Nhà tù 5 sao Leoben

Trên thế giới, không có nước nào không có nhà tù. Nhưng các nhà tù sau đây ở Áo, Bolivia và Philippines được coi là có một không hai về mặt kiến trúc, phương cách quản lý, chính sách trừng giới. Tất cả đều xuất phát từ đặc điểm của xã hội mỗi nước cho nên không dễ bắt chước.

Das Justizzentrum Leoben (trung tâm tư pháp Leoben) là mộtnhà tù nổi tiếng ở thành phố cổ Leoben, Áo. Xây dựng từ năm 2002 đến 2004, rộng 24.000 m2với tổng chi phí lên đến 46 triệu euro (851 tỉ đồng), nó thu hút sự chú ý của các nhà kiến trúc và chuyên gia về nhà tù khắp thế giới bởi tính độc đáo và sự lạ thường.

Nhà tù Leoben trông chẳng khác nào khách sạn 5 sao. Ảnh: Hohensinn Architektur

Sống thoải mái

Người thiết kế nhà tù sang trọng và thoải máinhất thế giới này là kiến trúc sưJosef Hohensinn, người thấp đậm, tuổi khoảng 50 ngoài, sinh sống và làm việc ở thành phố Graz, miền Nam nước Áo.

Hohensinn sẵn sàng tiếp các nhà báo nước ngoài, dẫn họ đi thăm nhà tù bởi một lý do: Ông cảm thấy có nhiệm vụ phải giải thích tại sao ông thiết kế một nhà tù lộng lẫy như vậy- tất nhiên được sự đồng ý của chính quyền Áo-và tại sao tù nhân cần được sống một cách thoải mái nhất.

Được tôn vinh trên các tạp chí chuyên ngành kiến trúc, nhưng công trình kiến trúc của ông Hohensinngây tranh cãi về chất lượng thẩm mỹ và tiện nghi dành cho “người cư trú” là tù nhân không nguy hiểm lắm, có bản án tối đa 18 tháng.

Điểm gây tranh cãi sôi nổi nhất là câu hỏi liệu nhà tù 5 sao này có khuyến khích tù nhân tái phạm tội sau khi ra tù vì điều kiện ăn ở trong nhà tù“trên cả tuyệt vời”?

Triết lý của dự án nhà tù Leoben nằm trong dòng chữ trích từ hiệp ước quốc tế về quyền công dân và chính trị mà Liên Hiệp Quốc thông qua tháng 12/1966: “Tất cả những người bị tước đi quyền tự do cần phải được đối xử một cách nhân ái và tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người”. Câu này đã được khắc rõ ràng trên bức tường bê tông cốt thép mặt tiền của nhà tù.

Điều này có nghĩa là, sau khi bị xã hội tước quyền tự do vì tội lỗi , các tù nhân sẽ không phải chịu thêm cảnh chung chạ lộn xộn, thiếu tiện nghi và sự xấu xí của môi trường sống. Nói cách khác, nhà tù Leoben là nơi giúp đỡ tù nhân đứng vững, lấy lại sự cân bằng và chuẩn bị tái hội nhập xã hội.

Tự do tối đa

Đầu năm nay, Jim Lewis, phóng viên của nhật báo Mỹ The New York Times (NYT), đã được kiến trúc sư Hohensinn dẫn đi thăm nhà tù Leoben. Một chuyến viếng thăm đầy những cảm xúcvà suy tư về hệ thống nhà tù ở Mỹ sau khi Jim Lewis được tai nghe mắt thấy nhà tù Leoben.

Theo mô tả của Lewis, trong nhà tù tràn ngập ánh sáng này (đâu đâu cũng thấy toàn là kính) điều bất ngờ nhất là sự yên tĩnh lạ thường. Thông thường, các nhà tù rất ồn vìtiếng la hét của tù nhân, tiếng cửa sắt đóng mở ầm ĩ. Tiếng động là một phần của cuộc sống hỗn độn trong nhà tù. Thế nhưng ở Leoben hoàn toàn ngược lại. Giải thích hiện tượng này, kiến trúc sư Hohensinn chỉ lên trần nhà trắng toát, nơi ông cho gắn những thiết bị cách âm.

Mỗi ca, nhà tù chỉ bố trí 3 nhân viên bảo vệ để giám sát 205 tù nhân. Sĩ số này hầu như bất biến vì lúc nào các phòng giam cũng đầy.

Nhà tù được chia ra hai khu vực: một khu vực chứa tù nhân sắp được trả về trại tạm giam để điều tra lại. Khu vựccòn lại chia ra nhiều cụm 15 phòng (gọi là kén) từ sàn nhà đến trần đều lắp kính, mỗi cụm có bếp và nhà ăn chung, nhỏ thôi nhưng tiện nghi.

Mỗi phòng chỉ có một tù nhân. Trong phòng có buồng vệ sinh và bếp nhỏ riêng.

Phòng giam

Tù nhân ở đây không mặc áo tù mà mặc áo quần riêng như ở nhà. Tất cả đồ dùng đều bằng kim loại.

Hohensinn giải thích: “Họ là tội phạm nhưng cũng là con người. Càng cho họ có một cuộc sống bình thường, chúng ta sẽ càng ít phải lo khi họ ra khỏi nơi này tái hòa nhập với xã hội”. Nguyên tắc của ông rất giản dị: “An ninh tối đa ở bên ngoài, tự do tối đa ở bên trong”.

Nhân phẩm người tù

Phần không gian chung có phòng tập thể dục (hai phòng), phòng cầu nguyện đa tôn giáo, phòng nghe nhìn đa phương tiện, phòng đào tạo nghề, phòng chơi bóng bàn, tất cả đều được sơn màu nóng, tạo một môi trường ấm cúng và thân thiện.

Dĩ nhiên, nhà tù này không thể thiếu thư viện,sân chơi bóng rổ và sân đi dạo. Nhưng đặc biệt hơn hết làphòng tiếp vợ (hoặc chồng) con. Tù nhân được phép ở chung với vợ (hoặc chồng) tối đa 24 giờ trong một phòng riêng biệt.

Hầu hết các nhà tù trên thế giới đều có một màu xám ngoét, không gian lạnh lùng, những người gác tù mặt lạnh như tiền, nghiêm khắc sẵn sàng thị uy nếu tù nhân vi phạm nội quy khắc nghiệt. Nhà tù Leoben hoàn toàn trái ngược. Ở nơi khác người ta trừng phạt tù nhân không chỉ bằng thời gian giam giữ mà còn bằng kiến trúc. Họ bịnhốt trong một căn phòng khoákín,một khối kiến trúc khép kín. Ở Leoben, kiến trúc tôn trọng nhân phẩm với một không gian mở.

Nhà tù Leoben mới hoạt động 5 năm, một thời gian quá ngắn để có thể trả lời câuhỏi: Tiện nghi và không gian tuyệt vời của Leoben có làm gia tăng tội phạm hay không? Hohensinn nói ông không quan tâm đến chuyện đó mà chỉ quan tâm đến nhân phẩm người tù khi ông thiết kế nhà tù Leoben.

Theo Văn Anh/Người lao động

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nha-tu-5-sao-leoben/20200203091207597