không biết đó là ai, nhưng họ vẫn giữ lá thư ở vị trí trang trọng trên bàn thờ suốt nhiều năm.

Đó còn là hành trình kỳ lạ khi Nhà văn Đặng Vương Hưng và người thân của liệt sĩ nhận lại bức thư của một người vợ gửi cho chồng nơi chiến trường bom đạn. Bức thư được tìm thấy bên di hài của 7 người lính ở thành cổ Quảng Trị. Trước đó, vì thất lạc, bức thư đã chu du một vòng từ Việt Nam đến Mỹ, rồi từ Mỹ trở lại Việt Nam. Và cũng nhờ bức thư này, người thân đã tìm thấy được hài cốt các liệt sĩ sau nhiều năm bặt tin.

Nhà văn Đặng Vương Hưng kể lại, có những lá thư khiến ông và đồng đội không khỏi “rùng mình” bởi trong đó có cả sự tiên cảm kỳ lạ về cái chết và ngày chiến thắng.

Đó là bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (sinh năm 1949, quê Thái Bình), chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị trong những ngày tháng ác liệt nhất. Tháng 9/1979, được lệnh đưa hàng qua sông Thạch Hãn, anh linh cảm đây là trận đánh cuối cùng của mình, một chuyến đi không hẹn ngày trở về.

Trong bức thư được anh viết trước ngày anh hy sinh hơn 3 tháng, từ những trang sổ tay xé ra, dài gần 10 trang khổ nhỏ. Dự cảm về cái chết đang đến rất gần, anh xem bức thư này như những lời trăn trối. Anh gửi mẹ, gửi vợ, gửi anh chị, đôi lời cuối cùng khi mà chỉ vài tháng sau đó, anh mãi mãi về với đất Mẹ… ;

“Mẹ kính mến!

Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm… Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng...

Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…!”.

Bên cạnh những bức thư tràn đầy tinh thần chiến đấu, phảng phất đâu đó là những nỗi buồn chiến tranh, một mặt trái rất đời thực của chiến tranh, có cả những lá thư của những người lính ngụy và nỗi lòng chán ghét chiến tranh, nhớ thương gia đình. Tất cả đều chân thực đến cảm động, đến đau xót.

Những trang nhật ký đầy day dứt

Kể về những day dứt trong suốt nhiều năm làm công việc đặc biệt này, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ, đó là những ngày tháng đọc dòng nhật ký và đi tìm phần mộ liệt sĩ Trần Duy Chiến.

“Anh là người lính thuộc thế hệ chúng tôi, sinh năm 1957 tại Quảng Nam, lớn lên ở Đà Nẵng, đại diện cho một thế hệ tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Trong những trang nhật ký, liệt sĩ Trần Duy Chiến kể lại những gian khổ, đói khát của những ngày chiến trận. Ngày 20/7/1980, trong một đợt truy quét của tàn quân Pôn Pốt, anh rơi vào ổ phục kích, khi trúng đạn, anh vẫn bắn hết một băng đạn mới gục xuống. Khi đồng đội đuổi kịp, anh đã bị đạn bắn nát gương mặt. Đó là những ám ảnh khôn nguôi với rất nhiều những đồng đội của anh”.

Sau này, may mắn Nhà văn Đặng Vương Hưng được cùng người thân và Đại tá Nguyễn Văn Hồng – nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 309, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, sĩ quan chỉ huy cao cấp của liệt sĩ Trần Duy Chiến) vào nghĩa trang Thuận Giao, tỉnh Sông Bé để tìm mộ anh.

“Khi chúng tôi đi vào nghĩa trang, còn đang lúng túng trước hàng vạn ngôi mộ thì người quản trang đã đọc tên liệt sĩ Trần Duy Chiến và chỉ lối đi cho chúng tôi. Lạ hơn nữa, khi chúng tôi đến được ngôi mộ của liệt sĩ Trần Duy Chiến thì thấy cả tiểu đội của anh, đã được anh nhắc đến nhiều trong nhật ký, đều nằm trong một hàng theo thứ tự một cách tình cờ. Sau đó tôi và gia đình đã đưa hài cốt liệt sĩ Trần Duy Chiến về quê mai táng”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những bức thư, những dòng nhật ký thời chiến mãi là những chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng cống hiến cho đất nước của cả một thế hệ; tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa cùng tình yêu đất nước, luôn vững tin vào một ngày mai chiến thắng.Nhắc tới câu chuyện ấy, nhà văn Đặng Vương Hưng vẫn không kìm nén nổi sự xúc động. Ông đồng cảm với người lính về cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường và những sự hi sinh thầm lặng, to lớn. Họ đại diện cho một thế hệ những người con của Tổ quốc trong những ngày đạn bom và máu lửa.

Những ngày tháng 7 này, ông lại cùng đồng đội trở về chiến trường xưa, với đôi dép cao su, chiếc áo sờn màu theo năm tháng, cùng nhau nhớ về những ngày hoa lửa, thắp cho những người đồng đội đã hy sinh một nén hương, cùng ôn lại những câu chuyện vui buồn. Những cuộc gặp gỡ như thế bao giờ cũng có cả tiếng cười và rất nhiều giọt nước mắt:

THÁNG BẢY VÀO QUẢNG TRỊ

Tháng Bảy đi dọc Trường Sơn

Thấy bao hồn lính cô đơn nhớ nhà...

Nắm xương khô giữa rừng già

Gió Lào vẫn thổi rát qua mặt người...

Máu sông Thạch Hãn còn tươi

Bước vào Thành cổ tiếng cười còn vang...

Tháng Bảy đi qua nghĩa trang

Bao hồn lính trẻ xếp hàng điểm danh...

Linh thiêng các chị các anh

Hóa làm mây trắng hóa thành núi sông

Nén hương thơm cõi hư không

Nhìn lên chợt thấy cầu vồng lung linh...

- Đặng Vương Hưng -

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nha-van-cuu-chien-binh-20-nam-miet-mai-tim-ky-vat-dong-doi-d159602.html