Nhà truyền thống cách mạng TP. Vũng Tàu: Nơi lưu giữ ký ức lịch sử hào hùng

Nhà truyền thống cách mạng TP.Vũng Tàu (số 1, Ba Cu, TP.Vũng Tàu) trước đây là trụ sở Ủy ban Việt Minh. Trải qua các thời kỳ chiến tranh, nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn các hình ảnh về ký ức lịch sử đấu tranh hào hùng của quân dân BR-VT.

Nhà truyền thống cách mạng Vũng Tàu (số 1 Bacu, TP. Vũng Tàu).

Nhà truyền thống cách mạng Vũng Tàu (số 1 Bacu, TP. Vũng Tàu).

Nhà truyền thống cách mạng TP.Vũng Tàu được xây dựng từ năm 1908-1913 với diện tích đất rộng 6.580m2. Nhà được xây dựng theo kiến trúc công sở thời Pháp thuộc, vốn là văn phòng chỉ huy quân sự khu vực Vũng Tàu từ thập niên đầu của thế kỷ 18 đến khi Nhật đảo chính Pháp. Đó là một ngôi biệt thự xây cất đồ sộ (thường gọi là P.O) có hai tầng thoáng mát, đủ tiện nghi, nằm sát biển ở Bãi Trước. Trong khu biệt thự còn có văn phòng tham mưu trực thuộc (gọi là ETAT MAJOR), nơi thường xuyên có sĩ quan Pháp làm việc.

Về quá trình hình thành và vai trò của Nhà truyền thống cách mạng TP.Vũng Tàu, ông Võ Quý Khanh, Phó trưởng phòng VHTT TP.Vũng Tàu cho biết, vào những năm 40 của thế kỷ XX, những nhà hoạt động cách mạng ở Nghệ An như: Nguyễn Xuân Nhật, Hồ Sĩ Nam đã vào TX. Vũng Tàu (nay là TP.Vũng Tàu) cùng với ông Nguyễn Bảo (tỉnh Thanh Hóa), cựu tù Côn Đảo và một số đồng chí yêu nước hình thành nên nhóm các nhà hoạt động cách mạng. Năm 1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, toàn bộ sĩ quan Pháp bị bắt giải lên Sài Gòn. Trong những ngày khởi nghĩa, Ủy ban khởi nghĩa Vũng Tàu bao gồm các đồng chí Nguyễn Xuân Nhật, Hồ Sĩ Nam, Nguyễn Bảo, Lê Đình Y, Bùi Cửu và nhiều đồng chí khác đã làm việc tại căn biệt thự này.

Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Việt Minh đã nhanh chóng bắt liên lạc với xứ ủy Nam kỳ qua đồng chí Dương Bạch Mai, nhận Chỉ thị chuẩn bị cướp chính quyền. Qua đó trích “Chương trình Việt Minh”, viết truyền đơn rải khắp thị xã kêu gọi nhân dân Vũng Tàu nổi dậy và chuẩn bị lực lượng vũ trang làm bạo lực cách mạng cho cuộc khởi nghĩa. Trong những ngày khởi nghĩa, các đồng chí lãnh đạo cốt cán cùng lực lượng bảo vệ, cảm tử quân hơn 40 người ngày đêm túc trực, làm việc tại trụ sở. Ngày 28/8/1945, tại sân vận động Lam Sơn cách trụ sở Ủy ban Việt Minh 300m, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Việt Minh TX. Vũng Tàu, cuộc mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân địa phương giành thắng lợi.

Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ủy ban Việt Minh đóng vai trò là lãnh đạo nòng cốt bám trụ Vũng Tàu, Bà Rịa và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Cuối năm 1945, Vũng Tàu-Bà Rịa sát nhập thành 1 tỉnh, các đồng chí lãnh đạo trong Ủy ban Việt Minh và chi bộ Đảng được điều về Bà Rịa, trụ sở cũng được di dời.

Sau khi đất nước được giải phóng, di tích trụ sở Ủy ban Việt Minh đã có những đóng góp không nhỏ vào công tác du lịch của thành phố biển Vũng Tàu. Năm 1978, di tích đã được xây dựng thêm một số công trình phụ như nhà trệt ở phía sau, lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ ở bên trong, xây thêm phòng trên lầu, cải tạo mặt bằng ngoại thất… Tuy nhiên không làm ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan xung quanh và thiết kế chính của ngôi nhà. Năm 1991, trụ sở Ủy ban Việt Minh được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và đổi tên thành Nhà truyền thống cách mạng TP. Vũng Tàu.

Các bạn trẻ tìm hiểu lịch sử, tham quan Nhà truyền thống TP.Vũng Tàu.

Hiện nay, để phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử, tham quan di tích của người dân địa phương, bên trong hai tầng nhà truyền thống được sử dụng làm thư viện, nơi trưng bày, triển lãm, tổ chức hội họp. Phía tầng lầu là phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử, hình ảnh lãnh đạo của thành phố qua các thời kỳ và nhiều những hiện vật khác...

Bài, ảnh: BẢO NGỌC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/noi-ay-que-nha/202005/nha-truyen-thong-cach-mang-tp-vung-tau-noi-luu-giu-ky-uc-lich-su-hao-hung-899107/